Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

14092 - Đàn hặc hay không đàn hặc?



Các nhà hoạt động muốn luận tội Tổng Thống Donald Trump. (Hình: AP Photo/J. Scott Applewhite)


Ngày Thứ Ba, 24 Tháng Chín, bà Nancy Pelosi nói sẽ bắt đầu việc điều tra để đàn hặc Tổng Thống Donald Trump, sau vụ ông Trump điện thoại cho Tổng Thống Volodymyr Zelensky, đề cập tới việc điều con trai cựu Phó Tổng Thống Joe Biden về một vụ tham nhũng ở xứ Ukraine nhiều năm trước đây. Theo thiển ý, bà chủ tịch Hạ Viện không nên đàn hặc ông Trump! Cứ bắt dầu cuộc điều tra nhưng không đi đến chỗ cuối cùng!
Bởi vì đàn hặc là một hành động chính trị, mặc dù bên ngoài trông giống như một vụ điều tra hình sự, truy tố và buộc tội trước tòa án.
Bị đàn hặc cũng giống như bị đưa ra tòa. Nhưng các nhà lập hiến Mỹ muốn phân biệt nên không dùng từ “indictment” tức là lên án, truy tố như công việc của các biện lý; mà họ sử dụng chữ “impeachment” để cho thấy tầm quan trọng. “Impeachment” là một thủ tục đặc biệt ghi trong hiến pháp nước Mỹ, dành cho những người giữ chức vụ cao nhất trong guồng máy hành pháp, lập pháp và tư pháp. Trong sử Việt Nam thường nói đến các quan ngự sử có quyền đàn hặc, hay đàn hạch quan lại, có khi đàn hạch cả vua chúa, tương đương với hành động “impeach” này.
Hiến pháp Mỹ quy định Hạ Viện đóng vai trò đàn hặc, tức là viết bản cáo trạng. Thượng Viện đóng vai xử án xem đương sự đáng kết án và phải từ chức hay không.
Nhưng tự bản chất đàn hặc mang tính chất chính trị; không mang phải là pháp lý. Quốc Hội, vì quyền lợi quốc gia có quyền tố cáo tội trạng một tổng thống, hay một bộ trưởng, một đại biểu hay quan tòa; nhưng Quốc Hội không có bổn phận phải đàn hặc nếu họ không thấy cần.
Vì đàn hặc là một hành động chính trị, cho nên nên được xét đoán với tiêu chuẩn chính trị: Đàn hặc Tổng Thống Donald Trump trong thời gian này có ích lợi cho nước Mỹ hay không? Nói riêng với bà Nancy Pelosi thì câu hỏi là: Đàn hặc ông Trump có lợi hay chỉ tai hại cho đảng Dân Chủ?
Trong thời gian tới, hai phe, những người ủng hộ ông Trump và những người chống ông sẽ tranh cãi xem ông Trump có làm gì để đáng bị đàn hặc hay không. Nhưng chúng ta có thể không cần đề cập đến chuyện này mà bàn ngay về lợi, hại chính trị của việc đàn hặc!
Trước hết, đối với đảng Dân Chủ, đàn hặc là một con dao hai lưỡi, không chắc đã hạ được đối thủ mà sẽ chỉ tự làm chính mình bị thương.
Hiện có 235 dân biểu Hạ Viện thuộc đảng Dân Chủ, 198 người là Cộng Hòa, bà Pelosi có thể huy động đủ đa số dân biểu đồng ý đàn hặc ông tổng thống. Nhưng sau đó vấn đề được đưa lên Thượng Viện quyết định thì chắc ông Trump sẽ nắm phần thắng.
Ông Mitch McConnell, trưởng khối đa số ở Thượng Viện, người luôn luôn ủng hộ ông Trump, có thể bỏ qua, không đưa đề tài này vào chương trình nghị sự! Ông đã từng làm như vậy rồi, năm 2016, khi ông không đem bàn đề nghị đưa Thẩm Phán Merrick Garland vô Tối Cao Pháp Viện; rồi cho chìm xuồng luôn!
Nếu Nghị Sĩ McConnel chịu đem vấn đề đàn hặc ra bàn, thì, khi Chánh Án Tối Cao Pháp Viện John Roberts chủ tọa, phải có 67 nghị sĩ đồng ý mới đủ để kết tội. Đảng Cộng Hòa đang chiếm đa số 53-45 trong Thượng Viện sẽ không bao giờ muốn cách chức ông tổng thống!
Trong lịch sử đã có hai tổng thống Mỹ bị Hạ Viện đàn hặc rồi được Thượng Viện tha bổng, là Bill Clinton năm 1999 và Andrew Johnson năm 1868. Năm 1974, Tổng Thống Richard Nixon chỉ từ chức trước khi bị đàn hặc vì biết chắc chắn các đại biểu Cộng Hòa cũng bỏ rơi mình. Hiện nay, các đại biểu Cộng Hòa cần ông Trump hơn là ông Trump cần họ.
Cho nên, đối với bà Nancy Pelosi và các ứng cử viên đảng Dân Chủ năm 2020, đàn hặc là một canh bạc rất tốn tiền mà biết chắc cuối cùng sẽ phải thua. Ông chủ sòng có thể ngồi yên không làm chi cả cũng thắng lớn!
Nhưng chắc chắn ông ta không ngồi yên. Trong suốt thời gian thủ đô Mỹ tràn ngập chuyện đàn hặc hay không đàn hặc, ông Donald Trump sẽ lên tiếng công kích Giới Thượng Lưu Washington đang tìm cách “lật đổ” ông, một người đại biểu cho các tầng lớp dân chúng bị bỏ quên – những điều này ông từng hô hào từ năm 2016 và sẽ còn lớn tiếng nói tiếp trong năm 2020.
Khi Thượng Viện không đủ túc số để lật đổ ông, ông Trump sẽ tuyên bố đại thắng “Vũng Lầy Washington” và thêm một khẩu hiệu cho cuộc tranh cử năm 2020.
Một năm sôi nổi chuyện đàn hặc sẽ tai hại cho các ứng cử viên tổng thống đảng Dân Chủ!
Cho tới nay, đảng Dân Chủ có một lợi thế nếu họ chỉ tấn công vào cá tính của ông Trump. Họ làm sao cho các cử tri tới năm 2020 nghĩ rằng quyết định bỏ phiếu của họ là lựa chọn ông Trump hay một người tánh tình khác hẳn Trump.
Nếu dân Mỹ phải chứng kiến tấn tuồng đàn hặc diễn gần một năm trên ti vi, người ta sẽ thấy đây là một cuộc đấu giữa một bên là ông Donald Trump, bên kia là bà Chủ Tịch Nancy Pelosi và Dân Biểu Jerrold Nadler, trưởng Ban Tư Pháp Hạ Viện. Chưa chắc nhiều Mỹ người ưa bà Pelosi hơn ông Trump!
Nhưng việc đàn hặc tai hại cho đảng Dân Chủ hơn cả là nó sẽ làm biến chứng ngay cả cuộc tranh cử sơ bộ năm tới.
Trong đảng Cộng Hòa thì giản dị, sẽ không ai có thể đẩy được ông Trump ra ngoài, nhưng trong đảng Dân Chủ sẽ có cuộc tranh hùng giữa năm bảy người. Nếu vụ đàn hặc diễn ra, các ứng cử viên tổng thống Dân Chủ đi tới đâu cũng sẽ bị người ta khỏi ý kiến về việc cất chức ông tổng thống! Lúc tranh luận trong nội bộ đảng họ cũng được hỏi chuyện này. Những người quá khích nhất, công kích ông Trump tàn tệ nhất, sẽ thu hút được nhiều phiếu nhất! Cuối cùng, các ứng cử viên Dân Chủ sẽ tranh đua nhau xem ai quá khích hơn ai! Họ sẽ bị lôi cuốn vào một câu chuyện có thể làm cho dân Mỹ phát chán, trong khi người ta biết trước kết quả sau cùng là ông Trump sẽ vẫn ngồi đó!
Đàn hặc một ông tổng thống là một hành động trọng đại cho nên hiến pháp Mỹ mới đòi hỏi 2 phần 3 các nghị sĩ chấp thuận. Cất chức một vị tổng thống tức là xóa bỏ kết quả một cuộc bàu cử do tất cả các cử tri người Mỹ bỏ phiếu! Vì vậy, muốn kết tội một tổng thống người ta đòi phải đi qua một quá trình khó khăn, phải có những chứng cớ không những về hành động của dương sự mà còn phải kể đến hậu quả tai hại nghiêm trọng của các hành động đó. Một cuộc đàn hặc mang nặng tính chất đảng phái sẽ làm mất uy tín của đảng nào đưa ra vấn đề đó.
Đối với người dân Mỹ không ngả về phía nào, cả vụ đàn hặc kéo dài hàng năm sẽ chỉ là một trò chơi đấu đá vô ích. Riêng một câu hỏi “Ông Trump có dáng bị đàn hặc hay không?” cũng sẽ gây tranh cãi, chia rẽ tất cả nước Mỹ. Người ta sẽ hỏi thêm: Màn trình diễn đàn hặc này, so với chuyện ông Trump nói gì với ông Zelensky, vụ nào tai hại cho nền dân chủ nước Mỹ nặng nề hơn?
Trong lúc đó thì ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, có thể ngồi rung đùi coi tuồng đàn hặc ở Mỹ. Nhiều người đã lên án ông Putin cho gián điệp xâm nhập vào mạng lưới truyền thông Mỹ trong cuộc bàu cử 2016 để chia rẽ dân Mỹ, phao tin đồn nhảm khiến người Mỹ thù ghét lẫn nhau. Bây giờ ông Putin không cần làm gì hết mà dân Mỹ đã chia rẽ đến cùng rồi!
Tóm lại thì bà Pelosi không nên tiến hành thủ tục đàn hặc ông Trump.
Từ cả năm nay bà Pelosi vẫn lờ đi không nói đến chuyện đàn hặc dù có nhiều đại biểu Dân Chủ thúc đẩy. Cho tới nay, bà mới tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra xem vụ ông Trump điện thoại cho Tổng Thống Volodymyr Zelensky có đáng đàn hặc hay không, nếu ông Trump lại tìm cách che đậy. Nhưng bà Pelosi chưa nói gì đến chuyện cho Hạ Viện biểu quyết vấn đề này.
Năm 1974, lãnh đạo Dân Chủ tại Hạ Viện Mỹ đã cho biểu quyết một dự luật cho phép Ủy Ban Tư Pháp điều tra các hành động đáng đàn hặc của Tổng Thống Nixon. Có 410 người đồng ý, bốn người chống, cho thấy các đại biểu Cộng Hòa cũng bỏ rơi ông Nixon. Năm 1998, Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện Mỹ, do Cộng Hòa kiểm soát, cũng bỏ phiếu (21-16) quyết định mở cuộc điều tra đàn hặc Tổng Thống Clinton; vở tuồng đàn hặc lúc đó mới bắt đầu.
Hiện giờ, bà Nancy Pelosi chưa yêu cầu biểu quyết cái gì cả. Có thể chính bà thấy đàn hặc không có lợi, chẳng đáng thúc đẩy làm gì. Nhiều người đã xúi bà Pelosi bỏ qua chuyện đàn hặc, chỉ làm một nghị quyết “khiển trách” ông tổng thống về cuộc điện đàm với Ukraine mà thôi.
Nhưng “phe đàn hặc” trong đảng Dân Chủ tại Hạ Viện Mỹ càng ngày càng đông! Không ai tiên đoán được tình hình sẽ biến chuyển ra sao khi bà Pelosi chịu áp lực của hàng trăm dân biểu cùng đảng!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét