Một trong những vấn đề mà xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đặt ra cho mọi quốc gia là làm thế nào để kết nối với thế giới bên ngoài, học tập, giao lưu, tìm kiếm cơ hội phát triển nhưng vẫn giữ vững chủ quyền, bản sắc văn hóa dân tộc. Nhìn lại lịch sử nước nhà, không ít lần ông cha ta phải đứng trước những lựa chọn, thách thức từ bên ngoài, đặc biệt là từ thế giới phương Tây – nơi có những ưu thế nổi bật về kinh tế, kĩ thuật, quân sự.
Thái độ tiếp nhận khác nhau sẽ dẫn đến những hệ quả khác nhau trong quá trình giao lưu với thế giới bên ngoài. Bài viết này về chính sách ngoại giao của Đàng Ngoài và Đàng Trong đối với người Anh (cụ thể là công ty Đông Ấn Anh – EIC) dựa trên góc nhìn từ bên ngoài, là một minh chứng cho những thái độ khác nhau của giới cầm quyền Việt Nam trong quá trình tiếp xúc, phản biện lại luồng gió mới từ các công ty Đông Ấn châu Âu đến châu Á trong thế kỷ XVII.
Thái độ tiếp nhận khác nhau sẽ dẫn đến những hệ quả khác nhau trong quá trình giao lưu với thế giới bên ngoài. Bài viết này về chính sách ngoại giao của Đàng Ngoài và Đàng Trong đối với người Anh (cụ thể là công ty Đông Ấn Anh – EIC) dựa trên góc nhìn từ bên ngoài, là một minh chứng cho những thái độ khác nhau của giới cầm quyền Việt Nam trong quá trình tiếp xúc, phản biện lại luồng gió mới từ các công ty Đông Ấn châu Âu đến châu Á trong thế kỷ XVII.
Trong thế kỷ XVII, tiếp xúc Anh – Việt Nam thực sự không liền mạch do nhiều nguyên nhân khác nhau và những hiện diện đáng lưu ý nhất chỉ xuất hiện ở nửa cuối thế kỷ (xin đọc thêm trong bài viết Quan hệ Anh – Việt trước năm 1858: Góc nhìn của người Anh trên Tia Sáng số 22 ra ngày 20 tháng 11 năm 2018). Tuy vậy, quá trình tiếp xúc đó vẫn phản ánh được sự khác biệt trong chính sách ngoại giao của chính quyền Đàng Trong và Đàng Ngoài và điều đó đã dẫn đến những thái cực khác nhau trong quan hệ giữa Anh với hai vương quốc trên.
Niên biểu dưới đây đã chỉ rõ người Anh đã có ba giai đoạn đến Đàng Trong, bao gồm chuyến buôn từ Nhật Bản năm 1614 và 1617, chuyến đi sứ của Thomas Bowyear năm 1695-1696, và sau đó lập thương điếm và khu đồn trú tại Côn Đảo (1702-1705). Trong khi đó, người Anh chính thức xây dựng thương điếm tại Đàng Ngoài trong vòng 25 năm (1672-1697). Những tiếp xúc đó diễn ra trong bối cảnh trước và sau cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn (1627-1672) nên quan hệ Anh – Việt có thể nói là không chịu tác động trực tiếp từ nguy cơ chiến tranh hay nhu cầu về đồng minh như người Bồ Đào Nha, Hà Lan đã trải qua tại Việt Nam.
Trong cả quá trình tiếp xúc ngoại giao Anh – Việt Nam trước 1705, người Anh đã nhận thức rõ nhu cầu về lễ nghi để thể hiện sự tôn trọng dành cho cả hai chính quyền vốn chịu nhiều ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa. Do đó, người Anh đều chuẩn bị lễ vật, quà ra mắt và quan trọng hơn là thư xin thiết lập quan hệ ngoại giao. Cụ thể giai đoạn đầu thế kỷ XVII, đại diện công ty EIC tại Bantam (Indonesia) đã cử đại diện mang thư gửi chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Năm 1672, đại diện từ Bantam (Henry Dacres) gửi thư cho chúa Trịnh Tạc và Hoàng tử trưởng. Năm 1695, Thống đốc Anh (Nathaniel Higginson) tại Madras (Ấn Độ) gửi thư cho chúa Nguyễn Phúc Chu. Những lễ vật ra mắt thường là đồ xa xỉ phẩm của châu Âu, Ấn Độ như vải dạ, hổ phách, súng, kính đeo, nước hoa hồng. Những lễ vật trên thể hiện sự tôn trọng của người Anh đối với chính quyền bản địa, đồng thời cũng là những hiểu biết khá rõ của người Anh về vấn đề ngoại giao tại Việt Nam (British Library, IOR/G/12/17/1, IOR/G/40/18).
Đổi lại, chúa Trịnh và chúa Nguyễn cũng đáp lễ người Anh bằng những lễ vật địa phương như gạo, rượu, lợn sữa, và cả tiền đồng theo đúng nghi thức ngoại giao. Tuy nhiên, sau sự tiếp đón ban đầu, mỗi chính quyền đã thể hiện những chính sách khác nhau đối với người Anh.
Chính quyền Đàng Ngoài: Kiềm tỏa, hạn chế người Anh
Về phía chúa Trịnh và hệ thống chính quyền Đàng Ngoài, điểm nổi bật nhất dường như là chính sách hạn chế người nước ngoài, cụ thể là người Anh hoạt động, nhất là tại kinh đô Thăng Long, mặc dù người Anh vẫn nhận được sự giúp đỡ của một số quan lại hoặc sau cùng vẫn có được thương điếm tại kinh thành. Chỉ vài tháng sau khi đặt chân đến Đàng Ngoài, Giám đốc thương điếm Anh William Gyfford đã gặp phải những khó khăn, hạch sách của bộ máy quan lại địa phương. Người Anh phải cho thuyền ngược sông trong điều kiện khó khăn, phải chờ đợi quá lâu hoặc phải đối phó với việc đòi quà của giới chức địa phương. Thậm chí Gyfford còn nhận ra rằng người Đàng Ngoài không cần sự xuất hiện của người Anh, và nếu muốn duy trì hoạt động, người Anh phải nộp lệ phí, lễ vật nhiều như người Hà Lan trước đây (British Library, IOR/G/12/17/1).
Theo thống kê từ ghi chép của thương điếm Anh, chúng tôi phân loại được 3 loại phí/ quà tặng người Anh phải thực hiện trong quá trình hoạt động tại Đàng Ngoài:
Phí ra mắt (entry-fee) được thực hiện năm 1672 khi người Anh lần đầu tiên đến Đàng Ngoài. Họ chính thức đã gửi quà tặng 11 lần trong năm 1672, riêng tháng 7 là 9 lần. Đối tượng nhận quà là chúa Trịnh, các hoàng tử, Trấn thủ Sơn Nam và Thăng Long, các quan giám thương. Ngoài ra, rất nhiều lần khác người Anh chủ động tặng hoặc bị vòi vĩnh tiền đồng, quà tặng (vải vóc, kính, dao) từ thư lại, người của nha môn cho việc kiểm kê, vận chuyển, trông coi hàng hóa, cũng như giúp việc đưa tin.
Hình ảnh về một buổi “thiết triều” của chính quyền chúa Trịnh. Nguồn: A. Lamb, The Mandarin road to Old Hue: Narratives of the Anglo-Vietnamese diplomacy from the 17th century to the Eve of the French conquest (London, 1971), p. 17.
Phí xin xây dựng thương điếm tại kinh thành (lobby-fee) được thực hiện trong suốt 10 năm (1672-1682) với vô vàn những khó khăn dành cho người Anh. Dưới chính sách của chúa Trịnh, ban đầu người Anh chỉ được phép ở và xây dựng thương điếm tại Phố Hiến (thuộc Hưng Yên). Nhưng đây chỉ là một thị trấn nhỏ, một trạm trung chuyển không phù hợp với buôn bán lớn, nên người Anh ngay từ đầu đã muốn chuyển lên kinh đô để mở rộng hoạt động và dễ dàng tiếp xúc với chính quyền Đàng Ngoài. Quá trình đó gặp khó khăn bởi chính sách hạn chế người nước ngoài trú tại kinh đô, cũng như những hạch sách của quan lại các cấp, và việc những món quà người Anh dâng tặng (vàng, bạc, lụa, đại bác) không làm hài lòng chúa Trịnh Tạc. Người Anh do đó đã phải uyển chuyển trong cách đối phó, tìm cách vận động quan lại tại kinh đô, nhờ đến sự giúp đỡ của các phi tần để có được sự phê chuẩn của triều đình. Tuy nhiên, mọi việc chỉ thuận lợi khi chúa Trịnh Căn lên ngôi và người Anh được cấp phép trú ngụ, xây dựng tại Thăng Long năm 1683.
Phí/ quà tặng hàng năm (annual gift) dành cho chúa Trịnh vào các dịp Tết Nguyên đán, Trung thu, sinh nhật chúa hoặc một số dịp lễ khác. Ngoài ra, người Anh còn phải tặng quà thường niên cho hoàng thân, một số quan lại liên quan trực tiếp đến hoạt động của người Anh. Tuy nhiên, hoạt động này cũng có những thay đổi tùy theo điều kiện kinh doanh của người Anh và việc tàu Anh cập bến như thế nào. Xu hướng chính là người Anh tiết giảm các món quà, tập trung vào một số đồ vật Chúa thích như súng, đồ xa xỉ phẩm,… (nhưng không phải tiền). Đổi lại, Chúa tặng người Anh lụa, tiền đồng như hình thức trao đổi cho các hàng hóa Chúa đã lấy từ người Anh. Tuy vậy, việc tặng lụa cũng chấm dứt vào năm 1677 và người Anh sau đó ngày càng nhận được ít quà hơn từ chính quyền Đàng Ngoài.
Mặc dù phải nộp phí, tặng quà thường niên nhưng không đồng nghĩa với việc người Anh gặp thuận lợi trong hoạt động tại Đàng Ngoài. Những ghi chép của EIC chỉ ra rằng chúa Trịnh chỉ một lần duy nhất gửi thư cho người Anh bày tỏ mong muốn thông thương và yêu cầu một số sản phẩm, nhưng không đề cập đến vấn đề ngoại giao hay quan hệ hữu hảo. Những báo cáo về việc quan lại mua hàng không trả tiền, trả với tỉ giá thấp, hạch sách trong mua bán diễn ra hàng năm. Ngay cả trấn thủ Sơn Nam và Phố Hiến, Nguyễn Đình Kiên, một người ủng hộ người Anh nhiều năm cũng gây khó dễ năm 1694 khi cho đốt lá cờ Anh vì cho rằng biểu tượng chữ thập trên lá cờ liên quan đến Thiên chúa giáo, điều cấm kị tại Đàng Ngoài. Chính vì thế, sau khi cân nhắc phí tổn trong duy trì hoạt động, cộng với nguồn lợi đem lại quá ít, người Anh đã cân nhắc rời bỏ Đàng Ngoài vĩnh viễn vào năm 1697.
Hình ảnh phần đầu bức thư của chúa Nguyễn Phúc Chu gửi người Anh năm 1696 được lưu trữ tại British Library. Nguồn: IOR/G/40/18, Translate of the King of Cochin-China Letter sent to English Governor of the city of Madras in India, 2 April 1696, p. 21.
Chính quyền Đàng Trong: Chào đón, khuyến khích người Anh buôn bán
Về phía chúa Nguyễn, sự chào đón, cởi mở thể hiện ngay từ năm 1617 khi Chúa cho phép người Anh buôn bán tại Đàng Trong trong bất cứ thời điểm nào và hứa sẽ đảm bảo đầy đủ những điều kiện tốt nhất cho hoạt động thương mại. Chính những thương nhân Anh như William Adams, Edmund Sayers và William Nealson đã viết báo cáo đề nghị tiếp tục quay lại Đàng Trong bởi sự ưu ái rất lớn từ chính quyền. Rất tiếc, chuyến đi tiếp theo của người Anh từ Nhật Bản đến Đàng Trong (1618) đã thất bại do bão và người Anh tại Nhật gặp khó khăn nên không thể tiếp tục hoạt động thương mại với Đàng Trong (William Adams, Log-book).
Gần một thế kỷ sau, năm 1695 đại diện Anh từ Ấn Độ cũng nhận được những chào đón nồng ấm từ chúa Nguyễn. Bên cạnh những món quà đáp lễ ban đầu, sự chào đón đó được thể hiện qua mấy điểm chính sau: 1) quan lại Đàng Trong hết sức giúp đỡ người Anh dâng thư và yêu cầu buôn bán lên Minh Vương và không hề yêu cầu tiền lệ phí như quan lại Đàng Ngoài, 2) người Anh được tạo điều kiện thuận lợi khảo sát các tuyến đường giao thông và địa điểm chiến lược để xây dựng thương điếm, cụ thể là Hội An và kinh đô ở Thuận Hóa, 3) chúa Minh Nguyễn Phúc Chu gửi thư phúc đáp Thống đốc Anh tại Madras tỏ lòng hòa hiếu và đề nghị xây dựng quan hệ ngoại giao và thương mại. Đồng thời, Chúa cũng gửi một số mẫu sản phẩm để người Anh biết về tiềm năng thương mại của Đàng Trong. Điều này vô cùng đặc biệt trong so sánh với chúa Trịnh, người chưa một lần viết thư tỏ ý muốn thiết lập quan hệ với người Anh cũng như giới thiệu các sản phẩm bản địa nhằm thúc đẩy hoạt động thông thương (IOR/G/40/18).
Chính quyền Đàng Trong còn có chính sách ngoại giao mềm mỏng với người Anh khi họ tự ý xây dựng khu đồn trú và thương điếm tại Côn Đảo năm 1702. Biết được điều đó, chúa Nguyễn Phúc Chu đã gửi thư cho người đại diện công ty Đông Ấn Anh tại Côn Đảo, một mặt thể hiện sự không hài lòng vì việc người Anh trú tại Côn Đảo mà không xin phép, mặt khác đề nghị quan hệ hữu hảo, cho phép người Anh buôn bán nếu chấp thuận những yêu cầu cơ bản của chúa Nguyễn và giúp chúa chống lại cướp biển.
Tuy nhiên, bên cạnh thái độ chào đón thân thiện và mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao, chúa Nguyễn còn thể hiện rõ sự kiên quyết trong việc hạn chế tham vọng của người Anh về quyền “lãnh sự tài phán” hay ý đồ xây dựng khu đồn trú với quân đội riêng nhằm xây dựng “tiểu thuộc địa” trên lãnh thổ Đàng Trong. Tháng 12/1695, Thomas Bowyear, người đứng đầu phái bộ ngoại giao Anh tại Đàng Trong đề xuất với chúa Nguyễn việc xây dựng thương điếm và việc người Anh được phép áp dụng luật lệ riêng, có chính sách riêng đối với lao động, người bản địa, bao gồm cả quan lại địa phương không được phép vào khu vực thương điếm khi không có sự đồng ý của người Anh. Tuy nhiên, những yêu cầu trên “vi phạm” nghiêm trọng quyền lực của chúa Nguyễn cũng như đe dọa về chủ quyền, an ninh quốc gia. Do đó, trong các cuộc tiếp xúc ngày 10/1, 27/1, 24/2, 24/3/1696, chúa Nguyễn tránh không nhắc đến những yêu cầu trên mà chỉ đề cập việc người Anh được phép buôn bán, tìm hiểu xây dựng thương điếm ở Đàng Trong (IOR/G/40/18). Tiêu biểu hơn, năm 1703, khi biết tin công ty Đông Ấn xây dựng khu đồn trú ở Côn Đảo, chúa Nguyễn đã gửi thư cảnh cáo và yêu cầu người Anh cử đại diện đến diện kiến triều đình. Khi người Anh phớt lờ yêu cầu trên, năm 1705, nhân cuộc nổi dậy của nô lệ tại khu đồn trú người Anh, chúa Nguyễn đã cử quân tấn công Côn Đảo tiêu diệt toàn bộ khu đồn trú này (Davis, The EIC in Pulo-Condore).
Tầm nhìn khác biệt
Như vậy, xét trong gần một thế kỷ, chính sách của Đàng Trong với người Anh hầu như không đổi, vẫn luôn là sự chào đón, thân thiện để hướng đến mục tiêu thiết lập quan hệ ngoại giao và mở rộng buôn bán. Điều đó hoàn toàn khác với chính sách hạn chế, kiềm tỏa của chúa Trịnh trong khoảng 25 năm tồn tại của thương điếm Anh ở Đàng Ngoài. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự khác biệt trên? Xét trong bối cảnh chiến tranh Trịnh– Nguyễn đã kết thúc năm 1672, chính sách của mỗi vương quốc đối với người Anh phụ thuộc vào tầm nhìn và mục tiêu riêng.
Đối với Đàng Ngoài, trong giai đoạn chiến tranh, họ đã tìm cách tận dụng vai trò của người Hà Lan trong việc cung cấp vũ khí, trở thành đồng minh quân sự nhằm chống lại Đàng Trong. Tuy nhiên, chiến tranh kết thúc cũng đồng nghĩa với suy giảm nhu cầu đồng minh, hỗ trợ bên ngoài, dẫn đến chính sách với người phương Tây có những khắt khe hơn. Người Anh đến Đàng Ngoài đúng thời điểm nhạy cảm trên nên không có được bất cứ thuận lợi nào về mặt chính sách. Sâu xa hơn, Đàng Ngoài vẫn đi theo con đường phát triển kinh tế nông nghiệp, sự thay đổi về kinh tế công thương nghiệp chỉ nở rộ trong một giai đoạn để thay thế hàng Trung Quốc. Đến khi những tác động trên không còn, dễ hiểu rằng Đàng Ngoài vẫn mang những cách nhìn cũ để áp đặt lên chính sách ngoại giao và do đó gây khó khăn cho người Anh.
Ngược lại, Đàng Trong luôn trong tâm thế chuẩn bị đối phó với nguy cơ đe dọa từ Đàng Ngoài nên không ngừng vận động, tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài. Sau chiến tranh Trịnh – Nguyễn vẫn còn đó những nguy cơ xung đột với Champa, Campuchia và Xiêm ở phía Nam cùng với áp lực áp chế các lực lượng Minh Hương, cướp biển buộc chúa Nguyễn phải tìm cách củng cố lực lượng hơn nữa. Quan trọng hơn, với tâm thế của một quốc gia mới thành lập, đứng trước nhiều áp lực cả trong và ngoài đã dẫn đến những chính sách cởi mở, chào đón những luồng gió mới từ phương Tây để phát triển hơn nữa cả kinh tế, quân sự của nhà Nguyễn. Tuy vậy, thiết lập và phát triển quan hệ với bên ngoài nhưng Đàng Trong chưa bao giờ quên đi nhiêm vụ bảo vệ chủ quyền, độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ. Đó chính là cơ sở tiên quyết dẫn đến sự hình thành chính sách vừa thân thiện, vừa kiên quyết đối với người Anh trong thế kỷ XVII. Chính vì thế, sự khác biệt trong chính sách đối ngoại của Đàng Trong và Đàng Ngoài với người Anh đã để lại cho chúng ta những bài học hữu ích, những ví dụ cụ thể về việc mềm mỏng, khéo léo tiếp cận với thế giới bên ngoài nhằm học tập, phát triển nhưng cũng không quên bảo vệ chủ quyền dân tộc. Ngược lại, việc đóng cửa, hạn chế sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài cũng dẫn đến những hậu quả khôn lường, mà trước mắt chính là sự tụt hậu của quốc gia trước đà phát triển chung của thế giới.
Hình: Phong thư chúa Trịnh gửi EIC về việc đề nghị mua một số sản phẩm. Nguồn: British Library, MS 3460: Letter from the Trinh Lord to the English East India Company. Do sự thất lạc của tư liệu mà những dữ kiện còn sót lại hiện chỉ có thể chỉ ra rằng bức thư được viết vào khoảng giữa tháng 11, dưới thời chúa Trịnh Tạc, (và được ước chừng khoảng năm 1673).
————
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét