Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

2773 - Những trả giá đầu tiên của Facebook

Thền Lâm

Cali Today


Trong và sau vụ bê bối rò rỉ thông tin cá nhân liên quan tới công ty phân tích dữ liệu có trụ sở tại Anh Cambridge Analytica, hãng Facebook đã phải trả cái giá đầu tiên, nhưng rất có thể vẫn không dừng ở đó. Trang Standard (Anh) cho biết chỉ riêng ở thủ đô London, số lượt tìm kiếm thông tin về cách xóa tài khoản Facebook đã tăng 139% trong tháng Ba năm 2018. Trên quy mô quốc tế, Vương quốc Anh là nước có tỉ lệ tìm kiếm “delete Facebook” cao thứ thứ 4 sau Canada (175%), Mỹ (132%) và New Zealand (103%).
Nguồn cơn bắt đầu từ đầu tháng Ba khi Quốc hội Mỹ đã yêu cầu nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành (CEO) mạng xã hội lớn Facebook – Mark Zuckerberg – phải tham dự phiên điều trần đầu tiên cơ quan này về vụ bê bối lộ thông tin cá nhân. Chính Facebook đã thừa nhận có khoảng 87 triệu người dùng Facebook toàn cầu, trong đó có khoảng 1 triệu người dùng ở Anh, đã bị lộ thông tin cá nhân trong bê bối này.
Ông Simon Migliano, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại VPN nói: “Vụ rò rỉ dữ liệu của công ty Cambridge Analytica đã xác nhận những nghi ngờ lâu nay của nhiều người dùng mạng xã hội về việc các thông tin cá nhân của họ đang bị sử dụng cho nhiều phương tiện khác nhau mà không được sự đồng ý của họ”.
Ngày 10/4/2018, Mark Zuckerberg đã chính thức tham gia phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ. CEO này đã xin lỗi và thừa nhận trách nhiệm vì đã hành động không đủ để ngăn chặn vụ bê bối để lộ thông tin người dùng xảy ra vừa qua.


CEO Facebook Mark Zuckerberg điều trần trước Ủy ban Thương mại và Tư pháp của Thượng viện Mỹ, ngày 10/4. (Nguồn: The New York Times)

Vào thời điểm sát ngày Mark Zuckerberg phải điều trần trước Quốc hội Mỹ, những người hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến ở Việt Nam đã có một sáng kiến tuyệt vời. Ngày 9/4/2018, với đầu mối là nhà hoạt động nhân quyền Lã Viết Dũng, 50 tổ chức xã hội dân sự, các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và các tổ chức truyền thông độc lập ở Việt Nam đã gửi một bức thư ngỏ tới nhà sáng lập Facebook ông Mark Zuckerberg về tình trạng nội dung thông tin trên Facebook của họ bị tháo gỡ và tài khoản bị khóa tại Việt Nam.
Bức thư trên cho biết đã có những bằng chứng đáng thuyết phục cho thấy tổ chức mạng Facebook đã và đang “tiếp tay” cho chính quyền Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận – được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã ký kết vào năm 1982 và Facebook đương nhiên phải tôn trọng Công ước này.
Có thể xem bức thư trên là giọt nước tràn ly sau một thời gian dài nhiều tài khoản facebook của giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam bị Facebook khóa một cách vô lý khi chỉ dựa vào chế độ report” của đội ngũ đông đảo dư luận viên công an và “lực lượng 47” của Bộ Quốc phòng.
Chiến dịch cấm đoán trên facebook bắt đầu tròn một năm trước, vào tháng Tư năm 2017, khi người đứng đầu Quản Trị Chính Sách Toàn Cầu của Facebook là bà Monika Bickert đã có cuộc gặp gỡ với Bộ Trưởng Bộ Thông Tin Truyền Thông Trương Minh Tuấn và đôi bên đã đồng ý hợp tác trong việc theo dõi và tháo gỡ nội dung. Kể từ sau buổi gặp mặt giữa hai bên, tình trạng bóp nghẹt tự do biểu đạt trên mạng và bỏ tù các nhà hoạt động, cũng như vấn đề khóa tài khoản và tháo gỡ nội dung đã gia tăng nghiêm trọng mà không nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Facebook ngoài lý do mơ hồ là “vi phạm tiêu chuẩn”.
Trước đó, Việt Nam đã yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip bị cho là “nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước” trên YouTube, để đến thời điểm diễn ra cuộc gặp Monika Bickert – Trương Minh Tuấn đã có hơn 1000 clip bị xóa. Chính vì thế sau cuộc gặp này, Facebook đã được ông Trương Minh Tuấn khen ngợi.
Rốt cuộc, kết quả của mối quan hệ “thành khẩn hợp tác” trên là vào tháng Tư năm 2018, chính quyền Việt Nam đã gỡ quy định bắt các tổ chức mạng quốc tế phải đặt máy chủ ở Việt Nam khỏi dự thảo Luật An ninh mạng. Không hẳn đây là một sự nhượng bộ của Việt Nam đối với Facebook và Google, mà có thể đơn giản là hai Bộ Thông ntin và Truyền thông và Bộ Công an Việt Nam đã đạt được một thành tích đủ để báo cáo sau khi thiết lập với Facebook một kênh “xóa tin xấu độc” mà bước đầu có hiệu quả “đánh phản động”.
Nhưng lời khen ngợi của một quan chức cộng sản như trên lại là nỗi đau của cộng đồng dân chủ trên mạng khi đã quen nhìn vào Facebook với ánh mắt thiện cảm về một tinh thần chia sẻ và bảo vệ tự do ngôn luận.
Sau vụ Facebook hợp tác với chính quyền Việt Nam, rất nhiều người đã đặt dấu hỏi vì sao Facebook – một tổ chức mạng có uy tín quốc tế và được tiếng là độc lập với các chính phủ, lại dễ dàng thỏa hiệp với chính quyền Việt Nam trong việc “xóa tin xấu độc” – mà thực chất là xóa và gỡ nhiều tin tức, bình luận về dân chủ nhân quyền và bất công xã hội?
Phải chăng Facebook đã bắt đầu “thành khẩn hợp tác” với chính quyền Việt Nam từ cuối năm 2017, bởi từ cuối năm 2017 đến nay, hiện tượng facebook của nhiều người đấu tranh dân chủ và nhân quyền bị gỡ nội dung và bị khóa đã trở thành số nhiều và liên tục?
Chỉ biết rằng Facebook có thể đã được chính quyền Việt Nam không áp dụng cơ chế đánh thuế trên lãnh thổ Việt Nam – một yêu cầu gay gắt mà trước đó Bộ tài chính Việt Nam đã thúc giục chính phủ nước này.
Đồng thời, Facebook còn có được ưu đãi trong mối quan hệ với các nhà mạng lớn nhất ở Việt Nam mà không bị ngăn chặn hoạt động kinh doanh tài khoản facebook ở nước này.
Sau khi nhận được bức thư ngỏ của 50 tổ chức xã hội dân sự độc lập ở Việt Nam, đại diện Facebook nói sẽ quan tâm và muốn đối thoại với Xã hội dân sự. Tuy nhiên cách nói thuần túy ngoại giao như thế khó mà mang tính thuyết phục và giúp hồi phục lại niềm tin của người sử dụng đối với Facebook.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét