Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2019

8709 - Tôi không tin có một lá đơn lái xe của Bộ Công thương tố cáo Bộ trưởng


Vì nó lẻ mẻ
Thứ nhất, nếu thực sự lái xe của Bộ đứng đơn tố cáo thật, có lẽ thông tin sẽ không chỉ loanh quanh ở những thứ rất dễ gây phẫn nộ-nhưng thực chất lại khá lẻ mẻ như đánh xe chở vợ con và họ hàng bên ngoại đi mua sắm, đưa đón, hay nửa đêm chạy khắp Hà Nội lùng mua ruốc gửi vào cho vợ bộ trưởng kịp ăn trong bữa.
Ở Việt Nam, ai cũng biết lái xe riêng cho bộ trưởng, hay cho quan chức là vị trí không bao giờ một người không thân thuộc có thể ngồi vào. Chiếc xe là một trong những địa điểm an toàn và cất giữ nhiều bí mật nhất của họ. Họ bàn công việc, bàn tư việc, nhận điện thoại, chợp mắt, ăn nhẹ… trong xe, do vậy lái xe riêng thường (dứt khoát phải) là người có họ hàng ruột thịt, được hưởng lợi ích cho cả gia đình nhờ vào công việc béo bở này.
Vì sao lái xe riêng cho quan chức lại là béo bở?
Là vì, quan chức ở Việt Nam, nhất là trong các ngành quyền lực nắm giữ các huyệt đạo kinh tế, luôn luôn có hàng ngàn người muốn làm thân để canh ty hùn hạp làm ăn hoặc xin xỏ chính sách, xin xỏ dự án. Nói cách khác, quan chức là những con dấu biết đi mà chỉ cần nó đóng xuống một tờ giấy nhẹ thì tiền và quyền ào ào chạy vào nhà những người được cầm tờ giấy đó đến nứt đố đổ vách.
Thư ký, bảo vệ, lái xe riêng chính là nhóm người thân cận nhất bên cạnh “con dấu”. Những ai muốn làm thân hay làm ăn đều biết rõ trước hết phải lấy được lòng nhóm này thì mới hy vọng lọt qua cửa hẹp nhà quan.
Lấy lòng tất nhiên là bằng quà cáp tiền bạc biếu xén, bằng các lợi ích có thể có khác mà có khi chính vị quan cũng không ngờ.
Thân cận nhất, nắm giữ nhiều bí mật nhất của sếp, vì thế nhóm người này phải là những người được tin cậy nhất. Lái xe riêng cho quan chức, nguyên tắc tối thượng là luật im lặng. Bất kể thấy gì nghe gì cũng phải như câm như điếc. Chỉ một dấu hiệu nhỏ cho thấy sự trung thành tuyệt đối có chiều sứt mẻ thì anh lập tức lên đường.
Do mối quan hệ đặc biệt này, lái xe riêng cho quan chức Việt Nam mặc nhiên không chỉ cần hoàn thành phận sự công vụ, mà chính là một ô sin được nhà nước trả lương. Những lái xe được giao càng nhiều tư vụ như chở vợ con sếp đi học, đi chợ, đi khám bệnh, đi chơi, đi mua quà cáp biếu xén cấp trên, nhận hàng … thì càng chứng tỏ được tin cậy. Lợi ích cũng theo đó tăng lên.
Ở Việt Nam, nhất là ở Hà Nội, quyền lực công (theo đó là quyền lợi tư gắn chặt với nó) bao quát khắp các lĩnh vực. Tư sở cạnh tranh rất khó khăn. Kiếm được việc làm ổn định, nhàn tản, nhiều tiền, nhiều lợi như lái xe riêng cho quan chức chính là mơ ước của nhiều người. Chả cung cúc tận tụy hết lòng hết sức để chiếm được  lòng tin của sếp thì thôi, làm gì có việc chỉ vì bị sếp sai làm ba cái việc lẻ tẻ mà uất ức, cảm thấy nhục nhã rồi đi đâm đơn tố cáo như cái lá đơn giả mạo đang trôi nổi trên mạng?
Điều này dẫn đến điều thứ hai.
Vì muốn mua ruốc cho quan bà thì chẳng đến lượt lái xe
Với quyền lực và lợi ích tập trung vào một số ít vị trí như vậy, “có muốn hầu mua ruốc cho phu nhân cũng chẳng đến lượt lái xe” như một ý kiến tôi đọc được trên mạng xã hội facebook. Người nhận xét hẳn rất hiểu cách thức vận hành của hệ thống cửa sau nhà các quan chức Việt Nam.
Cựu người mẫu Thủy Hương (bên trái, đang giơ tấm vây cá lên cao)
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nói vào cuối tháng 11 “phải xây dựng Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và phòng, chống chạy chức, chạy quyền”.
Giá chạy một cái chức là bao nhiêu? Chẳng ai ngoài những người đã chạy và được chạy có thể nói rõ, nhưng chắc chắn, không phải chỉ lạnh lùng giao ra một con số là đủ. Một hệ thống chạy từ thấp lên cao, chạy từ già đến trẻ, anh có cơm (gà) em có cháo (sườn), thì ngoài tiền, còn phải đảm bảo sự hợp gu, tin cậy và trung thành. Nói theo một trend của dân cư mạng thì “Sống phải có cái tình”. Cái tình thể hiện ở chỗ em quan tâm đến công việc nhà anh chị như chính (thực ra là hơn gấp bội) công việc nhà em, yêu thương tận tụy với con cháu nhà anh chị hơn gấp bội con cháu của chính em, kính ngưỡng, trọng vọng, chăm sóc họ hàng nhà anh chị gấp bội chăm sóc cha mẹ vợ con họ hàng anh chị nhà em. Giỗ nhà anh chị, con cái trong nhà chưa kịp nhớ thì các cô các chú đã nườm nượp ân cần nhắc nhở từ cách hàng tuần. Rồi tự tay lùng sục đồ tốt, hàng hiếm… mang đến. Rồi khi họ nhắm mắt, tay cầm chặt bó hương, nhắm mắt thành kính rì rầm khấn vái trước bàn thờ gia tiên nhà “một đồng chí anh” thì đến cụ tổ đang lim dim trên bàn thờ cũng phải tóe nước mắt vì cảm động, còn họ hàng “một đồng chí anh” thì hoang mang dụi mắt nghi ngờ phải chăng trước đây mình đã nhận nhầm con cháu!
Việc lớn còn chu tất hiếu nghĩa như vậy thì những thứ vụn vặt chăm sóc cho chị và cháu khi xa anh, từ chỗ nào làm móng tay cho chị, đến trái cóc chị muốn ăn đỡ buồn mồm, đưa chị đi spa, đi mua sắm… chẳng bao giờ đáng phải  gọi là việc. Có sự phân công ngầm, đàn ông chủ ngoại, đàn bà chủ nội. Nội cung cấp trên là đấu trường của các phu nhân cấp dưới. Con sếp ốm là một cơ hội vàng. Phu nhân cấp dưới sẽ tay xách nách mang đủ thứ sơn hào hải vị đến tận nhà nấu ăn, thang thuốc, vuốt ve. Ai được ngồi cạnh bên đút cho cháu thìa cháo thì trong lòng sướng rơn bằng chết.
Sự nghiệp cạnh tranh để được quan bà ghé mắt, gửi gắm, tâm sự, nhờ vả hay sai phái, đi ăn đi chơi cùng… còn căng thẳng, khéo léo, cân não, gay gắt gấp bội lần cuộc cạnh tranh giữa các ông chồng cấp dưới. Hầu hạ tốt để quan bà thủ thỉ được một câu với chồng thì hiệu nghiệm thăng quan tiến chức cho phu quân còn gấp mấy mươi tiền bạc và sự trung thành tận tụy mà các ông phô diễn.
Cái việc hầu hạ như vậy vừa sang, vừa an toàn (ai cấm đồng nghiệp quan tâm giúp đỡ nhau), vừa dễ lừa gạt người trong cuộc là bản thân mình phải (tốt đẹp, đáng yêu đáng quý, trọng nghĩa trọng tình) thế nào  mới được anh em quý đến thế đấy chứ… Tình cảm chân thật như vàng mười, tiền bạc hay chức tước có ai thèm nhắc đến nửa câu đâu nào.
Ngày trước, tết đến cả con phố Hà Nội hay Sài Gòn nơi quan chức tọa ngự, kẹt cứng xe cộ, quán cà phê đối diện anh nhìn tôi, tôi nhìn anh, không xếp hàng mà đều tăm tắp người nọ vào 5 phút thì biết điều đi ra nhường người khác tiến vào. Nhà sếp quà ngập từ bếp ra sân không hết.
Bây giờ "Việc tặng quà ngày càng đơn giản, năm mới người ta chỉ cần tặng vài quyển sổ, kèm theo thẻ tín dụng và người được tặng ra rút ngay thì ai biết, ai hay? Chính tôi đã được tận mắt thấy, sờ thấy hình thức biến tướng của quà tặng này" (GS.TS Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn nói trên báo Đất Việt).
Theo ông Phố, “người ta không đợi đến Tết mới biếu, tặng quà mà có thể nhân bất cứ dịp gì, từ đám hỏi, đám giỗ đến ma chay, sinh nhật, ngày lễ...” và “Người đưa hối lộ không đưa thẳng cho cấp trên, mà đưa cho vợ, con cấp trên, hay chuyển khoản... thành ra không có bằng cớ gì để nói”. Hối lộ cũng không còn trực tiếp như thế nữa mà tinh vi vô vàn: suất du học bổng (kèm căn hộ, chiếc xe) cho cháu, gói khách hàng làm đẹp hạng Kim cương cho chị, căn hộ + chiếc xe hạng sang cho cô bồ đương nhiệm… thực tế biến ảo vi diệu mà chắc chắn chẳng ai trong chúng ta đây có thể kịp nghĩ ra được.
Thế cho nên chính sách trong lĩnh vực này của Việt Nam rất nhiều điều thú vị. Trước kia thì cấm tặng quà tết cho cấp trên,  cấm “nâng đỡ không trong sáng” (đã làm cái việc không trong sáng thì bố thằng tây nào khoe ra cho biết mà cấm?). Mới đây nhất thì đã văn minh tới mức “cấm nịnh cấp trên” ( Đề án Văn hóa công vụ của Bộ Nội vụ).
Cấm như thế nào? Chẳng lẽ phát cho cấp dưới cái máy ghi âm, tự động bật mỗi khi nói chuyện với cấp trên, rồi cuối tháng cả cơ quan ngồi lại xả băng nghe từng chữ một? Hay là cấm nịnh qua mạng xã hội, vì tôi thấy nhiều sếp bà cứ up bất cứ tấm ảnh nào lên mạng xã hội thì cả lò cấp dưới vào tấm tắc hết “Đẹp quá chị ơi” lại “Trẻ như gái đôi mươi chị ạ” hay “Con em xem ảnh xong hỏi cô diễn viên điện ảnh nào thế hả mẹ”. Hay là cấm nịnh qua cuộc phê bình đảng viên, kiểu như “Chúng em nghiêm khắc phê bình anh không được làm việc quá giờ, quá sức”?
Trò trẻ mị dân, nghe đến buồn cười nhưng ngẫm kỹ lại thấy một sự bất lực và rối ren không hề nhẹ của những người đang “cố gắng chỉnh đốn”.
Bao giờ còn độc quyền, độc tôn, còn Nhà nước to-xã hội nhỏ, thì còn tham nhũng, hối lộ, chạy chức, chạy quyền, nịnh nọt, bợ đỡ… chẳng cần giấu giếm. Có quái gì một lá đơn hàng fake (nhiều khả năng do bên đối thủ cạnh tranh tung ra) mà khiến quốc dân đồng bào ngỡ ngàng đến thế?
Cây đời mãi mãi tươi xanh hơn chúng ta tưởng nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét