Chủ Nhật, 28 tháng 5, 2017

Ai phải chịu trách nhiệm về tỷ lệ nợ xấu ngân hàng 40%?




Vào năm 2012, nhân vật nổi tiếng “báo cáo láo” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình - đã báo cáo số liệu nợ xấu chỉ khoảng 150.000 tỷ đồng.


Vào đầu năm 2014, trùng với thời điểm Ngân hàng nhà nước của Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố tỉ lệ nợ xấu chỉ khoảng 4%, một tổ chức xếp hạng tín nhiệm tín dụng có uy tín trên thế giới là Fitch Ratings đã tuyên bố một con số khác hoàn toàn dành cho nợ xấu Việt Nam: 13%! Vào năm 2015, một tổ chức tín dụng độc lập khác là FT Confidential Research cũng công bố: Tỉ lệ nợ xấu ngân hàng Việt Nam vào khoảng 15% trong năm 2014, thực tế cao hơn nhiều so với con số chính thức.

Trước Đại hội 12 của đảng cầm quyền, trong khi Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình cố ép nợ xấu về dưới 3% thì chính báo cáo của Ủy Ban Giám Sát và Tài Chính Quốc Gia – một cơ quan phân tích tài chính thuộc chính phủ mà trước đây mang tâm thế khá khép nép – lại cho thấy tỉ lệ nợ xấu thực lên đến 17%.

Còn bây giờ nợ xấu thực là bao nhiêu?

Vào kỳ họp tháng 5-6/2017 của Quốc hội Việt Nam, chủ đề nợ xấu một lần nữa được khơi lại. Lần này, Chính phủ cố “lôi” Quốc hội vào cuộc và cùng chịu trách nhiệm bằng một bản nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo đó, nợ xấu thực dần phát lộ.

Sát kỳ họp trên, con số mới nhất về nợ xấu ngân hàng, còn được mệnh danh là “cục máu đông”, được công bố: 600.000 tỷ đồng!

Trong thời gian họp quốc hội, Ngân hàng nhà nước của Thống đốc mới là Lê Minh Hưng đã công bố con số nợ xấu đã được xử lý là 610.000 tỷ đồng.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng, cố vấn cao cấp LienVietPostBank chia sẻ tại hội thảo hội thảo về góc độ chính sách và pháp luật trong xử lý nợ xấu: "Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu Chính phủ trình Quốc hội thà muộn còn hơn không. Hiện nay trong 100% nợ xấu, ngành ngân hàng đã xử lý được 53%, còn 47% nữa…”.

Như vậy, tổng nợ xấu đã xử lý và chưa xử lý lên tới khoảng 1.200 ngàn tỷ đồng, chiếm đến hơn 40% tổng dư nợ cho vay là hơn 3 triệu tỷ đồng!

Việt Nam lại khá tương đồng với Thái Lan trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997. Trước khủng hoảng, các cơ quan của Thái báo cáo tỷ lệ nợ xấu chỉ có 5%. Nhưng khi khủng hoảng xảy ra, tỷ lệ nợ xấu Thái Lan đã vọt lên đến 50%, gấp 10 lần!

Còn nhớ vào năm 2012, nhân vật nổi tiếng “báo cáo láo” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình - đã báo cáo số liệu nợ xấu chỉ khoảng 150.000 tỷ đồng. Chỉ đến cuối năm 2014, chắc hẳn thấy tình hình không “êm” và nợ xấu đã vô phương cứu chữa, Nguyễn Văn Bình mới phải báo cáo ra Quốc hội là con số nợ xấu đã lên đến khoảng 500 ngàn tỷ đồng.

Vào tháng 10 năm 2014, ba năm sau khi triển khai đề án xử lý nợ xấu, chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Văn Bình thậm chí còn đưa kiến nghị “xem xét dành một phần chi ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước” ra Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội.

Nhưng cũng bởi quá chủ quan nên chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã vấp phải một làn sóng phản đối quyết liệt từ đủ mọi thành phần dân chúng và cả trong giới quan chức.

Tại đại hội 12, cùng với bất ngờ Thủ tướng Dũng phải chịu thất bại cay đắng, là việc Nguyễn Văn Bình nghiễm nhiên trở thành ủy viên bộ chính trị. Sau đó, ông Bình nghiễm nhiên trở thành Trưởng ban Kinh tế trung ương và có vẻ đã thoát trách nhiệm về khối nợ xấu khổng lồ phát sinh dưới thời ông ta điều hành Ngân hàng nhà nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét