Ngọc Diệp (giới thiệu)
Tính tới giờ, việc Trung Quốc tiến hành quân sự hóa một số đảo nhân tạo trên Biển Đông được cho là động thái ở mức cao nhất của nước này đối với các vấn đề ở khu vực. Thực chất hành động cũng như mục đích đằng sau của Trung Quốc đe dọa tới không chỉ các nước trong khu vực mà còn tới cả nước lớn như Mỹ.
Những hòn đảo nhân tạo đang ngày càng trở nên rắc rối hơn so với giá trị thực của chúng.
Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) vào ngày 2/8/2019. Thỏa thuận kiểm soát vũ khí trong kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh này nghiêm cấm các tên lửa mặt đất có tầm phóng từ 500-5.500 km, và ngày 3/8/2019, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã nói với các phóng viên rằng ông muốn tấn công kho tên lửa khổng lồ của Trung Quốc càng sớm càng tốt. Trung Quốc đã phản ứng một cách đầy giận dữ.
Điều trớ trêu là mối đe dọa này xuất hiện như điểm bùng nổ đáng chú ý nhất giữa hai nước. Việc Trung Quốc quân sự hóa trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông dường như đã lên đến đỉnh điểm. Điều này một phần là vì tính hữu dụng có hạn của các căn cứ này trong các cuộc xung đột trong tương lai, nhưng lý do chủ chốt là phản ứng dữ dội và hành động đối trọng với các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc từ Mỹ và các nước khác, đe dọa đến tính hữu dụng của các hòn đảo này như một tín hiệu chính trị trong nước, điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể đánh giá cao hơn nhiều so với tiềm lực quân sự thực tế của chúng.
Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã mở rộng thêm khoảng 12.000 km2 trên khắp 7 cấu trúc địa hình với hàng loạt thiết bị cảm biến tầm xa, cơ sở hạ tầng cảng biển, đường băng, và các kho nhiên liệu và vũ khí kiên cố hiện nằm rải rác. Đó là một dấu ấn quân sự to lớn, bất chấp cam kết trên danh nghĩa của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2015 là không quân sự hóa các đảo và tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc rằng các cơ sở hạ tầng phòng thủ cần thiết này được cung cấp chủ yếu để đảm bảo an toàn hàng hải và cứu trợ thiên tai.
Bất chấp quy mô của các hòn đảo, những tuyên bố chủ quyền mang tính cực đoan của Trung Quốc trong khu vực và hành vi ép buộc có tính hung hăng của họ đối với các quốc gia có yêu sách khác, căng thẳng giữa các động lực chính trị và quân sự của Trung Quốc cho thấy họ hầu như không đạt được thêm thành quả gì từ việc mở rộng hoạt động tăng cường quân sự trên quần đảo Trường Sa và thậm chí họ còn mất mát một chút. Việc quân sự hóa công khai không giúp Trung Quốc kiểm soát Biển Đông trong thời bình và có lẽ không mang tính quyết định trong thời chiến. Điều này cũng khuyến khích sự hiện diện quân sự nhiều hơn và công khai hơn của Mỹ. Đồng thời nó cũng làm giảm bớt cơ hội để Trung Quốc sử dụng biện pháp ngoại giao và xuống thang trong một cuộc khủng hoảng. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng khả năng xảy ra một số cuộc đụng độ mà sẽ có nguy cơ làm xói mòn hơn nữa tính hợp pháp của ĐCSTQ.
Mỹ có thể thúc đẩy các động lực này theo hướng có lợi cho mình khi họ tranh luận về cách thức thực thi Chiến lược Quốc phòng của Lầu Năm Góc, nhưng nếu họ quá mạnh tay, ĐCSTQ có thể cảm thấy cần phải tăng cường quân sự hóa để duy trì tính hợp pháp của mình.
Trung Quốc thường cho các tàu dân quân hàng hải bán quân sự của mình hoạt động bên ngoài các căn cứ trên quần đảo Trường Sa, duy trì chiến dịch quấy rối và ép buộc mạnh mẽ chống lại các nước ven biển bằng những tuyên bố cạnh tranh và vi phạm các điều khoản trong Công ước Liên hợp quốc về Luật biển và phán quyết của Tòa trọng tài thường trực năm 2016, vốn bác bỏ hầu hết các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Nhưng so với hoạt động ngày càng mở rộng của Trung Quốc trong vùng chưa phân định trắng đen, sự hiện diện quân sự trên các căn cứ của họ tại quần đảo Trường Sa lại mờ nhạt hơn. Đầu năm 2016, cơ quan tình báo Mỹ nhận định rằng Trung Quốc có khả năng triển khai lực lượng đáng kể đến các căn cứ này vào cuối năm đó. 3 năm sau nhận định này, Trung Quốc vẫn chưa triển khai máy bay chiến đấu hay các loại vũ khí tầm xa khác mà có thể tấn công các mục tiêu trên đất liền tới Trường Sa, cho dù quần đảo không chỉ có khả năng chứa những vũ khí đó.
Một lời giải thích là môi trường của khu vực này không thuận lợi đối với hầu hết các hệ thống quân sự tiên tiến nhất của Trung Quốc. Năm 2017, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về các biện pháp đặc biệt được yêu cầu để bảo vệ hoạt động triển khai các máy bay chiến đấu J-11 đến quần đảo Trường Sa trong thời gian ngắn (không nằm trong cam kết năm 2015 của Tập Cận Bình) trước tác động của sức nóng và độ ẩm của quần đảo này. Những báo cáo gần đây hơn cho biết các vấn đề về môi trường của Trung Quốc ở quần đảo Trường Sa thậm chí còn nghiêm trọng hơn, do sức nóng và độ ẩm khiến các cấu trúc vỡ vụn, thiết bị máy móc bị hư hỏng và một số hệ thống vũ khí thậm chí còn bị phá hủy. Điều này đứng đầu trong số những mối quan ngại dai dẳng về khả năng chống chịu của các hòn đảo nhân tạo trước thời tiết khắc nghiệt ở Thái Bình Dương – và thành tích tồi tệ về khả năng bảo dưỡng trang thiết bị và cơ sở hạ tầng nói chung trong Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA), nơi tình trạng tham nhũng tràn lan.
Các phương tiện trong thời bình nhưng lại là trở ngại trong thời chiến
Trong thời bình, các hòn đảo này có vai trò hữu ích trong việc giám sát hoạt động trên không và trên biển của các nước đối thủ và như một căn cứ phục vụ các hoạt động bảo vệ bờ biển và dân quân trên biển. Nhưng việc công khai gia tăng khả năng quân sự trên các hòn đảo này không làm gia tăng quyền kiểm soát dân sự thực tế của Trung Quốc đối với các vùng biển có nhiều ngư dân và tàu thực thi pháp luật của đối thủ hoạt động, cũng không ngăn chặn được sự hiện diện của tàu chiến và máy bay của Mỹ và các nước khác. Và trong thời chiến, việc tăng cường quân sự hóa như vậy dù thế nào cũng không thể biến thành một lợi thế quyết định đối với Mỹ.
Khoảng cách và sự cô lập của các căn cứ này so với Trung Quốc đại lục khiến chúng rất dễ bị ảnh hưởng, và tính hữu dụng về mặt quân sự của chúng sẽ nhanh chóng giảm bớt khi cuộc xung đột kéo dài. Trong giai đoạn đầu của một cuộc đụng độ, các căn cứ này cung cấp cho PLA các vị trí để triển khai tên lửa và các cuộc không kích phủ đầu cũng như tiếp viện tàu và máy bay. Nhưng quần đảo Trường Sa cách địa điểm tiếp viện gần nhất của nước này - các căn cứ hải quân và không quân của Trung Quốc trên đảo Hải Nam – hơn 500 hải lý. Gần quần đảo này hơn nhiều là Philippines, một đồng minh đôi khi căng thẳng của Mỹ nhưng ngày càng nghi ngại về những ý định của Trung Quốc.
Quần đảo này cũng là mục tiêu cố định, tương đối nhỏ và biệt lập mà không có cái gọi là tài sản dân sự trên đó và hầu như không có khả năng che chắn hay bảo vệ, đặc biệt là trước các loại vũ khí tấn công chính xác tầm xa mới, những cuộc đột kích trên đảo và hoạt động bắt giữ mà quân đội Mỹ đang triển khai. Trong một cuộc xung đột với Mỹ, khi các căn cứ này bị hư hại và xuống cấp do các cuộc không kích và tấn công tên lửa, việc sửa chữa và tiếp viện sẽ trở nên ngày càng tốn kém và đầy thách thức, khiến PLA phải dùng đến lực lượng tàu chiến và không quân yểm hộ mà họ có lẽ mong muốn sử dụng để bảo vệ những nơi khác hơn là các hòn đảo mà tính hữu dụng của chúng đang nhanh chóng giảm sút.
Giá trị chiến lược của các căn cứ của Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa cũng mơ hồ. Các căn cứ này cách eo biển Singapore vốn có vai trò then chốt hơn 800 hải lý và cách các tuyến đường biển thay thế gần nhất, eo biển Sunda và Lombok của Indonesia, hơn 1.600 hải lý. Vị trí trung tâm này của các căn cứ có thể giúp Trung Quốc kiểm soát khu vực phía trong vùng Biển Đông nhưng không kiểm soát được những nút thắt trên biển ở trong và ngoài vùng biển này.
Trong một cuộc xung đột, với sự giúp đỡ từ Mỹ và các đối tác liên minh khác, các nước láng giềng của Trung Quốc xung quanh Biển Đông có thể đóng cửa những nút thắt đó để ngăn chặn các hạm đội hải quân và tàu thương mại của Trung Quốc. Thay vì những giao lộ mang tính sống còn trên biển mà Trung Quốc dựa vào đó để vận chuyển 80% năng lượng nhập khẩu của mình, Trung Quốc có thể thấy mình ở vị trí kiểm soát của một cái hồ thực sự, khi xét tới những trở ngại khác đối với quần đảo này.
Xây dựng các hòn đảo và tính hợp pháp
Những hạn chế về giá trị chiến lược và tác chiến của các căn cứ này đòi hỏi phải có một học thuyết thay thế ủng hộ việc xây dựng chúng: tính hợp pháp trong vai trò cai trị và ưu thế chính trị của ĐCSTQ.
Một nghiên cứu gần đây của Paul Musgrave và Daniel cho rằng các dự án quốc gia hoành tráng với phí tổn lớn hơn cả lợi nhuận chiến lược rõ ràng, như sáng kiến “Vành đai và Con đường”, thường là những nỗ lực nhằm lấy lại tính hợp pháp trong nước hay bảo vệ vị trí của nhà nước Trung Quốc trong hệ thống cấp bậc quốc tế. Thông qua lăng kính này, hàng nghìn mẫu đất được cải tạo và những đường băng, nhà chứa máy bay, nhà kho và trụ sở rộng lớn được xây dựng trên quần đảo Trường Sa không chỉ mang lại giá trị quân sự mà còn có thể cung cấp vốn liếng chính trị mang tính tượng trưng cho chế độ của Trung Quốc.
Việc củng cố ưu thế của ĐCSTQ và vị trí đứng đầu của Trung Quốc trong hệ thống cấp bậc khu vực ở Đông Nam Á có lẽ không phải là lợi ích duy nhất của các căn cứ trên Biển Đông, nhưng dường như lại là lợi ích quan trọng nhất. Ngay cả những ấn phẩm gần đây của ĐCSTQ cũng ủng hộ việc xây dựng đảo như là một cách thể hiện “quyết tâm vững vàng” của nước này trong việc “bảo vệ chủ quyền” của Trung Quốc.
Lợi dụng sự lo lắng của Trung Quốc để hạn chế hoạt động quân sự hóa
Nếu Mỹ rút quân khỏi khu vực để làm dịu bớt những lo lắng của Trung Quốc trước sự hiện diện ngày càng mở rộng của Mỹ ở khu vực này, thì nhiều khả năng Trung Quốc sẽ tận dụng cơ hội trên để củng cố vị thế của mình thay vì hài lòng với những thành quả đã đạt được cho đến nay. Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Biển Đông nhìn chung cũng đã làm tăng độ nhạy cảm của chính quyền Trung Quốc đối với việc kích động những phản ứng quân sự thậm chí còn mạnh mẽ hơn và thúc đẩy sự can dự nhiều hơn về ngoại giao, dù không chắc có hiệu quả hay không, với các nước láng giềng.
Trước lối hành xử của ĐCSTQ, Mỹ nên tránh việc phô trương lực lượng một cách vô cớ, điều sẽ dẫn đến phản ứng leo thang của Trung Quốc. Điều đó cho Mỹ và các đối tác của họ không gian rộng lớn để thực hiện các chính sách quyết đoán đủ sức tin cậy nhằm phòng ngừa các kịch bản xung đột nguy hiểm nhất, đồng thời ngăn cản Trung Quốc tăng cường quân sự quần đảo Trường Sa./.
Steven Stashwick là một nhà văn, nhà nghiên cứu độc lập tại thành phố New York. Các phân tích của ông tập trung vào các vấn đề an ninh và hàng hải Đông Á. Bài viết được đăng trên trang Foreign Policy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét