Hải Dương 981 ngoài khơi biển Việt Nam, tháng Năm, 2014.
Phải mất đến hai tuần lễ ‘cân nhắc đại cục’, đến chiều ngày 19/7/2019 Bộ Chính trị đảng Việt Nam mới chỉ đạo cho Bộ Ngoại giao của chế độ này mở miệng: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông”.
Lần mở miệng hiếm muộn
Lần mở miệng trên là một dịp quá hiếm muộn mà giới chóp bu Việt Nam dám gọi đích danh cái tên Trung Quốc, thay cho não trạng suy sụp về ‘tàu lạ’ và ‘người lạ’ trong rất nhiều lần trước.
Trong vụ giàn khoan Hải Dương 981 xông thẳng vào vùng chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông vào tháng 5 năm 2014 như một cái tát nảy đom đóm vào mặt Bộ Chính trị Việt Nam, Hà Nội đã chỉ dám hé môi ‘càm ràm’ đích danh cái tên Trung Quốc với độ trễ sau đó đến cả tháng trời.
Còn trong hai lần tàu Trung Quốc vây bọc và gây sức ép tại Bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2017 và tháng 3 năm 2018 để buộc Repsol - một công ty Tây Ban nha là đối tác liên doanh khai thác dầu khí với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - phải rút lui khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đã hầu như chẳng thấy ‘người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam’ vung tay về phương Bắc, dù chỉ để ấp úng ‘phản đối’ như một lối đọc vẹt chẳng cần tới sách vở.
Vào thời gian trên, cho dù có muốn loan tải những thông tin trên kèm theo thái độ phẫn nộ, một số tờ báo nhà nước cũng bị Ban Tuyên giáo trung ương – cơ quan nổi tiếng với biệt danh “vòng kim cô” – cấm cản. Chính thể độc đảng ở Việt Nam đã giấu biệt thông tin được coi là quá sức nhạy cảm này và như co rúm trong nỗi sợ hãi của lịch sử “ngàn năm Bắc thuộc” lẫn và hiện tại “mười sáu chữ vàng”.
Vẫn chưa hết run sợ
Sau vụ “giương cờ trắng” lần đầu ở Bãi Tư Chính vào tháng Bảy năm 2017, trong cơn quẫn bách mất ngủ lẫn mất ăn, Hà Nội đã một lần nữa phải “cầu viện” Hoa Kỳ, mà cụ thể là kêu gọi một sự hỗ trợ từ hải quân Hoa Kỳ. Tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam – được giao nhiệm vụ sang Washington để thuyết phục Bộ trưởng quốc phòng Mỹ James Mattis hỗ trợ hải quân.
Thế nhưng những gì mà hải quân Mỹ đã tiếp cận Biển Đông vào tháng 3 năm 2018 vẫn không khiến cho giới chóp bu Việt Nam hết run sợ trước Trung Nam Hải.
Ngay sau khi hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ rút về nước và công ty Repsol của Tây Ban Nha cùng đối tác của nó ở Việt Nam một lần nữa thử khai thác dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ, nỗi nhục Bãi Tư Chính lại nổ ra lần thứ hai và phủ đầy khắp bộ mặt chính thể Việt Nam: tháng 3 năm 2018, một lần nữa Repsol phải tháo chạy khỏi mỏ dầu khí này sau khi Trung Quốc lại ra tay dọa dẫm. Và đó là lần mà Repsol có vẻ ‘một đi không trở lại’. Còn ‘bản lĩnh Việt Nam’ đã chỉ hiển hiện đến mức cúi đầu chấp nhận bồi thường cho Repsol hơn 200 triệu USD chi phí ban đầu (có ước tính cho biết con số này còn cao hơn, có thể lên đến hơn 300 triệu USD), nhưng đã không thể, và trong thực tế là còn lâu mới dám hó hé trước sức ép ngày càng thô bạo của Trung Quốc.
Trong suốt thời gian trên, giới chóp bu Việt Nam còn bị hành hạ không ngớt bởi cái bóng của Vương Nghị - ngoại trưởng Trung Quốc với gương mặt lạnh như tiền - và lời đề nghị như thể chiếu chỉ của họ Vương về ‘Trung Quốc và Việt Nam cùng hợp tác khai thác dầu khí trên biển’. Nếu chấp nhận đề nghị này, giới chóp bu Việt Nam đương nhiên phải mời kẻ cướp vào nhà mình và tự nguyện dâng hiến tài sản cho y.
Chưa bao giờ ‘bản lĩnh Việt Nam’ bị thách thức và đe dọa đến thế: tiền nằm ngay trong túi mà không làm sao lấy ra được.
Giờ đây, kịch bản thất bại đến mất ngủ ở Bãi Tư Chính đang lặp lại, khiến giới chóp bu Việt Nam mất ăn dầu khí ngay trên vùng lãnh hải của mình và càng bế tắc trong cơn ác mộng ngân sách trước những khoản nợ nước ngoài đang ập đến như sóng thần Biển Đông.
Có cầu cứu Mỹ một cách thực chất?
Hiện tượng Bộ Ngoại giao, mà đằng sau đó là bộ Chính trị Việt Nam, rốt cuộc đã phải và dám gọi đích danh Trung Quốc “đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tại khu vực phía nam Biển Đông” trùng với những tin tức về việc tàu Hải Dương - 8 và những tàu cảnh sát biển vẫn ung dung ngự trị ngay gần đảo Trường Sa Lớn và vẫn tiếp tục ‘thăm dò dầu khí’ như chốn không có chủ quyền, phát ra chỉ dấu Bắc Kinh không hề có ý định rút tàu Hải Dương - 8 về nước, mà còn có thể thi hành chiến thuật ‘vờn tàu’ với phía Việt Nam trong một thời gian nữa - tương tự cái cách mà Hải Dương 981 và nhiều tài hải giám đã xung sát với tàu Việt Nam vào năm 2014.
Cú vỗ mặt trên lại xảy ra ngay trong và sau chuyến thăm Trung Quốc của Nguyễn Thị Kim Ngân - chủ tịch quốc hội - như một thông điệp không thể cởi mở hơn của Bắc Kinh về việc muốn biến Việt Nam thành chư hầu và biến giới quan lại Việt thành một đám quần thần thành ‘ngựa xe mấy cỗ quân hầu vài tên’.
Rốt cuộc, những chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh đã một lần nữa nắm thóp được tâm lý sợ hãi đến mức ‘đái ra quần’ của giới chóp bu Việt Nam. Vụ Trung Quốc cho tàu thăm dò địa chất Hải Dương - 8 xâm nhập vào khu vực bãi Tư Chính vào tháng 7 năm 2019 chỉ là bước thăm dò ‘bản lĩnh Việt Nam’ thêm một lần nữa, để nếu Hà Nội vẫn không có nổi một động tác ngả mạnh về Mỹ thì Bắc Kinh sẽ tiếp tục những đòn gây hấn mới hơn và khó chịu hơn nhiều, với hai mục tiêu song hành: vừa buộc Việt Nam phải chia bôi nguồn dầu khí khai thác được ở Bãi Tư Chính, vừa chặn lối chuyến đi Mỹ sắp tới của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng.
Vậy vào lần này, khi bị ‘đồng chí tốt’, hay còn gọi là ‘bạn vàng’ và cũng là ‘đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất’ hung hãn bắt nạt ở Bãi Tư Chính - khu vực ‘thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam’, giới chóp bu Việt Nam sẽ phản ứng thế nào? Liệu sẽ vẫn chịu ‘nuốt nhục’, mà thực chất là ‘hèn với giặc’ như nhiều lần trước, hay sẽ tỏ ra can đảm hơn chạy sang Mỹ để cầu cứu hỗ trợ, nhưng phải là hỗ trợ tác chiến chứ không còn là ‘giao lưu hải quân’ như trước đây, từ Hạm đội Thái Bình Dương?
Từ tháng 7 năm 2017, ‘cầu cứu Mỹ’ đã trở thành một triết lý sống còn và cũng là logic không có thì chết của chính thể Việt Nam. Chính thể này, trong khi khư khư ôm trọn quyền hành ‘đã có đảng và nhà nước lo’ để không những không chấp nhận tinh thần yêu nước và biểu thị phản đối Trung Quốc của người dân Việt, mà còn cho công an lao vào đoàn người biểu tình - hệt cảnh bầy cho dữ lao vào cắn xé những con mồi của chúng, thì chỉ còn nhìn thấy ở Mỹ như một cứu cánh duy nhất, trong khi cả Nga và hàn chục ‘đối tác chiến lược toàn diện’ khác đều thản nhiên quay lưng trước cơn nguy khốn nguy cơ chiến tranh Việt - Trung.
Thế nhưng sự thể tồi tệ là não trạng đu dây chính trị vẫn bị nén chặt trong những cái đầu bí bách và bế tắc. Từ năm 2017 đến nay đã chẳng có bước tiến đáng kể nào trong mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ, trong khi vấn đề sự hiện diện của hải quân và không quân Hoa Kỳ tại quân cảng Cam Ranh lẽ ra đã phải được ưu tiên số một.
Thái độ vặn vẹo gần đây của Donald Trump với Việt Nam cho thấy ông ta có vẻ không hài lòng với tiến trình ‘hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ’ như rùa ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét