Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

14062 - Tướng Robert E. Lee và Tướng Ulysses S. Grant



Giữa tháng 8 năm 2017, những người theo chủ nghĩa dân tộc da trắng đã tuần hành tại Charlottesville, bang Virginia, Hoa Kỳ nhằm chống lại một kế hoạch loại bỏ một tượng đài Robert Lee, tướng cầm đầu quân đội Hợp bang miền Nam (Confederate Army, ủng hộ chế độ nô lệ) trong cuộc nội chiến Mỹ kéo dài 4 năm (1861 đến 1865). Cuộc biểu tình dẫn đến các đụng độ bạo lực khiến một người chết và hàng chục người bị thương.


Tổng thống Donald Trump lên tiếng phản đối bạo lực với những lời lẽ gây tranh cãi nhiều hơn, dẫn đến việc một vài Tổng Giám Đốc của các công ty lớn xin rời khỏi uỷ ban cố vấn về kinh tế của Tổng thống. Thực sự, Robert E. Lee là ai? Nếu tìm hiểu chút ít về Robert Lee, không thể không nhắc đến Ulysses Grant, tướng cầm đầu của quân đội Liên bang (Union Army, ủng hộ việc bỏ chế độ nô lệ) do Tổng Thống Abraham Lincoln chỉ định để chiến đấu trong cuộc nội chiến nhằm thống nhất đất nước. Hãy cùng nhau tìm hiểu về hai người Mỹ vĩ đại này.
Khi Tướng Ulysses S. Grant và Tướng Robert E. Lee gặp nhau trong phòng khách của căn nhà nhỏ tại làng Appomattox Court House, bang Virginia, vào ngày 9 tháng 4 năm 1865, để ký kết các điều kiện đầu hàng cho quân đội của Tướng Lee lúc đó đang đóng tại miền Bắc Virginia, Nội chiến Mỹ (1961- 1865) kết thúc, mở đầu trang sử mới xây dựng lại đất nước Hoa Kỳ. Sự tương phản sâu sắc về cá tính và những giá trị mà hai tướng này đại diện và bảo vệ cho giai cấp của mình phần nào giúp thế hệ sau hiểu được những xung đột, va chạm đem đến những kịch tính trong lịch sử nước Mỹ trong thời gian Nội chiến.
Robert E. Lee, tướng lãnh đạo quân đội Hợp bang miền Nam của những tiểu bang tìm cách tách ra khỏi Hoa Kỳ dẫn đến nội chiến, muốn xã hội quý tộc tồn tại và chiếm ưu thế trong cuộc sống của người Mỹ. Robert Lee sinh ra và lớn lên ở vùng biển Virginia, xuất thân từ gia đình văn hoá truyền thống, trong một thế giới mới (New World) với những huyền thoại riêng. Lee thể hiện cách sống Ăng Lê chính thống. Lee và giai cấp của ông có niềm tin khá mờ hồ về ý tưởng rằng mọi người đều có quyền và cơ hội bình đẳng trong xã hội như đã được ghi rõ trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập khi Thomas Jefferson và tiền nhân của Cách Mạng Mỹ tuyên bố chống lại Đế Quốc Anh gần 100 năm trước. Lee có chính kiến rằng sự bất bình đẳng rõ rệt trong cơ cấu xã hội nhiều khi là một lợi thế cho xã hội loài người. Tầng lớp thượng lưu là những người sở hữu đất và việc sỡ hữu đất đai là những thước đo cho sự giàu có và có ảnh hưởng trong xã hội.
Vì vậy Lee và những nam giới do ông lãnh đạo ý thức mạnh mẽ rằng họ sống và hành động không vì mục đích tìm tư lợi nhưng vì nghĩa vụ bảo vệ những giá trị của giai cấp mình, giai cấp có đặc quyền trong xã hội và lãnh đạo đất nước. Tư tưởng, hành vi, biểu lộ cá nhân nhằm đề cao những giá trị cơ bản này chính là cách thể hiện sức mạnh và đức hạnh của Lee, các tướng tá sĩ quan và quân đội của ông.
Lee là hiện thân của các yếu tố cao qúy nhất của lý tưởng qúy tộc này, như thể các sĩ quan quân đội Hợp bang chiến đấu và hy sinh trong 4 năm của cuộc nội chiến cũng chỉ bảo vệ lý tưởng mà Lee theo đuổi. Trước khi kết kết thúc nội chiến, tiếng tăm và uy tín của Lee đã đi vào huyền thoại. Những ngày đầu trong chiến tranh, hàng ngàn quân lính không đủ ăn, không đủ mặc xem Lee đại diện cho những gì họ sẵn sàng chiến đấu và hy sinh. Họ không thể diễn tả sự thôi thúc và nguồn cảm hứng thành lời nói. Vì vậy, họ biểu lộ bằng hành động chiến đấu thần thánh hoá chủ nghĩa anh hùng, đem đến hàng trăm ngàn cái chết cũng chỉ vì biện minh sống động cho lý tưởng tương tự như lý tưởng của Robert Lee.
Trái hẳn với Robert Lee, tướng Ulysses S. Grant xuất thân là con trai của một người thợ thuộc da, sinh sống ở phía tây (Western Front) nước Mỹ. Grant cứng cỏi, dẻo dai bền bỉ do những cá tính được rèn luyện của những người sinh sống quanh vùng núi. Grant là một trong số những người đàn ông mà bản thân không mang ơn ai hoặc sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho ai, hoặc phụ thuộc vào giai cấp nào. Trái lại, Grant thuộc tiếp người hướng về tương lai, bỏ lại đằng sau quá khứ và những giá trị trật tự xã hội mà tầng lớp qúy tộc hay giới lãnh đạo Mỹ còn bám lấy. Tiềm ẩn sâu sắc trong lòng Grant và cộng sự của ông là sự không hài lòng với xã hội hiện tại. Họ thích và đeo đuổi dân chủ, chứ không phải một trật tự xã hội do giai cấp thượng lưu định sẵn. Họ lớn lên trong bầu khí dân chủ và hiểu xã hội dân chủ sẽ hoạt động thế nào. Đối với Grant và cộng sự của ông, xã hội có thể có những đặc quyền, nhưng phải là đặc quyền hoặc đặc ân mà chính mỗi người do cố gắng bản thân đạt được cho chính mình. Đối với Grant, xã hội hình thức và kiểu mẫu không có nghĩa gì cả. Cuộc sống là sự cạnh tranh và không người nào sinh ra có đặc quyền, ngoại trừ có cơ hội giống nhau để vươn lên.
Grant và thế hệ ông cảm nhận số phận mình gắn liền với sự phát triển đất nước trải dài từ miền đông (Eastern Fronts) qua tới miền tây (Western Fronts) nước Mỹ và chạy dọc từ Canada xuống tới Mễ Tây Cơ, mở rộng một chân trời mới, sự tiếp cận các thị trường, sự phát triển các trang trại, các thị xã, các cửa hàng lớn, các đường cao tốc và kinh doanh đưa đến sự thịnh vượng cho mọi người.
Có lẽ sự tương phản nổi bật nhất với Grant là Lee con nhà quý tộc ở Virginia, miền đông nước Mỹ, sống trong một xã hội khá ổn định, chấp nhận hầu như bất cứ điều gì ngoại trừ sự thay đổi, và bản năng và lòng trung thành để chiến đấu, bảo vệ tất cả mọi thứ đã mang lại cho cuộc đời mình ý nghĩa sâu sắc thực sự. Trong khi đó, Grant, hậu duệ của những người tiên phong trong hành trình khám phá miền Tây nước Mỹ, cũng chiến đấu với độ bền bỉ tương tự cho một lý tưởng nhằm mở rộng hơn xã hội Mỹ. Grant đã chiến đấu như vậy bởi vì số phận và mọi thứ ông ta có gắn liền với sự tăng trưởng, sự mở rộng liên tục tới một chân trời mới của đất nước mình. Nói một cách khác, lý tưởng của Grant và cộng sự của ông sống sót hay không gắn liền với sự thống nhất của đất nước và sẽ sụp đỗ nếu không đánh bại quân đội Hợp bang do Robert Lee cầm đầu.
Vì vậy, Grant và Lee hoàn toàn trái ngược, đại diện cho hai yếu tố hoàn toàn trái ngược nhau trong xã hội Mỹ vào cuối thế kỷ 19, đang dần dần chuyển hướng vào đầu thế kỷ 20. Grant là đại diện cho thế hệ bắt kịp thời đại của công nghiệp sản xuất thép và máy hơi nước, sự xuất hiện các thành phố đông đúc với sức sống tràn ngập không ngừng nghỉ. Trái lại, Lee đại diện cho tiếp người vẫn còn bảo thủ, thế hệ của những người sống ở thể kỷ 18 và 19 tại Mỹ.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều tương phản. Dù khác về nguồn gốc, bối cảnh, nhân cách, và khát vọng của bản thân, hai vị tướng vĩ đại này có nhiều điểm chung làm họ có những phẩm chất chiến đấu rất giống nhau và trở thành những chiến binh kỳ diệu. Cả hai có đức tính tuyệt vời của sự kiên trì, không bỏ cuộc, và trung thành tuyệt đối. Khả năng suy nghĩ nhanh hơn và di chuyển nhanh hơn kẻ thù. Đây là những phẩm chất đã giúp Lee tổ chức chiến dịch ở Manassas Second và Chancellorsville và giúp Grant giành được chiến thắng ở Vicksburg.
Cuối cùng, và có lẽ lớn hơn hết, là khả năng chuyển từ chiến tranh sang hòa bình một khi cuộc chiến kết thúc. Phong cách cư xử của Lee và Grant tại Appomattox lúc ký kết chấm dứt chiến tranh là đem đến sự hòa bình qua sự hòa giải một cách hoàn toàn tuyệt đối, và không có sự trả thù, nhằm xây dựng lại đất nước, một thỏa hiệp hay một triển vọng thống nhất tưởng chừng không thể đạt được sau một cuộc nội chiến kéo dài 4 năm với nhiều cay đắng, chết chóc, và mang tính khác biệt về hệ tư tưởng. Robert Lee ra lệnh cho các tướng lãnh của mình chấp nhận đầu hàng để chấm dứt chiến tranh. Ulysses S. Grant tuyên bố với các cộng sự rằng Robert Lee và quân đội của ông ta là nhũng kẻ nổi dậy nhưng họ vẫn là anh em chúng ta. Chính Grant đã cực lực phản đổi khi có ý kiến muốn xử Robert Lee tội phản quốc.
Hành vi của họ ở Appomattox Court House vào năm 1865 đáng được các thế hệ kế tiếp của người Mỹ biết đến và nhớ ơn. Grant và Lee, hai người Mỹ vĩ đại, rất khác nhau, nhưng dưới mọi thứ cả hai rất giống nhau khi hoà bình đất nước cần được thiết lập. Cuộc gặp gỡ của họ tại Appomattox là một trong những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của lịch sử nước Mỹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét