Câu chuyện của cặp vợ chồng này chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện tương tự chúng tôi đã gặp ở những khu tái định cư của những dự án nhiệt điện ở mấy tỉnh miền Trung.
Phan Quang Minh, 37 tuổi, từng là một ngư dân còn vợ của anh là Đỗ Thị Thuận, 35 tuổi từng làm muối trên cánh đồng của gia đình. Để có đất cho dự án nhiệt điện Nghi Sơn 1, xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hoá, họ phải di dời đến khu tái định cư cách nơi ở cũ 20 cây số, nơi họ không thể tiếp tục làm nghề truyền thống của gia đình.
Bố của anh Minh cũng là một ngư dân và hai bố con thường đi đánh cá trên con thuyền bé của nhà. Để xây nhà trên khu tái định cư, họ phải vay thêm tiền ngân hàng. Nhà xây xong nhưng từ đấy cuộc sống của họ đi theo một lối rẽ khác. Minh đi làm thợ phụ trong những công trình xây dựng, công việc thất thường và bản thân anh cũng không có chuyên môn xây dựng nên thu nhập thấp. Vợ anh phải vào tp HCM bán vé số. Hai con để ở nhà ông bà nội nuôi và đưa đón các cháu đi học. Khu tái định cư rất xa trường học của các cháu và việc một người cả đời sống với biển như bố của Minh giờ phải loanh quanh ở nhà, chỉ đưa đón các cháu đi học bằng xe máy là một điều khó khăn.
Cách đây một tuần, bố của Minh đã thiệt mạng trong một tai nạn giao thông trên đường về nhà sau khi đưa cháu nội đến trường. Chị Thuận, vợ của anh phải về nhà làm đám cho bố chồng.
Chuyến đi của chúng tôi chỉ lướt qua 4 tỉnh miền Trung để có được cái nhìn tổng quan về những dự án nhiệt điện nên không có thời gian nhiều cho những cuộc phỏng vấn. Nhưng điều nổi lên rõ nhất là sự thiệt thòi đến phi lý của những người dân thuộc diện di dời của những dự án. Sự ô nhiễm môi trường của những người phải sống sát với những dự án nhiệt điện.
Có nơi, chính quyền địa phương dùng đủ mọi cách để bứng người dân ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn của mình. Thuyết phục chấp nhận giá tiền đền bù, doạ nạt đuổi việc người làm trong nhà nước nếu gia đình không chấp nhận ra đi. Sự căng thẳng bắt đầu ngay từ khi khởi công giống như với dự án nhiệt điện Quỳnh Lập, Nghệ An, khi khởi công đã phải huy động tới 600 công an để phòng sự chống đối của người dân.
Đành rằng sự phát triển cần sự đánh đổi, nhưng không thể bắt một số ít người dân phải hy sinh như thế được. Với những dự án lớn như các khu công nghiệp, các nhà máy nhiệt điện thì ngân sách thu về hoàn toàn có thể được dùng để đền bù thoả đáng giá trị nhà cửa, đất đai của người dân, dạy nghề mới cho họ đến khi thành nghề để có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tôi có hỏi chính quyền xã là các anh có nêu khó khăn của người dân lên trên không, họ lắc đầu bảo thấp cổ bé họng thì bên trên đâu có nghe. Tôi bảo “con có khóc thì mẹ mới cho bú”, các anh không nói, không đấu tranh thì bên trên biết làm sao được?
Hỏi xong thì mới chua chát nhớ ra là, đến Quốc hội, nơi được gọi là cơ quan quyền lực cao nhất, nơi đại biểu đáng ra phải nói lên tiếng nói của dân mà cũng đầy loại nghị gật, nghị ăn theo nói leo, nghị xoa xuýt theo chính sách, nghị ăn hại với những phát ngôn vừa ngu xuẩn vừa vô tâm như Nguyễn Đức Kiên thì hy vọng gì. Không ở đâu, người dân cô đơn như ở Việt Nam.
Cùng với anh Minh, chị Thuận thì nhiều cặp gia đình gần đấy cũng có hoàn cảnh tương tự. Cũng là chồng làm việc vặt vãnh kiếm tiền từng ngày, vợ vào Nam bán vé số. Rõ ràng là sự yên ổn trong cuộc sống của họ đã bị cướp đi bởi những người làm dự án, những người có đầu để nghĩ đến lợi nhuận của dự án mang lại nhưng lại thiếu hẳn con tim mang sự thương cảm bình thường nhất với những người dân chịu thiệt thòi.
“Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” hay “Đem con bỏ chợ” ấy là cách làm chung của các dự án ở Việt Nam và nói cho đúng thì đấy là cách làm vô nhân đạo, tàn nhẫn của kẻ cướp.
Tôi biết rằng, nói về những điều này thì cũng chỉ như “ném đá ao bèo”, như “nước đổ đầu vịt” và tiếng nói của một phóng viên thì cũng chỉ như tiếng chiêm chiếp của gà con, nhưng không nói thì lòng ấm ức, nhưng đến bao giờ thì lòng mới khỏi ấm ức đây?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét