Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

3025 - Thượng đỉnh Macron-Putin trước thử thách của hồ sơ Syria và Ukraina

Minh Anh


Ảnh tư liệu: TT Pháp Emmanuel Macron (p) và đồng nhiệm Vladimir Putin (t) tại Điện Versailles, gần Paris, ngày 29/05/2017. REUTERS/Stephane De Sakutin/Pool

Trong hai ngày 24-25/05/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự Diễn đàn Kinh tế Saint-Petersbourg và gặp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Liệu đây có là cơ hội cho hai nước sưởi ấm lại quan hệ song phương đã bị « nguội lạnh » từ sau cuộc gặp tại cung điện Versailles, Pháp, ngày 29/05/2017 ? Theo giới quan sát, điện Kremlin vẫn tỏ ra rất dè chừng với Pháp do cả đôi bên vẫn còn nhiều chướng ngại phải vượt qua.

Báo Le Figaro ngày 22/05/2018 nhận định về mặt chiến lược, mục tiêu dài hạn của Pháp là làm thế nào giữ được Nga trong ngôi nhà châu Âu mà không bị ngả sang châu Á, nhằm tạo thành một khối có khả năng nói chuyện ngang hàng với Trung Quốc, trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng khẳng định xu hướng bá quyền, nhất là tại khu vực Biển Đông.

Thế nhưng, để có thể thực hiện được mục tiêu trên, cả Nga và Pháp đều phải vượt qua nhiều bất đồng, mà ba hồ sơ lớn là Ukraina, Syria và Iran sẽ là chủ đề nghị sự chính trong lần gặp thượng đỉnh này.

Nếu như trên vấn đề hạt nhân Iran, Nga và Pháp đều nhất trí phải duy trì thỏa thuận được ký vào ngày 14/07/2015, thì hai hồ sơ còn lại Ukraina và Syria là những điểm bất đồng sâu sắc nhất giữa hai nước.

Trong hồ sơ Ukraina, Matxcơva đã có một số nhượng bộ như đồng ý cho triển khai Lính Mũ Xanh ở đường phân định « ngừng chiến » giữa quân đội chính phủ Ukraina và quân ly khai thân Nga. Điện Kremlin còn chấp nhận việc hồi phục chủ quyền lãnh thổ vùng Donbass cho Kiev. Trong trường hợp này, Paris ngay từ tháng 7/2018 có thể đề xuất tạm ngưng các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu.

Đổi lại, Matxcơva muốn Ukraina phải thông qua luật quyền tự quyết văn hóa và ngôn ngữ cho vùng Donbass, kèm theo một lệnh ân xá toàn diện cho phe ly khai. Một đòi hỏi mà Kiev chưa muốn thực hiện trước khi diễn ra bầu cử tổng thống vào tháng 3/2019.

Ngoài ra một điểm nóng khác trong hồ sơ này là Nga không bao giờ chấp nhận ý tưởng Ukraina gia nhập khối NATO. Matxcơva chưa bao giờ quên được việc Paris và Berlin đã không bỏ phiếu phủ quyết Kiev gia nhập NATO vào tháng 04/2008. Do đó, theo quan sát của giới chuyên gia, hồ sơ Ukraina khó có những tiến triển tích cực trong cuộc gặp thượng đỉnh Macron – Putin lần này.

Về vấn đề Syria, Le Figaro cho là tình hình cũng không mấy sáng sủa do lập trường của Paris đối với chế độ Damas. Nước Pháp hầu như bị gạt hoàn toàn ra khỏi cuộc chơi tại Syria. Bóng dáng của Pháp chỉ thấp thoáng bên cạnh đồng minh chính là Mỹ và trong khu vực là người Kurdistan trong cuộc chiến chống Daech. Trong hồ sơ này, Nga đã khẳng định rõ vai trò cường quốc « trụ cột » tại Trung Đông.

Tóm lại, như phân tích của bà Tatiana Stanovaya, nhà nghiên cứu chính trị tại Nga khi trả lời phỏng vấn của RFI, làm thế nào xóa nhòa hoặc thậm chí giảm bớt nỗi ngờ vực của Nga đối với Pháp nói riêng và châu Âu nói chung sẽ là một nhiệm vụ khó khăn đối với tổng thống Pháp trong cuộc gặp với nguyên thủ Nga lần này.

« Tôi nghĩ là vẫn tồn tại một mức độ ngờ vực nào đó đối với Emmanuel Macron. Đơn giản không hẳn là Nga dè chừng ông ấy, mà đúng hơn hết là đánh giá thấp ông ấy. Matxcơva xem nhẹ vai trò, các đề xuất cũng như là tham vọng của Macron.

Matxcơva xem Liên Hiệp Châu Âu hiện nay như là một vùng lãnh thổ mà tính chủ quyền đã bị giới hạn bởi vì khu vực này đã nằm trong tầm ảnh hưởng của Mỹ. Chính vì thế mà nước Nga trước hết muốn giải quyết vấn đề này với Hoa Kỳ.

Do vậy, hiện nay, bất kể chiến lược của ông Macron như thế nào, điều mà Nga muốn là có một sự thay đổi thái độ triệt để, nhưng điều này vẫn chưa xẩy ra. Phần còn lại chỉ là những lời lẽ ngoại giao.

Ông Macron có thể tỏ ra cứng rắn, hay hòa giải, thậm chí có thể thực dụng hơn khi nói Nga là một đối tác chiến lược, … những động thái này không dẫn đến thay đổi gì cả. Bởi vì, điều mà nước Nga chờ đợi, đó là những hành động và một sự thay đổi chính sách đối với nước Nga ».

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét