Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2019

13547 - Sài Gòn xưa: Ngã năm Chuồng Chó



Người Sài Gòn tuổi trung niên trở lên hầu như ai cũng biết Ngã năm Chuồng Chó, một cái tên địa danh truyền miệng có từ thời người Pháp lập nên trung tâm huấn luyện chó cho việc tuần tra và cảnh giới. Trung tâm này toạ lạc tại góc trái đường Võ Di Nguy (sau là Nguyễn Kiệm) sát giao lộ ngã năm gồm đường Quang Trung (lúc xưa là đường làng nhỏ), Nguyễn Oanh (đường dẫn vào trại lính không có dân cư), Phạm Ngũ Lão và đường Nguyễn Văn Nghi (trước là Gia Long) đi đến chợ Gò Vấp.


Sài Gòn xưa: Ngã năm Chuồng Chó
Ngã năm Chuồng Chó nhìn từ không ảnh (góc cuối ảnh) hồi thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflicks)

Tên gọi Ngã năm Chuồng Chó tôi nghe người lớn trong xóm kháo nhau từ hồi còn bé, mãi đến tuổi đôi mươi tôi mới có dịp đặt chân đến nơi này ba bốn lần. Khi đó nơi đây đã hình thành các khu dân cư chen chúc không như những gì mà cha của người bạn đồng nghiệp với tôi kể lại vào thuở gia đình ông đặt chân lên mảnh đất Gò Vấp sinh sống vào thời thập niên năm mươi. Nghề nghiệp của chúng tôi được đi đây đi đó trong cái thành phố rộng lớn này, gặp nhiều cái tên địa danh không sao hiểu được, nghe nhiều câu chuyện của người cố cựu lớn tuổi, âu cũng là điều thú vị.
Khu vực Ngã năm này phát triển rất nhanh vào cuối thập niên bảy mươi. Mới chỉ cách đó chừng hơn mươi năm thôi, một vùng đất còn trống trải hai bên lộ, đa số trồng hoa màu (từ đầu đường Quang Trung) mà đã đông đúc dân cư. Ngay cả cái xã An Phú Ðông mà tụi tôi đi công tác thực hiện bản đồ hiện trạng, ăn dầm nằm dề cả tháng ở nhà dân khi đó vẫn còn là một làng thuần nông nghiệp chuyên trồng đậu phộng. Ăn đậu phộng bảy món mỗi ngày, cuối tuần thằng bạn rủ về nhà chơi, sẵn đập vài trái lựu đạn (hột vịt lộn) bồi bổ. Khi có đồng lương thì ghé tiệm mì, hình như là Chí Phát (đến nay vẫn còn), làm tô mì vịt tiềm thêm thố gà ác hầm thuốc bắc, rồi về nhà uống trà sen, nghe ông già thằng bạn kể chuyện xóm giềng.
Những địa danh bắt đầu từ nhà người bạn trên đường Nguyễn Kiệm lui về là Ngã ba Chú Ía (Hía) nổi danh gái làng chơi một thời, trở ngược là Ngã năm Chuồng Chó, rẽ phải qua Nguyễn Văn Nghi đi thẳng xuống Cầu Hang, trở ra đi tiếp trên đường Quang Trung xuống phía dưới, rẽ trái ra Ngã tư Cầu Cống, rẽ phải đi Xóm Mới và còn nhiều địa danh khác khắp nơi làm Gò Vấp trở nên hấp dẫn đối với tôi, một người thích la cà đây đó. Những nơi này tôi vẫn thường nhắc trong các câu chuyện về Sài Gòn mà tôi từng viết như giữ gìn chút hoài niệm xa xưa. Ngã năm Chuồng Chó tôi cũng từng nhắc đến nhưng hôm nay tôi muốn ghi lại vài chuyện được nghe từ miệng cha của người bạn ngày trước.
Ngã năm Chuồng Chó chẳng qua là nơi đây có một trại huấn luyện chó hình thành vào năm 1945. Khi đó người Pháp sử dụng chó như một phương tiện tuần tra, cảnh giới an ninh thành phố. Có thể gọi chúng là cảnh khuyển thì đúng hơn. Cha người bạn kể rằng, thời gian gia đình ông mới đến đây định cư thì phía bên kia đường Nguyễn Kiệm chỗ trung tâm huấn luyện chó vẫn còn rào dây thép gai chứ không như sau này vào thời Việt Nam Cộng Hòa cho xây tường kín. Chó sủa rân trời, sau hàng rào dây thép là các dãy chuồng chó mái tôn, ban ngày chúng được ra sân huấn luyện đủ trò, đánh hơi, tấn công người, chạy nhảy, lùng sục. Ngồi trên ban công nhà nhìn qua xem rất thích mắt. Bực mình nhất là mỗi khi chúng được nghỉ ngơi về chuồng vào buổi trưa. Luyện tập mệt nhoài, vậy mà khi ở trong chuồng, đám cảnh khuyển lại thi nhau sủa. Có con hăng tiết sủa liên tục làm cha người bạn muốn ngủ trưa mà chẳng được.


Quan sát một buổi huấn luyện chó nghiệp vụ tại Gò Vấp (Ảnh: LIFE)

Do có một dãy chuồng chó, ai ai cũng nhìn thấy từ ngoài đường nên cái tên Ngã năm Chuồng Chó từ đó mà hình thành từ cửa miệng của các anh lơ xe buýt, xe thổ mộ. Thậm chí cái địa danh này còn viết bên hông xe buýt vàng có trạm dừng tại đây đi Cầu Hang. Cái tên Ngã năm Chuồng Chó nghe hay hơn, nghe bình dân hơn nếu nó tự dưng được gọi Ngã năm Trường Chó theo đúng định danh của trường huấn luyện chó. Thật ra, ngày xưa khi chưa có trường huấn luyện cảnh khuyển, nơi đây được gọi là Ngã năm Hàng Ðiệp vì các con đường giao nhau đều có những cây điệp to lớn không biết trồng từ lúc nào. Chỉ biết rằng những hàng điệp này biến mất khi thành phố mở rộng tới Gò Vấp nguyên là một quận nông nghiệp ngoại thành vào thập niên 1950. Nói đến chuyện mất đi những hàng điệp cũng là lẽ tự nhiên khi phát triển đường phố, cũng như Gò Vấp khi xưa nghe nói có nhiều cây vấp, nhưng đến Gò Vấp thì chẳng thấy cây vấp nào còn sót lại. Sẵn tôi bổ sung thêm chuyện địa danh ngã tư ngã năm ở Gò Vấp có nhắc đến ở trên; từ trên đường Quang Trung chạy qua khỏi nhà thờ Hạnh Thông Tây một chút thì có Ngã ba Cây Trâm. Nhưng các bạn đến đây chẳng thấy cây trâm nào cũng đừng thắc mắc.
Sau khi Pháp rút quân về nước, chính quyền lâm thời tiếp quản trại cảnh khuyển này nhưng không còn hoạt động huấn luyện nhiều như trước. Vài năm sau (1964), người Mỹ đưa quân vào Sài Gòn, lập nhiều căn cứ quân sự ngoại vi thành phố cũng như bảo vệ an ninh cho sân bay Tân Sơn Nhất, nhu cầu sử dụng chó trinh sát, phát hiện bom mìn nhiều hơn. Trung tâm huấn luyện chó được nâng lên một quy mô cao hơn, thành lập đội quân khuyển cấp Tiểu đoàn trực thuộc Cục Hậu Cần của Bộ Tổng Tham Mưu. Tiểu đoàn quân khuyển của Mỹ huấn luyện có nhiệm vụ bổ sung chó trinh sát cho các cơ sở quan trọng như sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Biên Hoà, Ðà Nẵng, Tổng kho Long Bình và các đơn vị trinh sát, bảo vệ yếu nhân. Xin nói thêm một chút, ngoài trường huấn luyện quân khuyển ở Gò Vấp, còn một trại nữa ở Cát Lái.


Sài Gòn xưa: Ngã năm Chuồng Chó
Những người lính huấn luyện chó trong một buổi tập gồm nhiều chủ nhân đại diện các quân chủng (Ảnh: LIFE)

Tôi có đọc được một bài viết về đội quân khuyển Việt Nam Cộng Hòa của tác giả Phan Hạnh ghi lại như sau: “Trước khi quân đội Hoa Kỳ bắt đầu tham chiến tại Việt Nam, từ năm 1960 người Mỹ đã ý thức rõ và tiên liệu được rằng các căn cứ Không Quân và các phi trường quân sự sẽ là mục tiêu bị tấn công. Một dự án nghiên cứu và phát triển quân khuyển cho các đơn vị Không Lực Hoa Kỳ tại Việt Nam được đề ra tại một trại huấn luyện chó ở Gò Vấp từng do người Pháp sử dụng trước đó. Tháng Bảy năm 1965, 40 quân khuyển Mỹ đầu tiên được đưa đến bố trí tại 3 phi trường lớn nhất là Sài Gòn, Biên Hòa và Ðà Nẵng. Ðến cuối năm, con số này tăng thêm, nâng tổng số quân khuyển lên 99 con. Qua đến Tháng Chín năm 1966, có hơn 500 quân khuyển Mỹ phục vụ tại 10 căn cứ”.
Trong bài viết, câu chuyện cảm động nhất là chú chó Nemo thuộc giống Shepherd của Ðức đến Sài Gòn vào đầu năm 1966. Vào cuối năm 1966 khi làm nhiệm vụ cùng với binh nhất Không quân Robert Thorneburg tại vòng đai ngoài của phi trường Tân Sơn Nhất gần khu nghĩa địa quân đội. Nemo phát hiện có vấn đề trong ngôi miếu nhỏ chồm lên sủa liên hồi cảnh báo. Hai viên đạn từ trong bóng tối sau ngôi miếu nhỏ, một viên bắn trúng Nemo xuyên từ sát dưới mắt phải trổ ra mõm và một viên khác trúng vai binh nhất Thorneburg. Nhưng con Nemo vẫn còn sức lao vào tấn công hạ gục bốn đặc công núp sau miếu. Nemo được đưa về Mỹ trị thương và nghỉ hưu vĩnh viễn với công trạng anh hùng. Cho đến khi chết vì tuổi tác năm 1973, Nemo được chôn và dựng tượng tại Dog Center thuộc Căn cứ Không quân Lackland ở San Antonio, Texas.
Nhưng câu chuyện được nghe kể lại của cha người bạn tôi thì cảm thương hơn nhiều. Số là những ngày cuối cùng của cuộc chiến 1975, đội quân khuyển của Mỹ huấn luyện tại Ngã năm Chuồng Chó không cùng theo những binh sĩ cuối cùng trở về cố hương. Cha người bạn nghe một bác sĩ thú y làm việc bên trại huấn luyện cho biết, những chú chó tinh khôn bị tiêm thuốc để không trở về mang theo những mầm bệnh lạ của vùng nhiệt đới bị nhiễm ở Việt Nam. Trong trường huấn luyện chỉ còn một ít chó bản địa tồn tại cho đến năm 1994 thì Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ được giải tán.
Ngôi trường huấn luyện chó không còn, rồi liệu cái tên Ngã năm Chuồng Chó sẽ còn chăng khi hiện nay nơi đây xuất hiện thêm một con đường mới mở, đường Trần Thị Nghỉ kết nối từ ngã năm vào đường Phan Văn Trị để điều tiết lưu lượng giao thông lúc nào cũng kẹt xe vào giờ cao điểm. Vùng này đã trở thành Ngã sáu. Ngã sáu gì đây, nói trống trơn chẳng ai biết.
Trang Nguyên
Fort Worth, TX

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét