Thứ Tư, 4 tháng 9, 2019

13595 - Những “cuộc chia ly màu đỏ” Việt – Trung


Diễn biến chính trị và truyền thông gần đây ở Việt Nam có vẻ như cho thấy xu hướng rõ ràng hơn cho một toan tính “thoát Trung” của nhà cầm quyền Hà Nội. Liệu rằng, đây có phải là sự thay đổi xuất phát từ nhu cầu cấp thiết cho sự tồn vong của thể chế, do áp lực khách quan hay chỉ là một chiêu trò đàng điếm chính trị của Hà Nội bấy lâu nay? Nếu thực sự đây là một khuynh hướng chính trị, ngoại giao mang tính nhất quán trong tương lai gần và dài hạn, thì hệ quả của nó sẽ là gì? Điều này vô cùng quan yếu đối với sự hưng thịnh, suy vong quốc gia.
Trong lịch sử cận đại, những nhà lãnh đạo của CSVN vì những toan tính lợi ích cho phe nhóm và quyền lực của đảng phái, thường tự biến mình thành nạn nhân và đưa cả dân tộc vào vòng binh lửa trên bàn cờ địa chính trị đẫm máu của các siêu cường.
Cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 và cuộc chiến tranh với Khmer Đỏ Cambodia kéo theo hệ lụy bi thảm, dai dẳng là ví dụ rõ ràng nhất. Những người “anh, em” cộng sản mới hôm qua còn thề bồi “mãi mãi keo sơn”, nhưng vì lợi ích và tham vọng quyền lực, có thể ngày hôm sau quay ra giết nhau tàn nhẫn.
Nếu thực sự Hà Nội đang toan tính cho một cuộc chia tay với người bạn “4 Tốt” trong bối cảnh mà xem ra mối duyên nợ đã trở thành nghiệp báo, khi “tuần trăng mật” Việt – Trung đã hết, thì cái giá phải trả cho “cuộc chia ly màu đỏ” lần này là gì? Giải pháp nào cho một cuộc “thoát Trung” êm thấm, ít tổn thương nhất?
Trước khi để có câu trả lời, hãy cùng nhìn lại bức tranh toàn cảnh theo dòng thời gian lịch sử cận đại và hiện tại về mối quan hệ chồng chất ân oán, cừu thù giữa hai đảng cộng sản “anh em”: Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc cộng sản đảng.
Cuộc “chia ly lần thứ nhất” của những người cộng sản Việt Nam – Trung Hoa
Các cuộc chia tay giữa những người “anh em” cộng sản thường diễn ra tồi tệ với kết cục “núi xương, sông máu”. Chắc chắn, đó không phải là những xúc cảm đậm sắc màu “anh hùng cách mạng” của ông Nguyễn Mỹ lãng mạn về một tình cảm lứa đôi thời chiến trong bài thơ có cái tên “Cuộc chia ly màu đỏ” vào năm 1979.
Cuộc chia tay Việt – Trung cũng có màu đỏ, nhưng là máu của hàng trăm ngàn người dân của cả hai bên chiến tuyến đổ xuống vì quyền lực của đảng phái, tham vọng địa chính trị của các hoàng đế Đỏ, dưới những danh xưng tôn nghiêm, đẹp đẽ như bảo vệ tổ quốc, chống chủ nghĩa bá quyền, bảo vệ thành quả cách mạng,…
Như một vòng luẩn quẩn oan nghiệt, sau nỗ lực hy sinh hàng trăm ngàn “nhân dân anh hùng” để “thoát Trung”, những lớp lãnh đạo cộng sản Việt Nam lại quay lại ôm chân Bắc Kinh chặt hơn. Những gì đã diễn ra sau 1979 là một quá trình Hán hóa liên tục, lệ thuộc nhiều hơn, cắt nhượng nhiều hơn lãnh thổ, chủ quyền, tài nguyên cho “mẫu quốc”.
Khi “Anh cả Đỏ” Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, cả nước đã không còn đủ bo bo, gạo mốc để ăn vì đường lối kinh tế sai lầm duy ý chí. Bị cô lập về mọi mặt, Hà Nội cuống cuồng van xin “ơn trên” từ các “đấng Thiên tử phương Bắc”, chấp nhận đánh đổi bằng mọi phẩm giá và chủ quyền quốc gia để cứu vãn quyền lực của đảng phái và sự sụp đổ về kinh tế xã hội. Sự điếm nhục đó của Hà Nội, được biết đến với cái tên “16 chữ vàng, 4 tốt”.
Để tìm hiểu sâu hơn về nguyên cớ “cuộc chia ly lần thứ nhất” của những người cộng sản Trung Quốc – Việt Nam thì phải ngược về thời gian từ thủa đầu tiên của các phong trào cộng sản ở Đông Dương cho đến thời điểm tháng Hai, 1979.
Trung Quốc, cái nôi của phong trào cộng sản Châu Á, đã hỗ trợ cho tất cả các lực lượng cộng sản không chỉ giới hạn ở ba nước Lào, Cambodia và Việt Nam mà cả vùng Đông Nam Á và bán đảo Triều Tiên trong cuộc đối đầu với Phương Tây. Đối với Việt Nam và Triều Tiên, hai quốc gia được coi là “tiền đồn cộng sản” ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á, sự hỗ trợ to lớn không chỉ dừng lại vũ khí, quân trang, hậu cần mà cả lực lượng tham chiến trực tiếp hoặc chuyên gia đào tạo, huấn luyện tại chỗ, chỉ huy tác chiến các chiến dịch quan trọng.
Không hề ngoa khi nói rằng CSVN là con đẻ của Trung Quốc Cộng Sản Đảng. Hồ Chí Minh và những lớp cán bộ “hạt giống đỏ” đầu tiên của vùng Đông Nam Á đều được đào tạo chính trị và quân sự tại Trung Quốc. Họ được nuôi ăn học với chế độ ưu đãi ngay cả khi nhân dân Trung Quốc chết đói. Đó không phải vì tình hữu nghị vô sản mà là cái nhìn xa trông rộng của Mao Trạch Đông.
Những lớp cán bộ đó khi trở về quê hương, tiến hành cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, đã luôn hướng về Trung Quốc như vầng thái dương chói lòa. Họ coi học thuyết cộng sản như thánh kinh và tạc dạ ơn nghĩa Trung Hoa vĩ đại. Đó là điều Mao muốn. Ông ta cần Việt Nam, Triều Tiên như những tên lính tiên phong trong cuộc chiến tranh với Mỹ. Ở phương diện nào đó, Mao Trạch Đông xứng đáng là một thiên tài chính trị – thứ chính trị để triệt hạ, giết chóc và hủy diệt tất cả.
Tuy nhiên, khi cộng sản Bắc Việt xé bỏ Hiệp Định Genève 1954, vượt qua vĩ tuyến 17 (ranh giới mang đậm tính lịch sử, ngầm định sự khống chế của Trung Hoa với Việt Nam), quyết sử dụng võ lực để thống nhất quốc gia, với sự trợ giúp lớn hơn của Liên Xô, Mao Trạch Đông đã nhắc nhở Phạm Văn Đồng “đừng đưa cán chổi đi quá xa”. Ông ta e ngại một Việt Nam thống nhất, với sự hỗ trợ của cộng sản Nga Sô, sẽ trở thành một đối thủ tiềm tàng ở ngay sau lưng mình. Mao thậm chí, đã ủng hộ khả năng có nhiều hơn một Việt Nam (Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Việt Nam Cộng Hòa quốc gia cùng tồn tại).
Viễn kiến của Mao hoàn toàn chính xác. Khi cái “cán chổi” của Hà Nội đã quét xuống Sài Gòn vào tháng Tư, 1975, nó đã quét luôn cả sang Cambodia chỉ ít lâu sau đó. Những người cộng sản Việt Nam bấy giờ thấy “trăng Liên Xô tròn hơn trăng nước Mỹ” và có lẽ cũng to hơn, sáng hơn “trăng Bắc Kinh”.
Một so sánh về viện trợ của Liên Xô và Trung Cộng cho Miền Bắc Việt Nam giai đoạn 1965 – 1971.
Khi nguồn viện trợ của Trung Quốc bị cắt bỏ, Hà Nội đã nhắc lại câu chuyện chủ quyền về Hoàng Sa, tham gia khối COMECON vào tháng Sáu,1978, cho phép Liên Xô thuê cảng chiến lược Cam Ranh vào ngày 16 tháng Tám, ký hiệp ước liên minh và hợp tác với Liên Xô vào tháng Mười Một cùng năm đó.

Một “tiểu bá vương” ở Đông Dương đã hình thành – điều khiến cho Trung Quốc không thể nuốt trôi sự tráo trở của “đứa con hoang đàng” cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Cộng vẫn giữ chính sách “wait and see” bước tiếp theo của Hà Nội là gì, trong khi tính toán và đi những nước cờ lớn hơn trên bàn cờ địa chính trị thế giới.
Nỗ lực không ngừng nghỉ của Đặng Tiểu Bình trong việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ đã thành công. Ngày 15 tháng Mười Một, 1978, Mỹ chính thức công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và ngày 1 tháng Giêng, 1979 chính thức đặt quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.
Cái nhìn cay nghiệt của Hà Nội về cộng đồng Hoa kiều tại Việt Nam cũng như chính sách quốc hữu hóa, đánh tư sản mại bản của Hà Nội sau 1975 hầu như trực diện đánh vào cộng đồng Hoa kiều vốn nắm giữ khá lớn nguồn lực kinh tế của miền Nam Việt Nam.
Đỉnh điểm chính sách phi nhân và ngu dốt này là việc trục xuất 150.000 người Hoa kiều ở miền Bắc Việt Nam về Trung Quốc và ép buộc hơn 1,3 triệu người dân ở miền Nam Việt Nam (trong đó có nhiều người gốc Hoa) phải liều mạng vượt biển để lại tài sản, nhà cửa và phương tiện sản xuất… dẫn đến một cuộc đại khủng hoảng nhân đạo kéo dài nhiều thập kỷ sau đó.
Họ được biết đến với cái tên “thuyền nhân”, khoảng 200.000 người đã bỏ mạng ở Biển Đông vì bão và cướp biển. Đáng chú ý rằng Hà Nội thậm chí đã có một chính sách ngầm định “cấp phép” cho người dân vượt biên bằng đường biển với cái giá 4 ounce vàng/ người lớn và một nửa đối với trẻ em. Số vàng khổng lồ thu được phần lớn vào túi các quan chức địa phương và lực lượng công an, bộ đội. Chỉ khoảng 1/3 là được chuyển về cho trung ương bù đắp các khó khăn kinh tế.
Khi quân đội CSVN tiến chiếm Phnom Penh vào ngày 7 tháng Giêng, 1979, đó là “giọt nước tràn ly cuối cùng”, một lý do chính trị rõ ràng để Đặng “dạy cho CSVN bài học cần thiết”.
Đặng Tiểu Bình, người đồng chí thân thiết của Hồ Chí Minh và cả Saloth Sar – kẻ mà sau đó cả thế giới được biết đến với cái tên Pol Pot, đã phát động cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung 1979 và ủng hộ chế độ tàn ác Khmer Đỏ tiến hành những cuộc tấn công vào Tịnh Biên và nhiều nơi thuộc tỉnh An Giang vào năm 1978. Trước đó, là những cuộc khủng bố man rợ giết hại dân thường Việt Nam và Việt kiều ở Cambodia, ở tỉnh Tây Ninh năm 1977.
Ở thời điểm sau cái chết của Mao, ngoài những rối loạn chính trị mà “bè lũ bốn tên” gây ra, Trung Quốc còn chịu thiệt hại nghiêm trọng vì thiên tai. Trận động đất ở Hồ Bắc tháng Bảy, 1976 đã giết chết gần 700 ngàn người và hơn một triệu người mất nhà cửa khiến cho nền kinh tế suy sụp nghiêm trọng. Dù vậy, điều đó không ngăn cản Đặng đã ủng hộ nhiệt thành Pol Pot và cung cấp tất cả vũ khí, quân nhu và lương thực mà Khmer Đỏ cần.
Mối thâm thù về chủng tộc dai dẳng có nguyên nhân từ lịch sử “Nam tiến” của các chúa Nguyễn đã chiếm đoạt các vùng đất của Kampuchia Krom (tức đồng bằng sông Cứu Long, một thời là Thủy Chân Lạp thuộc về Cambodia) và các hòn đảo như Koh Tral (Phú Quốc), cũng như chính sách hà khắc đối với sắc dân Khmer trong quá khứ, được các lãnh đạo Khmer Đỏ khơi gợi và kêu gọi những cuộc tàn sát người Việt. Thật mỉa mai, khi cộng sản Việt Nam đã đào tạo và hỗ trợ cho phong trào cộng sản ở Cambodia để chính những lực lượng này sau đó đã trở thành con dao găm đâm ngang sườn mình. Điều đó cũng giống hệt với mối quan hệ CSVN – Trung Cộng
Những người “anh em tốt, đồng chí tốt, láng giềng tốt” (Trung Quốc, Liên Xô, Cộng Sản Việt Nam, Cambodia) đều có chung một “ý thức hệ” đáng nôn mửa – Cộng sản chủ nghĩa. Tuy vậy, có một điểm khác biệt về bản chất ở đây, rằng đối với Trung Quốc thì quyền lợi của quốc gia là quan trọng nhất. Cái gọi là “ý thức hệ cộng sản chủ nghĩa” chỉ là phương tiện mà thôi. Mao Trạch Đông từng viết rằng:
Sở dĩ chúng ta nghiên cứu thuyết Các Mác không phải vì luận điệu tốt đẹp của nó, cũng không vì nó chứa đựng một phép thần diệu để trừ quỉ ma. Nó không đẹp, nó cũng không thần diệu. Nó chỉ lợi ích. Có nhiều người cho nó là thần dược trừ bá chứng. Chính những người này đã xem thuyết Các Mác là một giáo lý. Phải nói cho những người này hiểu rằng giáo lý của họ không có ích lợi bằng phân bón. Phân bón còn làm giàu cho ruộng đất, giáo lý không làm được việc đó.
Quả thực, chủ thuyết đó đã mang lại lợi ích to lớn cho Mao, nó trở thành phương tiện tập hợp một xã hội Trung Hoa rách nát thành một lực lượng khổng lồ và cuồng nộ, giúp cho Mao đạp bằng mọi trở lực trên con đường tiến tới quyền lực tối thượng. Song cũng chính nó đã hủy hoại xã hội Trung Quốc tới tận gốc rễ.
Còn đối với những người cộng sản Việt Nam, khi họ đem về chủ thuyết Cộng sản chủ nghĩa cùng với vũ khí và lương thực của Nga Sô và Trung Cộng để tiến hành các cuộc chiến tranh, họ đã đặt hai cái gông cùm nô lệ lên cổ dân tộc mình. Một là nô lệ “ý thức hệ”, hai là nô lệ vì nợ nần chiến phí và cả xương máu của ngoại bang.
Thảm kịch đó chưa bao giờ kết thúc cho đến tận ngày hôm nay vì căn nguyên của nó chưa bao giờ được giải quyết. Và cũng vì lý do đó, mà sau cuộc chiến tàn khốc giữa những người “anh em cộng sản” 1979, “đứa con hoang đàng” Cộng Sản Việt Nam lại quay trở lại với “mẫu quốc” vào năm 1990, với “hội nghị Thành Đô” đầy oan trái.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét