Ánh Liên (VNTB)
Trong những phát ngôn ấn tượng gần đây đến từ ông ĐBQH Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), người từng có bức ảnh trao đổi với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế.
'Chúng ta là một trong những quốc gia nói nhiều nhất về 'cách mạng 4.0', nhưng nếu các chính sách về giáo dục, khoa học và công nghệ không thay đổi căn bản lấy đâu ra nguồn lực...', ông Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề.
Quan điểm của ông Lộc cũng không khác nhiều lắm quan điểm của cựu Bộ trưởng Bộ thương Mại Trương Đình Tuyển, người vào năm 2017 đã phải cảnh báo rằng: Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng vậy, không nói nhiều đến cụm từ 'công nghiệp 4.0'.
Các nước không nói, mà cách nước có chương trình hành động rõ ràng.
Ám chỉ này va thẳng trực tiếp những bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người luôn lấy 'cách mạng 4.0' trong các bài phát biểu động viên các tỉnh thành trong phát triển kinh tế, cũng như là cụm từ đậm nét làm rõ tính 'chính phủ kiến tạo' của ông.
Ám chỉ này cũng trực tiếp lên tiếng về thực trạng nói quá nhiều về một vấn đề mà quên đi chương trình hành động đi kèm với nó, hoặc là chương trình hành động thiếu tính thực tế.
Việt nam - cách mạng 4.0 không khác lắm với mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020. Vì bản chất của vấn đề là 'hô khẩu hiệu' mà không rõ cơ sở nội lực có gì, tiềm lực bên ngoài ra sao.
Việt nam - đến với cuộc cách mạng 4.0 bằng bốn không: không vốn, không kỹ thuật, không kinh nghiệm và không chương trình thực tế. Do vậy, người ta nghi ngờ 4.0 chỉ là chương trình ghi điểm của Chính phủ, hoặc là tạo một thực tế ảo về mặt ý chí, để người dân, doanh nghiệp vượt qua những khó khăn của hiện tại. Điều đáng tiếc là, Việt nam hiện nay lại là Việt nam của hơn 50 triệu người dùng internet, và 30 triệu người dùng mạng xã hội, do vậy phương pháp 'thúc đẩy ý chí tự lực tự cường' bằng tuyên truyền có phần vô nghiệm. Và thực tế đã chứng minh rằng, phương pháp 'Thi đua ta quyết thi đua. Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu. Hàng đầu rồi biết đi đâu. Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi' đã trở thành một câu chuyện hài hước mà nếu áp dụng vào phong trào nhà nhà 4.0, người 4.0 sẽ thấy nó phản ánh đúng bản chất như thế nào.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện cùng ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - trước giờ diễn ra phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Zing |
Trong lúc đó, một số dự luật ra đời đang trở thành lực cản lớn cho cuộc 'cách mạng 4.0', nổi bật là 'Dự luật an ninh mạng'. Một dự luật gây xôn xao dư luận bởi tính phi thực tế của nó, nó làm giảm 1,7% GDP của Việt Nam và giảm 3,1% đầu tư nước ngoài, theo quan điểm được đưa ra bởi Hiệp hội truyền thông số Việt Nam (VDCA). Trong khi đó, nhiệm vụ của dự luật an ninh mạng cũng bao gồm cả việc gián tiếp trấn áp trực tuyến các tiếng nói bất đồng chính kiến ở Việt nam - gây tổn hại đến sự phát triển bền vững của xã hội.
Nhưng vấn đề, ngay cả đối với dự luật an ninh mạng, nó cũng được xây dựng trên cơ sở không có nền tảng, bởi trong thời điểm hiện nay, 'với năng lực sản xuất sản xuất phần cứng và phần mềm hiện nay, Việt Nam không thể có an ninh mạng.' Mọi chính sách giờ đây rất có thể, đều không khả thi.
Trong khi đó, những quan điểm trái chiều trên báo chí về dự luật an ninh mạng này đều bị xóa, mà gần nhất là bài viết 'Luật An ninh mạng - được và mất' trên Thanh Niên.
Như vậy, cách mạng 4.0 qua những sự kiện cụ thể vừa qua, từ việc thiếu tính cơ sở và hành động đến sự ra đời của Dự luật an ninh mạng đã và đang biến 4.0 thành 0.4, và thực tế đã đang diễn ra như vậy.
Cuộc cách mạng 4.0 có thể được vận dụng tốt nếu như Chính phủ làm tốt việc xây dựng nền tảng và thuận theo xu thế phát triển, tuy nhiên dường như Chính phủ kiến tạo của ông Nguyễn Xuân Phúc đang gặp khó trong việc vạch ra một con đường có cơ sở về mặt thực tế nhất (mặc dù có thể đội ngũ ban cố vấn kinh tế của ông phần lớn là không tồi).
Điều cần nhấn mạnh là, người ta không thể soi sáng cuộc cách mạng 4.0 chỉ bằng Chủ nghĩa Mác - Lenin, như cách ông Chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng từng đăng đàn phát biểu gần đây.
Trong không khí ai cũng 4.0, thì có một câu chuyện rất nhỏ liên quan đến vận mệnh và tầm nhìn về cuộc cách mạng 4.0. Đó là khi ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ trăn trở, khi nước nhà cứ 4.0, nhưng lại không cho tố cáo qua điện thoại.
Và hẳn đây là thực trạng giữa nói và làm, lý thuyết và trên thực tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét