Người dân Hồng Kông biểu tình chống dự luật dẫn độ và đòi cải cách dân chủ, ngày 21/07/2019. REUTERS
Tính đến 21/07/2019, người dân Hồng Kông đã bảy lần xuống đường chống dự luật dẫn độ, đòi tổ chức điều tra độc lập về tình trạng bạo lực trong các cuộc tuần hành. Sau đỉnh điểm hơn 1 triệu người hôm 09/06, cuộc biểu tình ngày 21/07 đã thu hút hơn 430.000 người với khẩu hiệu : “Không bạo lực, đoàn kết và không chia rẽ”.
“Không bạo lực”, vì phong trào đấu tranh đòi dân chủ ở Hồng Kông không muốn lặp lại sự cố hàng chục thanh niên tấn công trụ sở Nghị Viện Hồng Kông. Tuy nhiên, đến tối 21/07, rất nhiều người đã tấn công Văn phòng Liên lạc Bắc Kinh. Đây là lần đầu tiên họ chuyển mục tiêu tấn công sang các cơ sở của chính quyền trung ương. Hành động này có thể sẽ bị Bắc Kinh coi là nhằm thách thức chủ quyền quốc gia.
Phong trào biểu tình yêu cầu những gì ? Người dân Hoa lục nhìn phong trào đấu tranh ở Hồng Kông như thế nào ? Giáo sư Jean-Pierre Cabestan, đại học Baptist ở Hồng Kông, đã trả lời một số câu hỏi của RFI tiếng Việt.
RFI : Thưa giáo sư Jean-Pierre Cabestan, chính phủ Hồng Kông đã phải lùi bước khi tuyên bố dự luật dẫn độ "đã chết". Nhưng người biểu tình không chấp nhận và tiếp tục xuống đường. Phong trào này sẽ đi tới đâu ? Mục đích của họ là gì ?
G.S. Jean-Pierre Cabestan : Tôi cho rằng mục tiêu của phong trào hiện nay lớn hơn nhiều. Nói theo một cách nào đó, phong trào đã thành công vì đã buộc được trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga đình chỉ dự luật dẫn độ, thậm chí bà tuyên bố là dự luật trên "đã chết", nhưng lại không nhắc đến việc "rút"dự luật đó. Có thể là bà muốn tìm cách chơi chữ và không dùng đúng những từ mà những người biểu tình muốn bà phải sử dụng.
Vấn đề ở chỗ là những yêu sách của người biểu tình còn rộng hơn, triệt để hơn. Trước tiên, đó là thuyết phục được chính phủ mở một cuộc điều tra độc lập về tình trạng bạo lực ở các bên, kể cả từ phía cảnh sát, trong cuộc biểu tình hôm 12/06, cũng như trong cuộc tuần hành ngày 01/07.
Hiện giờ, phong trào cũng mang mầu sắc chính trị hơn nhiều kể từ ngày 01/07, bởi vì phong trào cũng có yêu sách tương tự với phong trào Dù vàng, và vì phong trào muốn gây sức ép với chính phủ Hồng Kông và chính quyền Bắc Kinh để chính quyền phải khởi động lại dự luật cải cách chính trị và phải có những nhượng bộ cho người dân Hồng Kông về một nền dân chủ hoàn toàn, khác với năm 2014.
Phải chăng người dân Hồng Kông đang lo bị mất các quyền tự do, dân chủ ?
Người dân Hồng Kông rất gắn bó với quyền tự do công cộng của họ, cũng như tự do về chính trị mà họ được hưởng từ rất nhiều năm nay, cũng như những bảo đảm về tư pháp mà họ có thể được hưởng, bởi vì hệ thống tư pháp của Hồng Kông vẫn rất độc lập, về cơ bản là độc lập trừ khi Quốc Hội Trung Quốc ở Bắc Kinh can thiệp và diễn giải một cách hạn chế luật pháp Hồng Kông. Nhưng trong đa số trường hợp, tư pháp Hồng Kông độc lập.
Ngoài ra, còn phải kể đến rất nhiều quyền tự do khác mà người dân Hồng Kông được hưởng, như tự do truy cập internet, đa đảng, bầu cử ở cấp địa phương phần nào đó mang tính dân chủ... Có nghĩa là có rất nhiều quyền tự do chính trị hông hề tồn tại ở Hoa lục. Và người dân Hồng Kông rất gắn bó với toàn bộ những quyền tự do này.
Người Trung Quốc Hoa lục nhìn nhận các cuộc biểu tình ở Hồng Kông như thế nào ?
Rất khó để đưa ra một câu trả lời tổng hợp. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng nhìn chung người Trung Quốc ở Hoa lục khó hiểu được những gì đang xảy ra ở Hồng Kông. Họ có một chút coi thường người dân Hồng Kông, tương tự như người dân Hồng Kông cũng coi thường người dân Hoa lục vì họ kém văn minh, cư xử thô lỗ, ít quan tâm đến các quyền tự do chính trị. Đúng là ở Hoa lục, có rất ít những đòi hỏi công khai về dân chủ.
Người dân ở Hoa lục không hiểu được làn sóng phản đối luật dẫn độ, vì họ nghĩ rằng Hồng Kông là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và như vậy phải chịu mọi quy định của Hoa lục. Theo tôi, đây chính là lý do khiến khoảng cách về những giá trị giữa Hồng Kông và Hoa lục sẽ còn khá lớn.
Nói một cách khác, Hồng Kông vẫn còn có những giá trị chính trị theo khuynh hướng tự do, như đa đảng, các quyền tự do căn bản... Đó là truyền thống chính trị tự do tồn tại từ lâu, được người Anh du nhập vào, dù dưới thời đó, Hồng Kông không có dân chủ hoàn toàn. Những giá trị đó đã tồn tại trước khi Hồng Kông được trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997.
Còn tại Hoa lục, tồn tại chế độ “chuyên quyền của đảng Cộng sản”, nên vắng bóng văn hóa dân chủ. Tại Hoa lục, văn hóa dân chủ vừa bị trấn áp, vừa bị gạt sang bên lề. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó không tồn tại, vẫn có một luồng tư tưởng tự do trong giới tinh hoa Trung Quốc, mà chúng ta có thể nhận thấy qua một số phong trào, như của Lưu Hiểu Ba cho tới khi ông qua đời, hoặc phong trào lập hiến hiện nay... Nhưng phải nói rằng những phong trào này rất hiếm và thường bị trấn áp.
Người dân Hồng Kông còn biểu tình ở ga Kowloon, nơi có nhiều du khách Trung Quốc tới. Liệu cách làm của họ có mang lại kết quả không ?
Đó phần nào là mục đích của những người biểu tình Hồng Kông. Tôi không vào được bên trong nhà ga, vì cảnh sát canh giữ xung quanh khu vực này. Người biểu tình muốn tác động đến người dân từ Hoa lục tới. Nhưng tôi nghĩ rằng thành công của ý tưởng này phần nào bị hạn chế.
Điều này làm tôi nhớ đến phản ứng của người dân Hoa lục về phong trào Dù vàng. Ở Bắc Kinh chẳng hạn, phản ứng rất tiêu cực, họ coi người dân Hồng Kông như những đứa con được nuông chiều, bạc bẽo với Mẹ Tổ quốc. Phản ứng ở Thượng Hải cũng khá tiêu cực.
Nhưng ngược lại, ở Quảng Đông, nơi người dân được thông tin nhiều hơn về những gì xảy ra ở Hồng Kông bằng các phương tiện khác nhau, vì họ không chỉ bắt được truyền hình, nghe đài phát thanh Hồng Kông, mà họ còn có gia đình sống ở Hồng Kông, nên vẫn đi lại giữa Hồng Kông và tỉnh Quảng Đông và có điều kiện trao đổi với nhau. Vì thế, phản ứng của họ về những gì diễn ra ở Hồng Kông không gay gắt bằng, dù nhìn chung người dân vẫn phản đối các phong trào ở Hồng Kông.
Tôi xin kể câu chuyện một người bạn, là chủ một cơ sở may váy cưới ở Đông Quản (Dongguan), một thành phố ở miền nam tỉnh Quảng Đông. Tôi đến thăm cơ sở cách đây một tháng và công nhân ở đó nói rằng phong trào chống dự luật dẫn độ là một âm mưu của Mỹ, có nghĩa là do Mỹ chỉ đạo và đó là sự can thiệp của nước ngoài, trong đó có Hoa Kỳ, vào nội bộ Trung Quốc.
Điều này cho thấy sự tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc tác động khá lớn đến người dân, trong đó có những người thuộc tầng lớp bình dân. Họ không có phương tiện thông tin nào khác ngoài truyền thông nhà nước. Trong khi chúng ta đều biết, phong trào phản đối ở Hồng Kông không phải do nước ngoài giật dây, mà tự phát trong xã hội đặc khu, vì người dân Hồng Kông rất gắn bó với những quyền tự do của mình.
Phải nhắc lại là xã hội Hồng Kông còn được hình thành từ những người lưu vong năm 1949, chạy trốn chế độ Cộng sản. Vì thế, văn hóa chính trị ở Hồng Kông - thông qua những gia đình, lịch sử gia đình hay thảm kịch gia đình - cũng là lịch sử về những con người trốn chế độ Cộng sản, và họ thường chống chế độ Cộng sản.
Dù hiện tại chế độ Cộng sản ở Trung Quốc không phải như thời Mao, nhưng dù sao vẫn là một chế độ chính trị độc đảng và không phải là nền dân chủ, một đời sống chính trị tự chủ. Điều mà người ta thường quên, đó là gien của người dân Hồng Kông là gien chống Cộng sản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét