Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

8182 - Các Triển Vọng Cho Mối Quan Hệ Giữa Hoa Kỳ Và Trung Quốc Trong Năm 2019

Project Syndicate - Tác giả: Kevin Rudd
Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

Donald Trump bắt tay Tập Cận Bình. Ảnh: Artyom Ivanov/TASS/Getty Images

Lời Người Dịch: Kevin Rudd không cập nhật các biến chuyển dồn dập gần đây như nền kinh tế Trung Quốc bị tổn thương nặng nề khi các doanh nghiệp quốc tế tháo chạy, thị trường chứng khoán tụt giá, động loạn xã hội lan rộng, nội bộ phân hoá trầm trọng và hệ lụy quốc tế của các hoạt động doanh nghiệp Hoa Vi. Không như Kevin Rudd tiên đoán, trong bài diễn văn kỷ niệm 40 năm cải cách, Tập Cận Bình tỏ ra kiên quyết với Mỹ hơn.
Về phía Mỹ, James Mattis từ nhiệm khi Mỹ triệt thoái khỏi Syria và Afghanistan, thị trường chứng khoán xuống thấp, ngân sách khủng hoảng, một phần bộ máy công quyền tê liệt và thái độ quyết đoán của Trump làm cho mọi giải quyết tranh chấp lẫn lộn vào nhau.
Chủ quyền tại Biển Đông do Trung Quốc ngụy tạo trở thành nhu cầu an ninh chiến lược cho khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Quyền lợi về tự do hải hành quốc tế của Mỹ trở thành một yêu sách chiến lược trong chiến tranh mậu dịch. Thay vì bày tỏ thiện chí hiếu hoà trong tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và hệ thống mậu dịch đa phương tại các diễn đàn ngoại giao, hai phe phô trương uy thế quân sự tại Biển Đông làm cho giải pháp về mậu dịch song phuơng và an ninh hàng hải quốc tế trở nên bất định. Xung đột còn tiếp diễn và lan rộng, có nhiều yếu tố khó lường đoán, nhưng khi nào, mức độ và hình thức bùng nổ sẽ là vấn đề.
Còn Việt Nam rồi sẽ ra sao trong năm 2019? Vô chiêu của Trump sẽ  thắng hữu chiêu của Tập làm cho Việt Nam bất chiến tự nhiên thành là một ước vọng cuồng nhiệt hiện nay khi chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, tiền tệ và thị trường bị Trung Quốc hoàn toàn khống chế. Thực ra, nếu Trump tấn công Trung Quốc tại Biển Đông, thì cũng không phải là Mỹ chiến đấu khôi phục chủ quyền thay cho Việt Nam. Nếu Trung Quốc suy yếu, thì Việt Nam không thoát khỏi nguy cơ Hán hoá. Trước hết và trên hết, thoát khỏi tinh thần nô lệ tự nguyện của lãnh đạo và tìm lại sức mạnh Diên Hồng của toàn dân là giải pháp tối hậu cho đất nước.
***
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ cố gắng ổn định lại các mối quan hệ song phương và giảm bớt căng thẳng trong các mối quan hệ với các nước khác. Đồng thời, dường như họ sẽ sử dụng năm tới để nhận định sâu xa hơn về tương lai của nền chính trị và chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Trong suốt năm 2018, phần lớn châu Á đã bị chấn động bởi những động lực mới và ngày càng khó lường trong các mối quan hệ Trung Quốc và Hoa Kỳ. Một năm trước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã trở về từ Bắc Kinh sau chuyến viếng thăm cấp nhà nước, mà Trung Quốc hy vọng cuối cùng ông Trump sẽ để yên cho các lời tuyên bố trong chiến dịch chống Trung Quốc. Mười hai tháng sau, Trung Quốc và Hoa Kỳ cuốn vào trong một cuộc chiến thương mại chưa được giải quyết, và chính quyền của ông Trump đã thay thế cam kết chiến lược của Hoa Kỳ với Trung Quốc bằng  cạnh tranh chiến lược.
Hơn nữa, một năm trước, kinh tế và thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc giao động mạnh. Hiện nay, thị trường tài chính bất trắc trầm trọng, tốc độ tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và châu Âu và ở Mỹ lãi suất bắt đầu cao hơn. Tương lai bất trắc của các cuộc đàm phán với Triều Tiên về vũ khí hạch tâm cũng làm cho bức tranh thêm đen tối.
Vậy triển vọng cho các mối quan hệ Hoa Kỳ và Trung Quốc trong năm 2019 là gì? Dường như là vào tháng 3 sẽ có một thỏa thuận về giảm thâm hụt thương mại song phương và các quyết định nhập khẩu mà Trung Quốc sẽ cho thông qua. Một thỏa thuận về giảm thuế vào thời điểm đó cũng có thể đạt được, mặc dù tính cách phức tạp của thoả hiệp có thể làm kéo dài thời gian. Phương sách thuế quan đối chiếu nhau có thể mất cả năm. Nhưng nếu các nhà cải cách kinh tế Trung Quốc có phương sách táo bạo hơn, bằng cách cam kết không áp dụng thuế quan theo thời gian và thách thức Mỹ đáp lại, vấn đề có thể được đúc kết nhanh hơn. Nhưng điều này sẽ đi ngược lại việc đào tạo hàng thập niên cho các quan chức trong ngành thương mại Trung Quốc để cho họ bỏ đi một chút, chứ đừng nói đến việc cho họ bỏ đi tất cả mọi thứ cùng một lúc.
Việc cải cách cái gọi là chuyển giao công nghệ bắt buộc phải tương đối đơn giản. Tuy nhiên, cải cách khác với cách thoả thuận theo hợp đồng mà nó có thể được diễn giải trong thực tế, ngay cả khi nó không có bất kỳ điều khoản chuyển giao công nghệ cụ thể nào.
Tuy nhiên, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là vấn đề cực kỳ khó khăn. Các thỏa thuận trước đây đạt được dưới thời của Tổng thống Barack Obama có thể được tái lập. Nhưng việc thực thi quyền tài phán cho các vi phạm vẫn là vô vọng. Việc chấp pháp theo luật định cho các vụ vi phạm hợp đồng là chuyện không hy vọng. Một cơ chế khả thi bị lệ thuộc vào các hợp đồng liên quan giữa các công ty Trung Quốc và nước ngoài vào các cơ quan trọng tài thương mại quốc tế ở Singapore hoặc Thụy Sĩ, nó được quy định để đối phó một cách cụ thể với việc thực thi việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Nếu Trung Quốc phản đối, chuyện có thể xảy ra là Trung Quốc phát triển hệ thống trọng tài thương mại quốc tế dựa trên luật của Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc sẽ cần bổ nhiệm nhưng người nước ngoài đủ điều kiện vào hội đồng của các nhà trọng tài để xây dựng uy tín quốc tế. Không ai tín nhiệm vào các tòa án thương mại của Trung Quốc. Đối với nhu cầu cải cách trong nước, Trung Quốc cần hướng tới các bộ phận phụ trách thương mại và dân sự hoàn toàn độc lập với hệ thống tòa án, ngay cả khi bộ phận phụ trách hình sự vẫn phải chịu sự kiểm soát chính trị.
Những lo ngại của Mỹ về các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc trong khuôn khổ chiến lược Made in China 2025 sẽ gần như không thể giải quyết. Thực tế là tất cả các quốc gia sử dụng mức độ hỗ trợ của chính phủ cho các ngành công nghệ nội địa, mặc dù Trung Quốc sử dụng nhiều nhất. Ngay cả khi chúng ta quy định mức hỗ trợ nhà nước tối đa cho một công ty nhất định, việc tuân thủ sẽ khó đo lường. Tôi không tin về một kết quả đàm phán trong lĩnh vực này. Mỹ có thể chỉ cần vượt qua Trung Quốc bằng cách tăng đầu tư công vào các công trình nghiên cứu và phát triển trên các lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ sinh học.
Chúng ta cũng không nên loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ cải cách thuế quan đối với cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn. Ví dụ, Trung Quốc có thể đưa ra một cam kết mạnh mẽ về thuế quan bằng 0 theo thời gian không chỉ đối với Hoa Kỳ, mà đối với tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới. Điều này sẽ biểu hiện cho một cơ hội gần như không thể cưỡng lại để Trung Quốc chiếm chức vô địch trong nền thương mại tự do toàn cầu và chận đứng xu hướng bảo hộ.
Bước ngoặt như vậy của Trung Quốc có thể bao gồm việc tham gia cùng với các quốc gia thành viên trong mối Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong một nỗ lực khá mai mỉa để họ vượt Mỹ (mà ông Trump đã rút khỏi TPP ngay khi nhậm chức) ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Khi nhìn thấy một sự mở cửa về chính trị và thị trường, Trung Quốc có thể là một hải dương hạm đáng chú ý. Các cuộc đàm phán sẽ khó khăn, nhưng sự dè dặt của Nhật Bản về việc gia nhập TPP của Trung Quốc đã giảm bớt kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abeiên đến thăm Bắc Kinh gần đây.
Trên mặt trận an ninh và chính sách đối ngoại rộng lớn hơn, trong năm năm 2019, Trung Quốc dường như sẽ tự giảm xung đột trong mối quan hệ với các nước khác, vì lý do là có những thách thức chiến lược cốt lõi do Mỹ gây ra. Hiện đã có một số bình thường hóa trong mối quan hệ với Nhật Bản. Dữ liệu gần đây của Cơ quan Tuần dương Nhật Bản cho thấy sự giảm mạnh trong các cuộc tuần tra của Trung Quốc trong khu vực Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.
Trung Quốc cũng muốn giảm căng thẳng với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á trên Biển Đông thông qua đàm phán cấp tốc về một bộ quy tắc ứng xử. Trung Quốc có vẻ như nắm bắt được mối quan hệ với Ấn Độ êm ả hơn sau cuộc họp song phương tại Vũ Hán vào tháng Tư. Trung Quốc cũng bắt đầu dịu giọng trong lập trường đối với Đài Loan, đứng trước kết quả bầu cử tồi tệ của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn thuộc Đảng Dân Tiến ủng hộ tinh thần độc lập trong cuộc bầu cử chính quyền địa phương vào tháng trước. Tất nhiên, điều này sẽ thay đổi triệt để nếu Mỹ tiến hành bán nhiều vũ khí quan trọng hơn cho Đài Loan, rất có thể các sự cố hàng hải với Mỹ ở Biển Đông vẫn tiếp diễn, và cuộc xung đột có thể trở nên gay gắt nếu Mỹ theo đuổi chương trình Tự do Hàng hải mạnh mẽ hơn vào năm tới.
Trên khắp Âu – Á, Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI). Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, Sáng kiến BRI đã thu hút ít sự phô trương chính trị trong nước. Hiện đã có tranh luận giữa các quan chức Trung Quốc về việc sửa đổi một số phương thức nhất định của Sáng kiến BRI, theo sau phản ứng tiêu cực đối với việc chuyển giao cảng Hambantota của Sri Lanka cho Trung Quốc và những lo ngại về khả năng chi trả dài hạn của Sáng kiến BRI. Do đó, chúng ta có thể thấy ít tinh thần chiến thắng về Sáng kiến BRI của Trung Quốc trong năm 2019.
Hơn nữa, Trung Quốc dường như củng cố và mở rộng vai trò của mình trong các tổ chức Liên Hiệp Quốc và các thể chế Bretton Woods hiện tại, thay vì nhấn mạnh các thể chế quản trị quốc tế mới. Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục là nhà vô địch mới của WTO, và để duy trì tư thế về thay đổi khí hậu toàn cầu theo thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Đối với những người tỉnh táo hơn trong việc thiết lập chính sách đối ngoại của Trung Quốc, tốt hơn là họ nên tập trung vào bộ máy hiện có của hệ thống dựa trên các quy tắc toàn cầu, đặc biệt khi Hoa Kỳ thể hiện sự khinh miệt có hệ thống đối với hệ thống này.
Khi Trung Quốc tìm cách ổn định lại mối quan hệ với Mỹ và giảm bớt căng thẳng trong các mối quan hệ với các nước khác, các nhà lãnh đạo dường như sẽ sử dụng năm 2019 để đưa ra nhận định sâu xa hơn về tương lai của nền chính trị Hoa Kỳ: tác động của cuộc điều tra của Mueller đối với Trump và chính quyền của ông, và liệu một tổng thống mới vào năm 2020 (hoặc sớm hơn) sẽ bằng mọi cách thay đổi chiến lược mới của Mỹ. Trong khi họ đã kết luận rằng sự thay đổi sâu xa trong thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc đã xảy ra, họ vẫn không chắc chắn về hình thức chính xác nào mà sự thay đổi đó đang diễn ra, và liệu một sự thay đổi cơ bản trong chiến lược của họ (trái ngược với chiến thuật) có được bảo đảm hay không.
***
Kevin Rudd, cựu Thủ tướng Úc, Chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á tại New York và Chủ tịch Ủy ban Độc lập về Chủ nghĩa đa phương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét