Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

14090 - Một cuộc tọa đàm, hai thu hoạch lớn



Chiều nay 27.9.2019, tại 53 Nguyễn Du, Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm, do Chu Hảo, nguyên Giám đốc NXB Tri thức chủ trì và Lại Nguyên Ân trình bầy về quá trình nghiên cứu các văn bản của Phan Khôi. Thế là mình biết về cả hai nhân vật và khâm phục cả Phan Khôi lẫn Lại Nguyên Ân.
1. Khâm phục Lại Nguyên Ân quá
Trong khi nhiều người cắm đầu nghiên cứu, xuất bản những tuyển tập của các nhà này, nhà nọ, như tuyển tập Nông Đức Mạnh, để “vừa được ăn, vừa được nói”… thì Lại Nguyên Ân âm thầm suốt 16 năm nghiên cứu về Phan Khôi – một nhân vật “cộm cán” của Nhân Văn – Giai phẩm, mà hơn nửa thế kỷ qua chính quyền muốn vùi lấp đi.
Ông kể rằng, trong khi nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng, đọc những tờ báo trước 1945, bắt gặp những bài báo của Phan Khôi hay quá; những bài viết của Phan Khôi cứ ám ảnh, mê hoặc ông, thế là cùng với nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng, ông miệt mài theo đuổi Phan Khôi. Ông tìm những bài báo, truyện, thơ, sách dịch của Phan Khôi viết từ 1918 đến 1955 khắp các thư viện trong Nam, ngoài Bắc, rồi lần mò sang Mỹ, đọc, chụp bao nhiêu tư liệu; ông nhờ bạn bè khắp nơi ở trong nước, ở Pháp, ai có tự liệu, có manh mối gì cung cấp cho; ông nhờ bạn bè dịch các bài báo của Phan Khôi viết bằng Hán văn, để cố gắng có bộ sưu tập nhiều nhất về Phan Khôi. Ông nghiên cứu chia ra từng giai đoạn, từng chủ đề, biên khảo, chú thích tỉ mỉ, cận trọng với tất cả lòng say mê và trách nhiệm, chẳng nghĩ đến thù lao, danh tiếng… Trong thời buổi đồng tiền làm đảo điên xã hội mà ông cứ chìm đắm vào Phan Khôi suốt 16 năm. Thật khâm phục.
Ông Phan An Sa con út của Cụ Phan Khôi có mặt trong Hội thảo đã thống kê: Ông Lại Nguyên Ân đã tập hợp được 2.481 bài báo của Phan Khôi, in thành 15 tập, tổng cộng 9.194 trang, với 3339 chú thích… Ông nói, Phan Khôi là cha đẻ của những tác phẩm này nhưng đã bị vùi lấp đi hơn nửa thế kỷ, ít người còn quan tâm, ngay cả cháu chắt Cụ Phan Khôi cũng không để ý đến, nên Lại Nguyên Ân là Cha thứ hai, tái sinh những tác phẩm của Phan Khôi! Ông cảm ơn Lại Nguyên Ân và hai người ôm nhau trong niềm xúc động…
2. Càng khâm phục Phan Khôi
Phan Khôi (chữ Hán: 潘魁; 1887 – 1959) sinh ngày 6 tháng 10 năm 1887 tại làng Bảo An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, là con của Phó bảng Phan Trân (tri phủ Điện Khánh) và bà Hoàng Thị Lệ (con gái Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu).
Ông đỗ Tú tài chữ Hán năm 19 tuổi, lại dòng dõi quan lại, đáng lẽ được “quy hoach” vào chức quan nào đó dễ như bỡn. Nhưng ông lại “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” nhưng không “suy thoái” mà trở thành người tân tiến, tự gánh lấy sứ mệnh khai phóng cho dân tộc đang u mê giữa thời hỗn tạp…
Ông dùng ngòi bút của mình để viết báo, viết truyện, làm thơ, đủ các thể loại để phê phán hệ tư tưởng Nho giáo; phê phán những hủ lậu của Triều đình; phê phán các thói hư tật xấu của dân mình, của xã hội đương thời và truyền bá những tư tưởng tiến bộ về Dân chủ, Nữ quyền, về nền văn hóa mới, lối sống của xã hội văn minh….Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân nói về ông như sau:
“Phan Khôi hiện diện trước xã hội, trước cuộc đời này chỉ với tư cách nhà báo; người ta biết ông chủ yếu qua những gì ông viết ra đăng lên báo chí; nhưng, qua hoạt động báo chí, Phan Khôi chứng tỏ mình còn là một học giả, một nhà tư tưởng, một nhà văn. Phan Khôi là nhà tư tưởng đã đặt ra hàng loạt vấn đề: phê phán Khổng giáo, tiếp nhận tư tưởng Âu Tây, nữ quyền. Ông cũng là một nhà Hán học và Trung Quốc học am hiểu những vấn đề của xã hội Trung Quốc đương thời, ông là một dịch giả đã dịch Kinh Thánh của đạo Thiên chúa ra tiếng Việt, một nhà Việt ngữ học cả ở phần lý thuyết lẫn thực hành, một nhà văn xuôi với thể hài đàm và một nhà phê bình văn học.
Có thể nói Phan Khôi là người thể hiện rõ nhất và thành công nhất chủ trương duy tân kiểu Phan Chu Trinh vào đời sống, nhưng khác với người tiền bối ấy, Phan Khôi hoàn toàn không thể hiện mình như một chí sĩ; ông sống như một người thường trong đời thường, chỉ hoạt động chuyên nghiệp như một nhà ngôn luận, chỉ tác động đến xã hội bằng ngôn luận. Phan Khôi thuộc trong số những trí thức hàng đầu có công tạo ra mặt bằng tri thức và văn hoá cho xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, nhưng đặt bên cạnh những gương mặt sáng láng như Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Huỳnh Thúc Kháng…, ông thường tự thể hiện như kẻ phản biện, và sự phản biện của ông thường đem lại chiều sâu mới cho tri thức.”…
Qua trường hợp Phan Khôi, ta không khỏi ngạc nhiên: trước 1945, “dân ta một cổ hai tròng”, dưới “ách cai trị của Thực dân pháp và Triều đình phong kiến thối nát”, mà Phan Khôi rất TỰ DO: ông làm báo phê phán cả “phong kiến lẫn đế quốc” mà chẳng sao. Ông theo Phan Châu Trinh vào đảng Duy Tân, hoạt động duy tân, nên khi bị bắt bị tù. Ra tù lại viết báo, lập ra tờ báo. Tờ báo ở Hà Nội bị đóng cửa, ông vào Sài Gòn lập tời báo khác; báo Sài Gòn bị đóng cửa, ông ra Huế lập tờ báo mới… Ngày đó báo chí tự do thế đấy; dân 95% mù chữ mà các tờ báo, các nhà báo như Phan Khôi sống ung dung bằng báo in đấy. Nay thì các báo “quốc doanh” phải được nhà nước nuôi, chả thế mà ông Hữu Thỉnh Chủ tịch Hội Nhà văn sung sướng kêu lên: “Anh em ta lại được Nhà nước nuôi rồi”! Lạ quá cơ, kể chuyện ngày xưa, cứ như là nghe chuyện Tương lại!
Nhân vật Phan Khôi lớn lắm, hẳn tiếp tục là đề tài của nhiều Luận văn, Luận án, nhiều công trình nghiên cứu nữa. Mong sao các bạn trẻ đọc Phan Khôi để mình thêm lớn lên, thêm tự hào về Việt Nam ta có những người như Phan Khôi.

Chu Hảo và Lại Nguyên Ân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét