Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2019

14076 - Một "Malaysia Mới" trong chính sách đối ngoại, bao gồm cả Biển Đông


Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad hôm 18/9 đã công bố một "văn bản hướng dẫn" mới cho chính sách đối ngoại của quốc gia, trong đó nhấn mạnh Chính phủ sẽ tiếp tục lập trường không liên kết đối với các cường quốc, có kế hoạch đi đầu trong việc thúc đẩy hợp tác trong thế giới Hồi giáo.


Ông Mahathir Mohamad nói mặc dù các yếu tố căn bản trong chính sách đối ngoại của Malaysia vẫn không thay đổi, cách tiếp cận của Malaysia đối với các vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia sẽ thay đổi. "Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những thay đổi diễn ra với tốc độ chóng mặt. Những thay đổi này mang lại cả thách thức và cơ hội. Do đó, hoàn toàn hợp lý khi Malaysia không trung thành với các phương thức can dự truyền thống và thay vào đó chủ động tìm cách nghiên cứu các phương pháp mới", ông Mahathir nói trong bài phát biểu về cách tiếp cận mới.
Với chủ đề "Thay đổi trong tính liên tục", khuôn khổ mới sẽ thấy một Malaysia duy trì quan hệ hữu nghị với tất cả các nước và tìm kiếm giải pháp hòa bình cho những tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, nhưng nước này cũng bảo lưu quyền "bày tỏ quan điểm của mình và nếu cần, sẽ đưa ra các tuyên bố phản đối, chống lại sự bất công, đàn áp và những tội ác khác chống nhân loại đến từ bất cứ quốc gia nào".
Về vấn đề tranh chấp Biển Đông đầy gai góc, tài liệu hướng dẫn dày 80 trang này cho biết Mahathir đã đề xuất phi quân sự hóa tuyến đường thủy đang tranh chấp, và biến nó thành một khu vực hòa bình, hữu nghị và giao thương. "Về cơ bản, Biển Đông phải là một vùng biển của sự hợp tác, kết nối và xây dựng cộng đồng và không đối đầu hay xung đột. Điều này phù hợp với tinh thần về một Khu vực Hòa bình, Tự do và Trung lập (ZOPFAN). Malaysia sẽ tích cực thúc đẩy tầm nhìn này ở ASEAN", văn kiện hướng dẫn mới cho biết.
Thỏa thuận ZOPFAN nhằm "giữ cho khu vực Đông Nam Á không chịu bất kỳ hình thức hay cách thức can thiệp nào của các cường quốc bên ngoài", đã được ký bởi các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore vào năm 1971.
Một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, các yêu sách lãnh thổ chồng lấn ở Biển Đông đóng vai trò là "điểm bùng phát" trong quan hệ Mỹ-Trung ở châu Á. Mỹ đã tiến hành các hoạt động Tự do hàng hải trong trong khi Bắc Kinh tiến hành bồi đắp, cải tạo ở một số thực thể mà họ kiểm soát, tăng diện tích bề mặt với các cấu trúc nhân tạo và thiết lập các cơ sở quân sự.
ASEAN cũng đang đàm phán với Trung Quốc để đưa ra Bộ quy tắc ứng xử (chính thức) ở Biển Đông, nơi Chính phủ Malaysia cũng sẽ tăng cường nỗ lực hợp tác với "các đối tác quốc tế liên quan" để chống lại những mối đe dọa an ninh "phi truyền thống" và cũng trấn áp thẳng tay nạn buôn người và khủng bố ở vùng biển này.
Văn kiện hướng dẫn mới cũng nhắc lại cam kết của quốc gia có đa số dân là người Hồi giáo này về việc "cải thiện tình trạng của ummah (cộng đồng)", và cho biết Malaysia có ý định đóng vai trò nổi bật trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC). Quốc gia này dự định sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thế giới Hồi giáo tại Kuala Lumpur vào tháng 12 tới.
Hợp tác Nam-Nam - một dấu ấn của chính quyền Mahathir trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của ông từ năm 1981 đến 2003 - sẽ được tiếp tục và có đổi mới, trong đó Malaysia có ý định thúc đẩy và lãnh đạo sự hợp tác giữa các quốc gia "phía Nam", đặc biệt là tại các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc.
"Malaysia Mới", theo văn bản hướng dẫn mới, sẽ lên tiếng đấu tranh cho "quyền của các quốc gia nhỏ và kém phát triển ở 'phía Nam'". Kuala Lumpur cũng dự định xem xét lại các chương trình viện trợ hiện nay để sử dụng một cách sao cho hiệu quả nhất tiềm năng của chúng, và xem xét đưa ra các chương trình mới để dọn đường cho một thế hệ lãnh đạo mới ở các quốc gia phía Nam.
Văn bản cũng nhấn mạnh rằng Malaysia đã tìm kiếm các mối quan hệ "cùng có lợi" giữa tất cả các quốc gia, bao gồm cả các cường quốc, và sẽ hợp tác với tất cả các nước có chung cách tiếp cận để đảm bảo các quốc gia có thể "tham gia trên cơ sở bình đẳng, mà không chịu sức ép từ bất kỳ cường quốc nào".
Trong bài phát biểu của mình, ông Mahathir đã đề cập việc "các quốc gia hùng mạnh" áp đặt ý chí của họ lên các quốc gia nhỏ hơn, và cho rằng chủ nghĩa đa phương đang bị đe dọa. "Có những cường quốc áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương, không tôn trọng các hiệp định thương mại và hiển nhiên coi thường khuôn khổ đa phương. Các biện pháp trừng phạt này không chỉ ảnh hưởng đến một quốc gia cụ thể được lựa chọn mà cả các quốc gia khác. Không có sự công bằng ở đây", ông nói. "Nước giàu và mạnh sẽ lấy những gì họ muốn còn nước nghèo và yếu sẽ phải cung cấp (cho các nước giàu)...".
Mahathir đã chỉ trích các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Bắc Kinh, thậm chí ủng hộ Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc vốn đang bị bao vây và phải đối mặt với các cuộc tẩy chay của phương Tây vì những lo ngại hoạt động gián điệp của Trung Quốc.
Mặc dù đã quyết định đình chỉ một số dự án cơ sở hạ tầng lớn do Trung Quốc tài trợ sau khi trở lại nắm quyền hồi tháng 5/2018, ông Mahathir đã bày tỏ sự ủng hộ đối với Sáng kiến "Vành đai và Con đường", cho rằng Malaysia sẽ được hưởng lợi từ dự án này.
Theo “SCMP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét