Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

14163 - Từ kê khai tài sản đến kiểm soát quyền lực





Vào những ngày này, báo đảng lại hô hào về một đợt kê khai tài sản mới dành cho cán bộ công chức. Nhưng không ai biết đợt này có ‘thắng lợi’ như những đợt trước hay không. Trong những đợt kê khai tài  sản cán bộ trước đây, các tỉnh thành ủy và khối chính quyền vẫn đều đặn và thản nhiên báo cáo về trung ương ‘không phát hiện trường hợp cán bộ kê khai tài sản không trung thực’, hoặc cả nước chỉ phát hiện 5 hay 6 trường hợp cán bộ kê khai tài sản không trung thực trong tổng số… gần 1 triệu cán bộ.

Nếu không thể tìm được ít ra vài trăm mạng ‘kê khai không trung thực’, làm sao áp dụng được tiêu chí ‘trog sạch’ trong đánh giá cán bộ, ngay trước mắt là Hội nghị trung ương 11 của đảng cầm quyền - dự kiến tổ chức vào tháng 10 năm 2019?

Và nếu chủ trương kê khai tài sản vẫn chỉ được làm như theo cách đối phó mà chẳng có gì thực chất, làm thế nào Nguyễn Phú Trọng và ê kip đảng của ông ta có thể kiểm soát được quyền lực theo Quy định về kiểm soát quyền lực mà Trọng đã ký ban hành vào tháng 9 năm 2019?

Quy định kiểm soát quyền lực áp dụng với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác cán bộ. Đây là lần đầu tiên trong đảng cầm quyền xuất hiện một đảng văn về kiểm soát quyền lực - điều chưa từng tồn tại ở các đời tổng bí thư trước đây.

Về bản chất, kiểm soát quyền lực không chỉ nhằm kiểm soát các quyền lực đang được giới quan chức từ Bắc chí Nam, từ trên xuống dưới giành giật ‘như chó tranh xương’, mà còn phải kiểm soát được núi tài sản gồm của nổi và của chìm của những kẻ có quyền lực.

Thế nhưng đảng của Nguyễn Phú Trọng đã kiểm soát được tài sản cá nhân quan chức đến mức độ nào?

Hãy nhìn lại chủ trương về kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cao cấp thuộc diện Bộ Chính trị và Ban bí thư quản lý, được  Tổng bí thư Trọng tung ra vào tháng Năm năm 2017 ngay sau khi xử lý kỷ luật một ủy viên bộ chính trị là Đinh La Thăng, bí thư thành ủy TP.HCM.

Khi đó và với quy định đó, Nguyễn Phú Trọng đã tiến thêm một bước dài và mạo hiểm trong chiến dịch mang hai mục tiêu vừa “chống tham nhũng” vừa kiểm soát quyền lực - hành động tương tự như “cuộc cách mạng long trời lở đất” mà ông Tập Cận Bình và Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương (CCDI) đã tung ra từ năm 2012 đến nay. Chủ trương kiểm tra tài sản quan chức của Trọng đã lập tứcđược Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo báo chí nhà nước tuyên truyền ồn ào và không kém khoa trương.

Nhưng trong thực tế chiến dịch ‘chống tham nhũng’ và kiểm tra tài sản quan chức ở Việt Nam là còn xa mới với tới cái lai quần của Tập Cận Bình. Chưa đầy một năm sau xúc cảm xuất thần ‘lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy’, vào buổi chiều 17/6/2018 khi tiếp xúc cử tri tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), ông Nguyễn Phú Trọng không còn đề cập một cách mạnh mẽ cùng những ngôn từ bóng bẩy và ẩn dụ về công cuộc ‘đốt lò’ của ông, trong khi lại cho rằng ‘vấn đề kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm bởi nó liên quan đến quyền đời tư, quyền bí mật cá nhân’, và ‘mong muốn cử tri tiếp tục tham gia đóng góp ý kiến để có thể hoàn thiện được luật này và sớm được Quốc hội thông qua’.

Về thực chất, phát ngôn trên của ông Trọng là một sự thừa nhận gián tiếp thất bại về chủ trương kê khai tài sản cán bộ và cao hơn nữa là ‘kiểm tra tài sản 1.000 quan chức’.

Thất bại đó càng rõ rệt khi đến nay đã hơn hai năm trôi qua mà vẫn không có bất kỳ động tác được hứa hẹn nào được thực hiện.

Cho đến nay, báo đảng hầu như không còn nhắc tới chủ trương kiểm tra tài sản quan chức nữa. Chủ trương này cũng vì thế đã sớm mang thân phận chết yểu, dù chưa ai chính thức khai tử nó. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét