Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

8704 - Thái Lan : Bầu cử vẫn dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự


Các nhà hoạt động và sinh viên biểu tình đòi tổ chức bầu cử tại Thái Lan, 08/01/2019.REUTERS/Jorge Silva/File Photo


Ngày 23/01/2019, vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn ký sắc lệnh thông báo sẽ tổ chức bầu cử Quốc Hội vào ngày 24/03. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia Pháp, chính quyền quân sự sẽ làm mọi cách để tiếp tục nắm giữ quyền lực.
Những bất ổn chính trị triền miên trong gần hai thập niên qua đã tạo cơ hội cho phe quân đội trở lại cầm quyền vào năm 2014, sau cuộc đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của bà Yingluck Shinawatra. Kể từ đó, chính quyền quân sự của tướng Prayut Chan Ocha đã nhiều lần thông báo hoãn tổ chức bầu cử, với lý do bất ổn chính trị, chưa hội tụ đầy đủ các điều kiện cần thiết.
Giờ đây, sau năm năm nắm quyền lãnh đạo, tướng Prayut Chan Ocha đầy quyền lực và là ứng viên hiển nhiên của cuộc bầu cử, muốn thông qua lá phiếu cử tri để tiếp tục nắm giữ quyền lực mà ông có được sau cuộc đảo chính và tạo tính chính đáng cho chiếc ghế thủ tướng của ông.
Lột bỏ chiếc áo nhà binh, khoác lên người chiếc áo dân sự, tướng Chan OCha cũng tiến hành vận động tranh cử như bao ứng viên bình thường khác. Nhưng trong thùng phiếu, phe quân đội sẽ chẳng có chút cơ may nào. Nhà nghiên cứu Eugénie Merieu, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp, nhắc lại rằng đảng Peua Thai, đảng chính trị của cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra vẫn chiếm một vị trí quan trọng đến dường nào trên chính trường Thái Lan.

« Từ hơn 10 năm nay, người dân Thái Lan vẫn luôn bỏ phiểu cho cùng một đảng, giúp cho đảng Peua-Thái có một đa số gần như tuyệt đối. Điều đó vẫn luôn tồn tại từ năm 1997, trong 6 cuộc bầu cử. Cả sáu cuộc bầu cử đó đã mang lại những thắng lợi to lớn cho đảng Peua-Thai. Điều này sẽ diễn ra tương tự trong cuộc bầu cử lần này. Các cử tri Thái rất trung thành với Thaksin ».
Vậy phe quân đội quyết định tổ chức bầu cử để làm gì ? Và tại sao vào lúc này ? Về điểm này bà Eugénie Merieu giải thích như sau :
« Đối với ông Prayut, cuộc bầu cử này được sử dụng như là một phương tiện để hợp thức hóa tính chính đáng của ông thông qua phổ thông đầu phiếu. Mục tiêu là ông vẫn giữ chức vụ thủ tướng, nhưng là một thủ tướng được bầu ra trong khuôn khổ một cuộc bầu cử.
Trên bình diện quốc tế, một loạt các hiệp định đã bị đình chỉ sau cuộc đảo chính, nhất là các thỏa thuận trao đổi tự do mậu dịch với Liên Hiệp Châu Âu, hay như các thỏa thuận quân sự cũng bị ngưng lại… Ngay từ đầu, để cho mọi nguời có thể chấp nhận cuộc đảo chính, giới quân sự đã nói rằng họ phải làm như vậy để có thể tổ chức bầu cử trong bối cảnh đoàn kết dân tộc, vì lúc đó đã có các cuộc biểu tình của phe Áo Vàng, phe Áo Đỏ.
Theo quân đội, cuộc xung đột này có nguy cơ dẫn đến nội chiến, do vậy cần phải can thiệp với mục đích là tạo các điều kiện tái lập một nền dân chủ bền vững. Do vậy, ngay trong ngày làm đảo chính để nắm quyền hoặc hôm sau đó, giới quân sự đã thông báo là sẽ có bầu cử. Thế rồi sau đó, thời điểm bầu cử liên tục bị đẩy lùi, hoãn lại và chính bằng cách này mà quân đội nắm quyền cho đến nay ».
Chính quyền quân sự Thái Lan biết rõ là họ sẽ không bao giờ có được lá phiếu của người dân. Phe đối lập có rất nhiều khả năng thống lĩnh Quốc Hội. Nhưng điều đó sẽ chẳng còn ý nghĩa gì. Bởi vì, kể từ năm 2016, chính quyền quân sự Thái đã sửa đổi Hiến Pháp để có thể tiếp tục nắm giữ quyền lực. Nếu Quốc Hội do dân bầu ra thì các thành viên Thượng Viện lại do quân đội chỉ định. Nếu không đạt được đồng thuận trong việc lựa chọn thủ tướng thì hai viện có thể chỉ định một nhân vật không phải do dân bầu ra, giữ chức vụ này.
Đồng thời, Hiến Pháp mới củng cố quyền lực của Tòa Bảo Hiến, cho phép phế truất các lãnh đạo dân sự…Như vậy, bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu sắp tới ra sao, tướng Chan-Ocha vẫn tiếp tục làm thủ tướng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét