Courrier International - Dịch giả: Hoàng Thủy Ngữ
Tập Cận Bình trong thời gian gần đây kêu gọi các khóa học chính trị phải được tăng cường ở mọi lứa tuổi.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) muốn tăng cường kiểm soát tư tưởng của trẻ em và thanh thiếu niên. Trong một cuộc thảo luận bàn tròn mới đây với các nhà giáo dành cho “quá trình lý thuyết chính trị và tư tưởng” ở học đường, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã nói rằng, cần phải giáo dục đào tạo một thế hệ mới có khả năng duy trì vai trò lãnh đạo của ĐCSTQ và bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Tập đề xướng: “Cần phải bắt đầu từ nhà trường, từ những đứa trẻ”.
“Cần phải hướng dẫn học sinh để chúng nhấn chính xác cái nút đầu tiên trong cuộc đời của chúng”, Tập nhấn mạnh đến sự cần thiết trong việc “truyền tải tư duy chính thống để chống lại mọi quan điểm sai lầm”. Để thực hiện việc này, ông yêu cầu các bí thư đảng ủy nhà trường đưa ra các ví dụ như khởi xướng thực hiện các buổi học tập chính trị và tư tưởng. Tất cả các viên chức chính quyền có trách nhiệm ở địa phương được mời và động viên đến các trường để hướng dẫn các khóa học như vậy.
Tập Cận Bình, chuyên về lý thuyết mác xít và giáo dục chính trị và tư tưởng, tốt nghiệp tiến sĩ luật tại đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh. Cuối năm 2016, ông đã tổ chức “một hội nghị toàn quốc nhằm định hướng chính trị và tư tưởng trong các viện giáo dục đại học”, nhưng đây là lần đầu tiên, thể loại bàn tròn này được tổ chức với sự có mặt của ông ta và tập hợp các đại diện của cơ quan giáo dục bậc đại học, trung học và tiểu học. Cùng tham dự là Vương Hỗ Ninh, cán bộ chuyên trách tư tưởng thuộc Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, Giám đốc Ban Bí thư của Ủy ban Trung ương, chịu trách nhiệm về các khóa học chính trị và tư tưởng.
Nền giáo dục của nhà nước pháp quyền
Ở Trung Quốc, chương trình giảng dạy trong tất cả các trường, từ bậc tiểu học đến đại học, ngay cả trình độ cao học, luôn bao hàm định hướng chính trị và tư tưởng. Trong 9 năm giáo dục cưỡng bách, từ 6 đến 15 tuổi, các mô-đun này được phân phối cho đến năm 2016, giữa các khóa “giáo dục về đạo đức và đời sống”, ở bậc tiểu học và các khóa “tư tưởng và đạo đức” ở bậc đại học. Nhưng bây giờ chúng được tập hợp lại và gọi chung là “nền giáo dục đạo đức và nhà nước pháp quyền”.
Lên cấp ba, học sinh phải thảo luận về các chủ đề như “đời sống kinh tế”, “đời sống chính trị”, “đời sống văn hóa” và “đời sống và triết học”, phần lớn là các vấn đề được đánh giá tại Gaokao (kỳ thi tốt nghiệp cấp ba và bước vào đại học Trung Quốc). Về phần mình, các trường đại học phải tổ chức một số khóa học bắt buộc về chính trị và tư tưởng. Thường là “giới thiệu các nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác” và “giới thiệu tư tưởng của Mao Trạch Đông và hệ thống lý thuyết của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc”. Các sinh viên tiến sĩ tương lai cũng phải vượt qua một bài kiểm tra chính trị và tư tưởng trong kỳ thi tốt nghiệp.
Gaokao (Cao Khảo), bài kiểm tra của cuộc đời
Mỗi năm, trong hai ngày, hàng triệu học sinh Trung Quốc vượt qua gaokao, cuộc thi tuyển sinh đại học toàn quốc. Đây là một áp lực rất lớn, không chỉ riêng với học sinh dự thi, mà còn với tất cả mọi người trong gia đình, theo tường thuật của tờ Xingjing Bao, bởi lẽ “gaokao là câu thần chú sesam mở ra nấc thang thăng tiến xã hội cho những người trẻ và gia đình họ” . Và “khi một cuộc thi duy nhất tạo điều kiện cho sự chuyển động xã hội và cơ hội rời bỏ tầng lớp bị thiệt thòi nhất, thì chắc chắn nó phải là nỗi lo của nhiều thí sinh”.
Cuộc thi này quan trọng đến mức trở thành chủ đề chính của một trò chơi video do Moyuwan, một studio nhỏ khai triển và Cocunut Island Games sản xuất: Zhongguoshi Jiazhang (Các bậc phụ huynh ở Trung Quốc), phát hành vào tháng Chín 2018 và thành công vượt trội, theo báo cáo của tạp chí Mỹ Foreign Policy. Nó đặt mình vào vị trí của phụ huynh có con đang học thi gaokao. Mục đích: thành công.
Để đạt được điều này, người ta cần phải kích thích trí thông minh của đứa trẻ, từ lúc còn bé cho đến khi tham gia cuộc thi tuyển nổi tiếng, mà nó vẫn kiểm soát được sự căng thẳng. Một thực tế đang làm các phụ huynh Trung Quốc mệt mỏi, là họ bị kẹt giữa những trói buộc kinh tế do xã hội đặt ra, cùng những nỗi lo lắng về tài chính và một trò chơi được mô tả là “vô cùng thực tế”.
Nguồn: Âge tendre et tête politique. Ming Pao, Hong Kong. Courrier international, Hors-série, Mai-Juin-Juillet 2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét