Luân Lê
Điều đáng lo ngại nhất của Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt là vấn đề liên quan mật thiết đến chủ quyền về lãnh thổ ở hai khía cạnh:
Một là, khả năng mất quyền tài phán của toà án trong nhiều trường hợp, vì luật này cho phép toà án nước ngoài có thể được lựa chọn để giải quyết trong một số tranh chấp với tổ chức và cá nhân người nước ngoài. Trong khi đó, chỉ có Trọng tài mới là cơ chế giải quyết tranh chấp mà do các bên lựa chọn chủ động theo Điều ước quốc tế hoặc theo thoả thuận của các bên tham gia giao dịch (lĩnh vực thương mại quốc tế, thuộc tư pháp quốc tế). Nhưng nay Luật Đặc khu lại cho phép các bên lựa chọn toà án để giải quyết tranh chấp. Đây là một vấn đề pháp lý nguy hại nghiêm trọng, vì một đất nước thì toà án là cơ chế (nhánh tư pháp) thể hiện quyền tài phán riêng biệt và duy nhất mà để khẳng định chủ quyền của một quốc gia. Thế nhưng không hiểu lý do gì mà ta lại có thể coi đặc khu là một nơi được lựa chọn toà án của nước ngoài để giải quyết tranh chấp? Các nhà lập pháp có thực sự có nhận thức và tư duy đúng mực của một nhà lập pháp hay không? Tôi chưa bao giờ thấy nơi nào cho một cơ quan tài phán nào khác được phép xét xử các tranh chấp trên chính lãnh thổ của mình như vậy.
Hai là, việc giao đất có thời hạn đến 99 năm và kèm theo việc người nước ngoài được sở hữu nhà ở, căn hộ theo dạng nhà thương mại hoặc biệt thự nghỉ dưỡng. Tức là người nước ngoài có thể không chỉ sở hữu căn hộ kiểu nhà chung cư mà còn sở hữu nhà trên đất dưới dạng biệt thự trong khu nghỉ dưỡng. Như vậy thì thật sự nguy hiểm, và cộng thêm quyền tài phán của toà án tại đặc khu có thể bị loại bỏ thì chúng ta bảo vệ chủ quyền kiểu gì đối với chính tài sản thuộc về sự gắn liền với lãnh thổ và địa giới trên thực địa?
Ba là, Luật Đặc khu tạo ra một kiểu mô hình chính quyền mới trong đó thêm Trưởng khu hành chính là người thừa hành quyền nhiệm từ Chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu mà không rõ tiêu chuẩn của người này như thế nào. Việc thành lập Hội đồng nhân dân đặc khu giới hạn tối đa 15 đại biểu và không có thường trực cũng như các ban. Việc bầu chủ tịch và phó chủ tịch hội đồng phải được Uỷ ban thường vụ quốc hội phê chuẩn. Và toà án được phân thành các toà chuyên trách gồm: toà hành chính, toà kinh tế và toà chuyên trách khác. Và Toà án lại do Uỷ ban thường vụ quốc hội thành lập dựa trên đề nghị của Chánh án Toà án nhân dân tối cao chứ không phải được thành lập theo sự phân cấp thông thường, viện kiểm sát cũng trong một tình trạng tương tự. Như vậy việc thành lập toà án đặc khu (tương đương cấp huyện) lại theo một trình tự khác biệt và vượt cấp ở mức đặc biệt, trong khi thẩm quyền tài phán của nó thì bị thu hẹp hơn là toà án thông thường.
Bốn là, chúng ta coi hành vi đánh bạc gồm cá cược, đặt cược và casino là một hành vi tội phạm, nhưng khi thành lập đặc khu thì những hoạt động này lại được coi là hợp pháp vì là một lĩnh vực đầu tư, kinh doanh. Vậy có nghĩa rằng trên một lãnh thổ, một hành vi ở nơi này là tội phạm nhưng ở nơi khác lại là được phép. Mâu thuẫn pháp lý này là một nghịch lý không thể được chấp nhận trong một hệ thống luật pháp và đối với một quốc gia.
Năm là, việc đầu tư hay thu hút đầu tư nước ngoài thông qua thành lập đặc khu là một hình thức đã lỗi thời và tiềm ẩn nguy cơ phương hại đến an ninh quốc gia và chủ quyền lãnh thổ nhiều hơn là cái lợi (chỉ về mặt kinh tế) mà nó đem lại. Chúng ta thiết lập nên những thực thể pháp lý đặc biệt và với phạm vi đặc biệt mà lại tạo ra nhiều lỗ hổng về mặt luật pháp cũng như trong việc tổ chức và kiểm soát chính quyền thì điều đó thực sự nguy hại đối với an ninh địa chính trị về lâu dài.
Đề nghị Quốc hội thực hiện trưng cầu dân ý vì đây là một vấn đề đặc biệt quan trọng, không chỉ liên quan đến an ninh quốc gia, chủ quyền mà còn ảnh hưởng rộng lớn đến lợi ích của toàn bộ xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét