Phạm Nhật Bình
Bộ Trưởng Bộ 4T Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu trong ngày ra mắt mạng xã hội Lotus 16 tháng 9, 2019. Ảnh: Cafef
Làm sao có một mạng xã hội nội địa “made in Việt Nam” đủ sức mạnh thay thế Facebook là mơ ước lớn của Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ Trưởng Bộ 4T. Mơ ước này cũng nằm trong kế hoạch của Ban Tuyên Giáo Trung Ương sau những cuộc đại bại của đội quân dư luận viên trên mạng xã hội Facebook trước những thành phần mà đảng gọi là “thế lực thù địch”.
Với sự hô hào của Bộ Trưởng 4T, ngày 23 tháng Bảy vừa qua “mạng xã hội dành cho giới trẻ” mang tên Gapo xuất hiện bên cạnh những cái tên đang sống dở chết dở như VietnamTa, Hahalolo. Dù được quảng cáo ầm ỉ nhưng chỉ sau vài tuần Gapo chịu chung số phận chết yểu trước khi thay thế được ông lớn Facebook.
Non hai tháng sau, ngày 16 tháng Chín, thêm một mạng xã hội mới lại rầm rộ ra đời với sự có mặt của Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Lotus xuất hiện với châm ngôn kêu rất to “Nội Dung Là Vua” với ước mong có 4 triệu khách hàng sử dụng sau một năm vận hành. Nhưng con số 4 triệu này dù khiêm nhường có vẻ cũng khó đạt tới một cách dễ dàng, vì ngay như người sáng lập Lotus cũng nói rằng Lotus không dám cạnh tranh với Facebook hay những mạng xã hội khác mà chỉ cung cấp một diễn đàn để “sáng tạo nội dung sống động” cho khách hàng…
Hiện diện trong lễ ra mắt của Lotus, Bộ Trưởng 4T Nguyễn Mạnh Hùng tỏ ra phấn khởi và hy vọng “thành công của Lotus sẽ góp phần để đến năm 2020, người dùng các mạng xã hội Việt Nam sẽ tương đương người Việt Nam dùng các mạng xã hội nước ngoài”. Và thêm nữa “Lotus sẽ góp phần dấn thân Make In Vietnam”, từ đó Việt Nam đi ra toàn cầu. Xem ra cũng chỉ là một lối đại ngôn thường nghe từ chính phủ kiến tạo của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Dư luận nhanh chóng đánh giá, dù Công ty VCCorp có bỏ ra 30 triệu Mỹ kim hay nhiều hơn Lotus cũng khó thọ trong thời gian trước mắt vì nhiều lý do. Một trong những lý do quan trọng nhất là Lotus được sản sinh ra không phải từ nhu cầu của quần chúng mà do nhu cầu tuyên truyền cho đảng, hay nói đúng hơn cho chính Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, người đang có tham vọng tìm kiếm một cái ghế trong Bộ Chính Trị ở đại hội đảng 13 vào đầu năm 2021 sắp tới. Sẽ không ai quan tâm đến câu “Nội Dung Là Vua” khi lý lịch của khách hàng không còn là điều bí mật và thường xuyên bị công an mạng săm soi.
Một lý do khác không kém quan trọng, dù VCCorp có khoe ra hơn 200 kỹ sư công nghệ trong mọi lãnh vực, nhưng hầu hết là những chuyên viên chưa đạt trình độ chinh phục và sáng tạo kỹ thuật. Mà đó chẳng qua chỉ là những người muốn vượt qua trình độ bắt chước và đang đi sau thiên hạ về kỹ thuật. Nói cách khác, muốn lập một mạng xã hội tương tự Facebook, ít nhất VCCorp phải cho đứa con của mình trải qua một quá trình thực nghiệm với thời gian vài ba năm trước khi tung ra sử dụng công khai.
Đàng này chưa biết Lotus đã được thử nghiệm bao lâu mà VCCorp đã rầm rộ tổ chức trình làng, chẳng những vậy còn mong ước sẽ sớm quy tụ được 4 triệu người, tuy nhỏ nhưng đầy tham vọng. Rõ ràng chuyện này là do Bộ Trưởng Bộ 4T xúi để đóng góp vào “sự nghiệp vẻ vang” của mình từ khi rời Viettel của quân đội.
Không ai quên chính Bộ Trưởng Hùng là người đã ồn ào khởi xướng thành lập một mạng xã hội riêng của Việt Nam, một kiểu theo đuôi quan thày Trung Cộng. Ông Hùng càng nôn nóng hơn vì trong thời gian dài vừa qua, cả đảng CSVN bị hàng triệu Facebookers tấn công tơi bời mà không làm sao đỡ nổi, kể cả khi đảng tung thêm lực lượng tác chiến 47.
Sự thành công của Facebook ở Việt Nam cho thấy mạng xã hội không thể và không bao giờ có thể là công cụ của một đảng hay một chính quyền, một nhóm người nào đó. Mà nó phải là một công cụ thật sự tôn trọng quyền riêng tư, chú trọng thông tin nhiều chiều, nhanh chóng thì mới thu hút người tham gia. Các thống kê khả tín cho biết tính đến cuối năm 2018 có 58 triệu người sử dụng FB tại Việt Nam cùng với trên 60 triệu tài khoản Google. Mặc dù từ đầu năm 2019 Luật An Ninh Mạng ban hành luôn yêu cầu FB và Google phải mở văn phòng tại Việt Nam như một biện pháp kiểm soát người sử dụng, nhưng vẫn không được thoả mãn từ các công ty nước ngoài.
Nhà nước Cộng Sản Việt Nam vốn độc tài luôn đi ngược chiều thời đại, đã ra sức siết chặt quản lý Internet. Việt Nam cũng nổi tiếng là một trong những quốc gia kiểm duyệt khắt khe nhất thế giới trong suốt nhiều năm liền, theo đánh giá của Tổ chức Phóng Viên Không Biên giới (RSF). Nhưng cũng vì thất bại trong mọi hình thức ngăn chận, kiểm duyệt, chế độ mơ ước thành lập cho được một mạng xã hội khả dĩ kiểm soát chặt chẽ tư tưởng người dân để củng cố độc quyền cai trị của mình.
Sự xuất hiện của mạng xã hội Lotus cho thấy Hà Nội chưa bao giờ từ bỏ quan điểm biến tư tưởng con người thành thứ có thể nhồi nắn tuỳ ý nhà cầm quyền. Nhưng Lotus có thể trở thành một thứ Weibo của chế độ hay không, người sử dụng mạng xã hội Việt Nam sẽ có cách trả lời. Chờ xem!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét