Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019

13541 - Những nguyên tắc trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc ( Phần 1)


Kerry Brown là Giáo sư về các công trình nghiên cứu Trung Quốc và Giám đốc của Viện Lau China tại Đại học King London và cộng tác viên Chương trình Châu Á ở Chatham House. Trước đó, ông từng là Giáo sư về Chính trị Trung Quốc và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney. Với 25 năm kinh nghiệm nghiên cứu Trung Quốc, ông đã và đang làm việc trong lĩnh vực giáo dục, kinh doanh và quản trị, trong đó có một nhiệm kỳ làm Bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Anh ở Bắc Kinh. Ông viết về Trung Quốc cho Tạp chí London Review of Books, cho các tờ báo the Diplomat và Foreign Policy cũng như cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế và Trung Quốc. Ông là tác giả 2 tác phẩm bán chạy nhất nhan đề CEO, China (I.B.Tauris, 2016) và The New Emperors: Power and the Princelings in China (I.B.Tauris, 2014). Ông còn là tác giả của những cuốn sách khác như Contemporary China (2012), Friends and Enemies: The Past, Present and Future of the Communist Party of China (2009) và Struggling Giant: China in the 21st Century(2007). Bài dịch dưới đây là chương 1 tác phẩm China's World: What Does China Want?, xuất bản năm 2007. 



Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hiện đại, mặc cho tất cả những biểu hiện bài cổ - với các nhà lãnh đạo hiện nay có nhiều liên kết “không hề gián đoạn” với nền văn hóa cổ đại – trên thực tế, là kết quả của Giai đoạn chiến tranh, bất ổn, cách mạng và thay đổi trên diện rộng. Từ 1644 đến 1911, 1912, nhà Thanh đã nắm quyền cai trị khu vực gần như lãnh thổ của nước Trung Quốc hiện nay. Những giai đoạn bành trước và xâm lược từ cuối thế kỷ XVII đến thế XVIII đã dẫn đến việc họ thôn tính Cao nguyên Tây Tạng và khu vực ở phía Tây Bắc, hiện nay gọi là Tân Cương. Sau khi các chiến dịch này kết thúc, biên giới của vương triều Mãn Thanh không có những thay đổi lớn, những đường biên giới này bao trùm toàn bộ lãnh thổ hiện nay của  Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Đến thế kỷ XIX, triều đình Mãn Thanh ở Trung Quốc là một chính thể trì trệ, bị những đe dọa cả bên trong lẫn bên ngoài vây chặt. Biểu hiện là cuộc nổi dậy của Thái Bình Thiên Quốc, bắt đầu vào năm 1850 và kéo dài gần hai mươi năm, làm cho khoảng 20 triệu người thiệt mạng. Nhưng đấy cũng là lúc nhà Thanh đứng lên chống lại tất cả các lực lượng hiện đại xuất phát từ phương Tây, đại diện là Hải quân của Đế chế Anh. Hai cuộc chiến tranh nha phiến, diễn ra trong những năm 1839 - 1842 và 1856 - 1860, dẫn đến kết quả là Hong Kong trở thành nhượng địa của Vương quốc Anh, Trung Quốc mất một khoản bồi thường chiến phí khá lớn và buộc phải mở cửa, chấp nhận cách hình thức và phương thức buôn bán với nước ngoài mà trước đó họ không muốn dinh líu vào. Bước sang thế kỷ XX, những cuộc đụng độ thường xuyên với các lân bang và chia rẽ nội bộ đã làm cho nhà Thanh suy yếu nghiêm trọng, và cuối cùng là sụp đổ vào năm 1911 - 1912. Thay thế cho nó là chính phủ Cộng hòa, đây là giai đoạn Trung Quốc bị tan hoang vì chia rẽ và bất ổn, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh thảm khốc và đầy bi kịch trong những năm 1930 – cả nội chiến lẫn chống giặc ngoại xâm.


Phải hiểu giai đoạn lịch sử đầy xương máu và đau khổ này, vì nó vẫn còn sống động trong tâm trí các nhà lãnh đạo chính trị Trung Quốc và dân chúng nói chung. Về nhiều khía cạnh, giai đoạn này vẫn chưa kết thúc. Như học giả William Callahan viết, những năm 1990 là giai đoạn mà nhận thức và quan tâm về “thế kỷ nhục nhã” - nhãn hiệu gắn với giai đoạn từ 1840 đến 1949, khi Trung Quốc phải chịu nhiều đau khổ - được phục hồi. Do đó, trong câu chuyện này, năm 1949 được coi như cuộc giải phóng cùng một lúc khỏi hai xiềng xích – xiềng xích thứ nhất là chế độ phong kiến và tư duy xưa cũ, còn xiếng xích thứ hai là áp bức của ngoại bang. Trong sử chí học (historiography), việc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một cuộc phục hưng thực sự. Nó được thể hiện rõ nhất trong lời nói đầu bản Hiến pháp năm 1982 của Cộng hòa Nhân dân Trung hoa:

Sau khi tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài và đầy gian khổ - cả trên mặt trận quân sự lẫn những mặt trận khác – bằng đường lối mềm dẻo, nhân dân tất cả các dân tộc Trung Hoa do Đảng Cộng sản Trung Quốc, đứng đầu là Chủ tịch Mao Trạch Đông, lãnh đạo, cuối cùng, vào năm 1949, đã lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, chế độ phong kiến và chủ nghĩa tư bản quan liêu, đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc Cách mạng Dân chủ Mới và lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Nhân dân Trung Quốc đã nắm được quyền kiểm soát quyền lực nhà nước và trở thành chủ nhân ông của đất nước từ ngày đó.

Cho đến tận ngày hôm nay, tư tưởng cho rằng Đảng Cộng sản hành động nhân danh toàn thể nhân dân Trung Quốc, và đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi mọi hình thức áp bức vẫn thường xuyên được người ta nhắc tới. Năm 2015, sau khi dự lễ duyệt binh nhân kỷ niệm lần thứ 70 ngày kết thúc Chiến tranh Trung - Nhật và kết thúc Thế chiến II ở châu Á, Tập Cận Bình tuyên bố:


Chiến thắng của nhân dân Trung Quốc trong cuộc Kháng chiến chống Nhật là chiến thắng trọn vẹn đầu tiên mà Trung Quốc đã giành được trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trong thời hiện đại. Chiến thắng vĩ đại này đã đập tan âm mưu của giới quân phiệt Nhật Bản nhằm thực dân hóa và nô dịch Trung Quốc và đặt dấu chấm hết cho vụ sỉ nhục mang tầm quốc gia của Trung Quốc về những thất bại liên tiếp trước những tên xâm lược nước ngoài trong thời hiện đại. Chiến thắng vĩ đại này một lần nữa khẳng định Trung Quốc là cường quốc lớn trên thế giới và mang về cho nhân dân Trung Quốc sự tôn trọng của tất cả những dân tộc yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới. Chiến thắng vĩ đại này mở ra tương lai tươi sáng cho quá trình đổi mới hào hùng của dân tộc Trung Hoa và đưa đất nước cổ kính của chúng ta bước vào hành trình mới sau khi được sinh ra một lần nữa.

Nỗi nhục quốc gia, đấu tranh, giải phóng và tái sinh là những chủ đề thường được các nhà lãnh đạo hiện nay ở Trung Quốc khai thác nhằm tranh thủ sự ủng hộ của công chúng. Một phần, đấy là do, ở mức độ nào đó, những lời tuyên bố này là đúng. Nhưng, như các nhà sử học tiếp tục chỉ ra, những tuyên bố như thế là sự giản hóa quá mức. Điểm quan trọng cần nhận xét: Đây là một trong những khuôn khổ lịch sử chủ yếu để các nhà lãnh đạo như Tập Cận Bình nhìn vào đất nước mình và vai trò của nó trên thế giới. Họ đang hoạt động trong khuôn khổ lịch sử, mà theo quan điểm của họ thì một nền văn minh vĩ đại và vinh quang đã bị những cuộc xâm lược của nước ngoài, nạn tham nhũng và sự yếu kém ở bên trong xói mòn và làm cho ta hoang. Nó đã gây ra những khổ đau khủng khiếp, đặc biệt là trong giai đoạn bị Nhật Bản chiếm đóng, cho đến khi người dân Trung Quốc được những người Cộng sản liên kết thành một khối và nước Cộng hòa Nhân dân được thiết lập lại. Từ năm 1949, đất nước đang thực hiện sứ mệnh tự khôi phục để trở thành trung tâm của vũ đài quốc tế. Chính sách đối ngoại của Trung Quốc hoạt động trong khuôn khổ tình cảm như thế. Đấy là xuất phát điểm của những vấn đề như vai trò khu vực của Trung Quốc, quan hệ với Nhật Bản, quan điểm đối với phương Nam và phương Đông, thái độ đối với Kì và các nguyên tắc của chính sách đối ngoại có xuất xứ từ khuôn khổ đó.

TƯ TƯỞNG  


Lịch sử của nhà Thanh và Trung Hoa Dân quốc là lịch sử của tình trạng bị bạo hành và đau khổ, và một trong những lời hứa đầu tiên của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là đoạn tuyệt với quá khứ bằng cách tuân thủ các nguyên tắc hành xử rõ ràng trong chính sách đối ngoại. Năm 1949, nói cho cùng, nước này vẫn còn rất yếu. Lúc đó, Trung Quốc có một đồng minh lớn là Liên Xô, việc lựa chọn mô hình chính trị (Chủ nghĩa Cộng sản) đã làm cho nước này lập tức trở thành đáng ngờ trong mắt châu Âu và Mĩ. Tháng 1 năm 1950, Vương quốc Anh công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về ngoại giao nhằm bảo vệ lợi ích của mình ở Hong Kong, nhưng Hoa Kỳ phản đối. Các vấn đề không được giải quyết vì những hành động của nhà lãnh đạo Triều Tiên là Kim Nhật Thành: Cuộc tấn công nhắm vào Hàn Quốc do ông này đơn phương phát động mà kết quả là cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài ba năm do quân đội Trung Quốc tiến hành nhằm chống lại quân đội Mĩ trong lực lượng Liên Hợp Quốc. Bế tắc trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1953 làm cho Trung Quốc bị tổn hại về chính trị, Mĩ cho rằng phải khóa chặt nước này, tương tự như Liên Xô, trong môi trường Chiến tranh Lạnh. Nghĩa là giữa những năm 1950, Trung Quốc ngày càng bị cô lập.

Trong suốt những năm 1950, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vừa được thành lập bắt đầu làm rõ những nguyên tắc mà đến năm 1955 thì được gọi là Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. Đó là: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau (tại Hội nghị Á-Phi năm 1953), không xâm lược nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi (Tuyên bố chung Ấn Độ – Trung Quốc và Tuyên bố chung Trung Quốc-Miến Điện năm 1954), và chung sống hòa bình. Có nhiều luận cứ đáng tin cậy chứng tỏ rằng năm nguyên tắc này được rút ra từ những ý tưởng do nhà lãnh đạo Ấn Độ, ông Nehru, khởi xướng. Chúng được những lo lắng giống nhau truyền cho cảm hứng - mong muốn bảo vệ quyền tự chủ phải khó khăn lắm mới giành được sau giai đoạn can thiệp của chế độ thuộc địa; nhu cầu bảo vệ chủ quyền; nhấn mạnh về sự hợp tác giữa những nước được coi là không có chính sách bá quyền và không liên kết; và ước muốn thể hiện lập trường yêu chuộng hòa bình đối với phần còn lại của thế giới - được soạn thảo nhằm chống lại thái độ sợ hãi trước hệ tư tưởng Marxist và cuộc cách mạng thế giới do nhiều người ở bên ngoài tiến hành.


Năm nguyên tắc đã trở thành câu thần chú, chính sách đối ngoại của Trung Quốc và quan hệ của nước này với thế giới bên ngoài đã được xây dựng trên cơ sở đó, nhưng chúng đã gây ra nhiều tranh cãi. Và xuất hiện nhiều câu hỏi về mức độ phù hợp của chúng đối với mục đích của đất nước hiện đang có nền kinh tế và chính trị mạnh mẽ và nổi bật hơn hẳn so với đất nước đã áp dụng những nguyên tác này cách đây hơn nửa thế kỷ. Các nguyên tắc này đã bị người ta cho là thể hiện thái độ của Trung Quốc: Chỉ quan tâm tới mình, tư lợi và, trớ trêu là, đê tiện, chỉ quan tâm tới mình và không muốn có trách nhiệm đối với người khác. Trung Quốc đã bảo vệ tư thế của mình trước các vấn đề ở trong nước như Tây Tạng, Tân Cương và hành xử về nhân quyền của mình bằng cách rút ra từ những nguyên tắc này khái niệm “không can thiệp” và từ chối bình luận về công việc của các quốc gia khác về những vấn đề tương tự. Cách làm như thế làm cho chính sách đối ngoại của nước này đôi khi có giọng điệu rất phi đạo đức. Quan trọng hơn là, những người phê phán cũng đã tìm được nhiều bằng chứng cho thấy, trên thực tế, trong khi Trung Quốc đã nói - và ở một mức độ nào đó vẫn tiếp tục nói - rằng họ tuân thủ những nguyên tắc này, nhưng trên thực tế, nước này hầu như không quan tâm tới những nguyên tắc đó. Dẫn tới những cáo buộc về đạo đức giả.


LÂN BANG XẤU TÍNH 

Bảo vệ mình trước sự can thiệp của nước ngoài là tâm điểm được Trung Quốc đưa ra trong nhiều cuộc tranh cãi giữa nước này với các lân bang trong những năm 1950 và kéo dài tới những năm 1970. Trong giai đoạn đó, khi Trung Quốc thậm chí chưa được Liên Hợp Quốc công nhận (ghế của họ ở Đại hội đồng do Trung Hoa Dân quốc giữ, sau thất bại trong cuộc Nội chiến, những người lãnh đạo nước này đã trốn sang Đài Loan vào năm 1949), nước này đã dính líu vào một loạt các cuộc giao tranh, đụng độ và xung đột trắng trợn với các lân bang. Hầu hết là xung đột về những vùng biên giới còn đang tranh cãi. Như học giả Mĩ, M. Taylor Fravel, đã chỉ ra, từ khi thành lập, Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa đã dính mắc vào các tranh chấp về hơn 22 khu vực trên vùng biên giới. Căng thẳng nhất là với Liên Xô, Việt Nam và Ấn Độ, và trong ba thập kỷ, đã xảy ra xung đột thực sự với từng nước - Ấn Độ năm 1962, Liên Xô năm 1969 và Việt Nam năm 1979. Mỗi lần đều dẫn đến thương vong và thất bại về ngoại giao và cuộc đụng độ trên biên giới với Liên Xô, năm 1969, khi Cách mạng Văn hóa đang trong giai đoạn quyết liệt, đã đánh tiếng với Mĩ về tình trạng bấp bênh trong quan hệ Xô -Trung và cơ hội cho việc thiết lập quan hệ với Hoa Kỳ. Quan hệ giữa hai nước được thiết lập vào năm 1972 – cùng với chuyến thăm của Tổng thống Richard Nixon.


Đáng chú ý là, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã giải quyết một cách chậm chạp nhưng dứt khoát hầu hết các vấn đề lãnh thổ, ít nhất là về phần đất đai có liên quan. Cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960, nước này đã giải quyết một số tranh chấp với Myanmar và Việt Nam. Hơn ba thập kỷ sau, nước này đã giải quyết những vấn đề liên quan tới Nga, khi chủ tịch lúc đó là Giang Trạch Dân kí hiệp ước về nhiều lĩnh vực với Tổng thống Putin. Đến năm 2010, tất cả đều đã được giải quyết – ngoại trừ hai tranh chấp với Ấn Độ. Thú vị là, mặc dù giọng điệu khó nghe về việc không bao giờ nhượng bộ lãnh thổ và kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trước hầu hết các cuộc đàm phán, Trung Quốc lại sẵn sàng trở thành khá thực dụng trong biện pháp giải quyết tranh chấp. Nga là ví dụ điển hình – Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã chuyển khoảng 40.000 km2 cho Liên Xô nhằm đạt được thỏa thuận: Không được thừa nhận công khai tại thời điểm đó, ít nhất là ở Trung Quốc.

BIÊN GIỚI LÀ GÌ? 

Một phần của vấn đề trong luận cứ của Trung Quốc về biên giới xuất phát từ sự kiện là trong lịch sử Trung Quốc, không có khái niệm lịch sử: Biên giời thực sự là gì? Nói cho cùng, tư tưởng về chủ quyền và quốc gia-dân tộc, có xuất xứ từ hiệp ước Westphalia ở châu Âu, năm 1648, ở châu Á không có cái gì tương tự như thế hết. Nhiều người khẳng định rằng nhiều nước có chung đường biên giới hoặc nằm gần với Trung Quốc, từ Myanmar đến Lào và Campuchia, là kết quả của quá trình can thiệp của chế độ thực dân, đường biên giới của những nước này là kết quả của một sự ngẫu nhiên mang tính lịch sử chứ không phải là địa lý, văn hóa hoặc bất cứ cái gì đó có liên quan chút ít tới lý do ngoại giao. Ngoài ra, người ta còn đặt vấn đề  về việc các nhà cầm quyền ở Trung Quốc, cả trước lẫn sau năm 1949, đã có khái niệm như thế nào về cái thực thể mà họ có trách nhiệm lãnh đạo. Về mặt lịch sử, người ta khẳng định rằng các vị hoàng đế và các nhà lãnh đạo chính trị ở Trung Quốc đã coi Trung Quốc như một không gian văn hóa hoặc văn minh hơn là nắm giữ một khu vực địa lý cụ thể. Có những vấn đề của các quốc gia chư hầu xung quanh Trung Quốc, tức là những nước có quan hệ không rõ ràng, đôi khi tranh chấp với “nền văn hóa của nước mẹ”. Thông qua ngôn ngữ, tôn giáo, nghệ thuật và phong tục, “Trung Quốc” hoạt động trong bối cảnh của một khái niệm mơ hồ, một cái gì đó có thể gần như thôn tính và khuất phục các dân tộc khác, dù họ có sống trên vùng lãnh thổ nào – đấy là do tính hấp dẫn và bản chất khai hóa của nó.


Ngoài ra, còn có những vấn đề về các biện pháp ngoại giao mà các nhà nước Trung Quốc từng áp dụng trong thời gian dài trước khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xuất hiện. Họ không hỗ trợ các hoạt động của hải quân - ít nhất là kể từ thời nhà Minh và những chuyến du hành nổi tiếng nhưng ngắn ngủi của thái giám Đô đốc Trịnh Hòa vào đầu thế kỷ XV. Nhìn chung, các vương triều Trung Quốc đã hoạt động như các quốc gia lục địa, bảo đảm an ninh nhờ bức tường tự nhiên khổng lồ của cao nguyên Tây Tạng và các thảo nguyên rộng lớn, không người của vùng Trung và Đông-Bắc Á. Trong thời các Đại Hãn, thế kỷ XIII và XIV, nhà Tống và sau đó là nhà Minh, đe dọa lớn nhất mà họ phải đối mặt trước thời kỳ hiện đại là từ đất liền chứ không phải từ biển. Do đó, họ chú tâm vào các vấn đề trên bộ, họ không bao giờ quá chú tâm vào biển và đại dương mênh mông xung quanh vùng bờ biển phía Đông và phía Nam. Chỉ trong thế kỷ XX, những vấn đề này mới thực sự bắt đầu hiện diện trước các nhà lãnh đạo Trung Quốc, và chỉ trong thời đại sau khi Mao đã chết, Trung Quốc mới bắt đầu tiếp cận với chiến lược hải quân.

TRUNG QUỐC VÀ THẾ GIỚI TRONG THẾ KỶ XXI: NỐI CÁC ĐIỂM LẠI VỚI NHAU

Những phần bên trên đã trình bày bối cảnh quan trọng nhằm giúp tìm hiểu các nhà lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quan niệm như thế nào về vai trò của quốc gia mà họ lãnh đạo trong thế giới, thế kỷ XXI. Lịch sử có vai trò quan trọng đối với họ. Ký ức về sự nhục nhã do những tên thực dân và xâm lược gây ra vẫn còn rất mạnh, tạo ra khía cạnh cảm xúc cao trong chính sách đối ngoại, thái độ mà Christopher Coker gọi là “phẫn nộ”. Đó là chính sách đối ngoại hỗn hợp giữa ký ức cay đắng vì những thất bại và nhục nhã trong quá khứ và mong muốn, một lần nữa, trở thành quốc gia hùng mạnh, đầy quyền lực, cùng với các thành tố của tư duy chiến lược dài hạn. Ngắn gọn nhất: Đấy là một sự lai ghép, kết hợp giữa bí mật, phẫn nộ, thực tiễn và nghiêm túc.

Ý tưởng cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc có tầm nhìn chiến lược, dài hạn cho đất nước mình, một chiến lược rõ ràng đối với họ, nhưng họ lại tìm cách che đậy và che giấu diếm, là chủ đề thường xuyên của những lời bình luận về thái độ của Trung Quốc đối với và vai trò của nước này trong phần còn lại của thế giới. Trong giai đoạn từ năm 1978, tuyên bố nổi tiếng nhất được cho là của Đặng Tiểu Bình – được cho là, vì rất khó theo dõi thời gian và thời điểm chính xác khi ông ta sử dụng cụm từ “tao guang yan hui” (thao quang dưỡng hối – che giấu ánh sáng, nuôi dưỡng bóng tối - giấu mình chờ thời). Không có gì ngạc nhiên hết. Cụm từ này là một trong số hàng ngàn “chengyu” (thành ngữ), thường gồm bốn từ, tương tự như tục ngữ (proverbs) trong tiếng Anh. Câu này có nghĩa là “che dấu ánh sáng của mình”. Nhưng, tương tự như câu “mèo đen hay mèo trắng không quan trọng miễn là nó bắt được chuột” mà Đặng [Tiểu Bình] tuyên bố cũng có lịch sử lâu dài trước khi người ta cho rằng ông ta đem ra áp dụng. Theo một công trình nghiên cứu của Trung Quốc, Đặng [Tiểu Bình] đã triển khai tư tưởng này sau giai đoạn bạo loạn, năm 1989, khi ông hối thúc cán bộ bình tĩnh và xem xét mọi sự kiện một cách lạnh lùng. Muốn ổn định, ông ta tuyên bố sau ra lệnh cho quân đội tiến vào Quảng trường Thiên An Môn trong năm đó: “chúng ta cần bình tĩnh, bình tĩnh và bình tĩnh”. Năm sau, ông phát triển thành sắc lệnh (ở Trung Quốc người ta gọi là “Chiến lược 24 –chữ” - số chữ Hán trong chiến lược này): “Lặng lẽ quan sát; giữ vững trận địa; bình tĩnh ứng phó; giấu mình chờ thời; giỏi về phòng thủ; quyết không đi đầu”. Chiến lược này thể hiện một loạt quan điểm mà Trung Quốc giữ từ thời Mao – ước muốn chống quyền bá chủ trong các vấn đề quốc tế và tuân thủ Năm nguyên tắc chung sống hòa bình – nhưng, cũng đồng thời thừa nhận rằng Trung Quốc có những khát vọng mà họ muốn hoàn thành, ngay cả khi không khẳng định một cách hung hăng, và ngăn chặn các đối thủ trên trường quốc tế, ví du, Mĩ, không để cho đối thủ cản trở các kế hoạch của mình.

Sắc lệnh nói trên, tương tự như những bài phát biểu rất chung chung, là đề tài của cuộc tranh luận gay gắt, cả bên trong lẫn bên ngoài Trung Quốc. Đối với nhiều người, nó đưa ra phương pháp độc đáo nhằm giúp Trung Quốc tránh được những vấn đề mà Liên Xô đã gặp phải trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh - bị lôi cuốn vào cuộc chạy đua vũ trang với Mĩ làm suy yếu về mặt kinh tế, tiêu tốn những nguồn lực khổng lồ cho vũ khí mà đáng lẽ phải dùng để nâng cao phúc lợi cho nhân dân, và cuối cùng, sụp đổ vì không được dân chúng ủng hộ. Vai trò mà Đặng [Tiểu Bình] đặt ra cho Trung Quốc là hợp tác, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, và là người bảo vệ sự ổn định và hiện trạng, nhưng sắc lệnh này cũng ngụ ý đạt được một cái gì đó cao hơn thế - tư tưởng về chờ đợi và nhắm đến mục tiêu to lớn hơn. Nó làm cho các nhà quan sát bất an. Tầm nhìn của Trung Quốc về vai trò của mình sẽ như thế nào, nếu nước này đạt được quyền lực, của cải và ảnh hưởng? Ngôn từ mang tính trấn an của nó về việc không nhắm đến vị trí bá quyền có thể được coi là chân thành hay không?

Sự kiện này cùng với tư tưởng cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc theo đuổi những mục tiêu và tầm nhìn dài hạn, được thể hiện bằng các tư tưởng và văn chương của các nhà tư tưởng cổ đại như Tôn Tử, tác giả của chuyên luận lớn cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, nhan đề Binh Pháp Tôn Tử. Một trong những câu nổi tiếng nhất trong tác phẩm được nhiều người trích dẫn và ngưỡng mộ là: “Không cần đánh mà làm kẻ địch khuất phục mới gọi là sáng suốt nhất trong sự sáng suốt”. Bản chất của trí thông minh ở tầm chiến lược chỉ đơn giản là đánh lừa, lập mưu và những thủ đoạn thông minh làm cho đối thủ liên tục dự đoán sai và mắc mưu trong suốt quá trình: “Vi diệu, vi diệu đến mức vô hình. Thần kỳ, thần kỳ đến mức vô thanh”. Do đó, bạn có thể trở thành người quyết định số phận của đối thủ. Dối trá và che giấu, gần như những tư tưởng của Machiavelli (một ngàn năm trước Machiavelli), được nhắc lại trong tác phẩm của Hàn Phi Tử, một người theo phái Pháp gia. Trước Kitô giáo bốn thế kỉ, ông này đã khuyên các nhà lãnh đạo phải thật kín đáo và không ai có thể hiểu được mình, không bao giờ để người khác thấy - cả bên trong lẫn bên ngoài nhóm quyền lực – mình sắp làm gì: “Đừng cho người ta thấy sức mạnh của mình”, Hàn Phi viết; “như tờ giấy trắng và không hành động. Việc tuy ở bốn phương song then chốt ở tại trung ương”. 

Đối với những người hoạt động ngoại giao như Henry Kissinger, tư duy chiến lược của Trung Quốc về công tác đối ngoại bị chi phối bởi ước muốn kiểm soát các vấn đề cụ thể, quan trọng với họ, sử dụng bất cứ đòn bẩy nào mà họ có thể sử dụng, loại bỏ những khu vực không chắc chắn và hoàn toàn thực dụng, bằng cách dùng những biện pháp làm đối phương rối trí, hoang mang và lật ngược những kỳ vọng của những người tham gia cuộc chơi. Kissinger so sánh trò chơi này với môn cờ vây, trong đó chiến đấu không phải để kiểm soát và thống trị trên các tuyến như cờ vua quốc tế, mà nhằm thu hẹp không gian với việc sử dụng các quân cờ được đi theo chiến lược. Đối với Alastair Iain Johnston ở Đại học Harvard, hành vi của Trung Quốc trong Cách mạng Văn hóa đã thể hiện mạnh mẽ các nguyên tắc chiến lược - nhận thức được mình cần cái gì, có kế hoạch ngoại giao để đạt mục tiêu và ý thức mạnh mẽ về cam kết chính trị được sự đoàn kết giữa các nhà lãnh đạo ủng hộ. Theo đuổi những nguyên tắc chiến lược dài hạn là hiện tượng làm mê hoặc các nhà quan sát ngoại quốc. Ví dụ, trong công trình nghiên cứu chiến lược đồ sộ của mình, nhà chính trị học Lawrence Freedman đã dành một phần khá lớn cho các nguyên tắc của Trung Quốc, bắt nguồn từ thời Tôn Tử và những cách thức thể hiện tư duy chiến lược của các chính trị gia Trung Quốc cho đến ngày nay. Đối với ông này, quan trọng nhất là nhận thức rõ quan hệ giữa chiến thuật và chiến lược; hai cái này cần hoạt động cùng nhau. Trong khi trích dẫn Tôn Tử, Freedman viết: “Có chiến lược mà không có chiến thuật là con đường chậm nhất tới chiến thắng. Chỉ có chiến thuật mà không có chiến lược thì chỉ là vụ ồn ào trước khi thất bại mà thôi”.

TRỖI DẬY HÒA BÌNH

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy tư duy về chính sách đối ngoại của Trung Quốc đã và vẫn là vấn đề thường xuyên được đem ra thào luận, có lẽ đấy là vì quá trình ra quyết định ở Trung Quốc, nhiều cuộc tham vấn và ý kiến cho chúng ta biết như thế. Theo mô tả của Tập Cận Bình, Đảng Cộng sản Trung Quốc, trên hết, là tổ chức mang tính chiến lược, chuyên làm công việc đánh giá, một tổ chức đánh giá rủi ro và củng cố các tư tưởng và trí tuệ thực tiễn mà Trung Quốc đã tích lũy từ cuộc thí nghiệm cộng sản vĩ đại khởi đầu vào năm 1949. Đấy gần như một cộng đồng tri thức. Hầu như có gì ngạc nhiên, trong những thập kỷ đầu tiên, Đảng đã để xảy ra những sai lầm lớn về việc ban hàng và việc thực hiện chính sách, và hiện đang tìm cách giải thích và chứng minh rằng ít nhất những chính sách đó cũng làm được một số việc. Trong thế kỷ XXI, như một lực lượng trưởng thành, Đảng đã và đang suy nghĩ và học hỏi từ những lỗi lầm mà họ đã mắc phải. Điều đó mang lại cho Đảng tính chính danh đã được củng cố, chứ không phải như một số người có thể tưởng tượng, là xói mòn nó.

Phương Tây cũng nghĩ như thế. Tất cả chúng ta đều có thể rơi vào bẫy khi tin rằng (ít nhất là từ thời Đặng Tiều Bình trở đi) Trung Quốc đã và đang theo đuổi “tầm nhìn chiến lược to lớn”. Hơn nữa, tư tưởng này tiếp tục thịnh hành, vì khác với các chế độ dân chủ đa đảng, những chao đảo thất thường của các chu kỳ bầu cử ngắn hạn không ảnh hưởng tới các nhà lãnh đạo Trung Quốc và do đó, họ có thể theo đuổi chính sách đối nội và đối ngoại dài hạn mà các nước dân chủ không thể nào làm được. Cùng với nó là “nhận thức” cho rằng các chính trị gia và các nhà lãnh đạo Trung Quốc là những người thâm hiểm và cố gắng che dấu ý định của mình. Hai cái này kết hợp với nhau có nghĩa là cố gắng xác định kế hoạch lớn của Trung Quốc là cái gì đó giống như tài sản quý giá của triết gia chuyên nghiên cứu về quan hệ quốc tế hiện đại. Mô tả một cách tốt nhất dự định ngoại giao mang tầm chiến lược dài hạn thực sự của Trung Quốc chính là chỉ ra được một trong những vấn đề phức tạp nhất, nhưng cũng quan trọng nhất trong môn địa chính trị hiện nay.

Tài sản quý giá này bao gồm một loạt những câu hỏi đơn giản: Trung Quốc đang tìm kiếm kiểu bá quyền của riêng mình hay nước này thực sự là một cường quốc có thái độ hợp tác và muốn giữ nguyên hiện trạng? Trung Quốc là nước tuân thủ quy tắc hay vi phạm luật lệ? Nước này đang cố gắng xây dựng ảnh hưởng kinh tế để, và cuối cùng, có thể áp đặt trật tự trên toàn thế giới, cải tạo thế giới theo tưởng tượng của chính mình và một ngày nào đó thay thế Mĩ để trở thành số một trên thế giới – cuối cùng là “cưỡi” lên đầu các làn sóng, và áp đặt “mô hình Trung Quốc” cho toàn thế giới?

Trong thập kỷ vừa qua, việc tìm câu trả lời cho những câu hỏi này càng trở thành nhu cầu cấp bách hơn. Hiện nay Trung Quốc là nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết, họ biết rằng những dự định trên trường quốc tế của mình có tầm quan trọng hơn hẳn so với khi còn là một cường quốc khiêm tốn hơn. Từ năm 2001, nền kinh tế của Trung Quốc đã tăng bốn lần, và trong khi các nước khác trên thế giới suy yếu vì cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, thì Trung Quốc đã tiến lên gần như nhanh đến mức người ta không thể thấy được. Chắc chắn nó phải chuyển thành một cái gì đó chứ không chỉ đơn giản là những chuyến hàng hóa? Chắc chắn là người ta phải có chiến lược chính trị và ngoại giao đằng sau tất cả những chuyện này?

Dưới thời Hồ Cẩm Đào, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kiên trì tư tưởng chung sống hòa bình và hợp tác “hai bên cùng có lợi”. Họ quan tâm trước hết đến việc làm sao chứng tỏ cho mọi người thấy rằng họ đã thành viên biết điều của cộng đồng thế giới. Năm 2005, Zheng bijian, người phát ngôn gần gũi với ban lãnh đạo Trung Quốc, tuyên bố trong một bài báo được đăng trên tờ tạp chí Foreign Affairs có ảnh hưởng của Mĩ: 

Mặc dù nhiều người lo ngại ảnh hưởng kinh tế và vị trí chính trị của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng, Bắc Kinh tiếp tục cam kết với “trỗi dậy hòa bình”: Xóa đói giảm nghèo cho nhân dân bằng cách nắm bắt quá trình toàn cầu hóa kinh tế và cải thiện quan hệ với các nước khác trên thế giới. Khi nổi lên như một cường quốc, Trung Quốc biết rằng quá trình phát triển liên tục của mình phụ thuộc vào hòa bình thế giới – nền hòa bình mà quá trình phát triển của nó sẽ củng cố thêm.


Đúng là từ năm 1979, Trung Quốc không dính líu vào bất kỳ cuộc xung đột quốc tế nào, nếu không kể những va chạm nhỏ. Nước này - như chuyên gia người Mĩ về các vấn đề đối ngoại của Trung Quốc, Bates Gill, đã chỉ ra trong một công trình nghiên cứu – đã đóng góp cho nhiều sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Nước này cũng tham gia khá nhiều diễn đàn quốc tế mà họ có thể tham gia. Đối với chuyên gia phân tích Susan Shirk, một nhà khoa bảng và cựu Phó Trợ lý Ngoại trưởng dưới thời Bill Clinton, thì nước này là một thực thể dễ đổ vỡ, không có sức mạnh, huênh hoang, chú tâm vào vào việc lợi dụng môi trường quốc tế lành mạnh nhằm thiết lập sự ổn định và sức mạnh ở trong nước. Ưu tiên của các nhà lãnh đạo sau thời Đặng [Tiểu Bình] là đảm bảo đất nước giàu mạnh và thành công, và như thế có nghĩa là tập trung vào kinh tế. Từ năm 1978 trở đi, tất cả các nhà lãnh đạo cao cấp đều đã tuyên bố một cách nhất quán rằng ưu tiên số một của họ là kinh tế. Ngay cả Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) cũng nói như thế, quân đội cộng tác với Đảng Cộng sản để đảm bảo rằng đất nước phát triển, nhân dân ngày càng giàu hơn, và đất nước hùng cường.

Chiến lược này đã rất thành công. Trung Quốc đã tăng GDP bình quân đầu người từ 300 USD, năm 1978 lên hơn 10.000 USD vào năm 2016. Nước này có nhiều tỷ phú hơn Mĩ, và giai cấp trung lưu từ khoảng 300 triệu đến 500 triệu người. Nhà nước độc Đảng phải giữ cho nhóm người nhiều khát vọng, nhiều đòi hỏi này hạnh phúc, và do đó, họ chỉ quan tâm đến thế giới bên ngoài ở những khía cạnh có thể giúp họ thực hiện được nhiệm vụ của mình. Nhưng thỉnh thoảng lại xuất hiện một câu chuyện khác - tư tưởng về “sứ mệnh lịch sử”, (như Hồ Cẩm Đào, lãnh đạo từ năm 2002 đến 2012, nói) – một lần nữa trở thành cường quốc hùng mạnh. Trong bối cảnh như thế, những nỗ lực mà Trung Quốc đã làm nhằm xem xét những sai lầm mà người khác đã mắc phải là rất có ý nghĩa. Ví dụ, vào năm 2008, đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) chiếu bộ phim dài 12 tập, nói về sự sụp đổ và trỗi dậy của các cường quốc từ Đế chế La Mã trở đi. Tại sao người ta lại chú ý nhiều đến sự kiện này, và đặc biệt là đối với những vụ chuyển đổi mà không có xung đột? Lời của Tôn Tử dường thể hiện rõ ở đây: Chiến thắng mà không cần chiến đấu, giành chiến thắng trước khi nổ súng. Đây có phải là thái độ thực sự của các nhà lãnh đạo Trung Quốc? Và đây có phải là cái làm người ta lo lắng trước tư tưởng “trỗi dậy hòa bình”? Có phải nó ám chỉ tham vọng lớn hơn và cuối cùng giành vị trí cao nhất? Không có gì ngạc nhiên là các nhà phân tích Mĩ bắt đầu tìm được nhiều bằng chứng về sự quyết đoán, lá mặt lá trái và tham vọng của Trung Quốc được che giấu bằng thái độ thân thiện và khiêm tốn và kín đáo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét