Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

3116 - Donald Trump và cuộc chiến thương mại


Bắt đầu từ ngày 01.06.2018, đối với Liên hiệp Âu châu (EU), chính phủ Mỹ sẽ áp dụng sắc thuế đặc biệt trên hai mặt hàng nhôm và thép nhập cảng vào Mỹ.
Mặc dù có những cố gắng thương thảo với bộ trưởng thương mại Mỹ Wilbur Ross vào giờ phút chót, cuối cùng quyết định cũng vẫn là của ông Donald Trump. Cho đến giờ phút này, không mấy ai còn hy vọng có thể tránh được một cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Âu Châu.
Chuyện gì sẽ xảy ra sau ngày 01.06.2018? Viễn cảnh không mấy tốt đẹp về kinh tế, chẳng những chỉ riêng cho Âu châu, bởi nước Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề từ những biện pháp trả đũa của EU.
Ngày 31.05.2018 là ngày cuối cùng Âu châu được miễn thuế đặc biệt đánh lên thép (25%) và nhôm (10%) nhập cảng vào Mỹ. Ủy viên thương mại của quốc hội Âu Châu, bà Cecilia Malmström đã bày tỏ sự thất vọng ở Straßburg: “Thực tế mà nói, chúng ta không thể hy vọng điều gì. Mỹ bằng cách nào đó sẽ giới hạn sự nhập cảng của Âu châu vào Mỹ”.
Ngay cả dân biểu đặc trách thương mại EU Bernd Lange (đảng SPD của Đức) thấy ít có cơ hội cho một thỏa thuận giữa EU và Mỹ. Ông nói với đài truyền hình SWR: “Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là người có thể thuyết phục“.
Tất cả những người tham gia cuộc họp bên lề của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại Paris, Malmström, Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức Peter Altmaier (CDU) Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross để thảo luận về tranh chấp thương mại đều biết rằng Tổng thống Donald Trump luôn là người quyết định cuối cùng và chưa bao giờ nghe lời cố vấn, khuyên nhủ của ai. Họp cho có vậy thôi.
Đầu tháng 05.2018, Liên minh EU thông báo cho Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) là họ đã chuẩn bị, sẵn sàng những biện pháp trả đủa trong trường hợp chiến tranh thương mại xảy ra. Theo đó, từ ngày 20.06.2018, một số các mặt hàng của Mỹ như rượu whisky, bơ đậu phộng, xe gắn máy, quần jean… sẽ bị đánh thuế đặc biệt như một sự phản công. Số lượng này lên đến 1,6 tỷ đô la (1,4 tỷ euro), theo tài liệu do Liên minh châu Âu đệ trình.
Theo ước tính của báo Thương Mại (Handelsblatt), Đức là nước sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong Liên minh Âu châu khi bị áp đặt sắc thuế trừng phạt, vì Mỹ là nước nhập cảng thép cuộn nhiều nhất ngoài EU với khối lượng cả triệu tấn mỗi năm. Việc áp đặt sắc thuế đặc biệt lên thép và nhôm, theo nhận định báo này, Donald Trump muốn đẩy bật thép của EU ra khỏi thị trường Mỹ.
Với chủ trương “Nước Mỹ trên hết” – America First, bằng cách áp đặt thuế đặc biệt, Donald Trump tìm cách thúc đẩy nền kinh tế quốc dân để tạo ra việc làm cho người Mỹ, nhưng do thiếu hiểu biết, lại mang tâm lý của một trọc phú, Trump không biết rằng, hiện nay muốn phát triển nền kinh tế đất nước không chỉ đơn thuần, co cụm sản xuất và tiêu thụ trong một quốc gia. Sự phát triển kinh tế liên hệ với rất nhiều yếu tố từ địa chính trị đến chất lượng sản phẩm, nguyên liệu, giá cả, mức độ tiêu thụ, tâm lý người tiêu dùng…
Lý luận rằng, việc áp đặt sắc thuế đặc biệt lên thép, nhôm chỉ có mục đích đem về cho nước Mỹ nhiều công việc đã bị cướp di do sự cạnh tranh bất chính của các nước khác trong nhiều chục năm qua, chỉ là lý luận dùng khuynh hướng dân túy của một kẻ hoàn toàn không hiểu biết gì về kinh tế, chính trị.
Nhiều chuyên gia kinh tế thuộc cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, các giáo sư kinh tế nổi tiếng trong các trường đại học danh giá của Mỹ đã lên tiếng cảnh báo Trump không nên khai mào cuộc chiến thương mại, nhưng vốn là kẻ ngoan cố, đầu lừa, Trump chỉ thích làm theo ý mình, bất kể hậu quả.
Khi chiến tranh thương mại bùng nổ, những nước liên hệ chắc chắn sẽ có những biện pháp thích hợp để đối phó, những biện pháp không riêng gì các nước EU lo ngại mà ngay cả những doanh nghiệp của Mỹ cũng đang rất lo lắng. Các mặt hàng xuất cảng của Mỹ sẽ bị đánh thuế nặng tương ứng, xuất cảng chắc chắn sẽ giảm, sản xuất sẽ bị đình trệ kéo theo nhiều phản ứng dây chuyền không lường trước được.
Bộ trưởng Thương mại của Tàu Cộng cho biết, Tàu Cộng đủ sức và biết cách bảo vệ các quyền lợi cốt lõi của mình. Ấn Độ cũng đã gửi tới WTO danh sách 165 mặt hàng nhập cảng từ Mỹ sẽ bị đánh thuế lại. Nhật Bản cũng thông báo quyền sử dụng những biện pháp tương xứng để trả đũa sắc thuế đặc biệt của Mỹ.
Cuộc chiến thương mại sắp bùng nổ khiến các chuyên gia nhớ lại cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Cộng đồng Kinh tế Âu châu (EWG – Europäische Wirschaft Gemeinschaft) năm 1964 được gọi là Chiến Tranh Gà (Chiken War). Chiến Tranh Gà xảy ra khi Cộng đồng Kinh tế Âu châu đánh thuế cao thịt gà nhập cảng của Mỹ, Mỹ phản ứng bằng cách nâng mức thuế của các loại rượu Cognac của Pháp, xe Volkswagen của Đức…
Các nhà sản xuất rượu, xe, thịt gà… bắt buộc phải tìm cách cân bằng mức thuế quan bằng cách tăng giá sản phẩm, hậu quả là hàng hóa bán ra giảm sút, sản xuất tồn đọng, nhân công thất nghiệp… Cuối cùng thì mọi bên đều bị thiệt hại.
Bên cạnh chiến tranh thương mại về thép, nhôm với Âu châu, chiến tranh thương mại giữa Mỹ-Tàu Cộng vừa nguội đi, khi con gái Trump là Ivanka nhận được giấy phép sản xuất thêm chục mặt hàng nữa ở Tầu Cộng – đang có nguy cơ bùng nổ trở lại khi Mỹ tuyên bố sẽ tìm cách tận thu 50 tỉ Mỹ Kim hàng hóa nhập cảng của Tàu vào Mỹ như trước đây.
Mỹ đồng thời thông báo sẽ giảm thời hạn nhập cảnh công dân Tàu vào Mỹ theo từng loại visa. Thời gian cư trú sẽ được cứu xét từng trường hợp cụ thể, lâu nhất là một năm cho những người đang chuẩn bị làm luận án tiến sĩ trong các ngành Robotic và hàng không.
Cuộc chiến thương mại sẽ ảnh hưởng tới nước Mỹ thế giới ra sao? Liệu có triệt hạ được Tàu Cộng như nhiều người mong đợi? Có lẽ phải chờ hồi sau sẽ rõ hơn bởi rất khó có thể nói trước điều gì do cá tính của Donald Trump: Sáng nắng, chiều mưa, trưa hôm sau lại nắng tiếp…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét