Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

Khả năng chính quyền Trump xem xét lại TPP




Mặc dù ngay trong ngày đầu tiên làm việc tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Donald Trump đã "kết liễu" Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), song có thể ông sẽ phải dành thời gian còn lại của nhiệm kỳ để cố gắng khôi phục một phần của hiệp định này.
TTP tạo ra mảnh đất mới phục vụ cho những lợi ích của Mỹ, tốt hơn nhiều so với những khoản cắt giảm thuế và trợ cấp trong những hiệp định mậu dịch trước đây. TPP sẽ tạo ra cú huých cho thương mại điện tử bằng cách gỡ bỏ những hạn chế đối với các hoạt động lưu thông dữ liệu, đồng thời cấm các quốc gia thành viên đưa ra quy định là máy chủ phải được đặt ở trong nước để dễ kiểm duyệt hay kiểm soát thông tin. TPP cũng buộc các doanh nghiệp quốc doanh phải hoạt động như các công ty thương mại khác, chứ không phải là công cụ chính trị của nhà nước. Việc bảo vệ tài sản trí tuệ cũng được củng cố trong khi những hạn chế đối với sự cạnh tranh trong ngành dịch vụ sẽ được giảm bớt. Những điều khoản này đều có lợi cho mục tiêu lâu dài của Mỹ, nước dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ và tài chính đồng thời đang muốn các nước khác chấm dứt những nỗ lực hạn chế vị thế thống trị của Mỹ trên toàn cầu.
TPP (nếu không bị hủy bỏ) sẽ giúp chính quyền mới thực hiện một số mục tiêu thương mại quan trọng. Trước hết, vì TPP bao gồm cả Canada và Mexico, nên thông qua hiệp định này Mỹ có thể đàm phán lại Hiệp định Tự do Bắc Mỹ, điều mà chính quyền của ông Trump đang yêu cầu. Thứ hai, vì TPP không bao gồm Trung Quốc, nên hiệp định này sẽ giúp Mỹ củng cố quan hệ với các quốc gia châu Á và trở thành "trợ thủ" đắc lực giúp Mỹ đối phó với Bắc Kinh. Ông Jeffrey Schott, nhà kinh tế thuộc Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho rằng tới đây chính quyền của ông Trump cần phải tái đầu tư vào TPP và cải tiến hiệp định này.
Một số quan chức phụ trách thương mại của ông Trump cũng bắt đầu đưa ra kết luận tương tự. "Chúng ta nên rút ra bài học và cải tiến những hiệp định mậu dịch đã đàm phán từ trước", Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nói trong cuộc điều trần tại Thượng viện hồi giữa tháng 3/2017. "Trong quá trình đàm phán lại Nafta, chúng ta nên xem xét kết hợp những điều khoản (trong TPP) cũng như cải tiến những lĩnh vực mà chúng ta có thể đi xa hơn cả TPP".
Hai tuần sau đó, chính quyền đã gửi tới Quốc hội một số mục tiêu đàm phán Nafta, trong đó nhắc lại các điều khoản của TPP về sở hữu trí tuệ, thương mại số và thương mại dịch vụ, doanh nghiệp quốc doanh, các tiêu chuẩn về lao động và môi trường. Những thay đổi mà Nhà Trắng đề xuất "nhẹ nhàng" một cách đáng ngạc nhiên so với những tuyên bố tranh cử hùng hồn của ông Trump. Josh Bolten, Chủ tịch Business Roundtable, một nhóm vận động hành lang cho các giám đốc điều hành, cho biết Mexico và Canada đã đồng ý với những điều khoản trong TPP. Nếu như các cuộc đàm phán gần như chỉ xoay quanh những biện pháp kể trên, thì "có lẽ việc đàm phán lại Nafta sẽ rất nhanh chóng và thành công".
Đối với Trung Quốc, TPP cũng đóng vai trò quan trọng. Hiệp định mậu dịch này là biểu tượng cho cam kết của Mỹ đối với khu vực và đem lại cho các quốc gia châu Á một chỗ dựa để không phải phụ thuộc vào một mình Trung Quốc. Bắc Kinh không phải là thành viên của TPP, song các nhà đàm phán đã hối thúc biến những điều khoản trong TPP đối với các doanh nghiệp quốc doanh, thương mại số cùng nhiều lĩnh vực khác trở thành những tiêu chuẩn có tính toàn cầu, mà rốt cuộc Bắc Kinh cũng sẽ phải tuân thủ.
Tổng thống Trump nói rằng ông thích những thỏa thuận song phương vì ông tin rằng Mỹ có thể sử dụng sức mạnh kinh tế để buộc những nước nhỏ hơn phải nhượng bộ. Ông lập luận rằng trong các thỏa thuận đa phương, đòn bẩy của Mỹ ít phát huy tác dụng hơn. Tuy nhiên, trên thực tế các thỏa thuận đa phương có thể giúp các quốc gia đưa ra những sự nhượng bộ. Malaysia do lo sợ cái giá chính trị phải trả ở trong nước nếu như nhượng bộ Mỹ nên đã không ký kết hiệp định mậu dịch tự do với Washington dưới thời chính quyền Tổng thống George W.Bush. Nhưng Malaysia có thể ký kết TPP, và đồng ý hạ thấp thuế quan đối với ô tô và một số mặt hàng khác, vì họ có thể tuyên truyền rằng các quốc gia Đông Nam Á khác cũng tham gia TPP.
Nhật Bản đã đồng ý giảm thuế quan đối với thịt bò và sau 25 năm sẽ bãi bỏ thuế quan đối với ô tô của Mỹ, cùng với một số nhượng bộ khác, vì họ có thể nhìn rộng ra toàn bộ nhóm nước tham gia TPP và nhận thấy rằng những nhượng bộ của các nước khác sẽ làm lợi cho ngành công nghiệp của Nhật Bản. Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cảnh báo rằng nếu là một hiệp định song phương có nhiều hạn chế hơn, thì Nhật Bản sẽ không "hào phóng" như vậy với Mỹ. Ông Lighthizer cho biết Mỹ "có ý định duy trì vai trò lãnh đạo trong khu vực", trong đó có cách đàm phán các hiệp định song phương. Ông Trump đã công khai "ve vãn" Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và 2 nước mới đây đã công bố một hiệp định mậu dịch chấm dứt cuộc tranh cãi về thịt bò, thẻ tín dụng và khí đốt tự nhiên.
Thế nhưng một báo cáo hồi năm ngoái của Ủy ban Mậu dịch Quốc tế Mỹ lại đưa ra một lộ trình khác. Báo cáo cho rằng những hiệp định đa phương chú trọng vào những ngành hay vấn đề cụ thể - chẳng hạn như phi thuế quan đối với công nghệ thông tin - mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn nhiều so với các hiệp định song phương. Tương tự, một hiệp định đa phương về nhiều khía cạnh của TPP - sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp quốc doanh, trao đổi dữ liệu - có thể khôi phục một số lợi thế bị mất do "cái chết" của TPP.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét