Trong Tháng Sáu vừa qua, cả nhập cảng lẫn xuất cảng của Trung Quốc đều xuống. Trong hình, cảng Thanh Đảo ở phía Đông tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Hình: STR/AFP/Getty Images)
Năm 2007, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 14.23% một năm và liên tiếp nhiều năm tiếp tục phát triển hơn 10%. Năm 2011, tỷ lệ tăng trưởng xuống 9.5%, dưới 10% nhưng vẫn ngoạn mục. Nhưng sau đó con tàu kinh tế bắt đầu giảm tốc, năm 2014 chỉ còn 7.3%, năm ngoái xuống 6.6%.
Sau đó, mỗi ba tháng người ta lại thấy kinh tế Trung Quốc giảm tốc độ. Trong quý thứ nhì năm 2019, Tháng Tư đến Tháng Sáu, chỉ phát triển được 6.2%, tỷ lệ thấp nhất kể từ Tháng Ba, 1992, gần ba chục năm.
Những con số chính thức chắc chắn không đúng sự thật. Giáo Sư Hướng Tùng Tộ (Xiàng Sōngzuò, 向松祚), Đại Học Nhân Dân, Bắc Kinh, từng làm cho Ngân Hàng Nông Nghiệp và Ngân Hàng Nhân Dân, cho biết một tài liệu phổ biến nội bộ ước lượng tỷ lệ tăng trưởng năm ngoái chỉ có 1.67% chứ không phải 6.6% như báo cáo chính thức (theo Cary Huang, South China Morning Post). Trong cả bức tranh tăm tối đó chỉ có một điểm sáng, là kinh doanh tư nhân vẫn mạnh hơn khu vực quốc doanh mặt dù bị các ngân hàng kỳ thị.
Không phải chỉ giảm tốc độ, bộ máy kinh tế của Cộng Sản Trung Quốc hết đang dần dần cạn hơi. Trong Tháng Sáu vừa qua, cả nhập cảng lẫn xuất cảng của Trung Quốc đều xuống. Nhiều lãnh vực thực sự đang xuống, như khi các nhà máy đóng cửa để dọn cơ sở sản xuất qua các nước Đông Nam Á vì lương công nhân ở đó thấp hơn. Gần đây còn thêm lý do qua nước khác thì không bị Mỹ đánh thuế.
Tại sao bộ máy kinh tế Trung Cộng chạy hết hơi?
Kinh tế học có một định luật “Năng suất giảm dần” (the law of diminishing returns).
Thí dụ, bà chủ một tiệm phở đặt thêm một cái bàn và thuê thêm một nhân viên thì một thời gian sau tiền lời có thể tăng lên. Đặt thêm một cái bàn và thuê một nhân viên nữa thì chắc tiền lời cũng tăng, nhưng số tăng không cao bằng lần đầu. Tăng lên ba, lên bốn, tỷ lệ tiền lời giảm xuống dần dần. Sẽ tới lúc lợi nhuận không thay đổi mà có thể xuống.
Kinh tế Trung Quốc tăng vọt lên từ thời Đặng Tiểu Bình không có gì lạ; vì với chính sách tư bản hóa khiến có thêm bao nhiêu người đang ngồi ngáp ruồi hay nằm ngủ bỗng dưng đứng dậy, kiếm việc làm ăn. Trước kia họ có muốn cũng không được phép làm gì cả.
Giới có tiền kinh doanh và cửa hàng, thêm cả tiền từ Đài Loan, Hồng Kông và các nước khác đổ vào. Nông dân kéo ra thành phố làm công nhân các nhà máy mới. Trong suốt hai chục năm sau đó, kinh tế Trung Quốc vọt lên nhờ tiền vốn được khai thác (tư bản) tăng lên và số người làm việc tăng lên. Tăng vốn đầu tư, tăng số nhân lực, đó là hai yếu tố chính thúc đẩy tỷ lệ tăng trưởng từ số không lên trên 10%. Lợi tức theo đầu người hiện nay lên tới $14,000 một năm (hoặc $18,000 tính theo lối khác), có thể coi là “trung lưu.”
Nhưng “Định luật năng suất giảm dần” thấy có hiệu lực từ năm 2011 đến giờ; tốc độ phát triển xuống dần dần. Tỷ lệ tăng trưởng thật ở Trung Quốc chắc chắn thấp hơn con số chính thức; khó cao hơn 4%, theo Giáo Sư Loren Brandt, đại học University of Toronto, chuyên gia nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc
Điều đáng nhớ là những quốc gia khác ở Á Đông cũng trải qua một thời kỳ “cất cánh,” phát triển nhanh, rồi giảm dần tốc độ như vậy.
Kinh tế Đài Loan, Nam Hàn, và Nhật Bản sau chiến tranh, bắt đầu tăng trưởng với tốc độ cao trong mấy thập niên. Từ năm 1970 Nhật bắt đầu giảm tốc, đến giữa thập niên 1980 thì tới lượt Nam Hàn.
Nhưng hiện tượng đáng chú ý là ba nước trên đã kéo dài thời kỳ tăng trưởng lâu hơn; khi so sánh với họ thì kinh tế Trung Quốc đã giảm tốc sớm hơn.
Khi dân Đài Loan đạt được mức lợi tức theo đầu người (per-capita income) cỡ trung lưu, tương đương với dân Trung Quốc hiện nay, thì nền kinh tế vẫn chạy thêm 7.5% một năm. Đại Hàn Dân Quốc vẫn tăng thêm 6.3% một năm, và Nhật Bản 4.7%.
Các nước Đài Loan, Nhật Bản, Nam Hàn có một lợi thế mạnh hơn Trung Quốc nữa, là thời kỳ cất cánh của họ dựa trên tư nhân; những nhà kinh doanh này chỉ đầu tư khi thấy có lợi lâu dài. Trong khi đó Cộng Sản Trung Hoa dựa trên những cuộc đầu tư của nhà nước. Nhà nước muốn tỷ lệ phát triển cao thì đổ tiền vào các công trình xây cất nhà ở, làm đường, cầu, đường xe lửa, và các hạ tầng cơ sở khác. Nhưng đến một lúc nào đó, những con đường và cây cầu xây thêm không mang lại ích lợi kinh tế nào đáng kể, nhiều khu gia cư bỏ trống không người thuê. Đầu tư thêm mà năng suất không lên!
Trở lại hai yếu tố giúp cho kinh tế Trung Quốc lên mấy chục năm qua: Tư bản lên, đầu tư nhiều hơn; và lực lượng lao động cũng tăng. Trong lục địa Trung Quốc hiện nay, số nhân dụng không thể gia tăng nữa. Trái lại, số người trong tuổi làm việc không tăng lên mà lại bắt đầu xuống. Số nông dân kéo ra thành phố không tăng lên nữa. Trung Quốc còn đang bị các nước trong vùng Đông Nam Á cạnh tranh thu hút mất vốn đầu tư và công việc làm.
Trong các nền kinh tế bình thường, khi hai yếu tố sản xuất tư bản và lao động bắt đầu cạn thì làm cách nào tiếp tục phát triển?
Các nước Âu Mỹ và Nhật Bản cho thấy kinh nghiệm của họ: Phải gia tăng năng suất lao động. Nếu số người làm việc vẫn như cũ nhưng người làm việc giỏi hơn trước, thì tổng số sản xuất vẫn tiếp tục tăng trưởng.
Nhật Bản, Đài Loan, Nam Hàn đã giữ được mức tăng trưởng cao sau khi đã đạt mức lợi tức trung lưu là vì họ gia tăng năng suất. Không có một chính phủ nào ra lệnh và đặt chỉ tiêu cho các xí nghiệp và công nhân phải tăng năng suất. Các nhà kinh doanh tự động muốn cải thiện, vì họ phải cạnh tranh ráo riết. Người lao động phải hoc hỏi những cách làm việc mới, sử dụng máy móc mới, cũng hoàn toàn vì lợi ích cho mình.
Kinh tế Mỹ liên tục tăng trưởng trong hàng chục năm qua là nhờ kỹ thuật tin học giúp năng suất rất nhiều ngành lên cao. Lực lượng lao động được phân bố lai cho hợp lý: Tăng thêm số công nhân làm việc trong các ngành năng suất cao, các công nghệ tân tiến; đồng thời giảm bớt số người làm việc trong các ngành chậm lụt mà năng suất không thể tăng nhanh được, như kỹ nghệ may, dệt. Tính trung bình, năng suất lao động ở nước Mỹ lên nhanh hơn các nước khác.
Ở Trung Quốc, đảng Cộng Sản làm ngược lại. Khi thấy kinh tế lên đến trình độ trung luu, thay vì thúc đẩy cho kinh tế tư doanh phát triển thì Chủ Tịch Tập Cận Bình và giới lãnh đạo đảng lại lo củng cố lãnh vực quốc doanh. Các xí nghiệp quốc doanh được ngân hàng ưu đãi khi vay nơ, trong khi giới tư doanh phải vay từ ngoài ngân hàng với lãi suất cao gấp nhiều lần. Trong Tháng Năm, 2019, tổng số tài sản các doanh nghiệp nhà nước của Trung Cộng đã tăng 8.8% so với năm ngoái, lên tới 192 ngàn tỷ đồng nguyên.
Nếu Cộng Sản Trung Quốc muốn cưỡng lại, giảm bớt tác dụng của “Định luật năng suất giảm dần” thì họ phải làm gì?
Phải để các doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh theo quy luật thị trường, phải cho kinh tế tu doanh tự do phát triển. Nhưng làm như vây tức là bỏ luôn các giáo điều Marx, Lenin và Mao Trạch Đông. Cho nên ông Tập Cận Bình không dám làm. Cứ theo chính sách cũ như thế thì bộ máy kinh tế nước Tàu không những cạn hơi dần dần mà còn đi tới chỗ bế tắc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét