Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

14172 - Cải cách tư pháp, không ưng cũng phải… chịu



Nguyễn Hữu Linh bước nhanh từ xe vào Tòa án quận 4 sáng ngày 25/6/2019 trong phiên xử ấu dâm. Hình minh họa. Photo: Độc lập/ Thanh Niên.


Hình ảnh Bùi Mạnh Giáp, 36 tuổi, bị cáo của một vụ “cướp tài sản” xảy ra cách nay bảy năm (2012), bừng bừng phẫn nộ, chỉ tay vào mặt các Kiểm sát viên, Thẩm phán trong phiên xử phúc thẩm được tổ chức hồi hạ tuần tháng trước, mắng chửi tất cả những cá nhân “tiến hành tố tụng” vì cáo gian, phạt oan… chính là một ví dụ nữa minh họa cho sự thất bại toàn diện của “Chiến lược cải cách tư pháp”!
Năm 2005, Bộ Chính trị của đảng CSVN ban hành một nghị quyết (49/NQ-TW), xác định, cải cách tư pháp là “chiến lược”, phải thực hiện trong 15 năm để đến 2020 có một “nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, tôn trọng và bảo vệ quyền con người”. Chỉ còn ba tháng nữa là đến 2020 nhưng vẫn còn rất nhiều vụ án như vụ án Bùi Mạnh Giáp…
Đêm 16 tháng 12 năm 2012 tại phường Hải Hòa, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh xảy ra một vụ cướp. Nạn nhân – một người Trung Quốc – khai rằng, khi thả neo cạnh bờ sông Ka Long, con đò chở linh kiện điện tử cũ của ông bị cướp… Đồn Biên phòng Hải Hòa đã tổ chức điều tra, xác định mười cửu vạn (phu khuân vác) do Bùi Mạnh Giang làm “cai” (thay nhóm nhận và tổ chức thực hiện các đơn đặt hàng) là thủ phạm.
Biên phòng chỉ “bắt quả tang” được 5/10 cửu vạn (Cường, Lâm, Đáng, Tùng, Trung), 5/10 cửu vạn còn lại (Sinh, Giang, Đẳng, Công, Quyền) được cho là đã bỏ trốn. Dựa trên lời khai của những cửu vạn bị bắt, Đồn Biên phòng Hải Hòa bắt Bùi Mạnh Giáp với lý do Giáp là chủ mưu (chỉ đạo các cửu vạn thực hiện vụ cướp). Sau khi hoàn tất cuộc điều tra sơ bộ, Đồn Biên phòng Hải Hòa chuyển hồ sơ cho công an điều tra tiếp…
Lúc đầu, Công an tỉnh Quảng Ninh nhận thụ lý vụ án nhưng điều tra suốt một năm (từ tháng 12 năm 2012 đến tháng 12 năm 2013) vẫn không xong, không thể ra “Kết luận điều tra” nên quyết định chuyển cho cấp dưới (Công an thành phố Móng Cái) điều tra tiếp. Công an Móng Cái, quyết định “tạm đình chỉ điều tra” đối với Giáp vì năm bị can cùng khẳng định Giáp không biết gì, không liên quan.
Vụ cướp chỉ còn lại năm cửu vạn bị “bắt quả tang”. Sau khi công an hoàn tất “Kết luận điều tra”, Viện Kiểm sát công bố “Cáo trạng”, tháng 6 năm 2014, Tòa án Móng Cái phạt Cường 10 năm tù. Lâm, Đáng, Tùng, Trung mỗi người bị phạt 9 năm tù. Ba tháng sau, khi xử phúc thẩm, Tòa án Quảng Ninh giảm hình phạt cho Cường từ 10 năm xuống còn 6 năm tù. Lâm, Đáng, Tùng Trung cũng được giảm hình phạt từ 9 năm xuống còn 5 năm tù.
Bản án này có nhiều điểm đáng bàn. Việc truy tố - kết án cả năm cửu vạn chỉ dựa vào lời khai của chính họ. Cả năm bị khởi tố do bị “bắt quả tang” nhưng thực chất là bắt… nguội. “Bắt quả tang” chỉ nhằm hóa giải chuyện thiếu chứng cứ. Lúc đầu, cả năm nhận tội nhưng sau đó đồng loạt phản cung, tố cáo đã bị đánh đập, ép nhận tội. Sở dĩ tòa phúc thẩm giảm án cho cả năm vì họ nhận tội và đồng thanh xác nhận Giáp là chủ mưu…
Một tháng sau (tháng 10 năm 2014), dựa trên lời khai của năm cửu vạn, Công an Móng Cái “phục hồi điều tra” đối với Bùi Mạnh Giáp. Một năm sau (tháng 11 năm 2015), Tòa án Móng Cái đưa Giáp ra xử sơ thẩm, phạt Giáp bảy năm tù. Thêm nửa năm nữa (tháng 4 năm 2016), khi xử phúc thẩm, Tòa án Quảng Ninh tuyên bố hủy bản án sơ thẩm vì cả năm cửu vạn (lúc đó đang ở tù được triệu tập đến tòa) phủ nhận Giáp là “chủ mưu”.
Vụ án Bùi Mạnh Giáp được yêu cầu điều tra lại. Sau bốn năm bị tạm giam, tháng 11 năm 2016, Giáp được tại ngọai và đến tháng 10 năm 2018 bị bắt trở lại. Tháng 4 năm nay, Tòa án Móng Cái đưa Giáp ra xử sơ thẩm lần thứ hai, lần này Giáp tiếp tục bị phạt bảy năm tù. Đến hạ tuần tháng 8, Tòa án Quảng Ninh đưa vụ án ra xử phúc thẩm lần thứ hai và sau ba ngày xét xử thì tuyên bố tạm ngưng xét xử vì…
Cường, Lâm, Đáng, Tùng, Trung – năm cửu vạn từng bị kết án “cướp tài sản” – đã thi hành xong bản án của họ. Sau khi được tự do, họ cùng kêu oan: Tố cáo đã bị đánh đập, ép nhận tội, kể cả ép khai rằng Giáp là “chủ mưu”. Trước tòa, họ tiếp tục tố cáo Viện Kiểm sát, Tòa án không nghiêm minh, phớt lờ những tố cáo và lời kêu oan của họ. Cả năm tiếp tục làm chứng, Giáp cũng như họ, không dính dáng gì đến vụ cướp…
Các luật sư bào chữa cho Giáp thì tố cáo cả công an lẫn Viện Kiểm sát đã vi phạm pháp luật. Khi Đồn Biên phòng Hải Hòa chuyển vụ án cho công an, hồ sơ có 63 trang nhưng trong hồ sơ chính thức thì chỉ còn… 53 trang. Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án Móng Cái chỉ căn cứ vào các lời khai nhưng các lời khai thì mâu thuẫn, bất nhất và năm cửu vạn đã giải thích tại sao.
Trước Hội đồng xét xử phúc thẩm lần hai đối với Giáp, các cửu vạn tường thuật rành rọt, ai đã gặp họ trước khi họ bị đưa ra xét xử phúc thẩm, ai đã khuyến cáo, muốn được giảm hình phạt thì phải nhận tội và khai Giáp là chủ mưu. Họ nhấn mạnh, do hoàn cảnh, phải thực hiện khuyến cáo ấy và yêu cầu Tòa án trả lại công lý cho cả họ lẫn Giáp. Các luật sư bào chữa cho Giáp đề nghị khởi tố vụ án “làm sai lệch hồ sơ”…
Hội đồng xét xử phúc thẩm lần hai đối với Giáp mất một tháng để cân nhắc và cuối tháng rồi quyết định xử tiếp. Lần này, họ đồng tình với Tòa án Móng Cái, xác định Giáp có tội và giữ nguyên hình phạt mà Tòa án Móng Cái đã tuyên: 7 năm tù (3)! Giáp chỉ còn một con đường: Xin Viện Kiểm sát Tối cao hoặc Tòa án Tối cao xét lại theo trình tự Giám đốc thẩm! Theo luật, Giám đốc thẩm có nghĩa là thích thì xét, không thì chẳng sao!
***
Song hành với luật hình sự (định danh, định tính các vi phạm pháp luật về hình sự, định lượng việc truy cứu trách nhiệm hình sự) là luật tố tụng hình sự (đặt định các nguyên tắc về khám xét, thu thập chứng cứ, bắt giam, lấy lời khai, đánh giá – nhận định,… để bảo đảm quá trình điều tra, truy tố, xét xử phải minh bạch, khách quan, bảo đảm công bằng, bảo vệ cả công lý lẫn danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng, tài sản, của công dân).
Tuy nhiên khác với thiên hạ, tại Việt Nam, từ công an, Viện Kiểm sát đến Tòa án đều… có quyền vi phạm Luật Tố tụng hình sự. Các vi phạm những qui định trong tố tụng hình sự chưa bao giờ bị xem là nguy hại cho cả công lý lẫn danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng, tài sản, của công dân, chưa bao giờ trở thành lý do phải “đình chỉ vĩnh viễn” một vụ án và phải truy cứu trách nhiệm những cá nhân “tiến hành tố tụng”...
Thành ra, mới có chuyện năm cửu vạn được mời đến lấy lời khai, bị buộc viết tường trình nhưng sau đó các cơ quan tiến hành tố tụng thản nhiên khởi tố - tạm giam theo hình thức… “bắt quả tang”. Về nguyên tắc, thời hạn tạm giam tối đa để điều tra, ngay cả đối với “tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” cũng không được quá 16 tháng nhưng Bùi Minh Giáp bị tạm giam để điều tra đến bốn năm vẫn chẳng có nơi nào bận tâm…
Rồi một vụ cướp điều tra cả năm không xong, để cho xong, công an cấp trên chuyển cho công an cấp dưới, công an cấp dưới có thể… linh hoạt tách vụ cướp thành… hai vụ án, dùng bản án trước để… củng cố cho vụ án sau. Dẫu có đến… 11 “tên cướp” nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng tự cho phép tha năm “tên”, “nhất trí” chỉ cần truy cứu trách nhiệm hình sự của 6 “tên”!
Cả Viện Kiểm sát (nơi vừa giám sát hoạt động điều tra của công an, vừa thực thi quyền công tố) và Tòa án (nơi nhân danh công lý để xét và xử) không xem chuyện hồ sơ vụ án mất 10 trang, hay những tố cáo bị tra tấn, ép khai báo là nghiêm trọng, cần điều tra đến nơi, đến chốn. Cải cách tư pháp nhưng tòa án chỉ xét và xử bị cáo, không xét và cũng chẳng xử những vi phạm liên quan đến tố tụng hình sự.
***
Tư pháp xã hội chủ nghĩa từng sản sinh ra vô số nạn nhân. “Chiến lược cải cách tư pháp” góp thêm vô số cha mẹ neo đơn, góa phụ, con mô côi do con, chồng, cha chết trong các nhà tạm giữ, trại giam vì những lý do không ai tin là ngẫu nhiên, tạo ra những án oan như Nguyễn Thanh Chấn (bị phạt chung thân), Huỳnh Văn Nén (bị phạt chung thân), Hàn Đức Long (bị kết án tử hình),…
Cho dù các án oan khiến công chúng bàng hoàng, phẫn nộ nhưng hệ thống tư pháp vẫn thản nhiên bước tới trên con đường cũ để tạo ra thêm những án oan khác. Tuy đã được “sửa đổi, bổ sung” nhưng Luật Tố tụng hình sự hiện hành vẫn xem “phát hiện chính xác, nhanh chóng, xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội” là… mục tiêu thứ hai.
Mục tiêu thứ nhất của Luật Tố tụng hình sự vẫn y hệt như như mục tiêu của nhiều bộ luật và các quy phạm pháp luật khác, đó là… “bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa”. Muốn biết mục tiêu hàng đầu của pháp chế xã hội chủ nghĩa có thể tạo ra một xã hội thật sự “công bằng, dân chủ, văn minh”, pháp luật hình sự có thể “phát hiện chính xác, nhanh chóng, xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội” hay không thì cứ nhìn thực tế.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét