Thứ Năm, 26 tháng 9, 2019

14037 - Gia Định tam gia: Niềm tự hào của đất Sài Gòn – Gia Định



Cụ Võ Trường Toản, danh sĩ đất Gia Định, đã không ra làm quan với nhà Tây Sơn trong thời gian họ chiếm đóng vùng đất này. Cụ mở trường dạy học, thu nhận hàng trăm học trò, trong đó có ba người về sau rất hiển đạt dưới triều Gia Long, được người đời sau phong là “Gia Định tam gia”. Họ gồm có Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh và Lê Quang Định. Họ không chỉ văn hay chữ tốt, mà từng là những người đã góp phần không nhỏ trong việc gây dựng một vương triều Nguyễn tồn tại gần 150 năm.

Trịnh Hoài Đức

Giữa thế kỷ XVII, nhiều quan dân của nhà Minh vì bất phục nhà Mãn Thanh mới lên nắm quyền, đã bỏ nước ra đi và Đại Việt là một trong những miền đất họ chọn xin tá túc. Trong số những người này có Trịnh Hội, nguyên quán huyện Trường Lạc, tỉnh Phúc Châu, Trung Quốc, theo Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài), vào khai khẩn đất Trấn Biên (Biên Hòa). Chính tại nơi đây, Trịnh Hoài Đức đã ra đời năm 1765. Ông là cháu ba đời của Trịnh Hội, con trai Trịnh Khánh, vốn là người hiểu nhiều biết rộng, song mất sớm, khi ông mới 10 tuổi (1775).
Lúc bấy giờ, nhà Tây Sơn đã nổi dậy được bốn năm, chinh chiến liên miên, mẹ ông dời nhà về Phiên trấn (Gia Định), cho ông theo học cụ Võ Trường Toản. Đấy là thời điểm quan trọng không chỉ của Trịnh Hoài Đức, mà còn của Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh và hàng trăm học trò đất Gia Định. Nó hun đúc cho mỗi người tinh thần yêu nước, một kiến thức rộng để giúp nước, giúp đời.
Và cơ hội đã đến sau 13 năm được truyền thụ chữ thánh hiền. Năm 1788, Nguyễn Ánh từ đất Xiêm quay về nước, được người dân ủng hộ, theo về và đánh bật lực lượng Tây Sơn ra khỏi đất Gia Định. Trịnh Hoài Đức đã đầu quân dưới trướng Nguyễn Ánh trong dịp này, được bổ chức Hàn lâm viện chế cáo. Năm 1793, ông giữ chức Đông cung Thị giảng, theo hoàng thái tử Cảnh trấn thủ thành Diên Khánh, sau đó được thăng Hữu Tham tri bộ Hộ (như Thứ trưởng bộ Tài Chánh).

Gia Định tam gia: Niềm tự hào của đất Sài Gòn - Gia Định
Mộ cụ Trịnh Hoài Đức ở Biên Hòa.

Năm 1802, cuộc đời làm quan của Trịnh Hoài Đức rẽ sang một bước mới. Ông được thăng Thượng thư bộ Hộ (Bộ trưởng Tài chánh) và được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh, cùng hai Phó sứ là Ngô Nhơn Tịnh và Hoàng Ngọc Uẩn mang theo quốc thư, phẩm vật, sách ấn của nhà Tây Sơn, và đặc biệt hơn nữa là giải theo một số kẻ cầm đầu bọn cướp biển Trung Hoa từng tham gia trong quân đội Tây Sơn như Đông Hải vương Mạc Quan Phù,Thống lãnh Lương Văn Canh, Phàn Văn Tài, giao cho Tuần phủ Quảng Đông. Hai năm sau (1804), sứ nhà Thanh là Tề Bố Sâm được cử sang nước ta làm lễ tuyên phong vua Gia Long, Trịnh Hoài Đức được cử làm Thông dịch sứ.
Năm 1808, một tổ chức hành chánh mới được thành lập tại khu vực phía Nam là Gia Định Thành, bao gồm các trấn Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên, vua Gia Long đã cử Nguyễn Văn Nhơn làm Tổng trấn, Trịnh Hoài Đức làm Hiệp Tổng trấn. Chính trong thời gian này, ông để tâm nghiên cứu về lịch sử, địa lý, các mặt đời sống của 5 trấn Gia Định Thành, soạn thảo bộ Gia Định Thông Chí gồm ba quyển, dâng lên vua Minh Mạng năm 1820. Ở mỗi trấn, ông khảo kỹ từng ngọn núi, từng con sông, từng nếp ăn, nếp ở của con người ở mỗi địa phương.
Cho đến nay, Gia Định (Thành) Thông Chí của Trịnh Hoài Đức vẫn còn là một tác phẩm cần thiết cho những ai cần nghiên cứu các tỉnh miền Nam vào thời kỳ đầu thế kỷ XIX. Năm 1864, một nhà nghiên cứu người Pháp là Aubaret đã dịch sang tiếng Pháp tác phẩm này của Trịnh Hoài Đức.
Có một điều đáng lưu ý là năm 1821, Trịnh Hoài Đức đã được thăng Hiệp biện đại học sĩ, hàm tòng nhất phẩm, giữ chức Binh bộ Thượng thư mà theo sách Đại Nam Liệt Truyện, ông vẫn không có nhà riêng để ở (gia đình ông còn sống ở Gia Định), năm 1822, vua Minh Mạng đã cấp cho ông 3 ngàn quan tiền và gỗ, gạch, ngói, “cho làm nhà để làm chỗ nghỉ ngơi, tắm gội”. Qua năm sau, 1823, cảm thấy đã già yếu, ông dâng biểu xin nghỉ việc và đi theo đường biển trở về Gia Định cho đúng với câu “cáo chết quay đầu về núi”, song nhà vua còn cần nhiều ở ông nên giữ lại, ban cho sâm quế để điều trị.
Trịnh Hoài Đức mất vào tháng hai âm lịch năm 1825, thọ 61 tuổi. Vua Minh Mạng hết sức thương tiếc, truy thăng Thiếu bảo, Cần chánh điện Đại học sĩ, hàm chánh nhất phẩm, truyền nghỉ chầu ba ngày, ngày đưa đám về quê, cho 400 quân Thần sách đưa đến bến đò sông Hương và cấp cho hai người mộ phu.

Lê Quang Định

Ông có tên tự là Tri Chỉ, hiệu Tấn Trai, sinh năm 1759 tại huyện Phú Vinh, phủ Thừa Thiên, cha tên Sách, làm quan nhỏ, chức Thủ ngự, chẳng may mất sớm. Gia cảnh bần cùng, khi còn rất nhỏ, Lê Quang Định đã theo anh là Hiến vào đất Gia Định, cư ngụ ở huyện Bình Dương và thọ giáo cụ Võ Trường Toản.
Cũng như Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định đầu quân dưới trướng chúa Nguyễn Ánh từ năm 1788, cũng giữ chức Hàn lâm viện chế cáo, sau chuyển qua chức Điền tuấn mới được thiết lập, chia nhau đi 4 dinh Trấn Biên, Phiên Trấn, Vĩnh Trấn và Trấn Định để khuyên nhủ người nông dân ra sức làm ruộng, mộ dân lập làm điền tốt, cấp cho ruộng hoang, trâu cày…, nếu không đủ thì nhà nước cho vay, sau mùa gặt thì nộp thóc trả nợ. Điều này cho thấy ngay khi mới bắt đầu lật ngược tình thế, còn muôn vàn khó khăn trước mắt, chúa Nguyễn Ánh đã nghĩ ngay đến việc ổn định đời sống nông nghiệp của người dân, phải là một nhà lãnh đạo có óc nhìn xa trông rộng mới làm được như thế.
Năm 1793, từ chức danh Đông cung Thị giảng, Lê Quang Định được thăng Hữu Tham tri Binh bộ và tham gia tích cực vào cuộc chiến đến hồi ác liệt giữa quân nhà Nguyễn và quân Tây Sơn, đặc biệt là trận thủy chiến Thị Nại năm 1801 và việc quân Tây Sơn vây khổn thành Qui Nhơn dưới quyền Hậu quân Võ Tánh. Năm 1802, chỉ trong hai thời điểm gần nhau, vua Gia Long đã cử hai sứ bộ sang Trung Quốc. Sứ bộ trước do Trịnh Hoài Đức dẫn đầu khởi hành vào tháng 5 âm lịch năm 1802, mang theo sắc phong và ấn tín của nhà Tây Sơn để chính thức thông báo với Thanh triều sự tan rã của nhà Tây Sơn, đồng thời giải giao mấy tên cầm đầu hải tặc người Hoa như một “món quà” trong quan hệ khởi đầu giữa hai nước.
Sáu tháng sau (tháng 11 âm lịch), Lê Quang Định được thăng từ Tham tri lên Thượng thư Binh bộ và được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh xin tuyên phong và đề nghị đổi quốc hiệu là Nam Việt. Lúc ấy sứ bộ Trịnh Hoài Đức vẫn còn ở Quảng Tây theo yêu cầu của hoàng đế nhà Thanh, để chờ sứ bộ Lê Quang Định sang rồi cùng đến Yên Kinh một lượt.
Năm 1804, Án sát sứ Quảng Tây là Tề Bố Sâm được cử làm sứ thần nhà Thanh sang nước ta tuyên phong vua Gia Long và đặt quốc hiệu nước ta là Việt Nam. Hai năm sau (1806) Lê Quang Định dâng lên nhà vua một công trình khảo cứu quan trọng được ông thực hiện từ những năm đầu triều Gia Long. Đó là sách Nhất Thống Dư Địa Chí gồm 10 quyển, ghi chép các chi tiết về địa lý từ Lạng Sơn vào đến Hà Tiên, “phàm sông núi hiểm hay dễ, đường đi xa hay gần, giới hạn bờ cõi thế nào, sông biển nguồn lạch, cho đến cầu cống chợ điếm, phong tục thổ sản, hết thảy ghi chép lấy…” (Đại Nam Thực Lục – Tập Một – NXB Giáo dục – Hà Nội 2002, trang 684). Đây là sách địa chí đầu tiên được biên soạn công phu, đặc biệt về hệ thống đường thủy lẫn đường bộ của ta. Bên cạnh đó, sách còn ghi lại các truyền thuyết, giai thoại trong lịch sử, thơ văn gắn liền với đời sống và sông núi từng vùng. Có thể nói Nhất Thống Dư Địa Chí là một thành tựu quan trọng trong đời của Lê Quang Định. Ông mất năm 1813, thọ 54 tuổi, xứng đáng là một công thần của triều Nguyễn, một học trò xuất sắc của danh sĩ đất Gia Định Võ Trường Toản.

Ngô Nhơn Tịnh

Cũng như Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh là người Minh hương, gốc Quảng Đông, tổ tiên sang Đại Việt lập nghiệp trên đất Gia Định, sinh ra ông năm 1761. Không rõ năm ông đầu quân dưới trướng Nguyễn Ánh, chỉ biết chức vụ ban đầu ông được giao là Hàn lâm viện Thị độc. Năm 1798, ông được thăng Hữu Tham tri bộ Binh, được chúa Nguyễn Ánh cử mang quốc thư sang Quảng Đông dọ hỏi tin tức vua Lê Chiêu Thống đã lánh sang Tàu từ năm 1789. Khi đến, được biết vua Lê đã qua đời từ năm 1793, Ngô Nhơn Tịnh quay trở về nước.

Gia Định tam gia: Niềm tự hào của đất Sài Gòn - Gia Định
Toàn cảnh khu mộ cụ Ngô Nhơn Tịnh tại chùa Giác Lâm.

Sau khi vua Gia Long lên ngôi, năm 1802, ông được cử làm Phó sứ trong sứ bộ Trịnh Hoài Đức sang Trung Quốc, 5 năm sau (1807), lại sung làm Chánh sứ mang sắc ấn đến thành La Bích (Chân Lạp), phong Nặc Chân làm quốc vương nước này. Năm 1813, ông cùng Tả quân Lê Văn Duyệt được giao nhiệm vụ hộ tống quốc vương Chân Lạp là Nặc Chân về nước. Trong năm cuối cùng của cuộc đời, ông gánh phải hàm oan. Bộ Đại Nam Thực Lục chép rằng:
Nhân Tĩnh (Nhơn Tịnh) trước sang Chân Lạp, có người nói Tĩnh nhận riêng của nước Phiên, Văn Duyệt đem việc tâu. Vua nói: “việc không có chứng cớ, hãy để đó”. Nhân Tĩnh nghĩ không yên lòng, thường tự than rằng: “Vẽ rắn thêm chân, ai khiến ta mang cái oan không bày tỏ được”
(Đại Nam Thực Lục – sđd – trang 868)
Ông mất vào cuối năm này, Trịnh Hoài Đức tâu xin truy tặng, vua Gia Long không cho. Mãi đến đời vua Tự Đức, năm 1852, ông mới được thờ tại miếu Trung hưng công thần ở Huế.
Ông được an táng tại làng Chí Hòa, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, trấn Phiên An. Năm 1936, Hội đình Minh Hương Gia Thạnh dời mộ ông về làng Tân Hóa, huyện Tân Long, tỉnh Gia Định, đến năm 2004 lại được cải táng trong khuôn viên chùa Giác Lâm, đường Lạc Long Quân, không xa trung tâm Sài Gòn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét