Thứ Ba, 23 tháng 7, 2019

12226 - Tiến sĩ Sophal Ear: Hệ quả ‘nghiêm trọng’ của Mật ước TQ-Campuchia: Tiến sĩ Sophal Ear


Tiến sĩ Sophal Ear, Phó Giáo sư Occidental College, đọc tham luận tại Hội Heritage, Washington DC. Ảnh chụp ngày 13/9/2018. (Sreng Leakhena/VOA Khmer)


Báo Wall St. Journal (WSJ) đưa tin Phom Penh đã ký một thỏa thuận mật cho phép Trung Quốc độc quyền sử dụng một phần của căn cứ hải quân của Campuchia gần Sihanoukville, trong bối cảnh Trung Quốc đang vươn ra toàn cầu, và tận dụng sức mạnh kinh tế cũng như quân sự tích lũy bấy lâu để cố tìm cách thay đổi trật tự toàn cầu, đẩy Hoa Kỳ ra khỏi vị trí cường quốc số 1 hiện nay. VOA-Việt ngữ phỏng vấn Giáo sư Tiến sĩ Sophal Ear, một nhà khoa học chính trị của Đại học Occidental, một chuyên gia về kinh tế chính trị, ngoại giao, và các vấn đề quốc tế.
WSJ hôm 21/7 tường thuật rằng theo thỏa thuận mật được ký kết vào mùa xuân năm nay và được cả hai nước giữ kín, Trung Quốc được độc quyền sử dụng một phần căn cứ hải quân Ream của Campuchia trên Vịnh Thái Lan, không xa một sân bay lớn đang được một công ty Trung Quốc xây dựng.
Thủ Tướng Campuchia Hun Sen hôm 22/7 cực lực bác bỏ tin này.
“Đây là tin tức bịa đặt tồi tệ nhất đối với Campuchia từ trước đến nay. Không thể có chuyện đó vì việc đặt các căn cứ quân sự nước ngoài trái với hiến pháp Campuchia.”
Ông Hun Sen chất vấn lại:
“Tại sao Campuchia lại cần sự hiện diện của quân đội Trung Quốc trên lãnh thổ của mình chứ?”
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Campuchia cũng bác bỏ thông tin này, nói rằng đây là tin thất thiệt.
Ông Chum Socheat:
“Chúng tôi đã nói đi nói lại nhiều lần, chúng tôi không hề phê chuẩn bất cứ căn cứ nào cho quân đội Trung Quốc hoạt động trên đất của Campuchia.”
Vậy tin này là tin có thật hay tin bịa đặt?
Một nhà khoa học chính trị chuyên về Campuchia và các vấn đề quốc tế, Phó Giáo sư Sophal Ear, trả lời VOA-Việt ngữ qua email.
“Tôi không tin là tình báo Mỹ loan truyền tin bịa đặt. Thông tin tình báo do Mỹ thu thập được qua trung gian các nhân viên tình báo cũng như các tín hiệu điện tử và những liên lạc giữa hai bên đã cung cấp một bản sao của dự thảo mật ước. Tất nhiên, tôi không có bản sao ấy trong tay. Nhưng nội sự việc Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia không kiện tờ Wall St. Journal cho thấy là không có cơ sở để kiện tờ báo này.”
Một số chi tiết của thỏa thuận cuối cùng không được xác định rõ rệt, nhưng theo dự thảo mật ước mà Mỹ có trong tay, thì Trung Quốc được sử dụng căn cứ Ream trong 30 năm, và sau đó mỗi 10 năm, thỏa thuận sẽ được tự động gia hạn. Trong thời gian này, Trung Quốc có toàn quyền đưa binh sĩ, trữ vũ khí và điều tàu chiến ra vào cảng này.
Trả lời câu hỏi của VOA-Việt ngữ, về những ảnh hưởng hay hệ quả có thể có đối với Đông Nam Á của mật ước Campuchia-Trung Quốc, nếu mật ước này được thi hành? Phó Giáo sư Sophal Ear nhận định:
“Những hệ quả của một mật ước như chúng ta vừa nói, tôi cho là rất nghiêm trọng. Campuchia thỏa thuận cho Trung Quốc duy trì khí tài trên đất Campuchia là một biến chuyển lớn. Đây sẽ là căn cứ đầu tiên của Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á.”
Các hoạt động quân sự từ căn cứ hải quân này, phối hợp với sân bay đang được một công ty Trung Quốc xây dựng gần căn cứ Ream, sẽ tăng cường khả năng của Bắc Kinh để thực thi các yêu sách lãnh thổ và lợi ích kinh tế ở Biển Đông, trực tiếp đe dọa các đồng minh của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, đồng thời mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Bắc Kinh tới eo biển Malacca có tầm quan trọng chiến lược.
WSJ tường thuật rằng theo dự thảo mật ước, nhân viên quân sự Trung Quốc không những có quyền mang vũ khí mà còn được mang sổ hộ chiếu Campuchia, và đáng quan tâm hơn nữa, muốn vào khu vực độc quyền của Trung Quốc tại căn cứ Ream, người Campuchia sẽ phải xin phép người Trung Quốc. Liệu điều đó có nghĩa là Trung Quốc đã nhường lại “chủ quyền” của mình tại khu vực liên hệ trong thời gian thỏa thuận kín có hiệu lực?
Giáo sư Sophal Ear không dấu được lo ngại:
“Nếu xảy ra thì đây sẽ là một bước nhượng bộ không thể được chấp nhận đối với bất cứ quốc gia nào. Các bạn có thể tưởng tượng người Mỹ được phép xài hộ chiếu Nhật trên đảo Okinawa không? Không! Chủ quyền sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu sổ hộ chiếu Campuchia được phân phát bừa bãi kiểu ấy. Campuchia sẽ là một nước thuộc địa của Trung Quốc. Và quả vậy: thỏa thuận có hiệu lực 30 năm, rồi sau đó cứ tự động gia hạn sau mỗi 10 năm, thì thử hỏi có gì khác với một hiệp ước vĩnh viễn?”
Liệu Việt Nam và Đài Loan có nên lo ngại? Việt Nam là một trong những nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, còn Đài Loan là đảo quốc mà Bắc Kinh coi là một tỉnh lỵ ly khai của Trung Quốc mà một ngày nào đó, sẽ trở về với mẫu quốc -dù muốn hay không?
Giáo sư Sophal Ear:
“Việt Nam và Đài Loan nên lo lắng là đúng, bởi vi với những bước hành động mới nhất, Trung Quốc rõ ràng đã vươn ra và phóng sức mạnh quân sự của mình sâu vào lãnh thổ Campuchia, sát với Việt Nam, và đồng thời Bắc Kinh không bao giờ từ bỏ ý định thâu tóm Đài Loan, kể cả bằng vũ lực. Mà không những chỉ có Việt Nam và Đài Loan phải lo, mà tất cả các nước khác cũng nên lo ngại, kể cả và nhất là người Campuchia.”
Theo WSJ, các quan chức Mỹ đang tìm cách thuyết phục Phom Penh thay đổi ý định. Ngoài ra, Washington còn bày tỏ lo ngại về ý đồ của Trung Quốc ở Campuchia, Mỹ không dấu thái độ hoài nghi đối với một công trình nhiểu tỉ đô của tập đoàn UDG của Trung Quốc, để phát triển điều mà họ gọi là một “dự án du lịch”, đầy đủ với môt phi đạo dài và một cảng nước sâu ở tỉnh Koh Kong, phía Tây Preah Sihanouk.
Sân bay quốc tế Dara Sakor dự kiến sẽ mở cửa hoạt động vào năm 2020. Sân bay vừa xây phi đạo dài nhất Campuchia, tới 3,2 km, có thể được sử dụng vào các mục đích quân sự.
Washington lo ngại tới mức Phó Tổng thống Mike Pence phải viết thư cho Thủ Tướng Campuchia Hun Sen vào tháng 11 năm ngoái, bày tỏ quan ngại về dự án này và khả năng Trung Quốc có thể thiết lập một căn cứ quân sự ở Campuchia.
Vừa rồi là nội dung chính trong cuộc trao đổi giữa Phó Giáo sư Sophal Ear và VOA-Việt ngữ. Phó Giáo sư Sophal Ear là một nhà khoa học chính trị, một chuyên gia về kinh tế chính trị, ngoại giao, và các vấn đề quốc tế. Là một người gốc Campuchia, ông đã từng theo mẹ chạy sang Việt Nam tị nạn, rồi sau đó sang Pháp, và cuối cùng định cư tại Hoa Kỳ từ năm lên 10. Ông lấy bằng thạc sĩ ở Đại học Princeton, Tiến sĩ tại Đại học California, Berkeley, và là tác giả của nhiều sách nghiên cứu có giá trị trong đó có “The Hungry Dragon”, “Rồng đói” bàn về cách mà Trung Quốc tìm cách thay đổi trật tự quốc tế, để đẩy Hoa Kỳ ra khỏi vị thế cường quốc số 1 thế giới.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét