Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

8170 - Luật an ninh mạng: tuân thủ hay viết-nói theo ý mình?

Tâm Don  

Cái đáng để chúng ta nặng lòng hơn là làm sao cho đất nước này “rũ bùn cộng sản” mà hiên ngang đứng dậy sánh vai với các cường quốc văn minh châu Á khác như Nhật, Hàn.

Ngày 01-01-2019, Luật an ninh mạng, một đạo luật có nhiều điều khoản cấm đoán và vô lý bị dư luận trong và ngoài nước phản đối dữ dội, có hiệu lực thi hành. VNTB đã tiến hành phỏng vấn một số người đang sống và làm việc tại Việt Nam chỉ đúng một câu hỏi: “ Ngày 01-01-2019, Luật an ninh mạng có hiệu lực thi hành. Bạn sẽ tuân thủ luật này hay viết, nói theo ý thích của bạn?”. Và VNTB đã nhận được những câu trả lời sau đây.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Dũng, sống và làm việc tại Sài Gòn: “Tư tưởng con người, đặc biệt tư tưởng tự do, là một dòng chảy xuyên suốt lịch sử cổ kim không ngừng nghỉ. Luật ANM chỉ sẽ là một khúc củi mục mốc cố ngáng cản dòng chảy đó trong vô vọng mà thôi. Cho nên, nó có mặt hay không, sẽ áp đặt chúng ta thế nào, phân hóa dân và đảng ra 2 “Miền Chiến sự” ra sao...,không phải là vấn đề chúng ta thật sự quan tâm. Cái đáng để chúng ta nặng lòng hơn là làm sao cho đất nước này “rũ bùn cộng sản” mà hiên ngang đứng dậy sánh vai với các cường quốc văn minh châu Á khác như Nhật, Hàn. Theo đó, điều trước tiên phải làm là “Thoát Trung” hữu hiệu, tận dụng bối cảnh địa chính trị khu vực và thế giới đang có lợi cho Việt Nam. Vì thế, hãy cứ viết theo lương tâm mình mách bảo như mình đã từng viết, trên nền tảng chân lý, công bình, bác ái và trong sự hoà nhập với hồn thiêng sông núi. Nếu ai cũng đồng lòng như vậy, thì sớm hay muộn, luật ANM cũng sẽ trở thành tờ lịch ngày hôm qua: Nó sẽ bị xé bỏ vứt vào sọt rác!

Ảnh minh họa.
Luật ANM, khi được phối hợp sử dụng chung với luật Đặc Khu và Thông Tư 19/2018 của NHNN cho phép đồng nhân dân tệ lưu hành chính thức ở 7 tỉnh biên giới phía Bắc, mà thực chất là lưu hành khắp nước song song với Việt Nam Đồng, sẽ trở thành một bộ công cụ không chỉ bịt miệng các tiếng nói yêu nước phản Trung, mà còn là những sợi dây thòng lọng xiết kéo Việt Nam lệ thuộc sâu hơn về phía Trung Quốc. Chính vì lý do đó, chúng ta không những không được dừng viết, mà còn phải viết nhiều hơn, viết tích cực hơn và sâu sắc hơn để cảnh báo đồng bào mình về một nguy cơ mất nước đang dần tới”.

Blogger Nguyễn Thị Bích Ngà, sống và làm việc tại Sài Gòn: “Từ ngày 1/1/2019 Luật an ninh mạng bắt đầu có hiệu lực. Ngay khi dự luật được trình quốc hội thông qua đã vấp sự phản ứng của nhiều người dân vì sự vi hiến của nó, thế nhưng bất chấp tất cả quốc hội, chính quyền vẫn ban hành bộ luật-mà người dân gọi là luật bịt miệng. Luật an ninh mạng, cũng như nhiều điều khoản trong các bộ luật khác, rất mơ hồ. Sự mơ hồ, nhập nhằng về định nghĩa của luật biến tất cả người dân thành tù nhân dự khuyết bởi bất kỳ ai nói sự thật cũng đều vi phạm vào những điều khoản của luật này. Nhưng, trong nỗ lực để làm người công chính, tôi, và tôi tin rằng có rất nhiều người nữa, vẫn sẽ viết, lên tiếng cho sự thật. Không có cách nào khác”.

Nhà hoạt động xã hội Võ Ngọc Lục, sống và làm việc ở Đak Lak: “Trong Luật hình sự  có tội vu khống là đã quá đủ để cơ quan thực thi pháp luật xử lý những ai bịa đặt vu khống cá nhân tổ chức.

Nên bản thân tôi không bao giờ sợ nói lên sự thật. Và không một chính quyền của dân đúng nghĩa nào cấm dân nói lên sự thật.

Những năm gần đây nhờ mạng xã hội mà đã lôi được những chuyện tiêu cực động trời ra ánh sáng. Chính vì vậy họ rất sợ (mạng xã hội) nên ra Luật ANM hòng bịt miệng người dân.

Quan điểm của tôi là thực hiện các quyền của mình một cách đầy đủ và tự do.

Tôi cũng muốn toàn  dân mạnh mẽ đứng lên và quyết không hèn nhát, che đậy cái ác.

Tóm lại Luật ANM là vi hiến, vi phạm quyền tự do biểu đạt, tự do  thông tin, cần lên án và loại bỏ luật này”.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, sống và làm việc ở Hòa Bình: “Cứ theo nhận thức của tôi mà tôi viết. Lương tâm và sự thật là trên hết. Những nội dung của Luật ANM không phải là vấn đề an ninh mạng. An ninh mạng được hiểu là an toàn bảo mật, bảo đảm an ninh bí  mật an toàn trên mạng Internet. Còn nội dung mà Luật ANM vừa đưa ra thực chất là thứ để hạn chế kiểm soát người viết trên mạng xã hội. Nói ngắn gọn là bịt miệng. Việt Nam có cái hay hơn Trung Quốc ở chỗ còn sót lại tí tự do trên Internet, trên mạng xã hội. Nay VN bắt chước nội dung Luật ANM của TQ mà đã triệt hạ nốt cái tự do đó. Nhiều nội dung Luật ANM thì đã có trong các luật khác, như luật hình sự, luật báo chí”.

Dịch giả Phạm Nguyên Trường, kỹ sư dầu khí đã về hưu, hiện sinh sống tại Vũng Tàu: “Có Luật an ninh mạng hay không có luật an ninh mạng, tôi vẫn viết theo những nguyên tắc đạo đức mà tôi cho là chính đáng, như không lan truyền tin thất thiệt, không vu khống, không thóa mạ người khác, không cỗ vũ hận thù, không cỗ vũ chia rẽ vùng miền hay tôn giáo; không cổ vũ bạo động, bạo lực. Tóm lại, không xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền riêng tư của bất kì người nào khác.

Đối với nhà nước, tôi đã và mãi mãi không tiết lộ bí mật quốc gia (vì thực ra tôi có những bí mật đó), không làm gián điệp cho ngoại bang, không tiếp tay cho ngoại bang gây ảnh hưởng xấu hay xâm lược nước ta dưới bất cứ hình thức nào. Còn những chính sách hay việc làm của chính phủ mà tôi cho là bất công, vi phạm quyền lợi chính đáng của người dân thì tôi sẽ phản biện; những việc làm xấu xa của một số cán bộ, mà có người cho là “ăn không chừa thứ gì của dân” mà tôi phát hiện được, hay đọc được trên các phương tiện truyền thông thì tôi sẽ tiếp tục đăng tải, như vẫn làm lâu nay. Tôi cho đó là quyền và trách nhiệm công dân của mình”.

Kỹ sư, nhà báo độc lập Lê Dũng ở Hà Nội: “Đơn giản là tôi chỉ luôn nói sự thật. Tôi vẫn làm như năm 2017 đã làm : hàng ngàn chương trình livestream phản biện xã hội và truyền hình giúp dân oan .”

Bác sĩ, tiến sĩ y khoa Đinh Đức Long ở Sài Gòn: “Tôi vẫn viết đúng như trước đây. Đơn giản là với tôi không có gì mới, thế thôi.”

Nhà văn Phan Thúy Hà ở Hà Nội: “Tôi vẫn viết như trước tới nay. Từ trước tới nay tôi vẫn viết đúng với đạo đức của một con người. Sống lương thiện và viết lương thiện.”

Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Thúy Hạnh ở Hà Nội: “Ngày 12/6/2018 dưới sự chỉ đạo của đảng cộng sản, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật ANM, một đạo luật sao chép từ Trung Quốc. Và từ ngày mai, 1/1/2019 Luật ANM sẽ chính thức có hiệu lực.

Đây là một đạo luật trắng trợn tước đoạt quyền tự do riêng tư, tự do sử dụng internet, và tự do ngôn luận của nhân dân, nói đơn giản là “bịt miệng dân”, nhằm đàn áp dẫn đến triệt tiêu những tiếng nói phản biện. Luật ANM sẽ kìm hãm, kéo lùi sự phát triển của đất nước, đồng thời duỳ trì, gia tăng áp bức, bất công. Tôi phản đối, và sẽ không thực hiện điều luật này”.

Một nhà báo đang làm việc trong hệ thống báo chí nhà nước, đề nghị dấu tên, nói với VNTB: “Tự do mang đến cho cá nhân và xã hội những lợi ích cực kỳ lớn lao. Ý nghĩa to lớn nhất của tự do là giúp con người và xã hội giải tỏa được các uẩn ức và u hoài, qua đó khơi dậy các tiềm năng trí tuệ và tâm hồn con người. Và nữa, tự do giúp cho con người có trí tưởng tượng, phát huy được sự sáng tạo- nền tảng của phát triển.

Trong muôn ngàn thứ tự do như tự do ngôn luận và tự do biểu đạt, tự do lập hội, tự do sáng tác, tự do xuất bản, tự do báo chí, tự do biểu diễn, tự do học thuật, tự do cư trú, tự do tư tưởng.... thì tự do ngôn luận và tự do biểu đạt là thứ tự do tự nhiên như trời đất mà tạo hóa đã ban cho con người. Nếu không có tự do, con người chỉ là cây sậy vô hồn. Nếu không có tự do, xã hội sẽ mông muội và tăm tối. Nếu không có tự do, 98% dân số của một quốc gia sẽ làm thân trâu ngựa cho 2% dân số ăn trên ngồi trốc.”

Khi báo Tuổi Trẻ và một số tờ báo khác đăng đàn chủ đề” Đừng làm những việc này từ ngày 01-01-2019” với chủ ý dẫn dắt dư luận, nhiều nhà báo tự do hoặc cơ hữu trong báo chí nhà nước cũng đã phản đối mạnh mẽ. Nhà báo Bạch Hoàn, người có một thời gian dài gắn bó với báo Tuổi Trẻ đã bày tỏ sự phẫn nộ trên trang FB cá nhân: “Các báo, kể cả Tuổi Trẻ, hãy thôi cái trò dẫn lời mấy “chuyên gia” - mà quan điểm cá nhân tôi thấy tư duy như mấy con bò - để dạy dỗ người dân phải làm cái này cái kia trên mạng xã hội từ 1-1-2019 khi Luật An ninh mạng có hiệu lực đi. Nhiều người trong cái đám đó sống rất ơ hờ, vô cảm, và vô trách nhiệm. Nếu công dân nào cũng sống như cái đám đó thì đất nước này chắc sẽ sớm lên thiên đường.

Lũ người ấy định hướng rằng chỉ nên tin vào báo chính thống, chia sẻ thông tin từ báo. Ơ điên hả? Biết bao nhiêu thứ cần thiết mà báo chính thống câm như thóc, có dám nói cái quần gì đâu mà cứ chính với thống.

Lẽ ra, sứ mệnh của các báo là phải đấu tranh với cơ quan quản lý nhà nước để đòi hỏi bất kỳ điều luật nào đưa ra cũng phải đảm bảo quyền tự do ngôn luận, khuyến khích người dân đấu tranh với những điều sai trái, giám sát và phản biện các chủ trương chính sách và việc thực thi nó. Đây là quyền hiến định. Chứ không phải cái kiểu dạy dân, luật có hiệu lực rồi, hãy nói theo tuyên giáo thôi, hoặc câm miệng đi.

Kẻ cần câm miệng chính là cái lũ hèn đang dạy dân hèn giống mình đó.

Nên nhớ, hành động giám sát, phản biện của người dân đối với các cơ quan quyền lực nhà nước chính là động lực của sự phát triển trong bất kỳ xã hội nào.".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét