Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

8722 - Càng căng thẳng với phương Tây, Cam Bốt càng xích gần lại Trung Quốc


Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Lý Khắc Cường (Li Keqiang), dự lễ ký kết các hiệp định hợp tác song phương, Bắc Kinh, ngày 22/01/2019REUTERS

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen vừa kết thúc chuyến viếng thăm chính thức Trung Quốc ngày 23/01/2019. Chuyến công du ngoại quốc đầu tiên trong năm 2019 này của ông Hun Sen cho thấy là càng căng thẳng với phương Tây, Phnom Penh càng xích gần lại Bắc Kinh.
Khi tiếp ông Hun Sen tại Bắc Kinh ngày 21/01, chủ tịch Tập Cận Bình đã hứa là Trung Quốc sẽ viện trợ thêm 4 tỷ nhân dân tệ (588 triệu đôla) cho Cam Bốt. Nhưng đặc biệt ngoài số tiền nói trên, theo thông báo của thủ tướng Hun Sen, chủ tịch Tập Cận Bình còn hứa sẽ nâng hạn ngạch (quota) nhập khẩu gạo từ Cam Bốt lên thành 400 ngàn tấn trong năm nay.
Không phải vô cớ mà Bắc Kinh quyết định như vậy. Lý do chính là chỉ cách đó vài ngày, Ủy Ban Châu Âu đã tái lập thuế hải quan đối với gạo nhập từ Cam Bốt trong thời hạn 3 năm. Kể từ năm 2012, gạo nhập từ Cam Bốt vẫn được miễn thuế hải quan trong khuôn khổ các thỏa thuận gọi là « tất cả trừ vũ khí ». Đây là sáng kiến do Liên Hiệp Châu Âu đưa ra từ năm 2001, nhằm xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa (trừ vũ khí) nhập từ các nước chậm phát triển nhất, với điều kiện là những nước đó phải tôn trọng nhân quyền.
Thế nhưng, giới nông gia tại một số nước châu Âu như Tây Ban Nha và Ý nay than phiền là gạo nhập giá rẻ từ những quốc gia như Cam Bốt đang gây nhiều thiệt hại cho họ. Ủy Ban Châu Âu đã phải tái lập thuế quan đối với gạo Cam Bốt, sau khi nước Ý ráo riết vận động hậu trường theo hướng này.
Đây là một vố đau đối với Phnom Penh, vì nông nghiệp của Cam Bốt chủ yếu dựa vào cây lúa, và Liên Hiệp Châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của nước này. Không những thế, Ủy Ban Châu Âu còn đang yêu cầu đẩy nhanh thủ tục đình chỉ các hiệp định mang tính ưu đãi và tái lập thuế hải quan đối với toàn bộ hàng hóa nhập từ Cam Bốt.
Bruxelles đã quyết định như vậy vì họ thấy chính quyền Phnom Penh gia tăng đàn áp đối lập, báo chí và các tổ chức xã hội dân sự ở Cam Bốt, thể hiện qua cuộc bầu cử Quốc Hội tháng 7 năm ngoái. Giới doanh nghiệp Cam Bốt hôm thứ Hai vừa qua đã gởi một bức thư đến ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmström để yêu cầu Bruxelles không đình chỉ thỏa thuận «tất cả trừ vũ khí », vì họ rất lo ngại cho thương mại cũng như cho quan hệ giữa Cam Bốt với Liên Hiệp Châu Âu.
Bắc Kinh đã không bỏ lỡ cơ hội này để kéo đồng minh Phnom Penh về phía mình hơn nữa. Ngoài việc nâng hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Cam Bốt, chủ tịch Tập Cận Bình còn hứa với thủ tướng Hun Sen là sẽ tăng trao đổi mậu dịch song phương lên 10 tỷ đô la từ đây đến năm 2023 và sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư nhiều hơn nữa vào Cam Bốt. Như vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Cam Bốt và là nhà tài trợ hàng đầu cho Cam Bốt.
Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc vừa qua, thủ tướng Hun Sen đã bác bỏ thông tin theo đó Trung Quốc đang tìm kiếm sự ủng hộ của Phnom Penh cho dự án xây một căn cứ hải quân ở ngoài khơi Cam Bốt. Nhưng rõ ràng là không chỉ về mặt kinh tế, Phnom Penh còn đang tăng cường quan hệ quân sự với Bắc Kinh. Bị Washington liên tục chỉ trích về đàn áp đối lập, năm ngoái, Cam Bốt đã hủy bỏ các cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ, và năm nay, quân đội nước này sẽ có nhiều cuộc thao dượt chung với quân đội Trung Quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét