Thứ Ba, 1 tháng 1, 2019

8175 - Tự do ngôn luận thời An ninh mạng: cứ giữ quyền ôn hòa!

Trong ngày cuối cùng của năm 2018, trong khi mạng xã hội bàn luận nhiều nhất về chủ đề an ninh mạng, tác động của nó và cách thức để “sống” với luật này, thì báo chính thống cũng vào cuộc chia sẻ cách thực hiện bày tỏ chính kiến đúng với tinh thần Luật an ninh mạng: Viết gì trên mạng xã hội để bày tỏ chính kiến không phạm luật?. Facebooker Từ Thức, một hội viên của IJAVN chia sẻ trên Facebook cá nhân: Công khai, trắng trợn, chính thức biến người làm báo thành dư luận viên. Kỷ nguyên An Ninh Mạng bắt đầu.

Thực sự, đa phần nội dung Luật an ninh mang là sự tập hợp của văn bản hoặc điều khoản luật liên quan đến kiểm soát quyền tự do ngôn luận trong môi trường trên Internet, cụ thể ở đây là Điều 117 – Bộ luật hình sự hiện hành (Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) và Nghị định 72 (về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng). Điểm mới duy nhất là vấn đề lưu trữ dữ liệu nội địa cũng như cơ quan điều tra có thể thâm nhập vào tài khoản người dùng internet mà không cần có lệnh của Tòa án. Trong khi đó, cái “bịt miệng” cần chú ý chính là Bộ quy tắc ứng xử của Hội Nhà báo Việt Nam và của Bộ TT&TT – chính hai văn bản này mới là yếu tố tác động sâu rộng nhất đến quyền tự do ngôn luận, xâm hại sự bày tỏ chính kiến triệt để nhất trong đội ngũ nhân sự nghề nghiệp (nhà báo) và đội ngũ công – viên chức nhà nước. 


Ở một góc cạnh nào đó, thì Luật an ninh mạng phô diễn những gì mà nhà nước lén lút làm trước đó, bao gồm cả việc nghe lén (điện thoại) hay xâm nhập tài khoản người dùng internet. Thứ hai, Luật an ninh mạng xây dựng một môi trường phản biện chủ động hơn về phía người dùng internet trên cơ sở “nói có sách, mách có chứng”, thay vì sự “chửi bới vô luận cứ”.

Hãy nhìn cách mà IJAVN xác lập, từ tôn chỉ đến chế độ phê duyệt phản hồi hoàn toàn ôn hòa, tôn trọng ý chí biểu đạt nhưng không hỗ trợ hay ủng hộ sự xâm phạm quyền tự do người khác. Một biểu ngữ trên trang ghi nhận rõ ràng rằng: Chúng tôi coi trọng quyền tự do ngôn luận và biểu đạt. Tuy nhiên, chúng tôi nhấn mạnh sự không xúc phạm phẩm giá con người, dù đó là ai. Bất kỳ phản hồi nào cực đoan, tục tĩu, mang tính xúc phạm đều sẽ bị xóa.
Điều đó cho thấy rằng, trước khi Luật an ninh mạng ra đời, thì các chủ thể (cá nhân, tổ chức) thực hiện quyền con người tại Việt Nam hiểu hơn ai hết giá trị thực hiện quyền tự do nhưng không xâm phạm tự do và lợi ích của cá nhân hay tổ chức khác. Tự do ngôn luận luôn được xác lập trên tinh thần không vu khống, không xúc phạm mà dựa trên luận cứ và sự ôn hòa. Đó cũng là cơ sở xây dừng tinh thần phản biện ở một quốc gia mà ngôn ngữ ôn hòa còn lắm sự xa xỉ.

Vì thế, sự ra đời của Luật an ninh mạng nếu đúng như Bộ Công an khẳng định, Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình trên không gian mạng của công dân; chỉ xử lý các thông tin vi phạm pháp luật đã được quy định cụ thể trong Bộ Luật hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Do đó, nếu các chủ thể sử dụng internet giữ đúng đường lối ôn hòa và sự thật, thì không cần phải quá run sợ trước luật này.

TS. Nguyễn Quang A, một người phản đối Luật An ninh mạng cũng đã bày tỏ rằng: Sợ quái gì 14 điểm này của Luật An Ninh Mạng, cảnh sát tư tưởng đừng có doạ dân!!

Theo ông, nếu nói đúng sự thật thì không sợ gì cách mà luật an ninh mạng gieo rắc.

Sự thật luôn chỉ có một, và sự thật ở đây bao gồm phản biện chính những luận điệu sai trái của cơ quan công quyền đưa ra. Sự thật là công lý, và không có hai sự thật trong cùng một vấn đề.

Internet trở thành một “miền chiến sự” mới, như cách ông Trưởng ban Tuyên giáo TW Võ Văn Thưởng tuyên bố. Và miền chiến sự mới này trở nên khốc liệt hơn với sự góp mặt của Luật an ninh mạng. Nhưng đúng như nhiều quan điểm nêu trên, thì khi chúng ta nắm sự thật, phản biện một cách ôn hòa, với chính kiến cá nhân và luận cứ đầy đủ, thì đó mới là điều cao quý nhất, là phương pháp và cách thức để làm nên tính chiến thắng trong một chính thể còn chứa đựng nhiều vấn đề chưa thực sự minh bạch.

Và đó là quyền chính đáng của một người dân.

Giả như rằng, chúng ta thực thi đầy đủ mục tiêu của sự thật, và rằng sự thật đó nhà nước không hề yêu thích. Nhà nước sử dụng bạo lực và nhà tù để kiềm soát lại quyền chính đáng đó, thì về mặt tích cực mà nói, nó sẽ là một sự lột trần các hệ giá trị mà Nhà nước đang cố che giấu bằng lời hoa mỹ trước cộng đồng quốc tế. Sẽ không có sự tự lột trần cái xấu xa nằm trong bản chất nào tốt hơn bằng sự cấm đoán vô tội vạ, siết chặt quyền tự do dân sự - chính trị nhằm thỏa mãn nhu cầu quyền lực.

CPTPP đã có hiệu lực, EVFTA đã chuẩn bị hình thành, điều trần quyền dân sự - chính trị đang sắp tới. Nhà nước Việt Nam cần phải tuân thủ một luật chơi quốc tế hơn là tự “nội địa hóa” luật pháp theo xu hướng bao trùm quyền lực trên những công ước quốc tế. Câu chuyện Trung Quốc với việc áp đặt  “nội địa hóa” luật pháp và bị Mỹ làm cho suy yếu trong chiến tranh thương mại vừa qua là hệ quả mà Việt Nam có thể nhận thấy được.

Trong khi chờ cách thức Nhà nước Việt Nam triển khai Luật an ninh mạng “theo thông lệ quốc tế”, thì người dùng internet có thể hướng đến ý chí của Evelyn Beatrice Hall, một nhà văn người Anh với câu nói về quyền tự do ngôn luận cực kỳ nổi tiếng: I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it (Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó).

Tất nhiên dựa trên luận cứ, và sự ôn hòa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét