Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

12261 - ‘Nhân văn’ đến thế là… cùng!



Quan chức Bộ GD-ĐT họp báo về gian lận thi tốt nghiệp ở Hà Giang hồi tháng Bảy, 2018.


Cách thức xử lý hai vụ gian lận thi cử, một ở Sơn La, một ở Hà Giang, vừa cho thấy tư pháp xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hết sức nghiêm minh, vừa chứng tỏ nỗ lực… tự chỉnh đốn của đảng ta quả là phi phàm và… “nhân văn” đã vượt qua mọi giới hạn để dẫn dắt chúng ta đi từ ngạc nhiên đến sửng sốt !
Viện Kiểm sát tỉnh Sơn La vừa công bố cáo trạng liên quan tới vụ gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông xảy ra hồi năm ngoái ở tỉnh này.
Theo đó, cơ quan thay mặt Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hành quyền công tố tại Sơn La, hoàn toàn nhất trí với công an tỉnh – cơ quan bảo vệ pháp luật xã hội chủ nghĩa tại Sơn La - trong việc xác định tám bị can: Trần Xuân Yến (Phó Giám đốc Sở GDĐT Sơn La), Lò Văn Huynh (Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục – KT QLCLDG - Sở GDĐT Sơn La), Nguyễn Thanh Nhàn (Phó Phòng KT QLCLDG Sở GDĐT Sơn La), Cầm Thị Bun Sọn (Phó Phòng Chính trị - Tư tưởng Sở GDĐT Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (Chuyên viên Phòng KT QLCLDG Sở GDĐT Sơn La), Đặng Hữu Thủy (Hiệu phó trường THPT Tô Hiệu), Đinh Hải Sơn (sĩ quan Bảo vệ chính trị nội bộ - BV CTNB - Công an Sơn La), , Đỗ Khắc Hưng (sĩ quan BVCTNB, Công an Sơn La) – chỉ phạm tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (1).
Cho dù có đủ bằng chứng xác định, các bị can câu kết chặt chẽ trong tất cả các khâu liên quan đến gian lận điểm thi của hơn 40 thí sinh, thậm chí có bốn bị can vừa thú nhận đã lấy cả tỉ đồng để sửa bài – nâng điểm cho thí sinh, vừa tự giác nộp lại cho cơ quan bảo vệ pháp luật những khoản tiền “do phạm tội mà có” nhưng cả Công an Sơn La lẫn Viện Kiểm sát Sơn La đều không cho rằng đó là “nhận hối lộ”. Cơ quan bảo vệ pháp luật xã hội chủ nghĩa tại Sơn La và cơ quan giám sát hoạt động điều tra – thực thi pháp luật xã hội chủ nghĩa, thay mặt Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hành quyền công tố nhất trí với nhau rằng, lời khai – vật chứng (số tiền “do phạm tội mà có” đã được các bị can tự nguyện nộp lại) chỉ cho thấy có dấu hiệu của nhiều tội liên quan đến tham nhũng: “Môi giới hối lộ”, “đưa hối lộ”, “nhận hối lộ”,… nhưng… không đủ “căn cứ truy tố” (2).
Sau khi Công an Sơn La khởi tố vụ án dính líu đến gian lận thi cử ở Sơn La hồi năm ngoái, 44 thí sinh từng được sửa bài thi nâng từ 2,22/30 điểm đến 26,55/30 điểm, có một số trường hợp, bài thi được sửa đến hai lần mới đạt yêu cầu theo… đơn đặt hàng (3), có một thí sinh chẳng hiểu vì sao rớt khỏi danh sách sửa bài – nâng điểm trong Kết luận Điều tra của Công an Sơn La và Cáo trạng của Viện Kiểm sát Sơn La. Số thí sinh dính líu đến scandal sửa bài – nâng điểm chỉ còn… 43! Có nghĩa là chỉ còn 43 gia đình thắc thỏm nhưng giờ, cha mẹ của 43 thí sinh này đã có thể thở phào vì không có bị can nào trở thành bị cáo vì “nhận hối lộ”. Đã không có bị cáo “nhận hối lộ” thì tất nhiên không có bị can “đưa hối lộ”, không cần kỷ luật cán bộ, đảng viên nào có con em, cháu chắt được sửa bài, nâng điểm!
Nhìn một cách tổng quát, các cơ quan bảo vệ - thực thi pháp luật tại Sơn La đã hành xử rất nhất quán với tiêu chí chung của pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Ở Hà Giang, tỉnh mà năm ngoái, có hơn 100 thí sinh được sửa bài – nâng điểm cũng thế. Cả Công an Hà Giang lẫn Viện Kiểm sát Hà Giang nhất trí không có bị can, bị cáo nào vụ lợi. Việc tổ chức sửa bài thi – nâng điểm thuần túy là… nhân đạo (4)! Giống như Sơn La, lúc đầu, Hà Giang xác định có 114 thí sinh được sửa bài – nâng điểm nhưng khi Công an Hà Giang kết thúc điều tra, Viện Kiểm sát hoàn tất cáo trạng thì chỉ còn 107 thí sinh có liên quan tới scandal này (5). Xét về khía cạnh… nhân đạo, Hà Giang không hề thua kém Sơn La.
Nếu Sơn La tha cho tám bị can – nay chính thức là bị cáo - tội “nhận hối lộ” thì Hà Giang cũng tỏ ra không hề thua kém trong đối xử với đồng đội, đồng chí. Cả Công an Hà Giang lẫn Viện Kiểm sát Hà Giang đã khai thác tối đa các “tình tiết giảm nhẹ” hình phạt cho năm bị cáo qua Kết luận Điều tra và qua Cáo trạng. Khi Công an Hà Giang, Viện Kiểm sát Hà Giang đã… nhân đạo như thế thì tất nhiên, các bị can – nay cũng đã chính thức trở thành bị cáo – phải hết sức kiên định trong việc nhất loạt khẳng định, chuyện câu kết để sửa bài, nâng điểm chỉ thuần túy là… giúp đỡ vô vụ lợi.
Rõ ràng không phải ngẫu nhiên mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam từng đồng loạt bày tỏ ước muốn ứng xử… nhân văn, không công bố danh tính những thí sinh liên quan tới các scandal về gian lận điểm trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hồi năm ngoái.
Giờ thì đã rõ, sự trăn trở ấy không đơn thuần là bảo đảm yếu tố… nhân văn đối với những đứa trẻ chập chững vào đời mà chủ yếu nhằm giúp cha mẹ chúng an vị, tiếp tục nắm giữ quyền lực.
Cho đến giờ này, chỉ có một phụ huynh của 188 thí sinh ở Sơn La, Hà Giang, dính líu đến các scandal về gian lận thi cử bị xử lý là ông Phạm Văn Khuông (Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Giang). Nếu ông Khuông đừng là bị can, rồi là bị cáo, dính líu trực tiếp tới hoạt động sửa bài – nâng điểm ở Hà Giang, có lẽ sẽ chẳng có ai đả động đến việc truy cứu trách nhiệm của ông vì con của ông được sửa bài – nâng điểm. Ông sẽ tiếp tục cùng với 117 phụ huynh khác “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cùng đảng thực hiện… tự chỉnh đốn, thề không chừa chỗ nào là vùng cấm cho tham nhũng, tiêu cực để xây dựng tại Việt Nam một “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét