Thứ Tư, 24 tháng 7, 2019

* 12251 - Mạng xã hội Gapo của Việt Nam quá tải sau khi ra mắt



Trang chủ mạng xã hội Gapo khi truy cập bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Một ứng dụng mạng xã hội của Việt Nam là Gapo đã bị sập mạng hàng giờ do lỗi quá tải, ngay khi vừa ra mắt. AFP loan tin vừa nói hôm 24/7/2019. Hôm 22/7, Gapo đã trở thành trang mạng xã hội mới nhất của Việt Nam ra mắt sau hơn 4 tháng đầu tư, với kỳ vọng sẽ có 20 triệu người dùng vào năm 2021.
Nhưng vài giờ sau khi ra mắt vào tối thứ Hai 22/7, trang mạng vướng nhiều lỗi kỹ thuật khi người dùng mới thực hiện thao tác đăng ký.
Thậm chí, một số người dùng đã bị chặn đăng ký mới, trong khi những người khác không thể sử dụng các chức năng của ứng dụng.
Ông Dương Vi Khoa, giám đốc chiến lược của Gapo trong bài viết trên trang Facebook cho biết, ‘có những lỗi chỉ xảy ra khi hệ thống đạt đến một mức nhất định’.
Ứng dụng Gapo là một nền tảng mạng xã hội, cho phép người dùng tạo hồ sơ cá nhân, tải video, tải ảnh và đăng tải nhận xét trên trang web theo phong cách ‘news feed’.
Theo ông Khoa, mặc dù tương đồng với Facebook, nhưng Gapo không có ý định cạnh tranh với bất kỳ mạng xã hội nào.
Theo truyền thông trong nước, Công ty Gapo đã được đầu tư 21 triệu đô la từ công ty mẹ, là quỹ đầu tư rủi ro G-Capital.
Gapo được coi là một phiên bản Việt của Facebook, vốn rất phổ biến ở Việt Nam, với hơn 53 triệu người dùng đã đăng ký tại quốc gia 95 triệu dân này.
Theo AFP, chính quyền độc đảng Việt Nam đang cố gắng tăng cường các nền tảng web của riêng mình trong khi thắt chặt quyền tự do internet.
Nhưng Facebook cùng với Google, YouTube và các công ty công nghệ toàn cầu khác, đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn sau khi luật an ninh mạng hà khắc được thông qua vào năm ngoái.
Dự luật gây tranh cãi vẫn chưa được thực hiện, nhưng khi ban hành có thể yêu cầu các công ty bàn giao dữ liệu người dùng và xóa nội dung nếu được chính phủ yêu cầu.
Theo AFP, Việt Nam là nơi có hơn một nửa dân số ở độ tuổi dưới 30, đang tìm kiếm nhiều nền tảng truyền thông xã hội được thực hiện trong nước.
Các nhà quan sát cho rằng các công ty địa phương có thể sẵn sàng tuân thủ luật an ninh mạng mới.
Các trang truyền thông xã hội đã trở thành cứu cánh cho các nhà hoạt động tại Việt Nam, nơi tất cả các phương tiện truyền thông độc lập đều bị cấm và blog thường xuyên bị xóa.
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, chính phủ Việt Nam kể từ năm 2016 đã bị cáo buộc tiến hành một cuộc đàn áp chống lại các nhà phê bình, với ít nhất 128 người hiện đang bị cầm tù, hơn 10% những người này đã bị kết án vì những bình luận trên Facebook.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét