Sau khi phà Vàm Cống ngưng hoạt động, người dân, công nhân, tiểu thương An Giang qua Đồng Tháp và ngược lại muốn vượt sông Hậu phải chọn đi qua cầu Vàm Cống rất xa.
Trung tuần tháng 7, nhóm phóng viên truyền hình của trang Việt Nam Thời Báo (VNTB) đã trở về An Giang, thực hiện ký sự hành trình miền Tây. Mặc dù đã biết trước thông tin là phà Vàm Cống đã đóng cửa hôm 30-6, thay vào đó là một chiếc cầu mới cùng tên, tuy nhiên, cũng không khỏi bùi ngùi trước hoang cảnh với những quầy sạp của người dân bến phà hồi nào vẫn nấn ná chờ đợi…
Nhớ lúc trước, mỗi khi có dịp về miệt Châu Đốc hay đi Rạch Giá, kẹt xe ở phà Vàm Cống có thể nói như một “đặc sản”. Những chiếc xe tải chở hàng, những chiếc xe du lịch hành hương 50 chỗ ngồi, rồi xe ‘con’ 4 bánh, xe gắn máy, xếp một hàng dài. Buôn bán khu vực phà cũng tấp nập theo từng chiếc xe.
“Mấy mùa vía, lễ đồ đó, vui lắm. Chèn ơi, giờ buồn, vắng thấy ghê…”, bà Mỹ Dung, một người dân có sạp buôn bán lâu năm ở khu vực Vàm Cống mộc mạc kể.
“Phà Vàm Cống đóng cửa. Giờ chỉ có lác đác mấy xe gắn máy hoặc thỉnh thoảng có vài chiếc xe du lịch nhớ phà mới ghé lại đây. Buồn dữ lắm chứ!”, bà Bé, cư dân địa phương chia sẻ.
Ghi nhận của nhóm phóng viên VNTB, hiện nhu cầu của người dân, công nhân ở các cơ sở sản xuất hai bên bờ An Giang và Đồng Tháp, cũng như tiểu thương khu vực Mỹ Thới, Mỹ Thạnh của thành phố Long Xuyên, và thị trấn Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp qua lại hai bờ sông Hậu khá lớn.
Một viên chức của Cảng Mỹ Thới cho biết phía tỉnh An Giang đã có công văn gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đưa ra đề xuất giao tài sản của bến phà Vàm Cống cho tỉnh An Giang quản lý vận hành, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong vùng.
“Có thể quy mô bến phà sắp tới sẽ nhỏ hơn và đấu thầu quyền khai thác để phục vụ người dân hai bên bờ Long Xuyên – Lấp Vò”. Bà Huỳnh Thu Hiền, Cảng Mỹ Thới cho biết có nguồn tin như vậy.
Nguồn tin khác cho biết, nếu phía Bộ Giao thông Vận tải đồng ý, thì Công ty TNHH MTV Phà An Giang sẽ điều chuyển các phà tải trọng nhỏ để duy trì hoạt động ngay tại bến phà Vàm Cống lâu nay. Ngân sách của tỉnh đủ sức đáp ứng việc phục vụ này. Tuy nhiên tính đến hạ tuần tháng 7-2019, vẫn chưa thấy bất kỳ động tĩnh nào từ Bộ Giao thông Vận tải, mặc dù vị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể là dân xứ Đồng Tháp.
Việc đóng cửa phà Vàm Cống không chỉ gây ảnh hưởng đến việc đi lại cho nhiều người dân khu vực Đồng Tháp - An Giang, mà còn gây tiếc nuối cho nhiều khách du lịch khác.
Phà Vàm Cống chuyến cuối. |
“Có lúc kẹt phà, chờ, đôi khi cũng khó chịu thật. Nhưng mà lên phà rồi, đứng trên đó, phà chạy, gió thổi, mát. Rồi được ngắm xung quanh, ngắm con nước nữa. Từ hồi con nít, tui được đi phà Vàm Cống này rồi, được ba chở, rồi lớn hơn là đi bằng xe đò. Sau này đi bằng xe máy từ Sài Gòn xuống luôn.
Tuy tui không nhiều kỷ niệm bằng dân địa phương nhưng nói nào ngay, cũng có kỷ niệm chứ bộ. Mà kể cũng lạ, cái gì liên quan đến kỷ niệm là Nhà nước này lại ưng đập hay xóa bỏ. Từ cây cầu Đúc ở Tân An, Long An, tới cây cầu Phú Long của Bình Dương, cho đến phà Vàm Cống, bắc Mỹ Thuận. Hay là do mấy ổng không phải là những người ở đây nên chẳng có cái gì gọi là cảm xúc, thích làm gì là làm?”, ông Hai, một người dân tự giới thiệu là ‘người Sài Gòn từng xuôi ngược phà Vàm Cống’ qua những chuyến thương buôn, chia sẻ trong hoài niệm.
Nói như lời của bà Mỹ Dung - người tiểu thương vẫn còn nấn ná ở đầu bờ Long Xuyên của bến phà Vàm Cống, thì đường cầu xa hơn đường phà đến mười mấy cây số, gây bất tiện cho nhiều người dân.
“Có xe lớn thì nó đi cầu được. Còn mấy người công nhân bên đây qua lại đi làm đó, họ phải đi bọc vòng cây cầu đánh xa mười mấy cây số… Đồng ý đi cầu thì đi thẳng luôn, khỏi chờ phà, khỏi lâm cảnh kẹt phà, kẹt bắc. Nhưng nghĩ coi, giờ dân Long Xuyên và dân Lấp Vò muốn qua lại hai bờ sông Hậu, phải mượn đường bên Thốt Nốt, Cần Thơ để lên cầu Vàm Cống. Xa lắm. Mai này trạm thu phí T2 mà cho thu lại, tiền phí cũng bộn!”. Bà Mỹ Dung nói.
Một tài xế xe tải 15 tấn chở thức ăn thủy sản từ Vĩnh Long đi Long Xuyên cho biết, nếu xe đi cầu đến bến phà khoảng 11 cây số, chừng 20 phút, tốn 30.000 đồng tiền dầu và 140.000 đồng vé qua trạm BOT T2. Trong khi đó thì đi phà chỉ tốn tiền vé 120.000 đồng, thời gian cũng tương đương, nếu như trạm T2 không bị kẹt. Đây chính là lý do sau khi cầu bắc qua sông Hậu thông xe, tính đến 30-6-2019, phà Vàm Cống vẫn hoạt động với 2 - 3 chiếc, mỗi ngày chở khoảng 250 ô tô và nhiều xe máy.
Một điều gây ngạc nhiên cho nhóm phóng viên truyền hình VNTB chúng tôi, đó là việc ngăn chặn chụp hình, quay phim nơi đây lại đến từ các nhân viên đang trực cầu phà bên bến thuộc tỉnh Long Xuyên.
Việc đóng cửa phà Vàm Cống, vô hình trung, Nhà nước đã ‘đập chén cơm’ của không ít người, trong đó có cả những nhân viên cầu phà. Thế nhưng, khi thấy ai đó quay phim hoặc chụp hình những hình ảnh về phà Vàm Cống ở lúc này, lập tức họ chạy ra ngăn cản, đe dọa. Trong khi đó thì người dân thì ‘mở lòng’ tạo mọi điều kiện cho nhóm phóng viên tác nghiệp với mong mỏi báo chí lên tiếng để sớm khôi phục lại bến phà.
Phải chăng rồi đây, những hình ảnh buôn gánh bán bưng bến bắc và ngay trên phà Vàm Cống sẽ chỉ còn trong hoài niệm của nhạc, của thơ? Những người khuyết tật hay những người già ở bắc Vàm Cống giờ kế sinh nhai sẽ sao đây? Chạnh lòng và cảm thấy thật bất nhẫn… Dường như không có 'sợi dây kinh nghiệm' nào được rút từ bắc Mỹ Thuận, bắc Cần Thơ trước đó.
Chợt thoáng nghe văng vẳng đâu đây giai điệu bolero từ thùng loa kéo của người bán dạo: “Một chiều qua bến đò ngang/ Tình cờ nghe bài hát cũ/ Người hành khất mù và cô gái nhỏ/ Cây guitar lạc phím từ bao giờ”.
Những chuyến phà ở bắc Vàm Cống đang nằm buồn thênh chờ đợi…, với sự im lặng đầy khó hiểu của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cùng trạm BOT T2 đang nhăm nhe trở lại thu phí.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét