Hiếu Bá Linh (Tổng hợp)
Hai năm trước, đúng ngày 23/7, tại Berlin Tiergarten, Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc bởi mật vụ Việt Nam. Cho đến nay ông ta vẫn còn bị nhốt trong nhà tù ở Việt Nam.
Cách đây 2 năm, người Việt Nam xin tị nạn và là cựu chính trị gia Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc bởi mật vụ Việt Nam tại công viên Tiergarten ở Berlin. Vài ngày sau đó, Thanh bị đưa về Việt Nam trong một điệp vụ.
Theo điều tra của cảnh sát, các địa điểm dùng để giam giữ nạn nhân bị bắt cóc là Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, một căn hộ tư nhân ở Brno, thuộc Cộng hòa Séc và bãi đậu xe của khách sạn chính phủ ở Bratislava, thủ đô Slovakei. Tại đây, 3 ngày sau vụ bắt cóc xảy ra, một chuyên cơ của chính phủ Slovakia đã chở Trịnh Xuân Thanh bay ra khỏi khu vực Schengen.
Chiếc chuyên cơ này được Bộ trưởng Nội vụ Slovakia lúc bấy giờ là ông Robert Kaliňák cho người đồng cấp Việt Nam là Tô Lâm mượn và Tô Lâm cũng có mặt trên chuyến bay này. Liệu ông Kaliňák có biết lý do của chuyến bay đặc biệt này hay không, vẫn là một câu hỏi mở. Chính vì thế đã xảy ra một số cuộc khủng hoảng của chính phủ ở Slovakia mà đảng SMER cầm quyền chỉ khoanh tay ngồi chờ sự việc tự diễn biến.
Chính phủ Việt Nam: Không có vụ bắt cóc!
Kể từ sau Chiến tranh Lạnh, đây là vụ bắt cóc đầu tiên xảy ra trên lãnh thổ Đức bởi một cơ quan tình báo nước ngoài. Vụ bắt cóc này vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền nước Cộng hòa Liên bang Đức. Đức đã phản ứng gay gắt. Hai nhà ngoại giao Việt Nam đã bị trục xuất vì tham gia vụ bắt cóc và quan hệ giữa hai nước đã bị đóng băng, xuống đến mức thấp nhất. Phát ngôn viên chính phủ Steffen Seibert tuyên bố vào thời điểm đó rằng, Đức mong đợi một lời xin lỗi từ Việt Nam, trừng phạt những người có trách nhiệm và trả lại nạn nhân bị bắt cóc cho Đức.
Tất cả đều không được đáp ứng, vì theo giải thích của Việt Nam, không hề có một vụ bắt cóc. Thay vào đó, Hà Nội nói rằng, đó là một sự tự nguyện trở về đầu thú của một kẻ phạm tội đã ăn năn hối cải. Tiếp theo là một giai đoạn dài, quan hệ ngoại giao của hai nước được giữ kín để giải quyết vấn đề. Trong phiên tòa xét xử ông Trịnh XuânThanh, Hà Nội đồng ý không tuyên án tử hình ông, mà Việt Nam thường áp dụng đối với tội phạm kinh tế. Ngoài ra, Hà Nội cho phép các quan sát viên người Đức tham dự phiên tòa và trả tự do cho luật sư nhân quyền Việt Nam là ông Nguyễn Văn Đài, ra khỏi nhà tù, đưa ông Đài đến Đức vào mùa hè năm ngoái.
Vào mùa thu năm 2018, chính phủ Liên bang Đức đã chịu áp lực từ giới kinh doanh Đức, họ muốn nối lại hoạt động kinh doanh tại thị trường tăng trưởng Đông Nam Á này và bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Điều này đã bóp nghẹt cuộc tranh cãi nội bộ ở Việt Nam, kể cả Bộ Ngoại giao nước này, về việc trả Trịnh Xuân Thanh về nước Đức. Hiện nay, ông Thanh, nạn nhân bị bắt cóc vẫn đang bị giam giữ tại Việt Nam. Ông đã bị kết án tù chung thân (2 lần).
Trong thời gian qua, có nhiều tin đồn nói rằng, Trịnh Xuân Thanh đã âm thầm trở lại nước Đức và hiện đang sống ở một nơi nào đó trên nước Đức. Hai nước Việt Nam và Đức đã thỏa thuận với nhau là giữ bí mật chuyện này.
Để tìm hiểu thực hư, trang Thoibao.de đã hỏi Bộ Ngoại giao Đức và được trả lời như sau: “Bộ Ngoại giao Đức không có thông tin nào về việc ông Trịnh Xuân Thanh đã trở lại nước Đức”.
Ngoài Bộ Ngoại giao Đức, trang Thoibao.de còn hỏi bà Petra Schlagenhauf, luật sư của ông Thanh ở nước Đức. Bà Schlagenhauf nói: “Trước như sau, thân chủ của tôi vẫn đang ngồi trong trại tạm giam của Bộ Công an”.
Như vậy, trang Thoibao.de đã hỏi 2 nguồn độc lập khác nhau và cả 2 nguồn đều xác nhận rằng Trịnh Xuân Thanh hiện vẫn còn bị nhốt trong nhà tù ở Việt Nam.
Một câu hỏi được đặt ra, Trịnh Xuân Thanh có hy vọng được trả tự do hay không? Và nếu có, thì khi nào ông Thanh sẽ được đưa về lại Đức?
Bà Petra Schlagenhauf, luật sư của ông Thanh, nói rằng, “cho đến nay, những nỗ lực để Trịnh Xuân Thanh được trả tự đã không có kết quả, nhưng các nỗ lực này vẫn được tiếp tục tiến hành một cách mạnh mẽ”.
Trả lời báo TAZ, Bộ Ngoại giao Đức chỉ cho biết rằng, “có những cuộc nói chuyện thường xuyên với chính phủ Việt Nam mà đề tài là vụ việc Trịnh Xuân Thanh“, và về những nỗ lực của các nhà ngoại giao Đức muốn đến thăm ông Thanh trong nhà tù.
Qua những sự kiện trên cho thấy, những nỗ lực để ông Thanh được trả tự do vẫn được tiếp tục tiến hành mạnh mẽ và chính phủ Đức vẫn quan tâm đến đến trường hợp ông Thanh, thậm chí còn đòi được vào thăm ông ta trong tù.
Bà Petra Schlagenhauf, luật sư của ông Thanh, cho biết, ông Thanh vẫn bị giam trong nhà tù B14. Bà nói: “Mặc dù ông ta đã bị kết án theo quan điểm của Việt Nam và bản án đã có hiệu lực, nhưng ông ta không được chuyển tới một trại giam bình thường”.
Đó là một chi tiết đáng chú ý, vì trước đây luật sư Nguyễn Văn Đài đã bị kết án 15 năm tù và mặc dù bản án đã có hiệu lực nhưng ông vẫn bị giam giữ tiếp tục trong trại tạm giam B14. Một thời gian sau đó, luật sư Nguyễn Văn Đài được đưa thẳng từ trại tạm giam B14 ra sân bay Nội Bài để bay sang Đức.
Điểm trùng hợp thứ hai, là cả luật sư Nguyễn Văn Đài lẫn Trịnh Xuân Thanh đều không kháng án lên tòa phúc thẩm, trong khi tất cả những người khác bị kết án cùng chung trong phiên tòa sơ thẩm đều kháng án. Phải chăng, đã có một sự dàn xếp hoặc một thỏa thuận nào đó, cho nên mới bỏ cơ hội kháng cáo bản án sơ thẩm với mức án rất nặng?
Nói tóm lại, Trịnh Xuân Thanh vẫn có hy vọng được trả về lại Đức. Cũng cần nên biết rằng, sau khi bị bắt cóc, Thanh đã được Đức quyết định công nhận tỵ nạn hồi cuối năm 2017, tức là được cấp quy chế tỵ nạn ở nước Đức. Do đó, chính phủ Đức phải có trách nhiệm với người được nước Đức công nhận tỵ nạn.
Rất có thể cuối năm nay hoặc đầu năm tới, khi Hiệp định Tự do Thương mại EU – Việt Nam hoàn tất (được Nghị Viện EU bỏ phiếu thông qua), thì Trịnh Xuân Thanh sẽ được trả về lại Đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét