Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

14103 - Bãi Tư Chính, Nguyễn Phú Trọng, và màu của máu…



Việt Nam đã mua sắm tàu ngầm Kilo từ Nga, nhưng tương quan lực lượng quân sự quá nhỏ bé trước Trung Quốc. (Hình: Getty Images)

Tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc vào ngày 18 Tháng Chín, 2019, không những khẳng định vùng biển ở Bãi Tư Chính (nằm ở Đông Nam Việt Nam) là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, mà còn đòi “Việt Nam phải chấm dứt các hoạt động khoan tìm dầu khí đơn phương tại Bãi Tư Chính,” là chưa từng có, rất có thể là bước dọn đường dư luận quốc tế và dư luận tại đại lục để nhảy sang hành động tiếp biến khó lường: Chiến tranh!
Hải Quân Việt Nam sẽ cầm cự được bao lâu?
Khác với thái độ đe nẹt có mức độ trong vài lần ra tuyên bố từ lúc cho tàu Hải Dương 8 và nhóm tàu hộ vệ cho tàu này xâm phạm khu vực Bãi Tư Chính vào đầu Tháng Bảy, 2019, tuyên bố ngày 18 Tháng Chín thực chất là một tối hậu thư đối với giới “văn dốt, võ dát” ở Ba Đình.
Đây là kết quả tất yếu phải xảy ra sau chuỗi thời gian gần ba tháng dù bị hành hạ cả về tinh thần lẫn thể xác nhưng Bộ Chính Trị và Bộ Quốc Phòng Việt Nam vẫn không dám nổ một phát súng, dù chỉ bắn lên trời để cảnh cáo tàu Trung Quốc.
Sau tuyên bố trên, rất có thể Trung Quốc sẽ chuyển từ “đấu tranh ngoại giao” sang một giai đoạn mới là hành động mới về quân sự.
Kịch bản ngày càng lộ rõ là Việt Nam khó có thể tránh thoát nguy cơ một cuộc tấn công quân sự, dù có thể chỉ ở cấp độ chiến dịch, từ phía Trung Quốc. Chiến dịch tấn công này, nếu xảy ra, chắc chắn sẽ diễn ra trên biển và rất gần gũi về mặt kinh tuyến và vĩ tuyến với những mỏ dầu mà Việt Nam đang dự định khai thác nhưng nằm trong “đường lưỡi bò” mới được Trung Quốc vẽ bổ sung.
Bước đầu, Trung Quốc có thể tấn công các tàu hải cảnh của Việt Nam đang bảo vệ Bãi Tư Chính. Sau đó, cuộc chiến sẽ leo thang với sự đụng độ giữa các tàu chiến của hai bên.
Hiện thời, một số thông tin cho biết cả Trung Quốc và Việt Nam đều đã dàn tàu ở khu vực Bãi Tư Chính và vùng biển lân cận khu vực này, với số lượng mỗi bên gần 30 tàu.
Tuy nhiên xét về năng lực hải quân thì cho dù có điều động toàn bộ số tàu chiến và hải cảnh ra Biển Đông, phía Việt Nam cũng chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng lượng tàu chiến và hải cảnh của Trung Quốc, chưa kể hàng chục ngàn tàu “thương mại dân sự,” tức tàu cá được bọc sắt, mà Bắc Kinh tung ra như một đòn chiến thuật biển vào những lúc không cần có mặt tàu chiến.
Trên một phương diện tổng quan hơn, nếu so sánh lượng chi phí quốc phòng từ $4- $5 tỷ/năm của Việt Nam với con số $177 tỷ/năm của Trung Quốc thì càng quá khập khiễng.
Nếu chỉ căn cứ vào vài so sánh trên, hoàn toàn có thể nhận ra tình thế sẽ khó lòng cầm cự được lâu của Hải Quân Việt Nam nếu nổ ra chiến tranh ở Biển Đông.
Còn nếu xét về ý chí “hải quân bám bờ” trong suốt thời gian nhiều năm qua thì chẳng có hy vọng gì về việc Hải Quân Việt Nam dám can đảm chống cự tàu Trung Quốc khi bị tấn công, thậm chí cảnh “bỏ của chạy lấy người” còn có thể lan tỏa rộng – đúng theo phương cách “chống giặc bằng cờ” mà giới chóp bu Việt Nam đang đốc thúc phát 1 triệu lá cờ đỏ sao vàng cho ngư dân để “bám biển.”




Chiến hạm và sự hiện diện của Hải Quân Mỹ trong một lần ở quân cảng Cam Ranh hồi năm 2012. (Hình: Getty Images)

“Chuyện trong nhà”
Khác với quá khứ tạm thời êm ấm, giờ đây nguy cơ xung đột quân sự giữa “hai đảng anh em” đang hiển thị dần sau từng tuần lễ – khoảng cách thời gian đã thu hẹp rất đáng kể so với dự báo trước đây về nguy cơ này theo từng quý và từng tháng.
Hy vọng, hoặc chỗ bám víu còn nước còn tát của giới chóp bu Việt Nam giờ đây chỉ là trông đợi sự can thiệp của quốc tế nếu xung đột quân sự Trung-Việt nổ ra ở Bãi Tư Chính, chứ không còn cảnh “tự sướng” của báo đảng về 6 tàu ngầm lớp Kilo tân trang mà Việt Nam mua lại của Nga, hoặc về “tàu buồm Lê Quý Đôn hiện đại nhất thế giới của hải quân Việt Nam.”
Nhưng cộng đồng quốc tế lại là một ẩn số, mà cách nào đó là khá giống với phương trình đi Mỹ và làm gì ở đó của “Tổng tịch” Nguyễn Phú Trọng.
Bi kịch của Việt Nam từ không dám nổ súng cảnh cáo, không dám nhắc tên Trung Quốc và không dám kiện Trung Quốc đã khiến Bắc Kinh không chỉ ngày càng coi thường “vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam,” mà còn giành ưu thế vượt mặt giới chóp bu Việt Nam trong hoạt động vận động quốc tế.
Cách tuyên bố mang tính khẳng định về vùng chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực Bãi Tư Chính, và bây giờ còn muốn đuổi Việt Nam ra khỏi đó, rất có thể sẽ khiến một số quốc gia trên thế giới – vốn không am hiểu lắm về lịch sử chủ quyền vùng biển của Việt Nam và những mưu tính lắt léo trong “đường lưỡi bò 9 đoạn,” tỏ ra dè dặt hơn nếu những nước này có ý muốn ủng hộ Việt Nam tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, hoặc tại một tòa án quốc tế trong trường hợp Việt Nam dám kiện Trung Quốc ra trước thế giới, cho dù Việt Nam được đặt vào ghế “thành viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc” vào năm 2019.
Cho tới lúc này Trung Quốc đã đạt được những mục tiêu ban đầu của chiến dịch này, không chỉ khiến nhiều quốc gia trên thế giới và dư luận quốc tế dần bớt mối quan tâm đến một Biển Đông giằng co nhàm chán, mà còn biến Bãi Tư Chính từ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành nơi “tranh chấp không thể tranh cãi.” Để nếu chiến tranh nổ ra, bản chất cuộc chiến này sẽ là giành ăn dầu khí giữa những kẻ tương thông “Mười Sáu Chữ Vàng,” hoặc là “chuyện trong nhà” giữa hai nước xã hội chủ nghĩa anh em mà không cần đến sự chia sẻ hay can thiệp của các nước khác.
Còn với Việt Nam, tình thế đã không còn dễ rút lui và dễ “rửa mặt” cho Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính Trị của ông ta, khi Trung Quốc đã dám tung ra tối hậu thư “chủ quyền.”
Màu của máu
Đã rất rõ là phía Việt Nam càng lùi, Trung Quốc càng lấn tới – y hệt cái cách mà nhà cầm quyền Việt Nam và chế độ công an trị ở đất nước này đã đối xử với phong trào dân chủ nhân quyền. Ngay cả nếu Nguyễn Phú Trọng chấp nhận nhượng bộ “đi Trung trước, đi Mỹ sau” thì cũng khó làm cho Tập Cận Bình hài lòng để không tiếp tục “tống tiền” Bãi Tư Chính.
Tàu Trung Quốc chỉ có thể rút khỏi Bãi Tư Chính, mà cũng chỉ là tạm rút, trong trường Nguyễn Phú Trọng hủy bỏ chuyến đi Mỹ của ông ta, tương đương với việc từ bỏ ý định nâng tầm “đối tác chiến lược” của Việt Nam với Hoa Kỳ và không đưa Việt Nam nhích vào quỹ đạo của khối liên minh quân sự Đông Bắc Á (Mỹ-Nhật-Ấn-Úc) đối trọng với Trung Quốc.
Thêm một lần nữa trong rất nhiều lần, Nguyễn Phú Trọng đứng giữa ngã ba đường. Nhưng khác nhiều với trước đây khi còn “trẻ khỏe,” hiện thời ông ta đang ở bên kia dốc trong ráng hoàng hôn màu đỏ quạch của tử thần.
…Và màu của máu
Nhưng nếu Trọng hủy bỏ chuyến đi Washington, sẽ chẳng có những hàng không mẫu hạm nào của hải quân Mỹ đi vào Biển Đông để áp sát những nơi mà Trung Quốc đã gia cố và phát triển thành căn cứ quân sự, răn đe bầy đàn tàu chiến của Trung Quốc. Mà nếu không có Mỹ, tương lai Trung Quốc nuốt gọn Bãi Tư Chính của Việt Nam chỉ là ngày một ngày hai. Khi đó, chính thể độc tài ở Việt Nam không chỉ mất trắng bể dầu thô nuôi đảng mà dân tộc Việt còn bị kẻ thù san sẻ lãnh thổ.
Nguy vong hơn lúc nào hết, giờ đây giới chóp bu Việt Nam phải tự quyết định số phận tồn vong của nó là thêm một lần đánh đu với người anh em cộng sản Bắc Kinh sẽ rất dễ khiến lục phủ ngũ tạng của dân tộc Việt Nam bị kẻ thù phanh thây, theo đúng cái cách mà chính quyền Trung Quốc đã làm để mổ sống nội tạng các tín đồ Pháp Luân Công. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét