Thứ Tư, 2 tháng 1, 2019

8184 - Vì sao đảng không chịu công bố kết quả phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị?


   Bộ Chính trị đảng ai còn ai mất?

Một giả thiết kinh khủng hơn nhiều nhưng không phải là không thể: liệu đã bắt đầu  hiện ra một lực lượng ‘chống Trọng’ ngay trong nội bộ cao cấp của đảng cầm quyền?

Hội nghị trung ương 9 diễn ra vào tháng 12 năm 2018 đã lịm trôi cho đến nay với dấu ấn duy nhất là cách chức Tất Thành Cang - kẻ ‘ăn đất’ bẩn thỉu mà đã bị người dân coi là ‘chuột cống’, nhưng lại chẳng có bất kỳ một dấu hiệu nào sẽ công bố kết quả ‘phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị và Ban Bí thư’.

Trong bầu không khí cuối năm 2018 với nền kinh tế bải hoải rũ rượi, sức mua giảm hẳn và rất nhiều người lao động còn đang phải lo lắng cho một cái tết có nguy cơ nguội ngắt vì nghèo túng, phân đông dân chúng chẳng hề quan tâm đến ‘giới tinh hoa’ trong cái chốn chính trị phù du và nhộn nhạo đấu đá trong khi chẳng giúp dân được gì, nếu không muốn nói là ngược lại.

Chỉ có một số cựu thần trong đảng đã lên tiếng yêu cầu cần công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Trước khi Hội nghị trung ương 9 diễn ra, khẩu khí của Nguyễn Phú Trọng cho thấy dường như ông ta tự tin và nghiêng về khả năng sẽ cho công khai kết quả này. Hơn nữa từ đầu năm 2018 đến nay, ‘công khai’ có vẻ là một phương châm cũng như một thủ thuật chính trị được ông Trọng ưa chuộng sử dụng nhiều hơn.  

Đã có nhiều dự đoán của giới thạo tin chính trị cho rằng kết quả trên sẽ không gây ngạc nhiên khi ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng sẽ về đầu, trong khi những ‘con ngựa’ về đích tiếp theo sẽ không ngoài những nhân vật như Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng, Nguyễn Xuân Phúc… Sau khi cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đã trôi qua, phản ánh của một ít nguồn tin trên mạng xã hội dường như đã xác nhận thứ tự về đích này.

Tuy nhiên, lại chẳng có bất kỳ thông tin nào về kết quả cụ thể bao nhiêu phiếu tín nhiệm dành cho từng chóp bu. Hiện tượng trống vắng thông tin này là khác hẳn với một bật mí từ trong nội bộ về việc có đến 36% ủy viên trung ương bỏ phiếu không đồng ý cách chức quan chức Tất Thành Cang tại Hội nghị trung ương 9.

Trong khi vẫn mất biệt những con số cụ thể về kết quả phiếu tín nhiệm, hiện tượng ‘36%’ trên đã khiến một số dư luận không thể không nghi ngờ về khả năng Nguyễn Phú Trọng - cho dù có cán đích đầu tiên chăng nữa - nhưng có thể đã phải nhận một tỷ lệ phiếu thuận không mấy vẻ vang gì, thậm chí kết quả phiếu tín nhiệm của ông ta còn có thể giảm sút trầm trọng so với kết quả ’99,79%’ mà ông ta nhận được tại Quốc hội vào tháng 10 năm 2018 khi sắp đặt để ngồi ngay vào cái ghế của kẻ vừa ‘không may qua đời’ là Trần Đại Quang.

Mà nếu không đạt được số phiếu tín nhiệm đủ cao để đủ thuyết phục quần thần, Nguyễn Phú Trọng đã không thể ‘rửa mặt’ trọn vẹn cho scandal Hội nghị trung ương 10.  

Theo rất nhiều nguồn tin không chính thức và cả báo chí quốc tế mà cho tới nay vẫn không bị phản ứng hay cải chính nào của bất kỳ cơ quan có trách nhiệm nào của đảng hay chính phủ Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng đã trở thành kẻ vượt mặt Nguyễn Phú Trọng trong cuộc đua ‘thăm dò uy tín tổng bí thư cho đại hội 12’ diễn ra tại Hội nghị trung ương 10 vào đầu năm 2015, với kết quả Dũng xếp đầu bảng trong khi Trọng chỉ lót chót thứ 8.

Nhu cầu hồi phục nỗi đau còn lớn hơn cả thành tích dễ như thò tay vào túi. 

Có thể hình dung ra một ẩn ý của Nguyễn Phú Trọng khi ông ta muốn tổ chức Hội nghị trung ương 9 chỉ hai tháng sau Hội nghị trung ương 8: sau khi được ‘nhất thể hóa’ một cách thần tốc để ngồi luôn vào cái ghế của kẻ mới chết là Trần Đại Quang, ông Trọng muốn tái hiện thành tích ‘100% nhất trí’ mà các đại biểu của đại hội 12 đã dành cho ông ta - ứng cử viên duy nhất cho chức tổng bí thư - tại đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, sau khi một ứng cử viên thuộc vị thế ‘có tôi không có anh’ là Nguyễn Tấn Dũng đã không thể ngờ được là phải ‘trở về làm người tử tế’.   

Nhưng nếu quả thực đã không xảy ra cái ‘100% nhất trí’ cho Nguyễn Phú Trọng đứng đầu bảng thăm dò tín nhiệm tại Hội nghị trung ương 9, đó chính là một thất bại mất ngủ của ông Trọng. Và khi đó, hẳn ông ta phải đau đầu nghĩ ngợi về liệu có một mối liên hệ bền chắc giữa sự biến mất của một số đông phiếu tín nhiệm mà lẽ ra phải dành cho ông ta, với cái tỷ lệ 36% của Ban chấp hành trung ương, tức vào khoảng hơn 70 mạng - không đồng ý cách chức tên tham nhũng và ăn tạp Tất Thành Cang?

Và một giả thiết kinh khủng hơn nhiều nhưng không phải là không thể: liệu đã bắt đầu  hiện ra một lực lượng ‘chống Trọng’ ngay trong nội bộ cao cấp của đảng cầm quyền?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét