Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến.
Hội đồng xét xử sơ thẩm lần thứ hai vụ án Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc VN Pharma) và đồng bọn “buôn bán thuốc giả” vừa tạt vào mặt “minh bạch” một gáo nước lạnh: Cảnh báo tất cả các cá nhân dự xử, từ bị cáo, nhân chứng, người có quyền và nghĩa liên quan,… cho đến luật sư, báo giới,… rằng, hồ sơ vụ án có một số tài liệu thuộc loại “mật” và “tuyệt mật”, vô tình hay cố ý tiết lộ những tài liệu này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (1)!
VN Pharma chào đời năm 2011, năm 2012 thai nghén rồi sinh hạ năm công ty con, đến 2014 trở thành “vua” trong lĩnh vực nhập cảng – tranh thầu - phân phối thuốc, thiết bị y tế cho các bệnh viện trên toàn quốc.
Tháng 9 năm 2014, công an Việt Nam khởi tố vụ “buôn lậu” xảy ra ở VN Pharma. Hàng “buôn lậu” được xác định là H-Capita, một loại thuốc đặc trị ung thư mà VN Pharma xin phép nhập cảng từ Canada và đã được cho phép nhập cảng, phân phối tại Việt Nam.
Có thể tóm tắt vụ “buôn lậu” vừa kể thế này: Thông qua trung gian, VN Pharma tiếp cận với người của một công ty dược có tên là Helix ở Canada để mua H-Capita. Về nguyên tắc, muốn có giấy phép nhập cảng H-Capita, Helix phải cung cấp hồ sơ về H-Capita cho VN Pharma nhưng Helix chẳng có gì để trao cho VN Pharma cả. Do đó VN Pharma thay Helix làm hết (tự soạn từ kết quả nghiên cứu, kết quả thử nghiệm đến giấy phép phân phối tại Canada, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng,…).
Cho dù có thể tìm thông tin về Helix, về H-Capital trên Internet và chỉ cần dùng Google, cũng có thể nhận ra Helix là… công ty ma, H-Capita là… thuốc đểu nhưng Cục Quản lý Dược của Bộ Y tế - cơ quan kiểm soát, cho phép lưu hành tất cả các lọai dược phẩm sản xuất trong nước và nhập cảng, không làm! Cơ quan này cũng chẳng nhận ra, những tài liệu liên quan đến H-Capita mà VN Pharma đệ trình có nhiều sai sót ký quái… Nhờ vậy, VN Pharma có giấy phép nhập cảng, phân phối H-Capita tại Việt Nam!
***
Cách nay năm năm, khi vụ VN Pharma/H-Capita bùng lên thành scandal, từng có rất nhiều người thắc mắc, tại sao lại xem ông Hùng và tám đồng phạm “buôn lậu”, trong khi tất cả những tình tiết có liên quan đến chuỗi sai phạm này là “buôn bán thuốc giả”? Tuy nhiên hệ thống tư pháp không thèm giải thích tại sao.
Tháng 8 năm 2017, Hội đồng xét xử sơ thẩm lần đầu, tuyên phạt ông Hùng và ông Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty H&C – bị cáo buộc là đồng chủ mưu) mỗi người 12 năm tù. Bảy bị cáo còn lại bị phạt nhiều mức khác nhau, cao nhất là 5 năm tù, nhẹ nhất là hai năm tù nhưng được hưởng án treo.
Bản án vừa kể khiến dư luận phẫn nộ không chỉ do điều tra – truy tố - kết án sai bản chất của hành vi phạm tội, đó rõ ràng là “buôn bán thuốc giả” (hình phạt lẽ ra nặng hơn nhiều so với “buôn lậu”), mà còn bỏ sót trách nhiệm của nhiều viên chức như: Nguyễn Quốc Triệu (cựu Bộ trưởng Y tế, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe cho BCH Trung ương đảng CSVN, nay được thay thế bằng Nguyễn Thị Kim Tiến), Cao Minh Quang, Trương Quốc Cường (cùng là Thứ trưởng Y tế),… Đã vậy còn làm ngơ, không truy xét xem những ai biến VN Pharma thành “vua”!
Chẳng riêng hệ thống tư pháp, hệ thống chính trị và hệ thống công quyền cũng làm ngơ, không thèm đáp ứng yêu cầu của công chúng: Liệu bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cựu Thứ trưởng Y tế, nay là Bộ trưởng Y tế, có giữ được sự “vô tư” cần thiết khi ông Hoàng Quốc Dũng, em chồng bà Tiến là Phó Tổng giám đốc của VN Pharma? Khi VN Pharma/H-Capita bùng lên thành scandal, tại sao bà nói dối – phủ nhận tin đồn bà có thân nhân làm việc cho VN Pharma (2) và chưa bao giờ xin lỗi do đã nói dối?..
Có thể trận bão dư luận về bản án sơ thẩm xử ông Hùng, ông Cường và các đồng phạm “buôn lậu” là lý do một tháng sau (tháng 9 năm 2017), Viện Kiểm sát phúc thẩm tại TP.HCM đột nhiên tuyên bố đã kháng nghị hủy bản án sơ thẩm. Tháng 10 năm 2017, tới lượt Tòa phúc thẩm của Tòa án Tối cao tại TP.HCM tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra – xác định lại tội danh, xác định thêm đồng phạm...
***
Đầu tuần này, ông Hùng, ông Cường và các đồng phạm tiếp tục bị đưa đến pháp đình để chịu xét xử sơ thẩm lần hai. Tuy tội danh đã đổi từ “buôn lậu” thành “buôn bán thuốc giả”, tuy công an đã khởi tố thêm ba người, nâng tổng số bị cáo từ chín thành 12 nhưng cả ba đều chỉ là nhân viên hoặc của VN Pharma, hoặc của Công ty H&C.
Cho dù phiên xử sơ thẩm lần hai chỉ mới bắt đầu song chắc chắn hàng loạt câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề mà công chúng từng quan tâm sẽ không được giải đáp. Ví dụ, VN Pharma không chỉ nhập và phân phối H-Capita. VN Pharma từng nhập cảng – phân phối ít nhất bảy loại kháng sinh dùng để chích vào tĩnh mạch của… Helix. Helix là… công ty ma. Những được phẩm như H-Capita đã được xác định là không thể dùng… cho người!
Dựa vào các yếu tố đó, y giới cảnh báo, nếu không hội đủ yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kháng sinh tiêm vào tĩnh mạch sẽ trở thành đặc biệt nguy hiểm cho người bệnh. Thế nhưng sau scandal VN Pharma/H-Capita, Cục Quản lý Dược chỉ lẳng lặng rút giấy phép lưu hành bảy loại kháng sinh mà VN Pharma từng mua từ Helix!
Còn hệ thống tư pháp (công an, viện kiểm sát, tòa án) của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam? Hệ thống này cũng không bận tâm. Hoạt động điều tra – truy tố - xét xử ông Hùng, ông Cường và các đồng phạm chỉ xoay quanh H-Capita, bất kể một đại biểu Quốc hội vốn là chuyên viên y tế đã từng chất vấn tại sao (3)?
Ông Hùng, ông Cường và phần lớn thuộc cấp dính líu đến scandal VN Pharma/H-Capita đã bị tạm giam hơn năm năm. Trong năm năm ấy, các viên chức y tế có trách nhiệm liên đới không chỉ vô sự mà còn được qui hoạch để đảm nhận những trọng trách… nặng nề hơn. Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược ngày ấy, nay là Thứ trưởng Y tế. Ông Nguyễn Tất Đạt, ngày ấy là Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, nay là Cục phó Cục quản lý Dược...
Mãi đến tuần trước, sau khi Thanh tra của chính phủ chuyển Kết luận Thanh tra việc cấp giấy phép nhập cảng và giấy lưu hành 10 loại thuốc của Công ty Helix cho VN Pharma đến Ủy ban Kiểm tra của BCH Trung ương đảng CSVN, đề nghị nơi này xem xét, xử lý theo thẩm quyền những đảng viên thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý (4), công an mới khởi tố vụ án “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Cục Quản lý Dược và các nơi có liên quan đến VN Pharma/H-Capita (5).
Chắc chắn dấu hiệu vi phạm pháp luật đã rất rõ nên công an mới khởi tố vụ án nhưng vụ án mới trong scandal VN Phama/H-Capita chưa có bị can. Ủy ban Kiểm tra chưa luận tội, Ban Bí thư, Bộ Chính trị chưa có… phán quyết thì công an, kiểm sát, tòa án phải chờ xem cá nhân nào thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý, bị chọn làm… bị can.
Đó là ví dụ minh họa tại sao những người kêu gọi thực hiện “tam quyền phân lập” (lập pháp, hành pháp, tư pháp hoạt động độc lập, kiểm soát lẫn nhau nhằm bảo đảm các hệ thống hoạt động lành mạnh) – lõi của thể chế cộng hòa, luôn bị đảng ta xem là… thù địch, là luận điệu phản động “cổ xúy cho… xung đột quyền lực và bất ổn chính trị” (6)!
***
Dẫu hoạt động “buôn bán thuốc giả” của ông Hùng, ông Cường liên quan chặt chẽ với hoạt động của Cục Quản lý Dược và Bộ Y tế nhưng rõ ràng, hệ thống tư pháp muốn tách chuỗi hoạt động phạm pháp này thành hai vụ án riêng biệt. Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữ vai trò gì khi năm năm sau, mới khởi tố vụ án thứ hai?
Lần trước, khi “được” truy tố tội “buôn lậu”, hình phạt tối đa dành cho ông Hùng chỉ là 12 năm nhưng lần này, khi tội danh đã chuyển thành “buôn bán thuốc giả”, ông Hùng sẽ phải đối diện với khả năng bị phạt tử hình. Liệu viễn cảnh ấy có làm ông Hùng suy sụp tới mức “khai tuốt tuồn tuột” và gây nguy hại cho qui hoạch nhân sự lãnh đạo chủ chốt của đảng ở nhiệm kỳ tới?
Vì lẽ gì mà nhập cảng – phê duyệt – phân phối dược phẩm lại có tài liệu thuộc loại “mật” và “tối mật”? Vì lẽ gì mà Hội đồng xét xử vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng bọn “buôn bán thuốc giả” phải cảnh báo tất cả các cá nhân liên quan đến tiến trình xét xử, rằng vô tình hay cố ý tiết lộ những tài liệu được bảo mật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự? Cảnh báo như vậy thì làm sao có thể tìm và xác định “sự thật khách quan” để định tính, định lượng cho đúng đắn theo đúng tinh thần của luật hình sự?
Tài liệu “mật” và “tuyệt mật” liên quan tới nhập cảng – phê duyệt – phân phối dược phẩm, có cùng tính chất với… tài liệu “mật” và “tuyệt mật” trong vụ… AVG bán 95% cổ phần cho MobiFone không? Bảo mật chắc chắn có lợi cho một số cá nhân, một số nhóm nhưng làm sao bảo đảm sự toàn vẹn của công lý, làm sao thuyết phục đám đông, rằng công lý đã được thực thi và hệ thống tư pháp từng xác định ông Hùng chỉ “buôn lậu”, lần này vẫn… đúng khi bảo rằng đó là… “buôn bán thuốc giả”?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét