Kể từ khi cầm quyền, ĐCSVN đã có rất nhiều sai lầm nghiêm trọng trong việc quản trị và điều hành xã hội.
Từ học thuyết chủ nghĩa không tưởng
Theo quan điểm của Karl Marx và Friedrich Engels, hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa phát triển từ thấp lên cao, từ giai đoạn xã hội xã hội chủ nghĩa (chủ nghĩa xã hội) lên xã hội cộng sản chủ nghĩa. Trong chủ nghĩa xã hội (CNXH), chế độ kinh tế và sự phát triển văn hóa mới đạt tới giới hạn bảo đảm cho xã hội thực hiện nguyên tắc phân phối "làm theo năng lực, hưởng theo lao động". Giai đoạn cao của chủ nghĩa cộng sản là giai đoạn xã hội cộng sản chủ nghĩa, ở giai đoạn này con người sẽ "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu". Quan trọng hơn, đó là xã hội lý tưởng, nơi không có nhà nước, không giai cấp, tự do, bình đẳng, và vật chất là sự sở hữu chung. Tuy nhiên, đây là điều không tưởng đối với bất kỳ dân tộc hay một vĩ nhân, hoặc một đảng phái chính trị nào. Lý do cơ bản vì con người không phải là thánh thần (con người có thuộc tính tham vọng và tính sở hữu riêng).
Ảnh minh họa. |
Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn CNXH - là bước quá độ đi lên Chủ nghĩa Cộng sản. Trước đây, Nhà nước Việt Nam thực thi chính sách kinh tế bao cấp với mô hình kế hoạch hóa tập trung, quản lý thị trường theo mô hình phân phối bình quân (HTX) một cách áp đặt chứ không căn cứ vào nhu cầu xã hội,... Hậu quả là, sau 30 năm áp dụng ở Miền Bắc, nền kinh tế trở nên chắp vá và bí đường phát triển. Ngành cơ khí, công nghiệp nặng hầu chỉ xoay quanh nhà máy luyện gang Thái Nguyên (luyện gang chứ không sản xuất được thép); sản phẩm cơ khí chủ yếu là thủ công nghiệp; sản xuất công nghiệp duy nhất là chiếc xe đạp Thống Nhất và nhà máy xi măng duy nhất là xi măng Hải Phòng. Trong khi đó, công nghiệp chế biến là nhà máy đồ hộp, công nghiệp rừng lại bỏ ngỏ. Nông nghiệp là nền tảng sản xuất lớn trong xã hội lại thô sơ, chủ yếu dựa vào sức người. Các giá trị vật chất thuộc thời Cách mạng công nghiệp (từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX) như máy khâu, quạt điện, tủ lạnh,... là món hàng xa xỉ, thậm chí có phần mơ ước của người dân miền Bắc.
Sau khi thúc đẩy sử dụng vũ lực, và "giải phóng" được miền Nam, ĐCSVN đã quyết tâm đưa cả nước "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ nghĩa. Không kinh qua tư bản chủ nghĩa". Và đây, chính là quan điểm sai lầm nghiêm trọng nhất khiến đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ngay sau 1975, bởi nó không chỉ phá hủy cơ sở vật chất - hàng hóa thuộc nền kinh tế thị trường miền Nam, mà còn đưa đất nước rơi vào tình trạng tự cung - tự cấp.
Đến đổi mới nửa vời!
Sự khủng hoảng đó đe dọa chính chế độ chính trị, khiến cho ĐCSVN phải nhanh chóng đi tới ĐH VI (1986) và thoát ly một phần chủ thuyết CNXH trên cơ sở đổi mới nền kinh tế theo quy luật kinh tế thị trường. Tuy nhiên, đổi mới này mang tính nửa vời, vì tính định hướng XHCN.
Định hướng XHCN chính là sử dụng chính trị để kiềm kẹp nền kinh tế, không để nó tràn hẳn qua kinh tế hàng hóa (thị trường) thuộc TBCN, và chính yếu tố này khiến nền kinh tế Việt Nam trở nên què quặt. Những chính trị gia Cộng sản như ông Trần Xuân Bách, ông Trần Độ, ông Trần Phương... đã sớm nhận ra: muốn phát triển toàn diện, phải đổi mới một cách thực sự và toàn diện, trong đó phải đổi mới thể chế chính trị đi cùng đổi mới kinh tế. Bởi đúng như nhà nghiên cứu văn hóa xã hội bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã than thở: nếu đổi mới kinh tế mà không đổi mới chính trị thì đất nước sẽ thành bãi rác.
Và thực tế, dù thoát ra khỏi khủng hoảng trong thập niên 80 (thế kỷ XX), tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam vẫn gặp nhiều vấn đề, trong đó bao gồm cả thiếu tính hiệu quả ở các doanh nghiệp nhà nước (DNNN - vốn được nhiều ưu đãi về mặt cơ chế - chính sách), dẫn đến yếu kém về năng lực cạnh tranh. Trong khi đó, các yếu tố kinh tế khác như doanh nghiệp tư nhân (DNTN) lại không được hỗ trợ, trong khi giá trị của khối doanh nghiệp này đóng góp cho nền kinh tế quốc gia lại rất lớn. Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN theo lối "nhất bên trọng, nhất bên khinh" đã khiến chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan phải thốt lên: "Thế giới có các nước có nền kinh tế phát triển. Và chậm phát triển... còn Việt Nam theo mô hình không chịu phát triển."
Không đâu xa, một bài viết trên Việt Nam Thời báo đã chỉ ra: Năm ngoái, doanh nghiệp đạt được doanh số lớn nhất ở Việt nam không phải đến từ cái tên Petrovietnam (Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt nam), mà ngược lại là một công ty con của Tập đoàn Samsung, với doanh số thu được lên đến 58 tỷ USD.
Trong khi đó, DNNN (định hướng XHCN) trong một số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trong năm 2013 cho biết, các doanh nghiệp này nhận được gần 45% tổng đầu tư của nhà nước và 60% hệ số cho vay của nhóm ngân hàng thương mại, nhưng chỉ đóng góp 30% GDP quốc gia.
Ngoài ra, Điều 4 (ĐCSVN lãnh đạo toàn diện) và Điều 53, Điều 54 (đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý) đã là nguồn cơn khiến cho tính cạnh tranh bị triệt tiêu, tính tha hóa quyền lực (cơ sở của tham nhũng và lợi ích nhóm bùng phát) gia tăng. Và những nguyên tắc hiến định nêu trên cũng là nguồn gốc sâu xa của sự ra đời mafia chính trị kiêm kinh tế như Út trọc, Vũ "Nhôm",... như báo đài cho biết trong thời gian qua.
Con đường nào cho Việt Nam?
Để tạo con đường phát triển, thì chuyển hóa theo mô hình Nhà nước Myanmar là phương cách khả dĩ áp dụng. Theo đó, thiết lập nền luật pháp minh bạch, đề ra các nguyên tắc hiến định nhằm kiểm soát quyền lực - trong đó tiến hành cho phép tự do ứng cử, bầu cử về mặt thực tế. Về mặt đất đai, khủng hoảng xã hội liên quan đến đất nông nghiệp và quá trình gom đất của các đại gia, mafia vẫn đang tiếp tục diễn ra và sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu như tiếp tục không công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai.
Bởi chỉ khi kiểm soát được quyền lực và trao trả quyền lực về tay nhân dân; chỉ khi quyền sở hữu đất đai của nhân dân được ghi nhận; chỉ khi quyền tự do - dân chủ từ khía cạnh bầu cử, ứng cử được đáp ứng; chỉ khi cạnh tranh được coi là động lực của nền kinh tế, trong đó không phân biệt DNNN hay DNTN,... thì khi đó, con đường phát triển cho Việt Nam mới được mở ra.
Vấn đề là, ĐCSVN có nhận thức được hay không, sau khi đã có rất nhiều sai lầm nghiêm trọng trong việc quản trị và điều hành xã hội? Bởi ĐCSVN cứ phải sẽ không có cơ hội thứ hai để sửa sai, nếu như rơi vào một cuộc khủng hoảng như thập niên 80 (thế kỷ XX).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét