East of India, South of China: Sino-Indian Encounters in Southeast Asia. Tác giả: Amitav Acharya. Oxford và New Delhi: Oxford University Press, 2017. Bìa cứng: 260 trang.
Đông Nam Á là nơi giao thoa ảnh hưởng giữa hai nền văn minh Ấn Độ và Trung Quốc trong nhiều thiên niên kỷ qua. Sự tương tác giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Đông Nam Á là một vấn đề được các học giả tranh cãi nhiều, đặc biệt là sau khi Ấn Độ bắt đầu chính sách “Hướng Đông” từ năm 1992 (đổi thành “Hành động Hướng Đông” năm 2014). Chính sách “Láng giềng tốt” và sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc được khởi động gần đây càng đưa quan hệ Trung-Ấn vào tâm điểm.
Mặc dù đã có nhiều sách nghiên cứu về sự tương tác giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Đông Nam Á, hầu như toàn bộ những cuốn sách này chỉ nhìn từ phía New Delhi hoặc Bắc Kinh, hoặc cả hai. Trong bối cảnh đó, cuốn sách của Amitav Acharya mới mẻ ở chỗ nó nhìn vấn đề từ góc độ của Đông Nam Á. Vậy nên cuốn sách mới có tên Phía Đông Ấn Độ, Phía Nam Trung Quốc: Cạnh Tranh Trung-Ấn ở Đông Nam Á.
Hơn nữa, thay vì chỉ nghiên cứu khu vực như là một đấu trường cạnh tranh nơi Đông Nam Á là một nhân tố thụ động, Acharya coi Đông Nam Á là một người chơi chủ động và đã tìm cách thay đổi quan hệ với cả Ấn Độ và Trung Quốc, qua đó tự định đoạt số phận của mình. Thay vì chỉ nhìn quan hệ Ấn-Trung như một cặp tách biệt, Acharya nghiên cứu tam giác quan hệ Ấn Độ-Đông Nam Á-Trung Quốc để xem sự tương tác ba bên đã và sẽ định hình tương lai của Châu Á như thế nào (trang 217-218). Quan trọng nhất, ông nhìn vào mối quan hệ tam giác này qua lăng kính các giá trị, chuẩn tắc, thay vì theo cách truyền thống là địa chính trị.
Acharya điểm qua nhiều vấn đề lịch sử, bắt đầu từ trước Thế chiến II cho đến nhiệm kì của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Tuy nhiên, phần lớn phần này tập trung vào thời của Thủ tướng Jawaharlal Nehru từ năm 1947 đến 1964. Acharya đã dùng các tài liệu được giải mật từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi những năm 1950 và 1960, và đây là một điểm mới khác của cuốn sách. Qua phân tích Chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, Acharya lập luận rằng Ấn Độ không chỉ mất lãnh thổ vào tay Trung Quốc, mà còn đánh mất sự tôn trọng từ Đông Nam Á vì sau đó Ấn Độ không còn được coi là một nước lớn trong khu vực nữa. Hơn nữa, vai trò của Ấn Độ trong chiến tranh với Pakistan năm 1965 hoặc chiến tranh giải phóng Bangladesh năm 1971, chính trị Chiến tranh Lạnh, và kinh tế hướng nội đã khiến Ấn Độ không còn nhiều ảnh hưởng với Đông Nam Á. Tập trung vào giai đoạn hậu 1962, Acharya đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu mất mát của Ấn Độ có lợi cho Trung Quốc ở Đông Nam Á hay không? Ông trả lời: “Một phần, nhưng nếu Ấn Độ mất uy tín…thì Trung Quốc chưa chắc đã được lợi trong bối cảnh quan hệ ngoại giao-chính trị” (trang xv-xvi).
Qua nghiên cứu về mối quan hệ giữa Nehru và Ngoại trưởng Trung Quốc Chu Ân Lai tại Hội nghị Bandung năm 1955, Acharya nhấn mạnh “bằng chứng cho thấy sự cạnh tranh giữa Nehru và Chu Ân Lai đã bị thổi phồng” (trang 120). Tuy nhiên, mặc dù Nehru đã thành công trong việc cản trở kế hoạch của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á (trang 61) (không có quốc gia mới nào gia nhập Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á sau Hội nghị Bandung), nhưng kế hoạch với Trung Quốc của Nehru đã không những không thành công mà còn có hại cho Ấn Độ về lâu dài: “Nehru không thể tận dụng Hội nghị Bandung để tạo quan hệ lâu dài với Trung Quốc, một trong những mục tiêu ngoại giao chính của ông. Bandung vì vậy là một giai đoạn quan trọng trong quan hệ giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á, cũng như cho sự phát triển của trật tự khu vực và thế giới sau Thế chiến II” (trang 60). Nhìn vào Bandung từ góc nhìn chủ nghĩa khu vực Châu Á, Acharya cho rằng cả Ấn Độ và Trung Quốc đều bị thiệt sau hội nghị này: “Sự kiêu ngạo của Nehru tại Hội nghị đã củng cố mối nghi ngờ của Đông Nam Á về vai trò lãnh đạo của Ấn Độ (và kèm theo đó là sự thống trị), còn nỗ lực của Trung Quốc là “không đủ để khiến các nước láng giềng này cân nhắc về việc hình thành một khối khu vực dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc (trang 120-121).
Nhấn mạnh vai trò của Nehru trong việc xây dựng ý tưởng chủ nghĩa khu vực Châu Á, Acharya cho rằng “Nehru là người đầu tiêu đề ra tầm nhìn về một trật tự khu vực đề cao sự thống nhất của Châu Á, chống chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa chủng tộc, và bác bỏ sự can thiệp từ các cường quốc” (trang xiii). Tuy nhiên, để làm nổi bật đóng góp của Jose Rizal, Aung San và Hồ Chí Minh, ông cho rằng “Đông Nam Á là nơi chủ nghĩa khu vực Châu Á hiện hình rõ nhất” (trang 4).
Điểm qua quá trình lịch sử của Châu Á, Acharya cho rằng cặp khái niệm “Tây” và “Đông” không còn có thể giải thích được quỹ đạo lịch sử của Châu Á nữa, dẫn tới một kết luận đáng suy nghĩ: “[qua nhiều thập niên], Châu Á đã dần dần thu hẹp khoảng cách giữa chính trị cường quyền kiểu Kautilya, chủ nghĩa cộng đồng của Khổng Tử, chủ nghĩa lý tưởng của Nehru, và chủ nghĩa tự do của Kant. Vì vậy nền tảng thực sự của bản sắc Châu Á không phải là ngoại lệ về văn hóa, thụt lùi về chính trị, hung hăng về chiến lược (như việc lên án phương Tây), và ảo tưởng về sự “trỗi dậy Châu Á”, mà là từ sự xây dựng và biểu hiện các nguyên tắc phổ quát trong khu vực” (trang 25).
Acharya quan sát chính sách (Hành động) Hướng Đông như là một đối thủ cạnh tranh tiềm năng cho sự gia tăng ảnh hưởng từ Trung Quốc. Nói về tương lai của Ấn Độ tại Châu Á, Acharya cho rằng “Ấn Độ đã có vài trò cốt lõi trong việc xây dựng các ý tưởng và chuẩn tắc cho trật tự Châu Á. Ấn Độ sẽ lại có vai trò đó trong tương lai” (trang xvii). Nhấn mạnh vai trò của Đông Nam Á, Acharya viết, “Sự cạnh tranh giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã khiến các nước Châu Á nhỏ và yếu hơn không muốn tham gia cùng một trong hai nước hoặc cả hai nhằm hình thành một khối khu vực. Với việc hai quốc gia Châu Á lớn nhất này không được chấp nhận làm lãnh đạo khu vực, các quốc gia nhỏ tận dụng cơ hội này để lập ra ASEAN – tổ chức khu vực đầu tiên của Châu Á” (trang 121). Ông không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của Đông Nam Á trong quan hệ tam giác, mà còn chứng minh rằng sau Hội nghị Bandung, chiến tranh Trung-Ấn năm 1962 và sự thất bại của Trung Quốc trong việc lan truyền chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc là hai kẻ thua cuộc trong dự án chủ nghĩa khu vực Châu Á về dài hạn.”
Cho rằng sự bá quyền của Trung Quốc ở toàn Châu Á là điều “không thể”, Acharya lập luận chính xác rằng “một phiên bản thân thiện hơn của bá quyền Trung Quốc…giống hệ thống triều cống xa xưa, có khả năng hơn, nhưng vẫn gần như không thể xảy ra” (trang 220). Ông cũng thêm rằng cũng khó có khả năng khu vực này sẽ chịu sự thống trị dưới sự bắt tay của các cường quốc Châu Á (trang 222). Tuy nhiên, cũng nên nhấn mạnh rằng Đông Nam Á và các dàn xếp hợp tác khu vực như ASEAN đều không thực sự thống nhất và đồng đều. Các nước thành viên vẫn phụ thuộc vào và bị ảnh hưởng bởi các cường quốc ít nhiều, khiến họ và ASEAN dễ gặp nguy hiểm trong những cuộc khủng hoảng chiến lược. Acharya kết luận chính xác rằng Châu Á sẽ không chịu sự thống trị của bá quyền cũng không trở thành một “khu vực thống nhất” (trang 223). Châu Á vẫn sẽ đa dạng, và việc xây dựng trật tự khu vực sẽ phụ thuộc vào cả nước mạnh lẫn nước yếu, khiến quan hệ giữa Đông Nam Á với Trung Quốc và Ấn Độ càng trở nên then chốt hơn.
Rahul Mishra là Giảng viên Cấp cao tại Viện Á-Âu, Đại học Malaya.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét