Lời người dịch: Tờ báo hàng tuần Pháp "Le Journal du Dimanche" ( Báo Chủ Nhật ) ra ngày 27-5-2018 đăng trong mục Điều Tra một bài của ký giả Camille Neveux với đầu đề 'Đời niên thiếu của một chú Kim". Tôi xin đổi lại cho rõ ràng hơn "Khi cậu ấm Ủn còn ở Thụy Sĩ". Cậu ấm Ủn bây giờ là "Dear Chairman" ngang hàng với Trump và đang làm cao với Trump! Tôi cũng không thể không liên tưởng đến cậu ấm Nguyễn Minh Triết và cô chị là Nguyễn Thanh Phượng cũng học ở Thụy Sĩ như ai! Và nếu Ba Dũng là người thắng cuộc, Việt Nam có như chú Ủn, biết "deal" với Trump để thoát khỏi Tập không?
Nhóm thiếu nhi chừng 6-7 đứa thường hay đứng trước cửa nhà số 10 đường Kirchstrasse, một ngôi nhà 2 tầng lầu bằng gạch nâu ở một con đường dành cho những người đi bộ, trong một khu nhà ở sang trọng của thành phố Berne. Chú bé Ân chỉ được biết dưới tên họ Bắc là Ân Bắc (Un Pak) nhưng lũ trẻ chỉ gọi tên cụt là Un, đã đứng đợi trước cửa. Cả nhóm cùng kéo nhau đi qua một giẫy nhà, rồi qua siêu thị Coop, trạm săng, trường học của đa số con cái các nhà ngoại giao trong một hẻm đầy cây cối, trước khi đến sân vận động. "Năm 2009, khi "Un" được báo chí cho biết dưới tên chính thức là Kim Chính Ân, chả ai tin cả, bạn học cùng trường, Nikola Kolacevic, năm nay 32 tuổi, tham vấn Tin học, kể lại như vậy. Mãi sau này nhớ lại, tôi mới hiểu."
Nikola nhớ rất rõ ngày hôm đó năm 1998, các giáo viên báo là có một chú học trò từ Bắc Triều Tiên sẽ tới học. Nikola khi đó đã 13 tuổi. Cả hai đều học trường công Liebefield-Steinholzli ở miền Nam thành phố Berne, nhưng không cùng một lớp. Cả hai chỉ biết nhau khi cùng chơi thể thao ở sân vận động. "Ân rất mê say bóng rổ, một người bạn khác, cũng người Croate, nhớ lại. Muốn gặp Ân, chỉ cần ra sân vận động, ngay cả khi trời rất nóng!" Hai đứa trẻ gặp nhau buổi sáng để hẹn nhau buổi tối chơi trò dắt bóng (dribble). "Ân rất nhanh nhẹn trong mọi vận động. Rất thích đội bóng rổ NBA, và những tay chơi nổi tiếng như Michael Jordan. Ở trường, Ân có vẻ kín đáo, nhút nhát, tuy nói tiếng Đức thông thạo và còn nói được thổ ngũ Đức vùng Berne. Nhưng ở sân vận động, Ân khác hẳn: chơi khá giỏi, luôn luôn hiếu thắng và nếu cuộc chơi không lợi cho mình, sẵn sàng nổi giận."
Say mê đội bóng Chicago Bulls, chú Ân khi đó còn mảnh mai và thân hình tầm thước (1,75m), lôi kéo được óc tò mò của các bạn. "Ân hay đi giày Nike rất đắt hồi đó, bận quần áo thể thao loại nhãn hiệu sang, Nikola Kovacevic nói tiếp. Hồi đó, phải thật cool mới có giày tennis Air Jordan! Ân còn đi tận Paris để gặp đội bóng NBA. Tôi nghĩ cha Ân phải là người rất giầu có." Mới đầu được trình diện như con một nhân viên thường sứ quán, thiếu niên Kim được ghi tên học lớp đặt biệt dành cho những đứa trẻ không nói được tiếng Đức. Nhưng sau được lên học lớp thường trình độ ngang với lớp 7. Kết quả học trình vào loại thường. Nhưng theo thông cáo được phổ biến năm 2009 của ban giáo dục quận Koniz, nơi chú Ân học, thì "Đứa trẻ được coi là biết hội nhập, chăm chỉ và có tham vọng."
Những năm tháng tiếp theo, Nikola nhớ lại vài giai đoạn lạ lùng, như có bữa chú Ân tự khoe với một bạn trong đội bóng rổ, Joao Micaelo, mình là "con vua nước Triều Tiên", nhưng chả ai để ý cả. Người tham vấn tin học nói tiếp theo: "Tôi cũng có lúc thấy 3-4 người đàn ông hơn chúng tôi nhiều tuổi, cùng chơi bóng rổ với chúng tôi. Với thời gian tôi nghĩ lại, tôi chắc đó là những cận vệ của Ân chứ không phải người thân vì Ân tỏ ra rất lạnh nhạt. Trái lại có một thiếu niên hay chơi với chúng tôi và học trường Quốc tế. Tôi chắc là anh của Ân."
Pho mát Thụy Sĩ và Eurodisney
Vì Kim Chính Ân không phải không có anh em cùng học ở Thụy Sĩ. Theo người cô ruột em mẹ Ko Yong Suk kể lại, thì Ân tới Thụy Sĩ năm 1996 khi mới 12 tuổi học cùng trường quốc tế Berne, một trường tư tiếng Anh rất nổi tiếng với người anh thứ hai, Kim Jong Chol đã học ở đó từ 4 năm. Nhưng không biết vì sao, Ân bỏ trường đó một cách vội vàng để học trường công Liebefeld-Steinholzli. Cô em út Kim Yo-Jong (Kim Nhữ Trinh), từ Bình Nhưỡng tới, cũng theo anh học trường này.
Nhờ sự trợ lực của chồng, người cô Ko Yong-suk chăm sóc 3 đứa trẻ, đem đi trượt tuyết ở núi Alpes Thụy Sĩ, đi tắm biển ở miền Nam nước Pháp và đi coi Eurodisney Paris. "Tôi khuyến khích Ân mời bạn bè tới nhà chơi , ăn bánh ngọt, chơi lego, để cho có một đời sống bình thường.", người cô kể lại với báo Washington Post năm 2016 từ New York khi xin được tị nạn ở Mỹ. Mẹ của Ân, Ko Yong-hui, vợ thứ ba của Kim Chính Nhật, được phong cho một chức với một tên giả trong một phái đoàn thường trực ở Geneve, thỉnh thoảng tới thăm các con. Những cuộc gặp gỡ được tổ chức bởi đại sứ Ri Tcheul mà nhiệm kỳ kéo dài từ hơn 20 năm, trong một biệt thự cực kỳ sang trọng ở khu Muri, cạnh phái đoàn nước Liban. Ở thời đó, nạn đói đang hoành hành ở Bắc Triều Tiên, kéo theo cả mấy trăm ngàn ngưòi chết đói. Ở Berne, không khí hoàn toàn khác. "Kim Chính Nhật rất thích ăn pho mát Emmental Thụy sĩ, một nhà ngoại giao kể lại. Khi muốn ăn, phái đoàn phải tức tốc đi mua và đem đến tức thì."
Mùa Thu năm 2000, bỗng nhiên Ân biến mất sau khi ghi tên học lớp 10. Nikola Kovacevic nói "Ân không tới trường, nhà bỏ trống. Các giáo chức chả nói gì với chúng tôi. Đó thật là một sự lạ kỳ vì ở Thụy sĩ có truyền thống tổ chức một bữa ăn chiều tiễn biệt trước khi từ giã nhà trường."
Thật ra Kim Chính Ân phải về gấp để theo học trường đại học Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng. Khóa học gồm ba năm dành cho sĩ quan bộ binh, 2 năm khảo cứu ở trường pháo binh cộng thêm với những cua về kinh tế và tin học. Nikola, người bạn bóng rổ tự đặt câu hỏi: "Tôi không biết Ân được gửi đi học ở Berne vì đây là một thành phố chắc chắn có an ninh hay vì để cho Ân có ý niệm về một xứ sở cởi mở và đa văn hóa? Hệ thống Thụy Sĩ bắt buộc phải làm việc tận lực. Đó cũng có ảnh hưởng sâu đậm tới nếp suy nghĩ của Ân."
Kinh nghiệm học ở nước ngoài từ khi còn thơ ấu, chắc chắn cũng đã nhào nặn lại bộ óc của Kim Chính Ân. Người viết báo và bình luận sử Juliette Morillot, đồng tác giả cuốn "Thế giới theo Kim Chính Ân" khẳng định: "kinh nghiệm sống ở nước ngoài đã cho Kim Chính Ân và người em gái thấy có một cái gì khác ngoài cái môi trường đặc biệt Bắc Triều tiên mà 2 anh em sống thời nhỏ, hoàn toàn bị bưng bít và như bị cầm tù vì quá được bảo vệ". Thời gian sống ở nước ngoài cũng đã để lại cho Kim Chính Ân nhiều dấu ấn và có thể đang gợi hứng cho Ân ý nghĩ mở cửa cho một nền kinh tế tư bản dành cho giới cầm quyền để làm nổi lên một giới trung lưu. Không thể không đặt câu hỏi khi thấy công việc đầu tiên của Ân khi mới lên nắm quyền là bắt phải học tiếng Anh ngay từ lớp 3 tiểu học. Kim Chính Ân cũng không quên thú vui trượt tuyết khi cho tạo lập khu trượt tuyết đầu tiên Masikryong. Kim Chính Ân cũng thuộc lòng mật mã ngoại giao của phương Tây, rất cần thiết để bây giờ có thể biết thóp được các đồng minh cũng như các đối thủ trong những lá bài ngoại giao.
Từ tinh trùng con dê đến bom hạt nhân
Từ tinh trùng con dê đến bom hạt nhân
Ở Berne cũng như ở Bình Nhưỡng, chả ai dám chứng nhận một cách chính thức thời thơ ấu của Kim Chính Ân ở Thụy Sĩ. Chỉ có nhà xã hội học Jean Ziegler, phó chủ tịch Ủy ban tư vấn Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc từ năm 2009, là dám khẳng định cái mà mọi người đều biết từ bao nhiêu năm. "Đúng là Công An Liên bang Thụy sĩ biết rất rõ học trình của Kim Chính Ân ở Thụy Sĩ. Tôi làm dân biểu ở Berne tới 28 năm và là một thành viên trong Ủy ban Ngoại giao, nên tôi quá biết rõ. Tôi cũng biết là Kim Chính Ân không thể học ở Geneve được vì thành phố này đầy rẫy gián điệp. Berne là một thành phố kín đáo hơn. Nhưng tôi cũng không khỏi ngạc nhiên là Thụy Sĩ đã dám chấp nhận sự hiện diện quá nguy hiểm này. Thử tưởng tượng Kim Chính Ân bị bắt cóc..."
Sự lựa chọn Thụy Sĩ là nơi dạy dỗ vị lãnh tụ tương lai cũng đã được tính toán rất kỹ lưỡng. Triều đại nhà Kim sở dĩ đã dám gửi gấm Thụy sĩ đứa con của mình, là vì mối liên lạc giữa Bắc Triều Tiên và Thụy Sĩ đã có từ nhiều thập niên. Nhưng cái quan trọng nhất là sự trung lập của Thụy Sĩ. Ngay năm 1953 khi vừa ngưng chiến, Thụy sĩ đã được đề cử làm quan sát viên đường phân giới giữa 2 miền Nam Bắc.
Khi xẩy ra nạn đói năm 1995, Thụy Sĩ mở ở Bình Nhưỡng nột ban chỉ đạo Phát triển và Hợp tác. Ban này thật ra là một tòa đại sứ bán chính thức, có nhiệm vụ chuyên chở thực phẩm cứu trợ nhân đạo từ Thụy Sĩ tới. Giá trị thực phẩm cứu trợ này lên tới nhiều triệu Francs Suisses mỗi năm. Cũng từ năm đó, nhiều nhà nông Bắc triều Tiên được gửi qua Thụy Sĩ để học cách trồng lúa, nuôi thỏ và làm pho mát dê mà Kim Chính Nhật cũng rất thích. Kết quả là rất nhiều triệu dê cái Băc Triều tiên mang gien Thụy Sĩ !
Quá tức cười những khách mời của Bình Nhưỡng
Có những mối liên lạc khó thổ lộ được gắn liền 2 nước "Thụy Sĩ là trung tâm ngoại giao đồng thời cũng là trung tâm gián điệp của Bắc Hàn. Theo Jean Ziegler, Tòa đại sứ Bắc Triều Tiên ở Berne và phái đoàn thường trực cạnh Liên Hiệp Quốc ở Geneve quá là to so với hoạt động thương mại èo uột của Bắc Hàn. Liên bang Thụy Sĩ là tủ bạc của Bắc Hàn và những nhà băng Thụy Sĩ là cốt yếu của Bình Nhưỡng". Theo CIA, có tới cả mấy trăm triệu đô được cất giấu trong những nhà băng này. Những VIP của chế độ vét sạch sành sanh những cửa tiệm bán đồng hồ hạng sang mỗi khi tới thăm hồ Léman.
Vị lãnh tụ Bắc Triều Tiên cũng không hề cắt nhịp cầu nối liền với quá khứ Thụy Sĩ của mình. Trong buổi tiệc liên hoan mừng buổi họp thượng đỉnh hai miền Nam Bắc, Kim Chính Ân đòi ăn bánh Rostis, một thứ bánh làm bằng khoai tây Thụy Sĩ. Cách đây 3 năm, người ta đồn Kim Chính Ân cũng có mời một tong những bạn bè cũ ở Berne tới Bình Nhưỡng chơi. Người được mời được đi máy bay hạng áp phe, được ăn cùng với 20 tướng tá và được đi thăm biệt điện nhưng không được chụp hình. Năm 2013, nhà độc tài trẻ này cũng mời Dennis Rodman, quán quân bóng rổ Mỹ, tới thăm thủ đô Bình Nhưỡng.
Còn một sợi dây liên lạc nữa nối kết 2 nước miền núi vói nhau và có tính cách hoàn toàn cá nhân gia đình: "Trong giới ngoại giao người ta nói rằng có nhiều đứa trẻ Bắc Triều Tiên trong gia đình họ Kim đang sống ở Berne" Một đại sứ đang giữ chức vụ ở thủ đô Berne nói như vậy. Những đứa trẻ này chính là con cái của vị chủ nhân ông Bình Nhưỡng - 3 đứa bé 8 tuổi, 5 tuổi và 1 tuổi - Nhưng đây là một điều cấm kỵ. Và trên triền núi Alpes Thụy Sĩ, mọi bí mật đều được giữ rất kỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét