Ông đến Sài Gòn với tinh thần lạc quan đó. Nhưng mọi việc đã diễn ra không phải như ông mong đợi. Hai phái đoàn Hoa Kỳ và VNCH bắt đầu họp từ ngày 19-10-1972. Việc đầu tiên Kissinger làm là trình cho Tổng Thống Thiệu lá thư riêng của Tổng Thống Nixon viết cho ông, với nội dung chính là khuyên Tổng Thống Thiệu chấp nhận bản thỏa hiệp, trong đó có câu sau đây: “I believe we have no reasonable alternative but to accept this agreement.” 54 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: Tôi tin rằng chúng ta không có giải pháp nào hợp lý hơn là chấp nhận bản thỏa hiệp này”). Ông Thiệu đọc xong không bình luận gì cả và bắt đầu phiên họp ngay.
Phía Hoa Kỳ gồm có: Cố Vấn Kissinger, Đại sứ Bunker và phụ tá là ông Charles Whitehouse, ông William Sullivan của Bộ Ngoại Giao, ông Winston Lord của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và thông dịch viên David Engel. Phía VNCH gồm có: Tổng Thống Thiệu, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Ngoại Trưởng Trần Văn Lắm, Phụ Tá Đặc Biệt Nguyễn Phú Đức, ông Trần Kim Phượng, Đại sứ VNCH tại Hoa Kỳ, ông Phạm Đăng Lâm, Trưởng Phái Đoàn VNCH tại Hòa Đàm Paris, và ông Hoàng Đức Nhã với tư cách thông dịch viên. Sau khi nghe ông Kissinger trình bày về thỏa hiệp, phía VNCH đã đặt một số câu hỏi. Cuối phiên họp Tổng Thống Thiệu bảo ông Kissinger là phía VN cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng bản thỏa hiệp. Sáng ngày 21-10-1972, phía VNCH yêu cầu phía Hoa Kỳ sửa lại bản thỏa hiệp tất cả 23 chổ trong văn bản. Một phiên họp tại Dinh Độc Lập để thảo luận về 23 điểm này được ấn định vào lúc 2 giờ chiều. Sau đó phiên họp được phía VNCH dời lại đến 5 giờ chiều mà không cho biết lý do. Đến 5 giờ cũng không thấy động tịnh gì về phía VNCH cả. Đại sứ Bunker gọi điện thoại vào Dinh Độc Lập thì được báo cho biết là Tổng Thống Thiệu đang bận họp Hội Đồng Nội Các. Nửa tiếng đồng hồ sau, ông Hoàng Đức Nhã gọi điện thoại đến báo cho phái đoàn Mỹ biết buổi họp đã được dời lại 8 giờ sáng hôm sau và sau đó cúp máy, không một lời giải thích. Ngày hôm sau, Chúa Nhựt, 22-10-1972, lúc 8 giờ sáng, trong phiên họp chỉ có 4 người, Tổng Thống Thiệu và ông Hoàng Đức Nhã một bên, và Kissinger và Đại sứ Bunker một bên, Tổng Thống Thiệu cho biết ông không đồng ý rất nhiều điểm trong thỏa hiệp, nhưng quan trọng nhứt là 2 chuyện sau đây: 1) Bắc Việt không rút quân; và 2) Thành phần và hoạt động của HĐHGDT. Ông cũng cho biết ông cần tham khảo Quốc Hội và chờ đợi báo cáo của các cố vấn của ông về phản ứng của Hoa kỳ đối với 23 điểm mà phía VNCH đã đề nghị sửa lại. Và hẹn gặp lại Kissinger vào 5 giờ chiều để trả lời dứt khoát về bản thỏa hiệp. Tại buổi họp lúc 5 giờ chiều, với thành phần giống như vào buổi sáng, Tổng Thống Thiệu, nói bằng tiếng Việt và ông Hoàng Đức Nhã dịch sang tiếng Anh, dứt khoát từ chối không ký thỏa hiệp. Trong hồi ký của mình, Kissinger ghi lại là trong lúc trình bày, cả hai ông Thiệu và ông Nhã có lúc bật khóc.55 Mặc dù thất bại hoàn toàn trong việc thuyết phục Tổng Thống Thiệu, Kissinger vẫn giữ dự định ra Hà Nội để ký tắt thỏa hiệp với Bắc Việt, nhưng Tổng Thống Nixon không đồng ý56 và ra lệnh cho ông phải quay về Mỹ ngay. Kissinger trở về Hoa Kỳ ngày 23-10-1972. Trước khi rời Sài Gòn, Kissinger đã đến Dinh Độc Lập gặp Tổng Thống một lần chót vào buổi sáng. Phiên họp này diễn ra nhẹ nhàng hơn rất nhiều, nhưng Tổng Thống Thiệu vẫn khẳng định 3 điều: 1) Bắc Việt phải rút quân; 2) Khu Phi Quân Sự phải được tôn trọng; và 3) Thành phần của HĐHGDT phải được quyết định dựa trên kết quả của một cuộc trưng cầu dân ý. Kissinger hứa sẽ cố gắng thương thuyết trở lại với Bắc Việt những điểm này. Chiều hôm đó Tổng Thống Thiệu ra trước lưỡng viện Quốc Hội, đọc một bài diễn văn (có trực tiếp truyền hình cho cả nước), trình bày mọi việc và được Quốc Hội hoan hô và ủng hộ rất mạnh. Phụ Tá Đặc Biệt Nguyễn Phú Đức đề nghị và Tổng Thống Thiệu đồng ý thực hiện: cử các cố vấn của ông đi trình bày và giải thích quyết định của Chính phủ VNCH cho các nước bạn và đồng minh trong vùng để tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của họ đối với lập trường của VNCH về vấn đề hòa đàm. Phụ Tá Nguyễn Phú Đức đi các nước Cam Bốt, Lào, Thái Lan, và Indonêxia. Đại sứ Trần Kim Phượng đi các nước Singapore, Mã Lai Á, Úc, và Tân Tây Lan. Đại sứ Phạm Đăng Lâm đi các nước Phi Luật Tân, Đại Hàn, và Nhật Bản.57
Về phía Bắc Việt, tức giận vì Kissinger không ra Hà Nội để ký kết thỏa hiệp như hai bên đã thỏa thuận, vào ngày 25-10-1972, đã đơn phương công bố toàn bộ bản thỏa hiệp mà hai bên đã đồng ý trước khi Kissinger đến Sài Gòn, nhằm gây bối rối và mất mặt cho Hoa Kỳ. Kissinger phải họp báo ngay ngày hôm sau, 26-10-1972, để trả lời cho Hà Nội là phía Hoa Kỳ vẫn tôn trọng bản thỏa hiệp đã ký kết, và trong dịp này, ông đã phát biểu cái câu nổi tiếng là “Peace is at hand.” (Hòa bình trong tầm tay). Ông cũng đề nghị hai bên trở lại bàn hội nghị để thảo luận những đề nghị sửa đổi của VNCH. Ngày 4-11-1972, 3 ngày trước ngày bầu cử tổng thống của Hoa Kỳ, Bắc Việt đồng ý sẽ trở lại bàn hội nghị vào ngày 14-11-1972.
Ngày 7-11-1972, Tổng Thống Nixon đã tái đắc cử nhiệm kỳ 2 với một đa số rất lớn (theo ngữ vựng chính trị của Hoa Kỳ, đây là một landslide victory ; phiếu dân bầu (popular vote): Nixon được 47.168.710 phiếu (60.7%), McGovern được 29.173.222 (37.5%); phiếu cử tri đoàn (electoral vote): Nixon được 520 phiếu, McGovern chỉ được 17 phiếu, vì Nixon thắng tại tất cả 49 tiểu bang, McGovern chỉ thắng ở 1 tiểu bang duy nhứt là Massachusetts, thành trì của phe phản chiến chủ hòa, và tại District of Columbia--DC tức là thủ đô, nơi đa số là dân da đen 58), đánh bại một cách rõ ràng ứng cử viên George McGovern của Đảng Dân Chủ chủ trương hòa bình bằng mọi giá và chấm dứt viện trợ quân sự và kinh tế cho VNCH. Kết quả bầu cử cho thấy Tổng Thống Nixon đã nhận định rất đúng là việc ký kết thỏa hiệp với Bắc Việt trước cuộc bầu cử là hoàn toàn không cần thiết như sự tin tưởng của Kissinger, và dân chúng Hoa Kỳ không đồng ý hòa bình bằng mọi giá và bỏ rơi VNCH. Tuy nhiên, việc thắng cử vẻ vang của cá nhân ông Nixon vẫn không giúp Đảng Cộng Hòa chiếm được đa số tại Quốc Hội (Hạ Viện: Dân Chủ 242, Cộng Hòa 192; Thượng Viện: Dân Chủ 56, Cộng Hòa 42). Chính vì đảng đối lập Dân Chủ vẫn còn nắm được đa số tại Quốc Hội, Tổng Thống Nixon nghĩ rằng cần phải ký thỏa hiệp với Bắc Việt càng sớm càng tốt.
Ngày hôm sau, 8-11-1972, Bắc Việt yêu cầu dời ngày họp lại đến ngày 20-11-1972 với lý do là Lê Đức Thọ bị bịnh. Ngày hôm sau, 9-11-1972, Hoa Kỳ đồng ý, và việc hòa đàm tại Paris tiếp tục trở lại vào ngày 20-11-1972.
Để chuẩn bị cho phiên họp ngày 20-11 này, Tướng Haig lại được cử sang Sài Gòn. Ngày 10-11, mở đầu phiên họp ở Đinh Độc Lập, Tướng Haig trình Tổng Thống Thiệu một văn thư đề ngày 8-11 của Tổng Thống Nixon gửi cho ông. Bức thư dài 4 trang hứa hẹn sẽ điều chỉnh lại bản thỏa hiệp theo những đòi hỏi của VNCH nhằm thuyết phục Tổng Thống Thiệu chấp nhận bản thỏa hiệp, đồng thời cũng hàm ý đe dọa nếu Tổng Thống Thiệu tiếp tục chống đối. Ở trang 3 của bức thư có đoạn ghi khá rõ như sau: “The other alternative would be for you to pursue what appears to be your present course. In my view this would play into the hands of the enemy and would have extremely grave consequences for both our peoples and it would be disaster for yours.” 59 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Giải pháp kia sẽ là việc Ngài tiếp tục đường lối hiện nay của Ngài. Theo cách nhận định của tôi làm như vậy là rơi vào bẫy của kẻ thù và sẽ mang lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho cả hai dân tộc chúng ta, và đó sẽ là tai họa cho dân tộc của Ngài”). Sau khi Tổng Thống Thiệu đọc xong văn thư này, Tướng Haig trình bày ngay thời khóa biểu của phái đoàn Hoa Kỳ tại hòa đàm như sau:
Từ ngày 20 đến cuối tháng 11, hội đàm giữa Kissinger và Lê Đức Thọ tại Paris
Ngày 1 và 2 tháng 12 Kissinger sẽ đến Sài Gòn để làm việc với Chính phủ VNCH
Ngày 3-12 Kissinger sẽ ra Hà Nội để ký tắt thỏa hiệp
Ngưng bắn sẽ có hiệu lực từ ngày 10-12
Thỏa hiệp sẽ được Ngoại Trưởng các nước chính thức ký kết tại Paris ngày 13-12
Và nói thêm như sau: “If you go your separate way, we can manage the difficulty, but for you it will be fatal.” 60(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Nếu quý vị không đi cùng chúng tôi, chúng tôi sẽ có cách giải quyết chuyện khó khăn đó, nhưng đối với quý vị thì đó là con đường chết của quý vị”).
Như vậy, tình hình hòa đàm vẫn y như cũ, đâu có khác gì nhiều lắm, so với tình hình đã xảy ra trong tháng 10 vừa qua. Hoa Kỳ đã quyết định sẽ ký kết thỏa hiệp rồi, ngay trước khi hòa đàm tiếp tục lại. Những hứa hẹn sẽ tìm cách thay đổi bản dự thảo thỏa hiệp theo những yêu cầu của phía VNCH chỉ là những lời hứa mà chính Hoa Kỳ cũng không tin tưởng sẽ đạt được. Hơn ai hết, Tổng Thống Thiệu đã thấy rõ việc này, nhưng ông nghĩ cứ còn nước còn tát, và vì hoàn toàn không còn có thể tin cậy được Kissinger nữa, ông quyết định cử Phụ Tá Đặc Biệt Nguyễn Phú Đức thay mặt ông điều đình trực tiếp với Tổng Thống Nixon. Đây là một bước đi có tính toán và tình cờ lại rất đúng lúc của Tổng Thống Thiệu. Đúng lúc vì vào lúc bấy giờ mối quan hệ mật thiết giữa Tổng Thống Nixon và Cố Vấn Kissinger đã bắt đầu có sự rạn nứt. Trước đây Nixon gần như khoán trắng cho Kissinger trong vụ Hòa Đàm Paris, mặc dù có những vụ việc ông không đồng ý với Kissinger nhưng ông vẫn lờ đi, không nói ra, ví dụ như ông nhận định là không cần thiết phải ký kết thỏa hiệp với Bắc Việt trước ngày bầu cử (7-11) như Kissinger tin tưởng. Nhưng rồi ông nhận thấy Kissinger bắt đầu đi quá đà khi Kissinger trả lời nữ phóng viên Ý Oriana Fallaci trong một cuộc phỏng vấn như sau: “Americans like the cowboy … who rides all alone into the town, the village, with his horse and nothing else … This amazing, romantic character suits me precisely because to be alone has always been part of my style or, if you like, my technique.” 61(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Người Mỹ thích chàng cao bồi … một mình cỡi ngựa vào thị trấn, vào làng, chỉ với con ngựa của mình mà thôi … Cái nhân vật lạ lùng, lãng mạn đó thích hợp với tôi chính vì hành động đơn độc bao giờ cũng là cách làm của tôi, hay nếu cô thích, là phương pháp của tôi”). Kiểu nói này hàm ý Kissinger mới chính thật là nhân vật trung tâm của mọi việc chứ không phải Tổng Thống Nixon. Nixon cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Ngày 19-11, khi Kissinger lên đường đi Paris để mật đàm với Lê Đức Thọ, Nixon không đưa tiễn mà chỉ gọi điện thoại từ văn phòng ông. Khi Tổng Thống Thiệu ngỏ ý muốn cử Phụ Tá Nguyễn Phú Đức sang gặp ông, ông nhận lời ngay. Ông Đức đến Paris trước để gặp phái đoàn VNCH cũng như phái đoàn Mỹ để nắm tình hình đàm phán. Trong thời gian ông đang ở Paris, Tổng Thống Thiệu cử Hoàng Đức Nhã đích thân mang một thư rất dài sang cho ông Đức với những chỉ thị mới. Sau khi được dịch sang Anh ngữ, bức thư dài đến 24 trang. Ngày 28-11-1972, ông Đức rời Paris lên đường đi Washington. Trong thời gian này, Kissinger đã có thêm 2 buổi họp với Lê Đức Thọ vào ngày 20-11 và 25-11 nhưng đều không có tiến triển vì Bắc Việt bác bỏ tất cả những đòi hỏi thay đổi quan trọng trong bản dự thảo thỏa hiệp của VNCH. Nixon ra lệnh cho Kissinger trở về Mỹ.
Ngày 29-11-1972, ông Đức cùng với Đại sứ Trần Kim Phượng được Tổng Thống Nixon tiếp kiến tại Tòa Bạch Ốc, trong Phòng Bầu Dục (Oval Office), có sự hiện diện của Kissinger và Tướng Haig. Cố Vấn Đức trình lên Tổng Thống Nixon bức thư dài 24 trang của Tổng Thống Thiệu, và sau đó giải thích từng điểm trong bức thư, đặc biệt chú trọng vào 2 điểm chính: 1) Việc đòi hỏi Bắc Việt phải rút quân, và 2) Vấn đề HĐHGDT và thành phần cấu tạo của HĐ. Tổng Thống Nixon có vẻ đồng tình và ông chỉ thị ngay cho Kissinger phải tìm mọi cách cải thiện bản dự thảo thỏa hiệp về 2 điểm đó. Sau đó, ông nói rõ quan điểm của ông về thỏa hiệp như sau: “The agreement is just a piece of paper. What counts is our determination to support you.” 62 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Thỏa hiệp chỉ là một mảnh giấy mà thôi. Điều quan trọng là sự quyết tâm của chúng tôi trong việc hỗ trợ các ông”). Và ông nói rõ những cam kết của ông như sau:
Viện trợ quân sự và kinh tế cho VNCH sau khi ký thỏa hiệp
Không Quân Hoa Kỳ đóng tại Thái Lan và trên các hàng không mẫu hạm sẽ oanh tạc trở lại nếu tình báo Hoa Kỳ phát hiện phe Cộng sản vi phạm thỏa hiệp
Giữ vững lập trường ủng hộ Tổng Thống Thiệu
Hoa Kỳ đã có những thỏa thuận với Liên Xô và Bắc Kinh về các giới hạn viện trợ cho Bắc Việt
Ngày hôm sau, 30-11-1972, trong phiên họp với Cố Vấn Nguyễn Phú Đức, khi được ông Đức hỏi về vấn đề Bắc Việt rút quân thì Kissinger nói thẳng là không thể nào có được điều đó trong bản thỏa hiệp.63 Trước tình hình gần như bế tắc này, Phụ Tá Đức đã đề nghị với Kissinger là Hoa Kỳ có thể ký kết riêng rẽ với Bắc Việt để rút quân và mang tù binh về. VNCH cam kết sẽ thả 10.000 tù binh Cộng sản để đánh đổi cho việc Bắc Việt chịu thả tất cả tù binh Mỹ. Sau đó VNCH sẽ tiếp tục đàm phán với Bắc Việt và MTGPMN về những vấn đề chính trị của Miền Nam. Kissinger báo cáo lại đề nghị này của ông Đức và Tổng Thống Nixon lại có thêm một phiên họp nữa với Phụ Tá Đức trong cùng ngày. Sau khi nghe ông Đức trình bày về đề nghị này, Tổng Thống Nixon cho biết là ông đã tham khảo các Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ, thuộc phe diều hâu (tức là những người ủng hộ VNCH), thành viên của hai Ủy Ban Quân Vụ (Armed Forces Committee) của cả Thượng Viện và Hạ Viện, và tất cả đã đồng thanh chấp thuận bản thỏa hiệp rồi. Nếu VNCH không cùng ký kết với Hoa Kỳ thì Quốc Hội sẽ chấm dứt mọi viện trợ. Ông nói rõ như sau: “I hope that we shall go forward together, then you will have economic and military assistance. Please convey this to President Thieu, what counts is U.S. alliance. I can make that commitment.” 64 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng đi với nhau, như vậy các ông sẽ có được viện trợ kinh tế và quân sự. Xin ông trình lại với Tổng Thống Thiệu điều này: chuyện quan trọng là liên minh của Hoa Kỳ. Tôi có thể cam kết điều đó”). Sau đó Tổng Thống Nixon yêu cầu Phụ Tá Đức cho Kissinger biết những điều ưu tiên mà VNCH muốn Hoa Kỳ thảo luận với Bắc Việt tại các buổi họp trong đợt hòa đàm kế tiếp. Ông Đức cho biết ngoài vấn đề rút quân của Bắc Việt, VNCH chống lại việc xem như có hai chính phủ tại Miền Nam, và, do đó, không chấp nhận việc sử dụng danh xưng Chánh phủ Cách Mạng Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN) thay cho Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc, và VNCH cũng chống lại việc HĐHGDT gồm có 3 thành phần ngang nhau. Ngày hôm sau, 1-12-1972, ông Đức làm việc với Kissinger về những vấn đề chi tiết và cụ thể của thỏa hiệp, như vấn đề ngưng bắn tại chỗ, vấn đề Lào và Campuchia, vv. Ngày 2-12-1972, Phụ Tá Đức rời Washington về Sài Gòn.
Ngày 3-12-1972, trong phiên họp của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (HĐANQG) tại Dinh Độc Lập dưới sự chủ tọa của Tồng Thống Thiệu, Phụ Tá Đức phúc trình lại mọi diễn tiến trong các phiên họp tại Washington của ông với Tổng Thống Nixon và Cố Vấn Kissinger. Cuối phiên họp, khi được Tổng Thống Thiệu hỏi ý kiến cá nhân của ông, ông trả lời ngay là nếu ký thỏa hiệp, với các điều khoản ngay lúc đó, thì Miền Nam sẽ mất. Trong cuốn hồi ký, ông ghi như sau: “President Thieu asked me this basic question: Do you think that we should sign this Agreement? I replied: In my judgment, if we sign the Agreement, as it is, South Vietnam will be lost.” 65 (Xin tam dịch sang Việt ngữ như sau: “Tổng Thống Thiệu hỏi tôi câu hỏi căn bản: Anh nghĩ chúng ta có nên ký Thỏa hiệp này hay không? Tôi trả lời: Theo nhận định của tôi, nếu chúng ta ký Thỏa hiệp này, như trong tình trạng hiện nay, Miền Nam sẽ mất”).Tổng Thống Thiệu và toàn thể HĐANQG cùng đồng ý với quan điểm này.
Trong thời gian này Hoa Kỳ và Bắc Việt trở lại bàn hội nghị từ ngày 4-12-1972 nhưng hội nghị không có tiến triển gì cả vì Bắc Việt bác bỏ tất cả những đòi hỏi thay đổi bản thỏa hiệp của Kissinger dựa trên các yêu cầu của VNCH. Ngày 17-12-1972, Tổng Thống Nixon ra lệnh tái phong tỏa hải cảng Hải Phòng và tái oanh tạc Bắc Việt, và, đặc biệt trong lần này, lần đầu tiên trong chiến tranh Việt Nam, Hoa kỳ cho phi cơ B-52 trải thảm Hà Nội. Chiến dịch này được đặt tên là Linebacker II, thực hiện trong thời gian từ 18 đến 29 tháng 12 năm 1972, thường được báo chí và sách vở Mỹ gọi là “The Christmas Bombing” (Chiến Dịch Oanh Tạc Mùa Giáng Sinh).
Ngày 19-12-1972, Tổng Thống Nixon cử Tướng Haig sang Sài Gòn, mang theo một bức thư của ông đề ngày 17-12-1972 gửi Tổng Thống Thiệu với lời lẻ vô cùng cứng rắn, gần như là một tối-hậu-thư. Trong hồi ký của ông, Tổng Thống Nixon ghi rõ như sau: “Haig arrived in Saigon on December 19, carring the strongest letter I had yet written to Thieu. In it I stated: “General Haig’s mission now represents my final effort to point out to you the necessity for joint action and to convey my irrevocable intention to proceed, preferably with your cooperation but, if necessary, alone… I have asked General Haig to obtain your answer to this absolutely final offer on my part for us to work together in seeking a settlement along the lines I have approved or to go our separate ways.”” 66 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Haig đến Sài Gòn ngày 19-12, mang theo bức thư với lời lẽ mạnh mẽ nhứt mà tôi từng viết cho ông Thiệu. Trong đó tôi nói rõ: “Sứ mệnh của Tướng Haig lần này thể hiện cố gắng cuối cùng của tôi để nói rõ với Ngài sự cần thiết phải hành động chung và thông báo cho Ngài cái ý định không thể đảo ngược của tôi là tôi sẽ tiến tới thỏa hiệp, tốt nhứt là với sự hợp tác của ngài, nhưng, nếu cần thiết, thì tôi sẽ tiến hành một mình. Tôi đã chỉ thị cho Tướng Haig phải nhận được sự trả lời của Ngài về đề nghị tuyệt đối cuối cùng này của tôi nhắm tới hoặc là mình cùng cộng tác để mưu tìm một sự thỏa hiệp dựa trên những đường lối mà tôi đã chấp nhận hoặc là đường ai nấy đi”). Trước tình hình nghiêm trọng do bức “tối hậu thư” này tạo ra, Tổng Thống Thiệu triệu tập ngay một phiên họp của HĐANQG, lần này được mở rộng với sự tham gia của các vị đứng đầu của cả hai ngành Lập Pháp và Tư Pháp: đó là các ông Nguyễn Văn Huyền, Chủ Tịch Thượng Viên, ông Nguyễn Bá Cẩn, Chủ Tịch Hạ Viện, và Thẩm Phán Trần Văn Linh, Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện.67
Mặc dù văn thư của Tổng Thống Nixon mang tính cách gần như là một tối-hậu-thư, Tổng Thống Thiệu không tin là Nixon có thể tiến hành ký kết riêng rẽ với Bắc Việt nên, sau buổi họp của HĐANQG, ông vẫn yêu cầu Phụ Tá Đức soạn văn thư đề ngày 20-12-1972 trả lời thư ngày 17-12-1972 của Tổng Thống Nixon. Văn thư này mở đầu bằng tóm lược lại 3 đòi hỏi căn bản của VNCH về: 1) Việc Bắc Việt phải rút quân, 2) Không công nhận cái gọi là CPCMLTCHMNVN, và 3) Thành phần và nhiệm vụ của HĐHGDT cho thấy HĐHGDT chỉ là một chính phủ liên hiệp trá hình. Sau đó, văn thư đề nghị VNCH sẵn sàng chấp nhận bản thỏa hiệp của ngày 12-12-1972 nếu 2 yêu cầu sau đây được giải qujyết: 1) Không được xem CPCMLTCHMNVN như một chính quyền song song với Chính phủ VNCH tại Miền Nam, và 2) Bắc Việt phải rút hết quân về trong cùng thời gian với quân các nước đồng minh của VNCH. Sau cùng, bức thư kết luận: “I must say the South Vietnamese Government and people absolutely cannot go beyond these new important concessions, because otherwise it would be tantamount to surrender.” 68 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tôi phải nói rằng Chính phủ và nhân dân Miền Nam tuyệt đối không thể đi xa hơn những nhượng bộ mới và quan trọng này, vì làm khác đi thì coi như là đầu hàng”).
Trong thời gian này, Chiến dịch Linebacker II, tuy có gây thiệt hại bất ngờ cho Hoa Kỳ là có tất cả 15 phi cơ B-52 bị bắn rơi, một điều chưa bao giờ xảy ra cho không lực Hoa Kỳ, đã gây tổn thất rất nghiêm trọng cho Bắc Việt, cả về phương diện cơ sở vật chất và về phương diện tinh thần đối với dân chúng thủ đô Hà Nội. Trong một thời gian rất ngắn, chỉ có 11 ngày (trừ 1 ngày duy nhứt là ngày Lễ Giáng Sinh, 25-12-1972), Hoa Kỳ đã thực hiện 741 phi vụ B-52 và 1.274 phi vụ của các chiến đấu cơ thuộc Không Quân và Hải Quân để yểm trợ cho B-52 (kể cả phi cơ F-111 là loại tối tân nhứt tại thời điểm này), và đã ném một số lượng bom lên đến 20.237 tấn,69 gây kinh hoàng cho dân chúng thủ đô Hà Nội. Về phía Bắc Việt, lực lượng phòng không đã bắn trên 1.000 hỏa tiễn SAM (Surface-to-Air Missiles = hỏa tiễn địa-không) nhờ vậy đã hạ được một số lượng đáng kể phi cơ B-52 vốn bay ở không độ rất cao (nhờ vậy trong bao nhiêu năm thực hiện các phi vụ oanh tạc chiến thuật ở Miền Nam –và gây kinh hoàng cho bộ đội Bắc Việt và Việt Cộng-- chưa bao giờ có một B-52 nào bị bắn rơi cả). Ngày 28-12-1972, Bắc Việt đồng ý sẽ tiếp tục hòa đàm trở lại vào hai ngày 2-1 và 8-1-1973. Vào lúc 7 giờ tối ngày 29-12-1972, Chiến dịch Linebacker II chính thức chấm dứt.
Ngày 2-1-1973, một ngày trước khi Quốc Hội Hoa Kỳ tái nhóm, các Dân Biểu thuộc khối Dân Chủ (Hạ Viện) biểu quyết với tỷ số 154/75 đồng ý sẽ cắt hết viện trợ quân sự cho Việt Nam ngay sau khi đạt được thỏa hiệp rút quân và mang tù binh Mỹ về. Ngày 4-1-1973, một ngày sau khi Quốc Hội tái nhóm, Thượng Nghị SĨ Edward Kennedy đề nghị một nghị quyết tương tự cho khối Dân Chủ tại Thượng Viện và nghị quyết được thông qua với tỷ số 36/12. Trước tình hình như vậy, cả Tổng Thống Nixon và Cố Vấn Kissinger đều thấy cần phải tiến hành ký kết thỏa hiệp với Bắc Việt ngay trước khi việc ủng hộ VNCH tại Quốc Hội tan thành mây khói.
Nhằm chuẩn bị cho việc tái nhóm của Hòa đàm Paris vào ngày 8-1-1973, ngày 5-1-1973, Nixon lại gửi thêm một thư nữa cho Tổng Thống Thiệu với lời hứa sẽ đặt lại vấn đề rút quân của Bắc Việt nhưng ông tin là Bắc Việt cũng sẽ lại bác bỏ nữa, và ông cũng hứa là, nếu VNCH đồng ý ký kết thỏa hiệp thì sau này nếu Bắc Việt vi phạm thỏa hiệp, ông sẽ trả đũa quyết liệt với tất cả sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ. Nguyên văn Anh ngữ trong văn thư như sau: “With respect to the question of North Vietnamese troops, we will again present your views to the Communists as we have done vigorously at every other opportunity in the negotiations. The result is certain to be once more the rejection of our position… Should you decide, as I trust you will, to go with us, you have my assurance of continued assistance in the post-settlement period and that we will respond with full force should the settlement be violated by North Vietnam.” 70 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Về vấn đề quân Bắc Việt, chúng tôi sẽ lại trình bày quan điểm của Ngài cho phe Cộng Sản như chúng tôi đã từng làm một cách mạnh mẽ mổi khi có cơ hội tại hòa đàm. Kết quả chắc chắn là họ sẽ lại bác bỏ lập trường này của chúng ta nữa… Nếu như Ngài quyết định, như tôi tin là Ngài sẽ làm, đi cùng chúng tôi, Ngài sẽ có được sự bảo đảm của tôi về vấn đề tiiếp tục viện trợ sau khi ký kết, và, nếu Bắc Việt vi phạm ký kết này, chúng tôi sẽ trả đũa với tất cả sức mạnh”). Nhận được thư này, Tổng Thống Thiệu trả lời ngay bằng văn thư đề ngày 7-1-1973, giữ nguyên lập trường của mình trong văn thư ngày 20-12-1972, và nhấn mạnh rằng những điều kiện đó là những vấn đề sống chết của Miền Nam.
Ngày 8-1-1973, Hòa đàm Paris tái nhóm. Ngày đầu tiên không có kết quả gì cả. Ngày thứ nhì, 9-1-1973, hai bên đồng ý sử dụng bản dự thảo của ngày 23-12-1972 làm căn bản để thảo luận thêm một số chi tiết. Vấn đề rút quân của Bắc Việt hoàn toàn bị loại bỏ, không được đề cập đến nữa. Chỉ có 2 vấn đề chính sau đây được thảo luận và đi tới đồng thuận: 1) vấn đề Vùng Phi Quân Sự hai bên vĩ tuyến thứ 17 (VPQS, DMZ = Demilitarized Zone); và 2) vấn đề CPCMLTCHMNVN. Về vấn đề VPQS, Bắc Việt đồng ý chấp nhận công thức mà Kissinger đã đề nghị vào tháng 12-1972: hai miền Nam Bắc tiếp tục tôn trọng VPQS nhưng sẽ tiến hành thương thuyết về việc cho phép những di chuyển dân sự xuyên qua VPQS. Về vấn đề CPCMLTCHMNVN, để thỏa mãn đòi hỏi của VNCH, được giải quyết bằng hai cách: 1) Danh xưng CPCMLTCHMNVN chỉ được ghi trong phần mở đầu (preamble), hoàn toàn không có ghi trong phần chính của bản thỏa hiệp; 2) Trong phần chữ ký, phe Cộng sản, tức Bắc Việt và CPCMLTCHMNVN sẽ ký chung trong một trang, và phe Tự Do, tức Hoa Kỳ và VNCH, sẽ ký chung trong một trang khác. Ngày 13-1-1973, hai bên hoàn toàn đồng ý với nhau về mọi điều khoản trong bản thỏa hiệp cũng như thủ tục ký kết bản thỏa hiệp.
Ngày 14-1-1973, Tổng Thống Nixon gửi thêm một văn thư nữa cho Tổng Thống Thiệu và lần này cũng lại do chính Tướng Haig mang sang. Trong thư, Nixon nói rõ ông đã quyết định sẽ ký bản thỏa hiệp vào ngày 27-1-1973, và, nếu cần, Hoa Kỳ sẽ ký một mình; trong trường hợp này ông sẽ công khai tuyên bố là Chính phủ VNCH đã cản trở hòa bình; và, để phía VNCH dễ dàng chấp nhận cùng ký vào bản thỏa hiệp, ông cũng lại hứa, sẽ tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế cho VNCH, và, nếu, Bắc Việt vi phạm thỏa hiệp, ông sẽ trả đũa mạnh mẽ. Nguyên văn Anh ngữ trong văn thư như sau: “I have therefore irrevocably decided to proceed to initial the Agreement on January 23, 1973 and to sign it on January 27 in Paris. I will do so, if necessary, alone. In that case I shall have to explain publicly that your Government obstructs peace.”71 (Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Do đó tôi đã dứt khoát quyết định tiến hành ký tắt bản Thỏa Hiệp vào ngày 23 Tháng Giêng năm 1973 và ký chính thức vào ngày 27 Tháng Giêng tại Paris. Nếu cần, tôi sẽ làm điều đó một mình. Trong trường hợp đó, tôi sẽ phải giải thích một cách công khai là Chính phủ của Ngài cản trở hòa bình”). Tổng Thống Thiệu vẫn không chịu nhượng bộ ngay; ông lại gửi thêm một văn thư nữa cho Tổng Thống Nixon đề ngày 17-1-1973, yêu cầu điều chỉnh lại các điều khoản về VPQS, về vấn đề quân Bắc Việt tại Miền Nam, và về vai trò của ủy hội kiểm soát đình chiến. Lần này Tổng Thống Nixon không nhượng bộ nữa, ông trả lời ngay cùng ngày, nhắc lại tất cả các điểm trong văn thư ngày 14-1, và yêu cầu Tổng Thống Thiệu trả lời văn thư này chậm nhứt là vào sáng ngày 20-1-1973 (ngày ông sẽ tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ nhiệm kỳ 2). Tổng Thống Thiệu vẫn chưa chịu chấp nhận, lại gửi thêm một văn thư nữa đề ngày 20-1-1973 trong đó ông đề nghị một vài phương cách để giải quyết vấn đề quân Bắc Việt tại Miền Nam. Ngày hôm sau, 21-1-1973, Tổng Thống Nixon gửi cho Tổng Thống Thiệu một công điệntrong đó ông nói rõ là không còn thời gian để cứu xét bất cứ đề nghị nào của VNCH nữa hết, và yêu cầu Tổng Thống Thiệu, nếu đồng ý cùng ký kết với Hoa Kỳ, phải trả lời trước 12 giờ trưa, ngày 21-1-1973, giờ Washington, Hoa Kỳ, tức là vào sáng sớm ngày 22-1-1973, giờ Sài Gòn, Việt Nam.72 Lần này thì Tổng Thống Thiệu đã hiểu quá rõ là ông không còn có cách nào khác hơn là phải đồng ý ký vào Thỏa Hiệp Paris mà thôi, nghĩa là ông phải làm cái chuyện mà ông đã không muốn làm trước đây, khi ông nói với Tướng Haig vào ngày 19-12-1972 sau khi đọc xong thư của Tổng Thống Nixon đề ngày 17-12-1972 là các ông muốn tôi ký thỏa hiệp không phải vì hòa bình mà chỉ là để tiếp tục nhận được viện trợ của Hoa Kỳ. Trong cuốn hồi ký của mình, Tổng Thống Nixon đã ghi lại rõ chuyện này như sau: “After Thieu had read the letter through twice, he looked up and said that it was obvious that he was not being asked to sign an agreement for peace but rather an agreement for continued American support. Haig replied that as a soldier and as someone completely familiar with Communist treachery, he agreed with Thieu’s assessment.”73(Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Sau khi đọc hết bức thư hai lần, ông Thiệu ngước lên và nói [với Tướng Haig] là rõ ràng ông ta được yêu cầu ký một bản thỏa hiệp không phải vì hòa bình mà đúng ra là một thỏa hiệp để tiếp tục được Hoa Kỳ viện trợ. Haig trả lời rằng với tư cách một quân nhân và một người hoàn toàn quen thuộc với sự dối trá của Cộng sản ông đồng ý với đánh giá của ông Thiệu”).
Kết luận cho mục Hòa đàm Paris: Tuy thất bại, không đạt được mục tiêu của Hòa Ðàm là buộc Bắc Việt phải rút quân, nhưng Tổng Thống Thiệu đã cố gắng làm hết mọi cách trong bối cảnh cực kỳ khó khăn đó để bảo vệ quyền lợi của VNCH. Ðiểm C.
Trong Lãnh Vực Quân Sự
Có thể nói QLVNCH đã trưởng thành vượt bậc trong thời gian của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa. Khi được thành lập vào năm 1950, với quân số chỉ vào khoảng 60.000, lực lượng này mang tên là Quân Ðội Quốc Gia Việt Nam. Trong thời gian Ðệ Nhứt Cộng Hòa (1955-1963), lực lượng được cải danh thành Quân Ðội VNCH. Từ 1965 trở đi chính thức mang tên QLVNCH, và vào năm 1970, với sự trợ giúp rất tích cực của Hoa Kỳ, có một quân số lên đến trên 1 triệu người, với đầy đủ tất cả các quân binh chủng trang bị rất tối tân, gần như rập khuôn theo quân đội Mỹ, để có thể đương đầu với cuộc chiến tranh xâm lăng do Bắc Việt phát động với viện trợ quân sự rất lớn lao của khối Cộng Sản mà quan trọng nhứt là từ Liên Xô và Trung Cộng. QLVNCH trở thành một niềm tự hào của Miền Nam nhưng cũng trở thành một con dao hai lưỡi cho sự an nguy của Miền Nam. Nó đã có thể giúp VNCH đương đầu một cách hiệu quả với những sư đoàn tinh nhuệ trang bị vũ khí hiện đại của phe Cộng sản từ Miền Bắc xâm nhập vào trong hai cuộc Tổng Tấn Công vào năm 1968 và 1972, nhưng cũng chính vì không còn nhận được đầy đủ quân viện để chi cho hoạt động của nó mà Miền Nam đã sụp đổ một cách thảm hại trong một thời gian ngắn kỷ lục, chỉ có 44 ngày.
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là vị Tổng Thống hội đủ điều kiện nhứt để đảm nhận vai trò hiến-định Tổng Tư Lệnh tối cao của QLVNCH (Ðiều 60, Hiến Pháp 1967), với những lý do sau đây:
So với phần đông các tướng lãnh cùng thời, không những ông có thâm niên hơn họ (ngay cả đối với Ðại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng Cao Văn Viên, thăng cấp Thiếu Tướng ngày 3-3-1964, trong khi ông Thiệu đã thăng cấp Thiếu Tướng từ ngày 2-11-1963), mà, trong một số trường hợp, ông còn từng là cấp chỉ huy trực tiếp của họ (như các vị Trung Tướng Ðặng Văn Quang, Nguyễn Bảo Trị, và Vĩnh Lộc)
Ông đã từng chỉ huy các đơn vị quân đội ở nhiều cấp, kể cả Tư Lệnh Sư Ðoàn và Tư Lệnh Quân Ðoàn
Người viết sẽ trình bày những nhận định và đánh giá Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về phương diện quân sự trong khía cạnh điều hành cuộc chiến tranh, đặc biệt chú trọng vào giai đoạn cuối 1974 và đầu 1975.
Từ năm 1969 trở đi, Tổng Thống Thiệu, lấy tư cách Tổng Tư Lệnh tối cao của QLVNCH theo Hiến Pháp, nắm hết quyền hành về quân sự, ra lệnh trực tiếp cho các vị tư lệnh của các quân đoàn và các đại đơn vị, không thông qua Bộ Tổng Tham Mưu nữa.74 Do đó người viết nghĩ rằng ông phải chịu một phần rất lớn trách nhiệm về sự thất bại và sụp đổ về quân sự của VNCH vào năm 1975.
Trước hết, để có thể hiểu rõ động cơ của Tổng Thống Thiệu trong những quyết định quan trọng về mặt quân sự trong thời gian cuối 1974 và đầu 1975 đưa đến sự thất trận của Miền Nam, chúng ta phải tìm hiểu rõ bản chất của cuộc chiến, giới hạn của nó, và chiến lược mà VNCH sử dụng để đối phó với cuộc chiến.
Về bản chất, đối với VNCH, đây là một cuộc chiến tranh xâm lược mà Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH, tức Bắc Việt) là nước gây chiến. VNCH, tức Nam Việt Nam, là nạn nhân với lãnh thổ bị xâm phạm. Như vậy cuộc chiến tranh này, đối với VNCH, là một cuộc chiến tranh tự vệ. Hoa Kỳ và các nước Ðồng Minh (Ðại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân, Úc, Tân Tây Lan) mang quân sang Việt Nam tham chiến là để bảo vệ VNCH chống lại việc xâm lược của VNDCCH. Về giới hạn của cuộc chiến, để tránh mở rộng cuộc chiến và tạo ra cái cớ chính đáng cho Trung Cộng có thể mang quân vào Bắc Việt (như trong Chiến tranh Triều Tiên hồi đầu thập niên 1950), Hoa Kỳ đã không ủng hộ chủ trương Bắc Tiến của VNCH. Do đó, về chiến lược, trong suốt thời gian gần 20 năm của cuộc chiến, VNCH luôn luôn ở vào thế thụ động với chiến lược tổng quát là phòng ngự. QLVNCH phải dàn trãi ra khắp nơi, từ vĩ tuyến 17 trở vào Nam, để bảo vệ lãnh thổ. Toàn bộ lãnh thổ VNCH được chia thành 4 Quân Khu:
Quân Khu I: gồm 5 tỉnh ở cực Bắc là Quảng Trị, Thừa Thiên (gồm cả Huế), Quảng Nam (gồm cả Ðặc Khu Ðà Nẵng), Quảng Tín, và Quảng Ngãi, do Quân Ðoàn I phụ trách bảo vệ lãnh thổ với lực lượng chủ lực là 3 Sư Ðoàn BB (Bộ Binh) là các Sư Ðoàn 1, 2, 3, cùng một số đơn vị yểm trợ, tiếp vận, và các lực lượng Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân thuộc càc Tiểu Khu (mỗi tỉnh là một Tiểu Khu)
Quân Khu II: gồm 7 tỉnh cao nguyên là Kontum, Pleiku, Phú Bổn, Darlac, Quảng Ðức, Lâm Ðồng, Tuyên Ðức, và 5 tỉnh duyên hải là Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, do Quân Ðoàn II phụ trách bảo vệ lãnh thổ với lực lượng chủ lực là 2 Sư Ðoàn BB 22 và 23, cùng một số đơn vị yểm trợ, tiếp vận, và các lực lượng Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân thuộc các Tiểu Khu
Quân Khu III: gồm 11 tỉnh của Miền Ðông Nam Phần là Phước Long, Bình Long, Phước Tuy, Bình Tuy, Bình Dương, Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Long An, Long Khánh, Biên Hòa, Gia Ðịnh, và Ðặc Khu Vũng Tàu, do Quân Ðoàn III phụ trách bảo vệ lãnh thổ với 3 Sư Ðoàn BB là 5, 18, 25, cùng một số đơn vị yểm trợ, tiếp vận, và các lực lượng Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân thuộc các Tiểu Khu
Quân Khu IV: gồm 16 tỉnh của Miền Tây Nam Phần là Gò Công, Kiến Tường, Ðịnh Tường, Kiến Hòa, Kiến Phong, Sa Ðéc, Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Châu Ðốc, An Giang, Phong Dinh, Ba Xuyên, Kiên Giang, Chương Thiện, Bạc Liêu, An Xuyên, do Quân Ðoàn IV phụ trách bảo vệ lãnh thổ với 3 Sư Ðoàn BB là 7, 9, 21, cùng một số đơn vị yểm trợ, tiếp vận,và các lực lượng Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân thuộc các Tiểu Khu
Ngoài các đơn vị cố định chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh thổ kể trên, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH còn thành lập một số đơn vị cơ động gọi là Lực Lượng Tổng Trừ Bị có thể được điều động đi khắp nơi khi cần. Ðó là Sư Ðoàn Nhảy Dù, Sư Ðoàn Thủy Quân Lục Chiến, 5 Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân, và Liên Ðoàn 81 Biệt Cách Dù.
Ngoài quân chủng Lục Quân với các binh chủng và đơn vị kể trên, cùng với các binh chủng khác như Thiết Giáp, Pháo Binh, Truyền Tin, Công Binh, vv, QLVNCH còn có 2 quân chủng nữa là Không Quân và Hải Quân cũng đã phát triển rất nhanh và trở thành những lực lượng rất hiện đại với đầy đủ tất cả các loại phi cơ và tàu chiến. Không Quân có tất cả 6 Sư Ðoàn rải ra trên khắp lãnh thổ của VNCH như sau:
Sư Ðoàn 1: đóng tại Ðà Nẵng
Sư Ðoàn 2: đóng tại Nha Trang
Sư Ðoàn 3: đóng tại Biên Hòa
Sư Ðoàn 4: đóng tại Cần Thơ
Sư Ðoàn 5: đóng tại Sài Gòn
Sư Ðoàn 6: đóng tại Pleiku
Hải Quân cũng có các hạm đội và giang đoàn khắp nơi và tại mỗi Quân Khu đều có một Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng đứng đầu là một vị Phó Ðề Ðốc (tướng một sao; tương đương với cấp Chuẩn Tướng bên Lục Quân và Không Quân).
VNCH hoàn toàn không có khả năng kinh tế để nuôi dưỡng và duy trì một quân lực hùng hậu và hiện đại như vậy nếu không có viện trợ của Hoa Kỳ.
Vào đầu năm 1975, sau khi Thượng Viện Hoa Kỳ không phê chuẩn Hiệp Ðịnh Paris, Quốc Hội Hoa Kỳ đã thông qua War Powers Act vào ngày 7-11-1973 giới hạn tối đa quyền của Tổng Thống gửi quân ra nước ngoài, và Tổng Thống Nixon phải từ chức vào ngày 9-8-1974 vì vụ Watergate, và được thay thế bởi ông Gerald Ford, Tổng Thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ không hề được dân bầu vào chức vụ đó, Tổng Thống Thiệu chắc chắn phải suy nghĩ là ông không còn có thể trông đợivào viện trợ đầy đủ về quân sự của Hoa Kỳ cho cuộc chiến tranh với một Quốc Hội hoàn toàn do phe phản chiến và chống VNCH chiếm đa số, và vào việc Hoa Kỳ sẽ trả đũa trong trường hợp Bắc Việt vi phạm Hiệp Ðịnh Paris với vị Tổng Thống mới hoàn toàn yếu thế đối với Quốc Hội vì không được nhân dân Hoa Kỳ bầu ra. Một số sự việc quan trọng sau đây đã khiến cho ông khẳng định là ông đã nghĩ đúng. Việc thứ nhứt là Quốc Hội Hoa Kỳ đã cắt giảm nghiêm trọng quân viện cho VNCH. Năm 1973, con số này là 2,8 tỷ đô la; năm 1974 cắt xuống còn 1 tỷ, và 3 ngày sau khi Tổng Thống Nixon từ chức, vào ngày 11-8-1974, Quốc Hội cắt thêm 300 triệu nữa chỉ còn lại 700 triệu đô la mà thôi.75 Việc thứ nhì là Hoa Kỳ đã hoàn toàn không có phản ứng gì cả sau khi xảy ra vụ phe Cộng sản vi phạm nghiêm trọng Hiệp Ðịnh Paris trong vụ tấn công tỉnh Phước Long từ giữa tháng 12-1974 và chiếm được tỉnh này vào ngày 6-1-1975. Việc thứ ba là: “Một ngày trước khi Tướng Phú tuyên bố Ban-Mê-Thuột mất, hạ viện Mỹ đã biểu quyết cắt hoàn toàn 300 triệu Mỹ kim quân viện bổ túc cho VNCH mà trước đây Tổng Thống Ford đã cố gắng đệ trình Quốc Hội.” 76 Và chính cái suy nghĩ đó đã thúc đẩy ông tin rằng VNCH không còn có đủ khả năng và phương tiện để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của mình nữa. Ngày 11-3-1975, một ngày sau khi Ban Mê Thuột lọt vào tay quân Cộng sản, ông triệu tập một cuộc họp rất quan trọng tại Dinh Ðộc Lập. Hiện diện tại cuộc họp này với Tổng Thống Thiệu là Ðại Tướng Trần Thiện Khiêm, Thủ Tướng Chính phủ, Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, và Trung Tướng Ðặng Văn Quang, Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống. Chính trong cuộc họp này, lần đầu tiên, Tổng Thống Thiệu trình bày ý tưởng của ông là QLVNCH chỉ còn có thể giữ được hai Vùng 3 và 4 mà thôi, có nghĩa là phải cắt bỏ 2 Vùng 1 và 2 ở phía Bắc của lãnh thổ VNCH cho phía Cộng sản. Ðây là một việc mà, theo đánh giá của người viết bài này, Tổng Thống Thiệu đã làm không đúng hoàn toàn. Lẽ ra ông phải trình bày chuyện hết sức quan trọng này tại một phiên họp của Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia thì mới đúng. Ba ngày sau, vào ngày 14-3-1975, cũng cùng với các vị tướng kể trên, Tổng Thống Thiệu lại có một cuộc họp quan trọng khác tại Cam Ranh, lần này là với Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Vùng 2. Chính tại cuộc họp định mệnh này mà Tổng Thống Thiệu, với tư cách Tổng Thống và đương nhiên là Tổng Tư Lệnh tối cao của QLVNCH, đã biến suy nghĩ của ông thành hành động, trực tiếp ra lệnh cho Tướng Phú rút bỏ Pleiku-Kontum. Dù cho ông, trong lúc tâm sự với Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng sau này, có biện minh rằng: “Tôi ra lệnh tái phối trí tức là rút quân khỏi Pleiku và Kontum để tái chiếm Ban Mê Thuột, chứ không phải rút lui hoàn toàn khỏi Quân đoàn II,” 77 và dù cho lời biện minh này có đúng đi nữa thì sự thật lịch sử vẫn là chính ông đã ra lệnh cho Tướng Phú triệt thoái khỏi Pleiku, nơi đặt Bộ Tư Lệnh của Quân đoàn II. Ngoài ra, cũng trong lúc tâm sự với Tiến sĩ Hưng, ông còn nói thêm rằng: “Tôi ra hai chứ không phải một lệnh: đó là thứ nhất, rút quân khỏi Pleiku để tái chiếm Ban Mê Thuột; và thứ hai, Bộ Tổng Tham Mưu ‘theo dõi và giám sát’ (suivre et surveiller) cuộc triệt thoái này.” 78 Về cái lệnh thứ hai này thì Ðại Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng cho biết là không có. Cho dù là có thật đi nữa, Tướng Viên cũng sẽ không tích cực thi hành, vì, trên thực tế, ông đã không còn làm tròn nhiệm vụ Tổng Tham Mưu Trưởng của ông từ bao nhiêu năm trước đó rồi vì không đồng ý với cách làm việc của Tổng Thống Thiệu là luôn luôn ra lệnh trực tiếp cho các Tư Lệnh Quân Ðoàn, không qua hệ thống của Bộ Tổng Tham Mưu. Trên thực tế, ông đã nhiều lần xin từ chức nhưng không được Tổng Thống Thiệu chấp thuận. Phản ứng của ông là không tích cực làm tròn nhiệm vụ Tổng Tham Mưu Trưởng nữa. Trở lại vấn đề cái lệnh thứ hai này, chúng ta có cơ sở để tin là Tướng Viên đã không nói hết sự thật. Trong cuốn hồi ký Ðôi dòng ghi nhớ của ông, Ðại Tá Phạm Bá Hoa (nguyên Chánh Văn Phòng của Tổng Tham Mưu Trưởng, 1965-1966), có thuật lại là vào buổi trưa ngày 15-3-1975, Ðại Tướng Viên có điện thoại cho ông, lúc đó dang giữ chức Tham Mưu Trưởng Tổng Cục Tiếp Vận của Bộ Tổng Tham Mưu, và ra lệnh cho ông điều động tất cả các phi cơ vận tải C-130 có thể sử dụng được lên cho Quân đoàn II, nhưng không cho biết để dùng trong việc gì và cũng ra lệnh cho ông phải bảo mật chuyện đó.79 Qua chuyện này, chúng ta có thể tin rằng Tổng Thống Thiệu có ra cái lệnh thứ hai này, vì nếu không thì, với thái độ tiêu cực trong nhiệm vụ của ông từ bao năm trước đó, chắc chắn Tướng Viên đã không có điện thoại cho Ðại Tá Hoa như vậy. Và Tướng Viên cũng chỉ có hành động như vậy thôi, hoàn toàn đúng với cách làm việc tiêu cực của ông.
Trở lại cái lệnh rút bỏ Pleiku-Kontum, người viết thấy có rất nhiều điều cần phải được phân tích để có thể hiểu rõ và đánh giá Tổng Thống Thiệu: bối cảnh và thời điểm lệnh được ban hành, tính chất của lệnh, nội dung của lệnh, tính khả thi của lệnh, cách thi hành lệnh, và hậu quả của lệnh.
Bối Cảnh và Thời Ðiểm Của Lệnh
Về bối cảnh và thời điểm, Tổng Thống Thiệu trực tiếp ra lệnh này cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quân Ðoàn II, tại cuộc họp ở Cam Ranh, vào ngày 14-3-1975. Tại thời điểm này, VNCH đang ở vào giai đoạn khó khăn nhứt trong suốt cuộc chiến tranh đã kéo dài gần 20 năm: mức quân viện từ Hoa Kỳ bị cắt giảm nặng nề, và có thể sẽ không còn nữa trong tài khóa 1976, đưa QLVNCH đến chỗ không còn khả năng tác chiến hiệu quả như trước nữa; không còn lực lượng tổng trừ bị để bổ sung cho các mặt trận cần đến vì đã được điều động đi khắp nơi hết rồi; hai tỉnh Phước Long và Ban Mê Thuột đã bị quân Cộng sản chiếm mà QLVNCH không có khả năng đánh chiếm lại được. Và trước tình hình như vậy, vị Tổng Tư Lệnh tối cao của QLVNCH, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đã có ý quyết định phải cắt bỏ 2 Quân Khu I và II, chỉ giữ lại 2 Quân Khu III và IV mà thôi. Khi ra cái lệnh rút bỏ Pleiku-Kontum cho Tướng Phú, Tổng Thống Thiệu lần đầu tiên chính thức thực hiện cái quyết định cắt bỏ lãnh thổ đó. Tuy đã có họp với các tướng lãnh cao cấp vào ngày 11-3-1975, như chúng ta đã thấy trong phần trên, nhưng Tổng Thống Thiệu phải một mình chịu trách nhiệm về quyết định này vì đây là ý nghĩ của ông và 3 vị tướng kia hoàn toàn không có đóng góp gì cả trong cuộc họp; họ gần như chỉ đóng vai trò làm nhân chứng mà thôi. Trong cuộc họp tại Cam Ranh ngày 14-3-1975 thì cũng vậy, không có một vị tướng nào có một lời phản biện nào cả. Tướng Phú là người mang cấp bậc thấp nhứt tại cuộc họp nên lại càng không có ý kiến gì cả vì ông đã thấy rõ là Tổng Thống đã quyết định như vậy với sự đồng thuận của 3 vị tướng lãnh cao cấp kia. Thật là một điều hết sức đáng tiếc về cuộc họp này cho một quyết định vô cùng quan trọng về quân sự và chính trị của VNCH.
TÍnh Chất Của Lệnh
Về tính chất của lệnh thì đây là một lệnh tối mật, chỉ có các sĩ quan cao cấp tại Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II được biết mà thôi, ngay cả các sĩ quan cao cấp tại Bộ Tổng Tham Mưu cũng không được thông báo. Trong cuốn hồi ký của ông, Ðại Tá Hoa còn cho biết thêm là khi ông liên lạc với Ðại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng Quân Ðoàn II, để thông báo về việc ông điều động phi cơ vận tải C-130 lên Pleiku cho Quân Ðoàn II, thì Ðại Tá Lý cũng không cho ông biết sử dụng các phi cơ đó trong việc gì.80 Các giới chức Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng hoàn toàn không được thông báo gì hết về lệnh này. Tác giả Ðỗ Sơn, trong tác phẩm Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất và sự thật cuộc triệt thoái Quân Ðoàn II, đã có ghi lại cuộc phỏng vấn của ông với Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất về cuộc triệt thoái này. Khi được hỏi về việc Tướng Phú đã truyền đạt lại lệnh của Tổng Thống Thiệu như thế nào tại cuộc họp của Quân Ðòan II vào buổi chiều ngày 14-3-1975 thì Tướng Tất đã trả lời như sau: “Lệnh Tống Thống là giữ bí mật tuyệt đối, chỉ rút quân chủ lực, còn bỏ lại tất cả. Có nghĩa là bỏ Tiểu Khu, bỏ Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân, và dân chúng. Có người đã hỏi tại sao vậy? Tướng Phú trả lời: Tổng Thống đã có nói nếu họ muốn theo thì họ sẽ biết cách đi theo, các anh không phải lo. Phải rút nhanh, gọn để bảo toàn sự bất ngờ.”81 Tính chất tối mật này không giữ được lâu vì trên thực tế không thể nào có thể giữ được bí mật việc di chuyển của cả một Quân Ðoàn. Cuốn hồi ký của Ðại Tá Hoa cho biết khi phi cơ C-130, mà ông điều động lên Pleiku vào sáng ngày 16-3-1975, đến phi trường Cù Hanh (Pleiku) đã “không thể nào đáp xuống phi trường được, vì người ta đông không thể tưởng tượng nổi.”82
(Còn tiếp)
Chú thích :
54. Nixon, sđd, tr. 696.
55. Kissinger, sđd, tr. 1385.
56. Nixon, sđd, tr. 698-699.
57. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 332-333.
58. United States presidential election, 1972, tài liệu trực tuyến trên Internet, tại địa chỉ sau đây: https://en.wikipedia.org/wiki/United_States_presidential_election,_1972
59.Nguyễn Tiến Hưng, Khi đồng minh tháo chạy. San Jose, Calif.: Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, 2005. Tr. 529-532.
60. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 341.
61. Kissinger, sđd, tr. 1410.
62. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 353.
63. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 354-355. Tác giả ghi như sau: “I asked him whether he had come up with something new on the withdrawal of the NVA, as President Nixon, the day before, did not foreclose the issue, Kissinger said that it would be impossible to have the NVA withdrawal in the agreement.” Xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “Tôi hỏi ông ta đã nghĩ ra được điều gì mới về vấn đề rất quân của Bắc Việt, vì như Tổng Thống Nixon, ngày hôm trước, đã không có gạt bỏ vấn đề đó, Kissinger trả lởi là không thể nào có được điều khoản rút quân của Bắc Việt trong bản thỏa hiệp được”).
64. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 356.
65. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 361.
66. Nixon, sđd, tr. 737.
67. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 365.
68. Nguyễn Phú Đức, sđd, tr. 367.
69. Operation Linrbacker II: The Christmas bombing, tài liệu trực tuyến tại địa chỉ Internet sau đây: http://thevietnamwar.info/operation-linebacker-ii-christmas-bombing/, ở tr. 2.
70. Nguyễn Tiến Hưng, tr. 547-548.
71. Kissinger, sđd, tr. 1469.
72. Nguyễn Phú Ðức, sđd, tr. 373.
73. Nixon, sđd, tr. 737.
74. Tiểu sử Ðại Tướng Cao Văn Viên, tài liệu trực tuyến tại địa chỉ Internet sau đây: http://nhaydu.com/index_83hg_files/main_files/Tuong/TS-TuongCaoVanVien.htm.
75. Congress cuts military aid to South Vietnam, tài liệu trực tuyến tại địa chỉ Internet sau đây: http://www.history.com/this-day-in-history/congress-cuts-military-aid-to-south-vietnam
76. Nguyễn Ðức Phương, Chiến tranh Việt Nam toàn tập: từ trận đầu (Ấp Bắc – 1963) đến trận cuối (Sài Gòn – 1975). Toronto: Làng Văn, 2001. Tr. 732.
77. Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư Tổng Thống Thiệu. San Jose, Calif.: Cơ sở xuất bản Hứa Chấn Minh, 2010. Tr. 52.
78. Nguyễn Tiến Hưng, Tâm tư Tổng Thống Thiệu, sđd, tr. 57.
79. Phạm Bá Hoa, Ðôi dòng ghi nhớ: hồi ký chính trị, 1963-1975. Ấn bản lần 4. Houston, Tex.: Ngày Nay, 2007. Tr. 271.
80. Phạm Bá Hoa, sđd, tr. 273-274.
81. Ðỗ Sơn, Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất và sự thật cuộc triệt thoái Quân Ðoàn II. Burke, Va.: Nhà xuất bản THAO UYEN PHAM, 2013. Tr. 111.
82. Phạm Bá Hoa, sđd, tr. 275.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét