Thứ Năm, 25 tháng 7, 2019

12271 - Trần Bá Học, Nguyễn Hữu Linh và một bước lùi của công lý xã hội?


Ngày 22/7, báo chí đưa tin cơ quan cảnh sát điều tra Quận 4, TP. HCM đã hoàn tất điều tra bổ sung vụ án Nguyễn Hữu Linh dâm ô trẻ em trong thang máy của chung cư Galaxy 9. Điều tra bổ sung cho kết luận rằng chưa đủ cơ sở xác định bàn tay trái của Linh có chạm vào thân trước của bé gái hay không, do hình ảnh khuất tầm quan sát của camera.
Sau khi có kết luận, luật sư Trần Bá Học, người bào chữa cho Linh đã gửi đơn đến Viện Kiểm sát Nhân dân và Tòa án Nhân dân Quận 4 đề nghị đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với Linh vì cho rằng hành vi của Linh không cấu thành tội 'dâm ô đối với người dưới 16 tuổi'.
Các lập luận mà luật sư đưa ra bao gồm các điểm chính:[1]
  • Sau hai lần trả hồ sơ, cơ quan chức năng chỉ xác định Linh có hôn vào má bé gái và điều này đã được Linh thừa nhận.
  • Theo lời khai của bé gái và cha mẹ bé, Linh không dùng tay chạm vào bộ phận sinh dục của bé.
  • Chưa có văn bản hướng dẫn chính thức rằng 'hôn vào má' có là hành vi dâm ô hay không. 
Đứng từ góc độ của người bào chữa, luật sư Học đang làm những gì có lợi nhất cho thân chủ của mình. Tuy nhiên, điều này có lợi cho công lý xã hội hay không? 
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy thử đặt các vấn đề như sau:
1. Đúng là chưa có văn bản hướng dẫn chính thức rằng hôn vào má có là hành vi dâm ô hay không, song dự thảo nghị quyết của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn xác định hành vi dâm ô là một phương hướng cho câu trả lời.[2]
Theo dự thảo này, nếu một hành vi "nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục", nhưng "không nhằm mục đích giao cấu hoặc thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 16 tuổi" và thuộc vào một trong các loại hành vi nhất định thì là dâm ô.
Một trong các loại hành vi đó là "sờ, bóp, hôn vào những bộ phận, vùng nhạy cảm (ví dụ: bộ phận sinh dục, ngực, vùng mặt, đầu, đùi, mông...) trên cơ thể người dưới 16 tuổi".
Như vậy, hành vi hôn vào má là hôn vào vùng mặt, và nếu có tính mục đích như trên, thì theo dự thảo này, là hành vi dâm ô.
Dự thảo này, tuy chỉ là dự thảo, song tòa án quận 4 khi xét xử hoàn toàn có thể giải thích khái niệm dâm ô như hoặc gần như trong dự thảo, nếu xét thấy hợp lý.
Mặc dù không có thẩm quyền tường minh theo luật định về việc giải thích luật, các tòa án thực tế vẫn giải thích luật, và bằng khoản 1, Điều 2, Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP,[3] tòa án nhân dân tối cao đã gián tiếp nói rằng chính nó và các tòa án cấp dưới có thể giải thích luật thông qua các án lệ (bởi án lệ "chứa đựng lập luận để làm rõ quy định của pháp luật còn có cách hiểu khác nhau...").
Trong trường hợp tòa án quận 4 giải thích khái niệm dâm ô như hoặc gần như trong dự thảo, hành vi của Linh rất có thể cấu thành tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
2. Nếu hành vi 'hôn vào má' mà Linh đã làm không là dâm ô thì nên được xem là gì và nên bị xử lý như thế nào bởi pháp luật? Chúng ta có nên xem hành vi đó là vô hại, hoặc có hại nhưng không đáng kể để bị xử lý hình sự mà chỉ nên bị xử phạt hành chính mà thôi? 
Các câu trả lời phải xuất phát từ điểm nhìn của người đặt mình vào tình huống có con là trẻ em bị (hay "được"?) hôn như vậy, và tính đến tác động của mỗi cách giải quyết của pháp luật lên cả xã hội. Theo cách nào, xã hội sẽ tốt lên, và theo cách nào, xã hội sẽ xấu đi?
Các câu trả lời từ trong thâm tâm của chúng ta, bao gồm cả của những người đang bênh vực Linh, trong đó có luật sư Học, và của cả những người sẽ xét xử Linh có thể cho chúng ta một gợi ý về công lý xã hội đáng momg muốn.
Hẳn nhiên chúng ta không có các câu trả lời của luật sư Học cho các câu hỏi trên, song chí ít chúng ta cũng có các câu trả lời của chính mình, để từ đó trả lời cho câu hỏi ban đầu, rằng việc luật sư Học bào chữa cho Linh vô tội có lợi cho công lý xã hội hay không.
Câu trả lời là ở mỗi người. Với người viết bài này, câu trả lời là 'Không'. Và nếu luật sư Học bảo vệ cho Linh thành công, đó sẽ là một bước lùi của công lý xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét