Vào những ngày đầu năm 2019, trong bầu không khí ‘đồng bào đồng chí cả nước nô nức đón tết nguyên đán’, có hai cái tên bị ‘lên thớt’ trong chính trường và thương trường Việt Nam: Bộ trưởng công thương Trần Tuấn Anh và Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen và là người anh cột chèo với Trần Tuấn Anh.
Bộ đôi Lê Phước Vũ (trái) và Trần Tuấn Anh. |
Một tờ báo nhà nước là Kiến Thức mô tả: “Xuất hiện tại đại hội cổ đông sáng 14/1 vừa qua, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen Lê Phước Vũ có nói về dự án thép Cà Ná: "Khi nào Cà Ná có giấy phép, tôi xuất chiêu cho quý vị coi"”.
Theo tờ báo trên, Dự án Khu liên hợp cán thép Cà Ná - Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen có tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD. Dự án có công suất 16 triệu tấn/năm được Bộ Công Thương đưa vào dự thảo quy hoạch ngành thép đến năm 2025, tầm nhìn 2035.
Theo kế hoạch, Hoa Sen sẽ triển khai dự án khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná theo 5 giai đoạn, từ 2017 đến năm 2031. Khi hoàn thành, dự án có thể tạo việc làm cho khoảng 45.000 lao động.
Giai đoạn đầu tiên thực hiện trong năm 2017-2018 với diện tích sử dụng là 240 ha đất, công suất 1,5 triệu tấn và dự kiến đi vào hoạt động năm 2019.
Đáng chú ý, kế hoạch triển khai dự án thép Cà Ná được đại gia Lê Phước Vũ đưa ra trong thời gian khá “nhạy cảm” là sau sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh gây ra.
Đến tháng 4/2017, Thủ tướng Chính phủ có văn bản yêu cầu tạm dừng triển khai dự án thép Cà Ná của Hoa Sen với lý do dự án chỉ mới dừng ở mức đánh giá sơ bộ, công tác chuẩn bị còn vội vàng, thông tin về dự án còn bất cập, chưa đầy đủ, toàn diện...
Thế nhưng có một chi tiết rất bất tương xứng: Dự án cán thép Cà Ná - Ninh Thuận bị tạm dừng của đại gia Lê Phước Vũ có tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD, nhưng Tập đoàn Hoa Sen đã chỉ rót có 20,5 tỷ đồng vào các công ty con thực hiện dự án này. Con số hơn 20 tỷ này là chẳng thấm vào đâu so với tổng vốn đầu tư dự kiến.
Cứ theo cái cách ‘đặt vấn đề’ của kiến Thức, có vẻ như Hoa Sen Group và Lê Phước Vũ đang rơi vào tầm ngắm của một thế lực chính trị và cả thế lực lợi ích nào đó - mà phải là ‘cấp trung ương’. Nguy cơ tái hiện Formosa được nêu ra, cho thấy cho dù sắp tới dự án thép Cà Ná được cấp phép chăng nữa, tương lai triển khai dự án này là khá chông chênh, với hai lực cản lớn từ ‘nội bộ đảng ta’ và từ sự phản đối của dư luận xã hội về nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Không hiểu vô tình hay hữu ý, đúng vào lúc Lê Phước Vũ bị ‘nắn gân’, người anh em cột chèo Trần Tuấn Anh cũng bị ‘gài’.
Thông tin chiếc xe công ra tận cầu thang máy bay - khu vực cực kỳ hạn chế - để đón vợ bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ được một ít quan chức và nhân viên biết. Nhưng không phải bỗng dưng mà thông tin này lọt ra ngoài và ngay lập tức được một số tờ báo vồ vập đăng tải.
Mà chỉ có thể là ‘tin nội bộ’. Hay nói cách khác, một ‘con ma’ nào đó đã được cài cắm từ lâu ở khu vực hạn chế của sân bay Nội Bài chỉ để chực chờ giây phút hiếm hoi một quan chức cao cấp như Trần Tuấn Anh ‘lộ bài’.
Đây là lần thứ hai trong sự nghiệp bộ trương khá trẻ tuổi của mình, Trần Tuấn Anh vấp phải sự cố mà có thể khiến đe dọa đến tuổi thọ cái ghế bộ trưởng của ông ta.
Lần đầu tiên là vào năm 2016, khi ông ta bị dính dáng đến người anh em cột chèo Lê Phước Vũ - đại gia của Tôn Hoa Sen trong vụ dự án Thép Cà Nà - Hoa Sen gây ô nhiễm mô trường và có thể tạo nên một Formosa thứ hai, đã bị dư luận xã hội phản ứng kịch liệt. Sau đó, dự án này phải bỏ ra ngoài quy hoạch của Bộ Công thương (người ta nghi ngờ rằng trước đó chính Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo bổ sung dự này này vào quy hoạch).
Nhưng vào lần này, không phải dư luận xã hội mà dường như chỉ có các đảng viên cao cấp mới quan tâm thực sự và té nước theo mưa vụ vợ Trần Tuấn Anh.
Hẳn là Trần Tuấn Anh đang gặp phải một đối thủ không ra mặt, dù thừa biết mặt nhau.
Trong số dàn bộ trưởng đương nhiệm, Trần Tuấn Anh được xem là ‘cục cưng’ của Thủ tướng Phúc.
Hiển nhiên, ‘đánh’ vào Trần Tuấn Anh cũng có thể hiểu là đánh vào cánh của Thủ tướng Phúc.
Hội nghị trung ương 9 vừa trôi qua với việc lấy phiếu tín nhiệm các thành viên trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư, sau đó là bắt đầu công tác quy hoạch ‘cán bộ cấp chiến lược’ để chuẩn bị cho đại hội 13 của đảng cầm quyền sẽ diễn ra vào năm 2021, nếu quả thực còn diễn ra đại hội đó.
Hai cái tên Nguyễn Xuân Phúc và Trần Tuấn Anh đang được ‘nâng lên một tầm cao mới’. Trong khi Phúc vẫn tiếp tục cuộc vận động không mệt mỏi của ông ta ở các địa phương và được đồn đoán là có thể thay Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư, Trần Tuấn Anh lại được một số quan nhân cận thần kỳ vọng sẽ được đưa lên làm phó thủ tướng, hoặc có thể đưa về TP.HCM là Phó bí thư thường trực để dần thay thế cho Nguyễn Thiện Nhân và sẽ đương nhiên vào Bộ Chính trị.
Cho tới nay, vẫn chưa lộ diện phe cánh chính trị đối trọng chính trị với Nguyễn Xuân Phúc và Trần Tuấn Anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét