Thứ Năm, 31 tháng 5, 2018

3113 - WHO: ‘Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá’

BBC
Nhân 'Ngày Thế giới Không Hút Thuốc lá' Đại diện WHO nói với BBC rằng Việt Nam cần làm nhiều hơn để giảm 40 ngàn ca tử vong hàng năm vì các bệnh liên quan đến thuốc lá.
Trong phỏng vấn với phóng viên BBC Nguyễn Hoàng tại Hà Nội, Trưởng đại diện tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, ông Kidong Park nói: "Chính phủ Việt Nam có một số chính sách và nỗ lực kiểm soát việc hút thuốc, tuyên truyền tác hại của hút thuốc… và đạt được một số tiến bộ.
“Nhưng chúng tôi cho rằng như vậy là chưa đủ. Với những gì đang diễn ra thì mục tiêu giảm tỉ lệ hút thuốc xuống như chính phủ đưa ra cho năm 2020 là không thể đạt được”.
“Thuế và giá là các biện pháp rất hữu hiệu để kiểm soát tỉ lệ người hút thuốc. Thuế thuốc lá tại Việt Nam hiện là 30% trên giá bán lẻ, là mức khá thấp so với mức thuế trung bình trên thế giới là 65% và mức WHO khuyến nghị là 70%.
“Do đó chúng tôi khuyến nghị Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá lên ở mức ít nhất là 2000đ/bao để giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá,” ông Park nói.
Hiện tại, Việt Nam nằm trong số 15 nước có giá bán thuốc lá thấp nhất thế giới khiến thuốc lá càng dễ dàng tiếp cận với người dân.
Mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong ở Việt Nam, 30% do các bệnh tim mạch, 20% do đột quỵ là vì sử dụng thuốc lá hoặc tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá.





Trưởng đại diện WHO Việt Nam: 'Thuốc lá là chất gây nghiện, khó bỏ nhưng chúng tôi có thể giúp các bạn'Bản quyền hình ảnhWHO VIETNAM
Image captionTrưởng đại diện WHO Việt Nam: 'Thuốc lá là chất gây nghiện, khó bỏ nhưng chúng tôi có thể giúp các bạn'

Điểm đáng chú ý, theo Trưởng đại diện WHO Việt Nam, là nhận thức của về tác hại của thuốc lá với bệnh tim mạch tại Việt Nam (69%) là tương đối thấp hơn các nước trong khu vực như Campuchia (97%) và Philippines (85%).
“Vì vậy WHO đã chọn chủ đề: “Thuốc lá và bệnh tim mạch” để truyền tải và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá,” ông Park nói với BBC. “Người ta có ý thức được thuốc lá có hại cho sức khỏe nhưng không có kiến thức đầy đủ về tác hại tới các bệnh như tim mạch và đột quị là thế nào.”
Đại diện WHO cũng muốn gửi đi thông điệp trong ‘Ngày Thế giới Không Hút Thuốc lá’.
“Thông điệp thứ nhất của tôi gửi tới những người hút thuốc lá là hãy ngừng hút. Thứ hai là nếu bạn cảm thấy khó bỏ thuốc thì đừng hút trước mặt những người không hút,” ông Park nói. “Thuốc lá là chất gây nghiện, bỏ là khó nhưng chúng tôi có thể giúp các bạn”.
“Việt Nam là một trong những nước có rất nhiều người hút thuốc. Hơn 45% nam giới hút thuốc là tỉ lệ rất cao.
“Thêm vào đó là thực trạng hít khói thuốc lá thụ động tại những nơi công cộng, nhà hàng khách sạn. Một khảo sát cho thấy 80% số người được hỏi nói rằng họ bị ảnh hưởng bởi khói thuốc lá tại nhà hàng và khách sạn’ ông Park nói.





Sự kiện hưởng ứng ngày Thế giới Không Hút thuốc 27/05 (Đà Nẵng)Bản quyền hình ảnhWHO VIETNAM
Image captionSự kiện hưởng ứng ngày Thế giới Không Hút thuốc 27/05 (Đà Nẵng)

Theo điều tra của Quỹ phòng chống thuốc lá vào năm 2015, số tiền người dân Việt Nam phải chi trả để mua thuốc lá lên đến 31 nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Truyền thông tại Việt Nam cho biết chi phí điều trị chỉ 5 nhóm bệnh trong tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra lên đến 24 nghìn tỷ đồng/năm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến hôm 27/05 được truyền thông dẫn lời, tại một sự kiện hưởng ứng ngày Thế giới Không Hút thuốc, kêu gọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ kiên quyết không nên hút thuốc lá “vì một thế hệ tương lai đất nước khỏe mạnh”.
“Nếu đã lỡ nghiện thuốc lá thì nên bỏ để không ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân, gia đình và những người xung quanh. Công tác thanh tra, kiểm tra xử phạt những vi phạm về thuốc lá ở nước ta phải được thực hiện nghiêm túc, tại các cơ quan, ban ngành lãnh đạo phải làm gương, là người đi đầu”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét