Ảnh minh họa bài viết của Le Figaro.Capture d'ecran Le Figaro.
Báo Le Figaro ngày 16/09/2019 có câu hỏi lớn: Có nên sợ những “siêu tên lửa” của Vladimir Putin? Bởi vì, trong năm 2018, tổng thống Nga, Vladimir Putin thông báo về việc phát triển một loạt tên lửa thế hệ mới, được cho là khó bị phá hủy. Một chiêu đánh lừa hay đó là sự thật?
Giới chuyên gia nghi ngờ về bản chất của chương trình này. Theo họ, dường như đây chỉ là cách nước Nga muốn phô trương thế mạnh của mình trong trường hợp nối lại đối thoại chiến lược với Mỹ, hiện đang ở mức thấp nhất. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu bài viết.
Đâu là bối cảnh chiến lược?
Cơ cấu an ninh được tạo dựng từ thời hậu Chiến Tranh Lạnh giờ bắt đầu trở nên lỗi thời. Việc kiểm soát vũ khí, vốn dĩ dựa trên một chuỗi các thỏa thuận, đang tan rã. Năm 2018, Nga và Mỹ lần lượt rút ra khỏi hiệp ước kiểm soát tên lửa hạt nhân tầm trung (INF), được ký giữa Ronald Reagan và Mikhail Gorbatchev năm 1987. Hiệp ước này quy định đôi bên hủy bỏ việc sử dụng các loại tên lửa thông thường và hạt nhân có tầm bắn từ 500 – 5.000 km. Một cột trụ khác, Hiệp ước New Start, sắp hết hạn vào năm 2021, cũng đang bị đe dọa.
Theo các chuyên gia, tình trạng xuống cấp nghiêm trọng này đi kèm với một dạng thông đồng ngầm giữa hai tác nhân chính, theo đó, kể từ giờ họ rảnh tay theo đuổi các chương trình vũ khí của riêng mình. Ngày 18/08/2019, Hoa Kỳ tiến hành đợt thử tên lửa tầm trung đầu tiên kể từ sau chiến tranh lạnh.
Một nước thứ ba quan trọng cũng bước vào cuộc chơi này, đó là Trung Quốc, vốn sở hữu đến hơn 2.600 tên lửa tầm trung. Một kho vũ khí có thể gây khó khăn cho sự thống trị của Mỹ tại Thái Bình Dương, đồng thời cũng có thể nhắm đến sườn phía đông của Nga.
Tại Matxcơva, các cuộc tranh cãi đang diễn ra giữa một bên là ủng hộ việc kiểm soát vũ khí và bên kia là kêu gọi tái vũ trang. Trong những cuộc tranh luận này, giới công nghiệp quốc phòng Nga và các định chế quân sự ra sức gây áp lực đối với chính quyền. Và từ lâu họ đã tìm được một người lắng nghe họ.
Từ năm 2002, việc Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp ước ABM (chống tên lửa đạn đạo) liên quan đến việc giới hạn hệ thống phòng không, đã là một cú sốc đối với ông Putin. Và sự kiện này đã trở thành một cột mốc. Ông Petr Topychkanov, chuyên gia về giải trừ vũ khí Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế (Sipri) nhấn mạnh: “Khi tổng thống Nga giới thiệu các hệ thống tên lửa mới năm 2018, ông ấy nhấn mạnh đến khả năng vượt qua được hệ thống phòng không của đối phương. Hầu hết các hệ thống này đều có từ thời cuộc khủng hoảng về phòng thủ chống tên lửa giữa Nga và Mỹ”.
Đó là những loại vũ khí nào?
Ngày 01/03/2018, nguyên thủ Nga trong bài phát biểu hàng năm, đã dành một chương dài nói về tình hình phát triển các loại tên lửa mới. Vài ngày trước kỳ bầu cử tổng thống Nga, đây cũng là một thông điệp kép, vừa đối nội, vừa đối ngoại. Trong bài diễn văn này, ông Putin tiết lộ một bộ vũ khí mới tưởng chừng chỉ có trong bộ phim viễn tưởng Star Wars.
Trong số 6 loại vũ khí chiến lược được nhắc đến, có ngư lôi hạt nhân “Poseidon”, có thể bắn đi dưới biển với vận tốc 200km/giờ nhờ vào một thiết bị đẩy hạt nhân được thu nhỏ và mang theo một quả bom nguyên tử có khả năng tạo ra một cơn sóng thần phóng xạ để phá hủy các cơ sở cảng biển và căn cứ hải quân.
Một vũ khí đáng gờm khác của Nga là chiếc tầu lượn siêu âm “Avangard”, có trang bị các đầu đạn thông thường và hạt nhân, có thể được phóng đi từ một tên lửa hành trình. Tiếp đến là “Peresvet” (một nhân vật anh hùng của trận chiến Koulikovo nổi tiếng chống quân Mông Cổ năm 1380), một loại vũ khí laser có khả năng “vô hiệu hóa” các hệ thống điện tử hoàn hảo nhất. Hay như “Kinzhal” (dao găm), tên lửa siêu thanh có độ chính xác cao, có thể đạt tới Mach 10 (nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh) và được phóng đi từ chiến đấu cơ MiG-31K.
Nhưng đáng chú ý nhất là Bourevestnik (một loài chim hải âu nhỏ, có khả năng kháng cự với giông bão), một loại tên lửa hạt nhân cận âm, có lực đẩy bằng hạt nhân giống chiếc “Poseidon”, nhưng có khả năng bay rất thấp, từ 50 – 100 mét, khó có thể phát hiện, có khả năng tránh được các hệ thống chống tên lửa và có tầm bắn hầu như vô hạn.
Với ông Putin, đây là một loại vũ khí “bất khả chiến bại”. Theo giải thích của đại tá Viktor Mourakhovski, tổng biên tập tạp chí Kho Vũ khí của Tổ quốc, “bạn nghĩ là tên lửa sẽ đến từ Nga, nhưng chúng có thể đến từ phía tây sau khi đã bay quanh một vòng Trái Đất”.
Vẫn theo ông Mourakhovski, bộ vũ khí “mới” này chỉ là một trong số hàng chục chương trình được phát triển vào những năm 1980 để đối phó với “Chiến tranh giữa các vì sao” do tổng thống Mỹ Ronald Reagan (1981 – 1989) phát động.
Tuy nhiên, ông Dmitry Stefanovich, chuyên gia Viện Nghiên cứu Hòa bình và chính sách an ninh (IFSH), đại học Hambourg, tại Đức, hoài nghi cho rằng: “Các thông số kỹ thuật của những loại vũ khí này không được công bố, nhưng tôi cho rằng chúng không có một sự đột phá về công nghệ và chiến lược. Đó chẳng qua là vì những thứ vũ khí này khai thác được một cách tốt nhất các khái niệm và khả năng hiện có, được tối ưu hóa nhờ vào những chất liệu mới và khả năng thu nhỏ”.
Khi nào thì những loại tên lửa này có thể đưa vào hoạt động?
Chưa ai biết rõ các loại vũ khí này, mà tên gọi đã được chọn thông qua một cuộc thăm dò trên mạng Internet. Nhiều chuyên gia cho rằng giới công nghiệp và quân sự Nga đã ra sức biến những tên lửa này thành hiện thực để có thể triển khai chúng.
Liệu rằng những hệ thống này một ngày nào đó có sẽ được đưa vào hoạt động hay không? Hay chúng chỉ là một chiến dịch “đầu độc” đánh lừa như đã từng xẩy ra nhiều lần trong lịch sử “trò chơi” chiến lược lớn? Một chuyên gia tiết lộ là tên lửa Avangard dường như sẽ được đưa vào hoạt động và rất có khả năng sẽ được triển khai trong năm 2019, với mục tiêu là có từ 10 – 12 chiếc vào năm 2027.
Chiếc “Sarmat” rất có thể phải được bay thử nghiệm trong năm 2019 (dự trù phải có từ 3-5 chiếc trong giai đoạn 2021 – 2022). Ngư lôi “Poseidon” có thể sẽ được thử, nhưng chiếc tầu mang ngư lôi hiện vẫn đang trong quá trình chế tạo.
Về phần chiếc “Bourevestnik”, Nga tuyên bố chiếc tên lửa có lực đẩy hạt nhân này đã được thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, phía Mỹ lại cho rằng năm vụ thử đã được tiến hành, nhưng tất cả đều thất bại. Vậy phải chăng vụ nổ ngày 08/08/2019 tại bãi thử ở phía bắc nước Nga, làm nhiều người chết và gia tăng nồng độ phóng xạ, có liên quan đến “9M730” (mật mã của Bourevestnik)?
Về điểm này, nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi. Ông Dmitry Stefanovich, cảnh báo: “Các vũ khí này, được thiết kế như là một loại vũ khí trả đũa, có lẽ không nên được sản xuất hàng loạt và thậm chí, nếu có thể, không nên được triển khai.” Chuyên gia Stefanovich không loại trừ khả năng chiếc Bourevestnik một ngày nào đó được đưa vào hoạt động, nhưng ông lưu ý thêm là “chiếc tên lửa này trước hết vẫn sẽ là một sự phô trương công nghệ bởi vì tên lửa này chỉ có tác dụng nếu phải đối mặt với những loại vũ khí kém tinh vi hơn”.
Liệu nước Nga có muốn tái khởi động cuộc chạy đua vũ trang?
Về điểm này, chuyên gia Stefanovich nêu rõ: “Tôi không nói về chạy đua vũ trang trong bối cảnh hiện nay, mà là sự cạnh tranh giữa các nền công nghệ quân sự. Mục tiêu là phải đạt được những lợi thế công nghệ có hạn, chứ không phải là một sự thống trị toàn diện trên chiến trường”.
Còn theo đại tá Viktor Mourakhovski, “cuộc đua chưa bao giờ ngừng cả, chỉ có điều lần này chất thay cho lượng”. Theo giới quan sát, bất chấp việc quân sự hóa chính sách đối ngoại, Nga cũng không có đủ phương tiện để tái khởi động một cuộc đua chiến lược trên diện rộng. Trong số các lý do, chính vấn đề hạn hẹp ngân sách nên Nga mới quan tâm đến việc kiểm soát vũ khí “với điều kiện điều này phục vụ cho lợi ích của Nga”, một chuyên gia về giải trừ vũ khí giải thích.
Trong tình cảnh này, lập trường chính thức của Nga như sau: Xem xét khả năng mở ra các cuộc thương thuyết trong tương lai – nhưng tránh đưa ra đề nghị trước - tỏ thái độ kềm chế về việc triển khai tên lửa chừng nào Hoa Kỳ vẫn tuân thủ luật chơi này. Do vậy, theo đánh giá của đại tá Mourakhovski, “quyết định có đưa những « siêu tên lửa » này vào hoạt động hay không sẽ phụ thuộc vào các cuộc thương lượng với Hoa Kỳ về việc giới hạn các hệ thống phòng chống tên lửa”. Theo ông, những loại vũ khí mới này, chủ yếu giống như là những “ luận điểm để đàm phán”.
Cuối cùng, Le Figaro trích nhận định của ông Igor Delanoe, thuộc Đài Quan sát Pháp – Nga cho rằng: “Nước Nga đúng ra là đang trong một lôgic đối thoại có tính toán với Hoa Kỳ. Vấn đề không chỉ là tái khởi động một cuộc chạy đua vũ trang bằng cách chế tạo hàng triệu chiến xa, mà còn chứng tỏ với Hoa Kỳ rằng Nga có thể tránh né được hệ thống phòng không của Mỹ và mọi nỗ lực của Hoa Kỳ để củng cố hệ thống này chỉ tốn công vô sức mà thôi”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét