Ông Phúc trong lần tiếp cận nổi tiếng đến ông Trump tại G20 Osaka, Nhật Bản ngày 28/6/2019. Photo: Chụp từ VTV1.
“Gia đình tôi 4 người, hai con nhỏ đi học, lấy đâu ra 2.540 x 4, tức bằng số tiền hơn 238 triệu đồng/năm?” - một tờ báo chuyên phân tích kinh tế - tài chính ở Việt Nam phóng ra câu hỏi chết người dành cho Tổng cục Thống kê.
Dân Việt bỗng giàu thêm 400 USD/năm (!?)
Và có lẽ cho cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Tại hội nghị Cải thiện năng suất lao động diễn ra vào tháng 8 năm 2019, Tổng cục Thống kê bất ngờ công bố vừa hoàn thành cách tính GDP mới, theo cách tính này GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng đạt 3.000 USD/người/năm.
Công bố trên đã làm cho mỗi đầu dân bỗng giàu lên gần 400 USD và nền kinh tế bỗng nhiên có thêm 40 tỷ USD so với cách tính áp dụng thời gian trước đây (theo cách tính trước, nền kinh tế Việt Nam năm 2018 có quy mô khoảng 5,5 triệu tỉ đồng (hơn 240 tỉ USD), tổng GDP bình quân đầu người là 2.590 USD/người/năm).
Nhưng con số trên cũng khiến khiến nhiều chuyên gia và cả giới đại biểu quốc hội nóng mặt.
Một lần nữa, những chuyên gia phân tích độc lập - như TS Bùi Trinh - phản pháo: “tính thêm khu vực này vào GDP chỉ có lợi ích duy nhất là làm đẹp thành tích tăng trưởng nhưng lại lợi bất cập hại ở chỗ kéo tỉ lệ bội chi và nợ công nhỏ xuống”, và “Nợ công và bội chi phải nhìn nhận ở con số tuyệt đối, nếu hạ "ảo" để đạt thành tích sẽ khiến các nhà làm chính sách và cả người dân quên đi thực tại”.
Còn tác giả của câu hỏi “Gia đình tôi 4 người, hai con nhỏ đi học, lấy đâu ra 2.540 x 4, tức bằng số tiền hơn 238 triệu đồng/năm?” đã làm một cuộc khảo sát nhỏ với 5 người, cùng một câu hỏi “Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?”. Nhưng không một ai nhớ rõ mà phải nhờ Google.
Đáng chú ý là trong số 5 người được hỏi có 3 người là giáo viên, quân nhân, mặc dù được xếp vào hạng ổn định hơn đại đa số nhưng thu nhập chính thức cả năm không thể đạt con số 238 triệu đồng. Họ bắt đầu cãi nhau dữ dội hơn, cho dù tất cả đều biết có những người giàu và siêu giàu ở đâu đó đang “chia đều” gánh cho cả xã hội.
Vài năm nay, Việt Nam góp mặt ngày một nhiều trong danh sách tỷ phú đô la do Forbes bình chọn, khối tài sản của các đại gia được “soi” rất kỹ, thậm chí có người đã tính khối tiền như núi của doanh nhân kia nếu tiêu một tỷ đồng/ngày thì phải mất hàng trăm năm mới hết sạch!
Nghịch lý là ai cũng chỉ nhìn về hào quang đó để võ đoán tăng trưởng kinh tế, xã hội giàu lên, nhưng đằng sau đó, có hàng triệu người phá sản, hàng chục ngàn doanh nghiệp giải thể - đồng nghĩa với việc họ không còn đóng góp đáng kể gì cho GDP.
Thật sự, không mấy ai quan tâm đến khái niệm GDP và GDP/đầu người của đất nước, vì điều đó đối với hầu hết là không quan trọng bằng mâm cơm gia đình. Nhưng mặc nhiên đối với chính quyền, cơ quan hoạch định chính sách - GDP là biểu số hết sức quan trọng.
Và người ta cũng nghi ngờ là Tổng cục Thống kê, theo chỉ đạo của ‘ai đó’, đã tính cả kinh tế ngầm vào GDP để chỉ số này được tốt mã, và cái chỉ số GDP nghiêng nghiêng ngoẹo ngoẹo như thế có lợi cho ai…
“GDP tăng trưởng có cánh”
Khác hẳn với lời ta thán về nguy cơ “nợ công nếu tính đủ thì đã vượt trần” vào cuối năm 2016 và “sụp đổ tài khóa quốc gia” vào đầu năm 2017, đến đầu năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bất thần đổi giọng khi có đến hai lần yêu cầu Tổng cục Thống kê “tính lại GDP”, với lý do “Hàng vạn cái nhà lầu, hàng trăm chiếc ô tô đăng ký mỗi tháng ở TPHCM, Hà Nội mà chả tính được cái gì, bỏ rơi hết. Nếu cộng thêm được 30% nữa thì không phải 5 triệu tỉ đồng; mẫu số lớn lên, quy mô nợ công sẽ giảm xuống, có tiền cho đầu tư phát triển”, và giải thích thêm về tăng trưởng: “GDP đạt trên 5,1 triệu tỉ đồng. Con số này rất quan trọng, từ tổng GDP này làm cho nợ công thời điểm này còn 61,3% GDP, như vậy, so với đầu năm 2016 là chúng ta kịch trần 64,5-64,6% GDP”.
Hai lần yêu cầu trên xảy đến tại hội nghị tổng kết của Bộ Tài chính và tại hội nghị tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho dù bị nhiều dư luận phản ứng và nghi ngờ về “GDP tăng trưởng có cánh” tại kỳ họp quốc hội cuối năm 2017 mà ông Phúc đã phải trần tình là ông “không can thiệp vào việc tính GDP”.
Ngay sau hội nghị trên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm thông báo rằng cơ quan này “sẽ điều chỉnh quy mô GDP trên cơ sở kết quả của Tổng điều tra nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2017, và cơ quan thống kê sẽ trình Thủ tướng phê duyệt để thực hiện đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, nhằm thu thập đầy đủ thông tin của các hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra và ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế nhưng chưa được đo lường và tính toán đầy đủ trong GDPa”.
Nói là làm ngay. Đến đầu năm 2019, sau khi Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát (kinh tế ngầm) được Nguyễn Xuân Phúc ký phê duyệt, Tổng cục Thống kê đã ồn ào tổ chức vài cuộc hội thảo và thông tin cho báo chí về bản nhạc ‘phải đưa kinh tế ngầm vào GDP’ và ‘Nợ công Việt Nam 61,4% GDP, so với các nước khác không là gì!’ - như một cách trả lời rất ‘cố đấm ăn xôi’ trước báo giới của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.
Theo nội dung đề án này, 5 nhóm hoạt động khu vực kinh tế chưa quan sát, gồm: kinh tế ngầm; kinh tế bất hợp pháp; kinh tế phi chính thức; kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong chương trình thu thập dữ liệu thống kê.
Nhưng trong xã hội Việt Nam nhung nhúc ‘tư bản đỏ’ và tràn ngập tham nhũng lẫn chạy chức chạy quyền, bản chất của bài toán ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’ chỉ là làm tăng giá trị mẫu số trong khi tử số không thay đổi mà sẽ khiến giá trị của phân số nhỏ đi đáng kể.
Vận mạng chính trị và đống rác lịch sử
Những năm gần đây, phía chính phủ muốn tăng vay ODA mà do đó khiến tăng nợ công nhưng bị ngưỡng nguy hiểm ‘nợ công không thể vượt quá 65% GDP’ chặn lại, cũng như bị một số đại biểu quốc hội chỉ trích. Nhưng nay chỉ bằng thủ thuật kinh tế - chính trị đơn giản ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’, với nền kinh tế ngầm ấy có thể chiếm ít nhất 10% hoặc thậm chí đến 30 - 40% GDP trong trường hợp Việt Nam, thì khi đó tỷ lệ nợ công/GDP sẽ giảm tương ứng và giảm mạnh, có thể chỉ còn khoảng 50% GDP, trở thành một con số còn bóng lộn hơn cả báo cáo nợ công “chỉ có 55% GDP” thời Nguyễn Tấn Dũng. Một kết quả rất hấp dẫn chỉ nhờ vào việc tính toán những con số trên giấy mà chẳng phải lao tâm khổ tứ thuyết phục quốc hội lẫn ma mị dân chúng.
Một khi kịch bản “tính lại GDP” thành công theo “yêu cầu đặc biệt” của Thủ tướng Phúc, các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước cùng Chính phủ sẽ còn ‘dư địa vay nợ’ và tha hồ vay được ít ra 15% GDP nữa, tương đương khoảng 30 tỷ USD, chẳng hạn “phục vụ dự án trọng điểm sân bay Long Thành và đường bộ cao tốc Bắc Nam”. Hai dự án này lần lượt chiếm vốn đầu tư là 18 tỷ USD và hơn 10 tỷ USD, cộng lại xấp xỉ với “quota” 30 tỷ USD mà Chính phủ có thể vay trực tiếp hoặc bảo lãnh vay nếu thành công trong việc “tính lại GDP”. Cơ hội để các nhóm lợi ích “ăn tàn phá hại” vốn ODA và những nguồn vốn vay khác sẽ lại mở ra không khác gì thời Nguyễn Tấn Dũng.
Một cách tương ứng, ‘đưa kinh tế ngầm vào GDP’ sẽ làm giảm tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP trong lúc số tuyệt đối về bội chi không hề giảm, đồng nghĩa với việc chính phủ và trong đó có phần tiêu xài khổng lồ của khối cơ quan đảng sẽ không còn phải nhìn trước nhìn sau với tỷ lệ bội chi ngân sách 3,6% GDP hay dưới 5% GDP nữa, mà sẽ thoải mái nâng con số tuyệt đối về bội chi.
Hẳn đó là nguồn cơn khiến Tổng cục Thống kê từng muốn đưa cả ‘trà đá, xe ôm, hàng rong’ vào kinh tế ngầm!
Và một khi kịch bản “tính lại GDP” thành công theo “yêu cầu đặc biệt” của Thủ tướng Phúc, không chỉ ông Phúc được cộng điểm thành tích cho vận mạng ‘ngồi trên triệu người’ của ông ta tại đại hội 13 của đảng cầm quyền diễn ra vào năm 2021, mà gần 100 triệu con dân Việt sẽ càng có cơ hội đội thêm gánh nặng nợ nần ngập đầu cho hiện tại và cho rất nhiều đời con cháu mai sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét