Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

11158 - Làm ăn đức độ như gia đình chú Hỏa

Nói đến nghiệp kinh doanh xưa và nay, chú Hỏa - Hui Bon Hoa (1845-1901) luôn là doanh nhân được người Sài Gòn mọi thế hệ nhắc đến trước tiên. Mọi người nhớ đến chú Hỏa như nhớ đến một doanh nhân giỏi giang và đức độ - mà trong đó, trật tự gia đình và xã hội của gia đình chú Hỏa là nền tảng để làm nên mọi thứ.

image2-1-jpeg.jpg

Về gia sản của chú Hỏa - một người Hoa gốc Phúc Kiến trôi dạt đến Sài Gòn làm ăn và nhận Sài Gòn làm quê hương thứ hai - thì không phải bàn. Người Sài Gòn xưa có câu truyền miệng “Đi tàu chú Hỷ, ở nhà chú Hỏa”. Chú Hỷ - “vua tàu thuyền”. Chú Hỏa - “vua nhà đất”. Hơn 30.000 căn nhà phố của gia đình chú Hoả khắp Sài Gòn cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX đã góp phần quan trọng làm nên một diện mạo “Sài Gòn - Hòn ngọc Viễn Đông” là nền tảng cho việc phát triển đô thị sau này. 
Chú Hỏa có ba người con trai: Huỳnh Trọng Huấn (1876-1934), Huỳnh Trọng Tán (1877-1934) và Huỳnh Trọng Bình (1892-1951). Trừ người con út Huỳnh Trọng Bình được sinh ra tại Sài Gòn, hai người anh Huấn - Tán được sinh ra tại Phúc Kiến (Trung Quốc) và họ theo cha đến Sài Gòn lập nghiệp. Chú Hỏa là người làm ăn chân thành, cẩn trọng và luôn hướng về cộng đồng. Noi gương cha, hai người con trai lớn của chú cũng thế. Gia đình Hui Bon Hoa phất lên nhanh chóng vì họ luôn biết đoàn kết vì lợi ích chung và có tầm nhìn. Phần lớn những dãy phố mang tên gia đình Hui Bon Hoa khắp Sài Gòn thuở ấy được xây trên những vùng đất đầm lầy hoang hóa, được chú Hỏa và các con mua lại với giá rất rẻ. Bởi chính họ đã nhìn ra được “quy hoạch Sài Gòn tương lai” nên mới có những ý tưởng “đắc địa” như vậy.
Năm 1925, Tổng công ty Bất động sản Hui Bon Hoa được thành lập để quản lý gần 30.000 căn nhà phố khắp Sài Gòn- Chợ Lớn và đặt trụ sở tại tòa nhà chính giữa mang tên “Huỳnh Vinh Viễn Đường” trong ba tòa nhà xây dựng năm 1920. Đáng kể có khách sạn Majestic xây dựng năm 1925, gồm ba tầng với 44 phòng, trang bị máy điều hòa không khí đầu tiên ở Đông Dương. Và những dãy nhà phố nằm dọc theo mặt tiền các con đường trung tâm quận 1; mà nay là các đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Hàm Nghi... 
image1-2-jpeg-6559-1561535957.jpg
“Làm giàu phải biết nghĩ đến cộng đồng thì mới giữ được tiền của”- một người cháu đời thứ ba của chú Hỏa đang sống ở Pháp đã truyền đạt tinh thần làm giàu của gia đình Hui Bon Hoa như thế. Nối tiếp con đường làm ăn chuyên cần, đức độ của cha ông, thế hệ con cháu dòng họ Hui Bon Hoa đã làm được nhiều việc vì cộng đồng. Họ tổ chức nuôi cơm những người vô gia cư và xây dựng nhiều công trình công cộng. Đó là Phước Thiện Y Viện năm 1909 (nay là Bệnh viện Nguyễn Trãi), Chẩn Y Viện năm 1937 (nay là Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn), Bệnh viện Maternité Indochinoise năm 1937 (Bảo sanh viện Đông Dương, nay là Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ)... Ngôi biệt thự hoành tráng của gia đình Hui Bon Hoa xây dựng năm 1925, đang tọa lạc trên đường Phó Đức Chính (quận 1), hiện là Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM.
Sau khi cha và hai anh mất đi, người con trai út Huỳnh Trọng Bình đã gánh vác gia sản khổng lồ của gia đình Hui Bon Hoa một cách xứng đáng. Ông Bình đã sáp nhập Công ty Hui Bon Hoa của cha mình với Louis Ogliatro (một người Pháp ở đảo Corse) mang tên Công ty liên doanh Ogliastro - Hui Bon Hoa quản lý các tiệm cầm đồ ở Sài Gòn. Lĩnh vực chính của công ty liên doanh này là kinh doanh cầm đồ và bất động sản. 
Sau năm 1975, toàn bộ gia tộc Hui Bon Hoa đã chuyển sang Pháp và Mỹ sinh sống. Gia sản họ để lại cho Sài Gòn - TP.HCM rất nhiều. Ghi nhớ công ơn của chú Hỏa và gia đình, nhiều công trình bệnh viện gia đình hiện nay vẫn hoạt động tốt và hiệu quả, nhiều dãy phố xưa của gia đình vẫn còn giữ nguyên diện mạo để nhớ về một thời “Sài Gòn khởi nghiệp”.
Tất cả khởi đầu tốt đẹp nhờ chú Hỏa và các con đã dày công xây dựng một gia đình nề nếp, có trước có sau: “Đến nay (1960) các con cháu luôn luôn hòa thuận, gia tài giữ nguyên vẹn, không chia phần manh mún, chỉ cùng nhau chia lợi tức, và mỗi khi cần dùng một số tiền to tát thì người trong họ phải xin chữ ký của người trưởng huynh, khi ấy ngân hàng mới phát bạc” (Sài Gòn năm xưa - Học giả Vương Hồng Sển). Riêng với cá nhân chú Hỏa thì: “Tuy làm giàu cho mình đã đành, nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam” (Sài Gòn năm xưa - Học giả Vương Hồng Sển).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét