Những nhà máy như vậy sẽ đem lại những rủi ro nghiêm trọng về tính an toàn đối với Trung Quốc và Đông Nam Á.
Vào ngày 28/4, tập đoàn hạt nhân Nga Rosatom tuyên bố Akademik Lomonosov, nhà máy điện hạt nhân nổi trên mặt nước đầu tiên của họ, đã chính thức rời Saint Petersburg, nơi nó được xây dựng từ năm 2009, tới thị trấn Pevek ở huyện Chaunsky gần Bắc Cực. Tại thị trấn cực Bắc đó của Nga, Akademik Lomonosov sẽ được kết nối với lưới điện và cung cấp điện cho người dân địa phương thông qua hai lò phản ứng hạt nhân 35-MWe KLT-40S. Trong khi được Rosatom ca ngợi là một thành tựu lớn của ngành công nghiệp hạt nhân Nga và là một sản phẩm tiềm năng cho thị trường xuất khẩu hạt nhân, việc triển khai Akademik Lomonosov cũng gây quan ngại cho các nhà hoạt động môi trường. Họ nêu lên các rủi ro về tính an toàn do môi trường khắc nghiệt của Bắc Băng Dương, nơi các xà lan năng lượng hạt nhân sẽ được vận hành, và các tính năng bảo vệ hạn chế so với các nhà máy điện hạt nhân hiện đại đặt trên mặt đất. Mặc dù việc đặt tên các xà lan là "Chernobyl nổi" hay "Titanic hạt nhân", như tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace đã làm, có thể là hấp tấp khi xét tới việc Nga có kinh nghiệm vận hành các tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân trong nhiều thập kỷ, nhưng các nước láng giềng của Nga và các tổ chức quốc tế như Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) vẫn sẽ phải theo dõi sát sao hoạt động của loại hình nhà máy hạt nhân mới này để bảo vệ Akademik Lomonosov trước bất kỳ sự cố an toàn hoặc an ninh nào với những hậu quả có khả năng vượt ra ngoài biên giới.
Việc triển khai Akademik Lomonosov cũng là một lời nhắc nhở tới các nước Đông Nam Á rằng Trung Quốc cũng đã lên kế hoạch xây dựng và vận hành các phương tiện điện hạt nhân nổi trên Biển Đông. Vào năm 2016, hai nhà cung cấp hạt nhân chính thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc là Tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) và Tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc (CGN) đã công bố kế hoạch cùng phát triển xà lan điện hạt nhân đầu tiên của Trung Quốc để triển khai trên Biển Đông vào năm 2020, lò phản ứng đầu tiên trong số 20 lò phản ứng như vậy theo kế hoạch. Các lò phản ứng này sẽ không chỉ cung cấp điện hoặc nước đã khử muối mà các đảo do Trung Quốc kiểm soát rất cần, mà còn hỗ trợ hoạt động thăm dò dầu khí của Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), chủ sở hữu giàn khoan dầu nước sâu Hải Dương 981. Năm 2014, việc triển khai giàn khoan này tới vùng biển tranh chấp đã gây ra một xung đột chính trị lớn giữa Trung Quốc và Việt Nam. Gần đây, việc các phương tiện truyền thông nhà nước như tờ Nhân dân nhật báo xác nhận các kế hoạch như vậy đã dẫn tới các mối quan ngại rằng những phương tiện điện hạt nhân nổi này, một khi được hạ thủy trên Biển Đông, có thể giúp Trung Quốc đẩy nhanh hoạt động cải tạo đất và xây dựng đảo nhân tạo của nước này tại đó.
Chưa bàn đến khía cạnh pháp lý và quân sự tiềm tàng của việc triển khai các nhà máy điện hạt nhân nổi trên Biển Đông, vốn đã được đề cập và xứng đáng có một cuộc thảo luận riêng, bài viết này tập trung vào một vấn đề ít biết đến hơn: rủi ro về tính an toàn đối với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nằm quanh Biển Đông từ các xà lan điện hạt nhân tại vùng biển tranh chấp.
Các rủi ro vận hành
Thứ nhất, có những thách thức nghiêm trọng của riêng hoạt động quản lý an toàn vận hành cho các nhà máy điện hạt nhân nổi do tính mới lạ của công nghệ, các điều kiện vận hành khó khăn và các hạn chế an toàn cố hữu của các nhà máy này (khoang chứa nhỏ hơn và khả năng xảy ra sự cố cao hơn do nguy cơ lật tàu hay va chạm). Về khía cạnh này, các chuyên gia đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về năng lực của các cơ quan quản lý an toàn hạt nhân của Trung Quốc trong việc theo kịp sự mở rộng nhanh chóng về số lượng và tính đa dạng của công nghệ trong chương trình hạt nhân dân sự của Trung Quốc. Trung Quốc hiện có 39 nhà máy điện hạt nhân trên mặt đất đang hoạt động, thuộc 3 loại hình công nghệ khác nhau (lò phản ứng nước nhẹ áp lực, lò phản ứng nước nặng áp lực và lò phản ứng nhanh tái sinh) từ nhiều bên cung cấp trong nước và nước ngoài, và 18 nhà máy khác đang được xây dựng.
Năm 2011, Văn phòng nghiên cứu của Quốc vụ viện Trung Quốc đã kết luận Cơ quan an toàn hạt nhân quốc gia (NNSA), cơ quan giám sát hạt nhân chính của Trung Quốc, không có đủ nhân lực khi so sánh với các cơ quan tương tự tại các cường quốc hạt nhân khác, và mức lương của các nhà quản lý hạt nhân Trung Quốc nhìn chung thấp hơn so với những người đồng cấp của họ làm việc cho ngành công nghiệp hạt nhân. Hơn nữa, Trung Quốc có một kế hoạch đầy tham vọng là xây dựng các kiểu lò phản ứng tiên tiến mới, bao gồm các lò phản ứng mô-đun nhỏ được sử dụng cho các phương tiện hạt nhân nổi, và xuất khẩu chúng sang các nước láng giềng, điều sẽ đòi hỏi cơ quan giám sát của Trung Quốc kéo căng lực lượng lao động của mình hơn nữa. Do đó, NNSA và các tổ chức liên quan sẽ phải đối mặt với một thách thức đáng kể trong việc đảm bảo an toàn cho đội tàu hạt nhân nổi của Trung Quốc trước thời tiết khắc nghiệt và rủi ro va chạm từ giao thông hàng hải rộng lớn trên Biển Đông - đặc biệt là khi xét tới thực tế là khác với Nga, Trung Quốc chưa bao giờ chế tạo một tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân và vì vậy không có đủ kinh nghiệm trong xây dựng, vận hành hoặc giám sát các phương tiện hạt nhân nổi.
Như cựu Tổng giám đốc IAEA Mohamed ElBaradei từng nhận xét: "Một tai nạn hạt nhân ở bất cứ đâu là một tai nạn ở khắp mọi nơi". Nếu bất kỳ điều gì xảy ra với các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc - cho dù đó là một vụ tràn phóng xạ ra biển, hay hư hại khoang chứa do các cơn bão nhiệt đới, hay một vụ va chạm vô tình với các tàu đi qua - đều có tác động nghiêm trọng về kinh tế và tâm lý không chỉ đối với các nước trong khu vực như Việt Nam, Philippines hay Singapore, mà còn cả với các nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt được cung cấp qua các tuyến đường vận tải đi qua Biển Đông.
Hợp tác an toàn hạt nhân đang lâm nguy
Thứ hai, kế hoạch của Trung Quốc vận hành các nhà máy hạt nhân nổi trên Biển Đông cũng sẽ tạo ra các vấn đề về hợp tác an toàn hạt nhân với các nước ven biển ở Đông Nam Á. Thông thường, để chứng minh thành tích an toàn của chương trình hạt nhân dân sự của mình trước cộng đồng quốc tế, một quốc gia cần phê chuẩn Công ước về an toàn hạt nhân và tham gia quá trình đánh giá của Công ước này bằng cách gửi một báo cáo quốc gia tới cuộc họp đánh giá được IAEA tổ chức 3 năm một lần. Sau khi đã bắt đầu thực thi Công ước kể từ năm 1996, Trung Quốc thường xuyên gửi báo cáo quốc gia về an toàn hạt nhân của mình tới các cuộc họp đánh giá, trong đó gần đây bao gồm một bản đồ với các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Do các báo cáo này thường được công bố, các bên thứ ba như các quốc gia Đông Nam Á có thể xác minh liệu Trung Quốc có thực thi các biện pháp an toàn cần thiết cho các cơ sở hạt nhân dân sự của nước này hay không.
Tuy nhiên, họ sẽ không thể xem xét những thành tích như vậy về tính an toàn để đánh giá đội tàu hạt nhân nổi trong tương lai của Trung Quốc, do Công ước về an toàn hạt nhân chỉ áp dụng với các nhà máy điện hạt nhân trên đất liền. Mặc dù các quốc gia xung quanh Biển Đông vẫn có thể yêu cầu Trung Quốc cung cấp thông tin trong trường hợp xảy ra bất kỳ tai nạn nào đối với các phương tiện nổi của nước này (phù hợp với quy định của Công ước về thông báo sớm một tai nạn hạt nhân, áp dụng với tất cả các loại lò phản ứng hạt nhân, và đã được tất cả các quốc gia Đông Nam Á và Trung Quốc phê chuẩn), rõ ràng sẽ là quá muộn để các nước có thể bị ảnh hưởng thực hiện bất kỳ phản ứng nào trong trường hợp khẩn cấp hoặc có kế hoạch giảm nhẹ thiệt hại nào một khi tai nạn đã xảy ra.
Người ta có thể lập luận rằng vấn đề liên lạc về chủ đề an toàn có thể được cải thiện thông qua việc phát triển các thỏa thuận song phương hoặc đa phương riêng rẽ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Vấn đề quả thực đã được cải thiện khi Trung Quốc và Việt Nam ký một biên bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác an toàn hạt nhân vào tháng 11/2017 tập trung vào trao đổi thông tin, sự sẵn sàng và phản ứng trong trường hợp khẩn cấp, trong số các chủ đề khác. MoU này xuất hiện không lâu sau khi Việt Nam tìm kiếm sự liên lạc tốt hơn với Trung Quốc liên quan tới tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc đã được xây dựng và vận hành gần biên giới Việt-Trung, bao gồm Fangchenggang, Yangjiang và Changjiang, trong đó nhà máy Fangchenggang chỉ cách biên giới hai nước 50 km. Nhưng khi các nhà máy điện hạt nhân nổi được Trung Quốc triển khai đến một vùng biển cũng được các nước Đông Nam Á như Việt Nam hay Philippines tuyên bố chủ quyền, việc ký kết các thỏa thuận song phương hay đa phương tương tự cho các phương tiện nổi này khó có thể xảy ra. Các quốc gia này sẽ không hy sinh tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ cho một MoU về an toàn hạt nhân.
Tuy nhiên, nếu không có bất kỳ kênh trao đổi thông tin nào, thì các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông sẽ không thể đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ duy trì các tiêu chuẩn an toàn cao nhất cho các nhà máy điện hạt nhân nổi của mình, trong khi chính nước này cũng không có một bộ phận quan trọng trong hệ thống giám sát nghiêm ngặt về an toàn hạt nhân – tức là hết sức cần có khảo cứu đồng đẳng của các nước khác trong khu vực.
Tuy nhiên, nếu không có bất kỳ kênh trao đổi thông tin nào, thì các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền đối với các đảo ở Biển Đông sẽ không thể đảm bảo rằng Trung Quốc sẽ duy trì các tiêu chuẩn an toàn cao nhất cho các nhà máy điện hạt nhân nổi của mình, trong khi chính nước này cũng không có một bộ phận quan trọng trong hệ thống giám sát nghiêm ngặt về an toàn hạt nhân – tức là hết sức cần có khảo cứu đồng đẳng của các nước khác trong khu vực.
Khi xét tới những thách thức tiềm tàng như vậy về tính an toàn mà các nhà máy điện hạt nhân nổi của Trung Quốc phải đối mặt trong tương lai và các vấn đề khác như trách nhiệm pháp lý dân sự trong trường hợp xảy ra tai nạn với các phương tiện này, hoặc rủi ro an ninh từ cướp biển hoặc các nhóm khủng bố trong khu vực, kịch bản tốt nhất cho khu vực sẽ là Trung Quốc xem xét lại nguồn cung cấp điện cho các đảo mà nước này kiểm soát, hoặc ít nhất trì hoãn triển khai đội tàu. Nhưng theo các nguồn tin của Trung Quốc, nguyên mẫu trình diễn đầu tiên cho một lò phản ứng hạt nhân nổi do Trung Quốc sản xuất nhiều khả năng sẽ được thử nghiệm trên biển Bột Hải ngoài khơi bờ biển phía Bắc của Trung Quốc "trước năm 2020". Sự phát triển nhanh chóng của chương trình tàu hạt nhân nổi của Trung Quốc khiến cho một kịch bản tốt nhất như vậy khó có thể xảy ra.
Điều đó có nghĩa là các nước Đông Nam Á - với sự hỗ trợ của ASEAN và Mạng lưới các cơ quan quản lý hạt nhân ở khu vực Đông Nam Á (ASEANTOM), các tổ chức và diễn đàn khu vực như Hội đồng hợp tác an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương (CSCAP) và các đối tác quốc tế khác có lợi ích trong khu vực như Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc - nên sớm tìm kiếm ít nhất một kênh liên lạc với Trung Quốc về cách thức trao đổi thông tin về sự an toàn của đội tàu và việc quản lý hoạt động của nó, trong khi không làm tổn hại đến tuyên bố chủ quyền của mỗi quốc gia đối với các đảo ở Biển Đông. Như cuộc thảo luận ở trên đã cho thấy, sẽ không có giải pháp dễ dàng nào cho vấn đề về tính an toàn của các nhà máy điện hạt nhân nổi, nhưng việc tìm ra một giải pháp như vậy là điều cần thiết cho một Biển Đông trong tương lai không có rủi ro an toàn hạt nhân.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Phương là nhà nghiên cứu tại Khoa Kỹ thuật Hạt nhân và Lượng tử, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST). Lĩnh vực nghiên cứu chính của tác giả là về hợp tác hạt nhân dân sự, an toàn hạt nhân và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Bài viết được đăng trên The Diplomat.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét